GẠN HỎI CÁI TÂM - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

GẠN HỎI CÁI TÂM

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Phật bảo: Lành thay, A Nan! Các ông phải biết: tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, sanh tử nối nhau, đều do không biết Chân Tâm thường trụ, thể tánh tịnh minh (trong sạch sáng suốt), mà lại dùng các vọng tưởng. Các tưởng này chẳng chân thật, thế nên mới có luân chuyển.
GẠN HỎI CÁI TÂM - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

NGUYÊN DO LƯU CHUYỂN VÀ THƯỜNG TRỤ

Phật bảo A Nan, " Ông với ta là anh em cùng một dòng họ, khi mới phát tâm, ở trong pháp này, thấy tướng tốt đẹp gì mà bỏ được ân ái sâu nặng của thế gian ?’’

A Nan bạch Phật : Con thấy ba mươi hai tướng tốt của Như Lai tốt đẹp tuyệt vời, hình thể sáng trong như ngọc lưu ly. Con thường tự suy nghĩ, tướng ấy không thể do ái dục mà sinh ra. Vì sao thế ? Thứ dục thô trược, giao cấu dơ thối, tinh huyết lẫn lộn, chẳng thể sanh ra thân vàng chói trong sạch sáng ngời như vậy, do đó mà con khát ngưỡng xuống tóc theo Phật xuất gia.

Ngài A Nan vì thấy tướng tốt của Phật mà theo Phật xuất gia, cái thấy này đem lại biết bao lợi lạc. Rồi cũng đôi mắt ấy thấy cái đẹp của Ma Đăng Già suýt tiêu hoại cuộc đời mình. Phước hay họa cũng từ cái thấy của đôi mắt mà ra.

Cho nên muốn chữa khỏi bệnh sanh tử phải tìm nguồn cội của cái thấy. Ai đang thấy? Cái gì đang thấy? Cái gì là cái thấy theo duyên nên vô thường? Cái gì là cái thấy không do duyên nên thường trụ? Biết được cái này thì vượt thoát khỏi mọi cái thấy tốt, thấy xấu, thấy đẹp, thấy dơ, thấy thích, thấy ghét… nghĩa là thoát khỏi sanh tử.

Phật bảo: Lành thay, A Nan! Các ông phải biết: tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, sanh tử nối nhau, đều do không biết Chân Tâm thường trụ, thể tánh tịnh minh (trong sạch sáng suốt), mà lại dùng các vọng tưởng. Các tưởng này chẳng chân thật, thế nên mới có luân chuyển.

Chân Tâm tịnh minh thường trụ từ vô thủy đến vô chung. Nghĩa là chúng sanh chúng ta vẫn thường sống trong đó, nhưng lại không nhận biết nó, sống nó, mà lại sống theo các vọng tưởng khi có khi không, khi này khi khác, nên có luân chuyển. Sanh tử luân hồi là do chúng ta tạo ra bằng các tưởng của mình.

Để chấm dứt sanh tử luân hồi, chúng ta phải nhận ra chân tâm mình như đại dương, và các tưởng chỉ là những làn sóng vô hại của nó. Ta là các sóng, đó là sanh tử. Ta là đại dương, đó là chân tâm tịnh minh thường trụ.

Ba pháp Chỉ, Quán, Thiền là để chúng ta khám phá ra đại dương toàn khắp bao đời nay chúng ta vẫn sống trong đó mà không biết.

Nay ông muốn nghiên cứu Giác ngộ vô thượng, phát minh chân tánh thì phải lấy trực tâm trả lời chỗ Ta hỏi. Mười phương Như Lai đồng một con đường ra khỏi sanh tử đều do trực tâm. Tâm và lời ngay thẳng, như thế từ đầu cho đến sau cùng, suốt các địa vị khoảng giữa, một mực không có những tướng quanh co.

Phát minh hoàn toàn chân tánh là Giác ngộ vô thượng. Muốn phát minh chân tánh hay chân tâm thì phải lấy cái tâm hiện có bây giờ đây. Tâm ấy mà thẳng, chánh, từ đầu cho đến sau cùng, không có quanh co lối rẻ, thì tâm thẳng ấy chính là chân tâm. Nghĩa là chúng ta vẫn sống trong chân tâm, trong trực tâm từ đầu đến cuối chỉ một vị, mà vì những quanh co, lối rẻ là những tưởng có không, lấy bỏ mà thành xa cách. Mười phương Như Lai đồng một con đường trực tâm ấy mà ra khỏi sanh tử.

Trực tâm là tâm bây giờ không có một niệm tưởng phân biệt, khi ấy tâm suốt cả không gian và thời gian, suốt cả hư không. Khi đã sống thuần thục với tâm ấy thì niệm tưởng chỉ là vẩn mây giữa trời, chẳng hề hấn gì đến hư không.

A Nan, nay ta hỏi ông: Đương khi phát tâm do ba mươi hai tướng của Như Lai, thì ông lấy cái gì để thấy, cái gì để ưa thích?

Nền tảng của những cái thấy, những ưa thích, những tư tưởng của mỗi người là cái gì? Nền tảng của cuộc đời với mọi hoạt động khác biệt của mỗi chúng ta là cái gì? Tìm ra nguồn cội của chúng là chủ đề của Kinh này, và do đó giải thoát và giác ngộ.

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, sự ưa thích ấy là do dùng cái tâm và con mắt của con. Do mắt thấy tướng tốt của Như Lai, tâm sanh ưa thích, nên con phát tâm nguyện lìa khỏi sanh tử.

Phật bảo A Nan: Như chỗ ông nói, thật do tâm và mắt mà có ưa thích. Nếu không biết tâm và mắt ở đâu thì chẳng thể hàng phục trần lao. Ví như vị quốc vương khi có giặc xâm lăng, muốn phát binh trừ dẹp thì binh ấy phải biết chỗ ở của giặc.

Cái khiến ông bị lưu chuyển là do lỗi ở tâm và mắt. Nay ta hỏi ông, tâm và mắt hiện ở chỗ nào?

Tâm và mắt là cái lưu chuyển, và chính sự lưu chuyển của tâm và mắt tạo thành sanh tử luân hồi lưu chuyển. Nền tảng hay bản tánh của tâm và mắt thì thường trụ, bất động.

Ngay giờ đây, nơi tâm và mắt lưu chuyển mà nhận ra được cái không lưu chuyển thì đây là ‘‘đồng một con đường ra khỏi sanh tử của mười phương Như Lai.’’

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan