GIẢI THÍCH: NHƯ THỊ, NGÃ VĂN, NHẤT THỜI - LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ TẬP I

Nếu người mà trong tâm có đức tin thanh tịnh, thì người ấy có thể vào được Phật pháp. Nếu không có tin thì người ấy không thể vào được Phật pháp. Không có tin thì nói việc ấy không "như vậy", ấy là tướng của bất tin. Người có tin thì nói việc ấy "như vậy". Ví như da Trâu chưa mềm thì không thể gấp xếp, người không có tin cũng vậy; ví như da Trâu đãmềm, có thể tùy...
GIẢI THÍCH: NHƯ THỊ, NGÃ VĂN, NHẤT THỜI - LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ TẬP I

LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ TẬP I
(Mahàprajnàparamitàsatra) - Tác giả: Nàgàrjuna (Bồ Tát Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán: Cưu Ma La Thập - Dịch Việt: Thích Thiện Siêu 
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Ấn hành 1997

Cuốn 1: Duyên Khởi Luận

---*---

GIẢI THÍCH: NHƯ THỊ, NGÃ VĂN, NHẤT THỜI

KINH: Như Thị, Ngã Văn, Nhất Thời

LUẬN: Hỏi: Phật Kinh vì sao bắt đầu bằng lời: "Như vậy" (Như thị?)

Đáp: Phật pháp như biển cả, có tin thì vào được, có trí thì qua được. Nghĩa của chữ "Như vậy" chính là tin.

Nếu người mà trong tâm có đức tin thanh tịnh, thì người ấy có thể vào được Phật pháp. Nếu không có tin thì người ấy không thể vào được Phật pháp. Không có tin thì nói việc ấy không "như vậy", ấy là tướng của bất tin. Người có tin thì nói việc ấy "như vậy". Ví như da Trâu chưa mềm thì không thể gấp xếp, người không có tin cũng vậy; ví như da Trâu đãmềm, có thể tùy chỗ mà dùng mà làm, người có tin cũng vậy.

Lại nữa trong Kinh nói tin là cánh tay. Cũng như người có cánh tay đi vào trong núi báu, tự tại lấy báu, nếu người không có cánh tay thì không lấy được gì. Người có tin cũng như vậy, vào trong núi báu Phật pháp có đủ thứ Vô lậu căn, Vô lậu lực, Thất giác chỉ, Bát chánh đạo, Tứ thiền, Tứ định, tự tại thu lấy. Người không có tin cũng như không có cánh tay. Người không có cánh tay vào trong núi báu không thể thu lấy được gì. Người không có tin cũng vậy, vào trong núi báu Phật pháp không thu lấy được gì. Phật tự nghĩ: "Nếu người có tin, người ấy có thể vào trong biển pháp rộng lớn của Ta, có thể chứng được bốn quả Sa-môn, không uổng công cạo đầu mặc áo Ca-sa. Nếu không tin, thì người ấy không thể vào trong biển pháp của Ta, cũng như cây khô không thể sanh hoa quả. Không chứng được quả Sa-môn, tuy có cạo đầu mặc áo Ca-sa, tụng nhiều thứ kinh, giỏi cấn nạn, khéo giải đáp đi nữa thì ở trong Phật pháp chỉ uổng công chẳng có được gì". Cho nên nghĩa "Như vậy" là bước đầu đi vào Phật pháp, vì là tướng của thiện tin vậy.

Lại nữa, Phật pháp sâu xa, chỉ có Phật mới biết được. Người có tin, tuy chưa làm Phật mà do tin lực có thể vào được Phật pháp, như Phạm-thiên vương khi thỉnh Phật bắt đầu quay bánh xe Chánh pháp, đọc bài kệ thỉnh Phật: 

"Diêm-Phù-đề đã sanh.

Nhiều thứ pháp bất tịnh.

Xin mở cửa cam lồ.

Mà chỉ đường thanh tịnh!"

Phật đáp:

"Pháp ta rất khó hiểu

Dứt được các kiết sử.

Tâm ưa dăm ba cõi.

Kẻ ấy không tỏ được"

Phạm-thiên vương bạch Phật: "Bạch đại đức Thế Tôn! Trong thế giới, tâm trí có thượng, trung, hạ. Kẻ khéo trực tâm nhu nhuyến, dễ được độ thoát, hạng người ấy nếu không được nghe Chánh pháp, họ sẽ rớt lại trong các ác nạn. Ví như hoa sen trong nước, có thứ mới sanh, có thứ già, có thứ chưa lên khỏi mặt nước, nếu không gặp được ánh sáng mặt trời thời không nở được. Phật cũng như ánh sáng mặt trời, vì tâm đại Từ-bi thương xót chúng sanh, nên Phật hãy vì họ mà thuyết pháp". Phật nghĩ: "Phép của chư Phật trong ba đời: Quá khứ, vị lai và hiện tại là đều vì độ chúng sanh mà thuyết pháp. Ta cũng nên như thế". Tư duy như vậy rồi, Phật nhận lời của chư thiên Phạm-thiên vương mà thuyết pháp, dùng kệ đáp:

"Ta nay mở cửa cam lồ vị.

Nếu người có tin hãy vui mừng

Ở trong loài người nói Diệu pháp

Chẳng phải não loạn ai mà thuyết".

Trong bài kệ này, Phật không nói người bố thí được vui mừng, cũng không nói người đa văn, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ được vui mừng, mà chỉ nói người tin (được vui mừng) . Ý Phật: Như vậy pháp của Ta thậm thâm vi diệu bậc nhất, là pháp vô sở đắc, không thể lường, không thể đếm, không thể nghĩ bàn, không động, không tựa; không vướng mắc, không là bậc Nhất thiết trí thì không thể hiểu. Cho nên, trong Phật pháp lấy tin lực làm bước đầu. Do sức tin được vào, không phải do bố thí, trì giới v.v… mà có thể bắt đầu vào được Phật pháp, như kệ nói:

"Người thế gian, tâm động,

Ưa đắm quả phước báo,

Mà không ưa nhận phước,

Cầu có, không cầu diệt,

Trước nghe pháp tà kiến

Tâm đắm mà thâm nhập

Pháp sâu xa của Ta,

Không tin làm sao hiểu!"

Như đại đệ tử của Đề-bà-đạt tên Câu-ca-ly, vì không tin pháp nên đọa trong đường ác. Người ấy không tin, đối với Phật pháp tự đem trí tuệ để mong cầu, không thể được, vì cớ sao? Vì Phật pháp rất sâu vậy. Như Phạm-thiên vương dạy Câu-ca-ly với kệ:

"Muốn lường pháp vô lượng,

Kẻ trí há lường sao?

Muốn lường pháp vô lượng,

Kẻ ấy tự che lấp".

Lại nữa, nghĩa của "Như vậy" là, nếu người có tâm khéo trực tin, người ấy có thể nghe pháp, nếu không có tướng như thế thì không hiểu được, như nói:

"Chăm chú nghe pháp như khát uống.

Nhất tâm đi vào trong ngữ, nghĩa.

Nhảy nhót nghe pháp tâm bi, hỷ,

Người như vậy nên vì họ nói".

Lại nữa, trong nghĩa của "Như vậy" là, bước đầu đi vào Phật pháp, lợi trong đời này, lợi trong đời sau, lợi về Niết-bàn, các điều lợi đều lấy tin làm căn bản và sức mạnh.

Lại nữa, các hàng ngoại đạo xuất gia, tâm cứ nghĩ cho pháp của mình là vinh diệu, thanh tịnh bậc nhất. Những người như thế, tự khen pháp hành của mình mà chê bai pháp của người khác. Thế nên đời này đấu tranh lẫn nhau, đời sau bị đọa địa ngục, thọ đủ thứ khổ vô lượng, như kệ nói:

"Vì ai nhiễm pháp mình,

Chê bai pháp người khác

Tuy là người trì giới,

Không khỏi khổ địa ngục".

Trong Phật pháp đây, vứt bỏ hết thảy ái, hết thảy kiến chấp, hết thảy tâm kiêu mạn, tự ngã; hết thảy đều dứt bỏ, không vướng mắc. Như trong kinh Phiệt Dụ nói: "Các ngươi nên hiểu pháp Ta như là chiếc bè, thì bấy giờ thiện pháp còn nên bỏ huống là bất thiện pháp? Với Bát-nhã Ba-la-mật mà Phật còn không niệm tới, không tựa vào , huống là với pháp khác mà có niệm tới, có tựa vào sao? Vì vậy, nên bước đầu của Phật pháp gọi là "Như vậy". Ý Phật như vầy: Đệ tử của Ta không ái trước vào pháp, không nhiễm trước vào pháp, không bạn đảng với pháp, mà chỉ cầu lìa khổ, được giải thoát, không hý luận vào các pháp tướng", như trong kinh A-bà-đà-kỳ (Arthavargìya sutra), Ma-kiền-đề (Makandika) nói kệ hỏi:

"Với các pháp cố định.

Thì sanh lắm vọng tưởng.

Dứt bỏ hết trong ngoài,

Thì làm sao đắc đạo?"

Phật đáp:

"Chẳng kiến, văn, giác, tri,

Cũng chẳng do trì giới,

Chẳng không phải kiến văn,

Chẳng không do trì giới.

Luận như thế bỏ hết.

Cũng bỏ ngã, ngã sở.

Không thủ các pháp tướng

Như thế mới đắc đạo".

Ma-kiền-đề lại hỏi:

" Nếu không do kiến văn,

Chẳng phải do trì giới.

Chẳng phải không kiến văn,

Chẳng phải không trì giới.

Như tâm tôi quán sát.

Giữ câm lặng, đắc đạo?"

Phật đáp:

"Ông theo nẻo tà kiến,

Ta biết ông dốt đạo,

Ông không thấy vọng tưởng,

Ông bấy giờ tự câm!".

Lại nữa, tự cho pháp ta chơn thật, còn pháp người khác là nói dối, pháp của ta bậc nhất, còn pháp của người khác không thật; đó là gốc của đấu tranh. Nay nghĩa "Như vậy" là dạy người khác không tranh. Nghe những gì người khác nói, người nói thì không lỗi. Vì vậy, các kinh Phật đều mở đầu bằng lời "Như vậy".

Lược nói chữ nghĩa"Như vậy" xong. 

Nay sẽ nói đến nghĩa chữ "Tôi". 

Hỏi: Nếu trong Phật pháp nói hết thảy pháp đều không, hết thảy không có tự ngã, thế tại sao kinh Phật lại bắt đầu bằng lời: "Như vậy tôi nghe"?

Đáp: Đệ tử của Phật tuy hiểu là vô ngã, song tùy theo pháp thế tục mà nói ngã, chẳng phải thật ngã. Ví như lấy tiền vàng mà mua tiền đồng, không ai cười vậy, vì cớ sao? Vì phép bán mua là vậy. Đây nói" "Tôi" cũng như thế, trong pháp vô ngã mà nói ngã, là thuận tùy theo thế tục mà không nên nạn vấn, như trong kinh Thiên Vấn có kệ:

"Có Tỳ-kheo La-hán.

Các lậu đã dứt sạch.

Với thân cuối cùng ấy,

Nói "Tôi đây" được chăng?" 

Phật đáp:

"Có Tỳ-kheo La-hán,

Các lậu đã dứt sạch,

Với thân cuối cùng ấy,

Có thể nói "Tôi đây"".

Trong Thế giới Pháp (Thế giới Tất-đàn) mà nói là ngã, chẳng phải là trong pháp Đệ nhất nghĩa (Đệ nhất nghĩa Tất-đàn). Vì vậy, đối với các pháp không, vô ngã mà nói ngã, không có lỗi.

Lại nữa, ngữ ngôn của thế giới có ba thứ căn bản: Một là tà kiến, hai là kiêu mạn, ba là danh tự. Trong đó hai thứ bất tịnh và một thứ tịnh. Hết thảy người phàm đều có ba thứ gốc ngôn ngữ: Làtà kiến, kiêu mạn và danh tự. Người tu hành thấy đạo thì có hai thứ gốc ngôn ngữ: Là kiêu mạn, danh tự; còn các bậc đã dứt hết lậu hoặc thì chỉ một thứ gốc ngữ ngôn, là danh tự. Trong tâm họ tuy không trái với thật pháp, nhưn g tùy thuận người trong thế giới mà truyền đạt chung gốc ngôn ngữ ấy, để trừ tà kiến cho đời, nên thuận theo thế tục mà không tranh cãi. Vì vậy, cho nên trừ hai gốc ngôn ngữ bất tịnh và theo thế tục mà chỉ chung một thứ ngôn ngữ. Đệ tử Phật tùy theo thế tục mà nói ngã nên không có lỗi.

Lại nữa, nếu người đắm vào tướng vô ngã mà nói đây là thật, ngoài ra đều vọng ngữ, thì với người ấy nên nạn rằng: "Ông nói hết thảy pháp thật tướng là vô ngã, sao còn nói "Như vậy tôi nghe"? Còn nay các đệ tử Phật đối với hết thảy pháp không, vô sở đắc, trong tâm họ không đắm trước, cũng không đắm trước thật tướng của các pháp, huống gì trong vô ngã mà tâm còn đắm trước sao? Vì vậy không nên nạn rằng tại sao đệ tử Phật còn nói "Tôi", như bài kệ trong Trung luận nói:

"Nếu có cái bất không.

Tất phải có cái không.

Bất không còn không có,

Hà huống là có không?

Phàm người thấy bất không.

Mà cũng lại thấy không.

Không thấy: Thấy, không thấy,

Ấy thật là Niết-bàn.

Của bất nhị an ổn.

Phá trừ các tà kiến.

Chỗ chư Phật đi qua,

Ấy là pháp vô ngã".

Lược nói nghĩa chữ "Tôi" xong.

Nay sẽ nói nghĩa chữ "Nghe".

Hỏi: "Nghe" như thế nào? Dùng nhĩ căn? dùng nhĩ thức? hay dùng ý thức nghe? Nếu nhĩ căn nghe, thì nhĩ căn không có giác tri không thể nghe? Nếu nhĩ thức nghe, thì nhĩ thức trong thoáng chốc, không thể phân biệt cũng không thể nghe? Nếu ý thức nghe, thì ý thức cũng không thể nghe, vì cớ sao? Vì trước do năm thức nhận biết năm trần, rồi sau ý thức mới nhận biết, ý thức không thể biết năm trần trong hiện tại mà chỉ nhận biết năm trần trong quá khứ và vị lai. Nếu ý thức nhận biết năm trần trong hiện tại thì người mù cũng có thể thấy sắc và người điếc cũng có thể nghe tiếng, vì sao? Vì ý thức không bị hư?

Đáp: Chẳng phải nhĩ căn nghe tiếng, cũng chẳng phải nhĩ thức, cũng chẳng phải ý thức. Việc nghe tiếng đây là do nhiều nhân duyên hòa hiệp mới nghe được tiếng, không thể bảo một pháp có thể nghe tiếng, vì sao? Vì nhĩ căn không tri giác, không thể nghe tiếng, nhĩ thức là vô sắc, vô đối, vô xứ nên cũng không thể nghe tiếng, còn tiếng thì không có thức tri giác cũng không có căn cũng không thể biết được tiếng. Bấy giờ nhĩ căn không bị hư, tiếng ở chỗ có thể nghe và ý muốn nghe. Căn, trần và ý hòa hợp nên nhĩ thức phát sanh, tùy nhĩ thức liền sanh ý thức; có thể phân biệt các thứ nhân duyên mà được nghe tiếng. Vì thế không nên vấn nạn: "Nghe" như thế nào và ai nghe? Tuy nghe tiếng, mà trong Phật pháp không một pháp năng tác, năng kiến, năng tri, như kệ nói:

"Có nghiệp cũng có quả.

Không kẻ làm nghiệp quả.

Nghĩa ấy sâu bậc nhất,

Pháp này do Phật nói.

Tuy không, chẳng phải đoạn.

Tương tục, cũng chẳng thường.

Tội phước vốn không mất,

Pháp như vậy, Phật nói".

Lược nói nghĩa chữ "Nghe" xong.

Nay sẽ nói về chữ "Một".

Hỏi: Trong Phật pháp không thật có những pháp số lượng, thời gian vì nó không thuộc vào ấm, nhập, giới sao lại nói là "Một" thời?

Đáp: Tùy theo thế tục mà nói có "Một" thời, không có lỗi. Như vẽ trên đất, cây làm thành tượng trời, vì niệm tưởng trời mà lễ bái nên không lỗi. Nói "Một" thời cũng như vậy. Tuy thật không có "Một" thời, mà tùy thế tục nói có "Một" thời nên không lỗi.

Hỏi: Không nên nói không có "Một" thời, như Phật tự nói: "Một người xuất hiện trên thế gian, nhiều người được lợi lạc. Người đó là ai? Chính là Phật Thế Tôn vậy", như kệ nói:

"Ta hành đạo không thấy bảo hộ.

Chí hành đạo một mình không bè bạn.

Tích chứa một hạnh mà thành Phật,

Tự nhiên thấu suốt nẻo Thánh đạo"

Ở nhiều chỗ Phật đã nói Một như thế, vậy tất phải có cái "Một".

Lại nữa, vì có pháp Một hòa hợp, nên vật ấy gọi là Một. Nếu thật không có pháp Một thì cớ sao trong Một vật chỉ Một tâm sanh, không phải hai, không phải ba? Trong hai vật là hai tâm sanh, không phải Một, không phải ba? Trong ba vật là ba tâm sanh, không phải hai, không phải Một? Nếu thật không có các con số thì trong Một vật nên có hai tâm sanh, trong hai vật chỉ nên một tâm sanh. Số ba, bốn, năm, sáu … cũng như thế. Do đó, biết chắc rằng trong Một vật có pháp Một, vì pháp ấy hòa hợp nên trong Một vật chỉ Một tâm sanh?

Đáp: Nếu Một với vật là Một, hay Một với vật làkhác, cả hai đều sai lầm.

Hỏi: Nếu là "Một" thì có sai lầm gì?

Đáp: Nếu Một với cái bình là "Một", như Nhân-đề-lê (Thích-đề-hoà-nhơn - Indra) với Thích-ca (Saka) là Một. Nếu vậy thì ở đâu có Một tức ở đó đều có bình; cũng như ở đâu có Nhân-đề-lê là ở đó có Thích-ca. Nay các vật như áo v.v… đều phải là bình, vì Một với bình là "Một". Như vậy ở đâu có Một ở đó đều là bình. Giống như bình, áo v.v… đều làMột vật, không có phân biệt.

Lại nữa, Một thuộc về "số", bình cũng ưng thuộc về "số". Thể của bình có năm pháp. Bình là vật có sắc chất có đối ngại, vậy Một cũng ưng có sắc chất, có đối ngại. Nếu ở đâu có Một mà không gọi là bình, thì nay không nên cho bình với Một là "Một". Hoặc nói Một không thu nhiếp bình, hoặc nói bình cũng ưng không thu nhiếp một, vì bình với Một không khác. Lại muốn nói Một phải nói bình, muốn nói bình phải nói Một, như thế thì lộn xộn.

Hỏi: "Một" bị sai lầm như vậy, còn trong phương diện khác có lỗi gì?

Đáp: Nếu Một khác với cái bình thì bình chẳng phải là Một, nếu bình khác với một thời Một chẳng phải bình. Nếu bình hợp với Một, mà bình được gọi làm Một, nay Một hợp với bình, sao không gọi Một là bình? Vì vậy không thể gọi bình và Một khác nhau.

Hỏi: Tuy bình hợp với "Một" nên bình là Một (Một cái bình), nhưng số Một không phải là bình, thì sao?

Đáp: Các số bắt đầu bằng số Một, Một với bình là khác nên bình không làm Một. Một không, nên nhiều cũng không, vì sao? Trước Một rồi sau mới nhiều. Như vậy, trong phương diện khác với bình, thì pháp "Một" cũng không thể có riêng được. Vì sao? Vì trong cảhai phương diện tìm pháp "Một" không thể được. Vì không thể được thì làm sao nói có pháp "Một" nhiếp thuộc vào năm ấm, mười tám giới, sáu nhập được?

Nhưng đệ tử Phật tùy theo ngôn ngữ thế tục mà gọi là "Một", mà trong tâm thực không hề chấp trước, trái lại biết các con số chỉ có trên danh tự. Vì thế trong Phật pháp nói đến chữ "Một thời, Một người, Một thày" mà không rơi vào lỗi tà kiến.

Lược nói về "Một" xong.

Nay sẽ nói về "Thời".

Hỏi: Xứ Thiên Trúc có hai thứ tiếng chỉ cho "Thời" là Ca-la (Kà-là) và Tam-ma-gia (Samya). Sao Phật không nói Ca-la mà nói Tam-ma-gia?

Đáp: Nếu nói Ca-la thì có điều gì nghi ngờ? 

Hỏi: Nói cho nhẹ nhàng thì nên nói Ca-la vì Ca-la có hai chữ, Tam-ma-gia có ba chữ nặng lời khó đọc hơn?

Đáp: Vì để trừ tà kiến nên nói Tam-ma-gia không nói Ca-la. Có người nói: "Hết thảy trời đất hay việc tốt xấu đều lấy "Thời" (Ca-la) làm nhân", như trong Thời kinh có bài kệ nói:

"Thời đến, chúng sanh thành thục.

Thời tới thì bị thôi thúc.

Thời, có thể giác ngộ người,

Cho nên chính "Thời" làm nhân.

Thế giới như bánh xe,

Thời biến như xe quay,

Người cũng như bánh xe,

Đi lên hoặc đi xuống".

Hỏi: Lại có người nói: "Trong trời đất hay việc tốt xấu hết thảy mọi vật không phải do "Thời" làm ra, song "Thời" là cái nguyên nhân không thay đổi, là thật hữu. Pháp "Thời" rất vi tế, không thể thấy, không thể biết, do kết quả của hoa trái v.v… mà biết là có "Thời". Năm qua, năm nay, lâu xa, gần, chậm, mau mà thấy các tướng đó, tuy không thấy "Thời" mà biết là có "Thời", vì sao? Vì thấy quả mà biết có nhân". Do đó nên biết có pháp "Thời". Pháp "Thời" không biến hoại, nên thường?

Đáp: Như hòn đất là "Thời" hiện tại, đất bụi là "Thời" quá khứ, cái bình là "Thời" vị lai. Tướng của "Thời" là thường nên "Thời" quá khứ không làm "Thời" vị lai. Kinh sách các ông cho "Thời" là một vật, vì thế "Thời" quá khứ không làm "Thời" vị lai, cũng không làm "Thời" hiện tại; vì như vậy thì lộn xộn. Trong "Thời" quá khứ cũng không có "Thời" vị lai, vì thế nên không có "Thời" vị lai. "Thời" hiện tại cũng như thế.

Hỏi: Ông đã nhận đất bụi là "Thời" quá khứ, nếu có "Thời" quá khứ thì chắc chắn có "Thời" vị lai; vì thế thật có pháp "Thời"?

Đáp: Ngươi không nghe tôi vừa nói, cái bình ở "Thời" vị lai, đất bụi ở "Thời" quá khứ. "Thời" vị lai không làm "Thời" quá khứ, trong tướng "Thời" vị lai là "Thời" vị lai, sao lại gọi là "Thời" quá khứ. Thế nên "Thời" quá khứ cũng không.

Hỏi: Sao lại không có "Thời", chắc chắn phải có "Thời", hiện tại có tướng hiện tại, quá khứ có tướng quá khứ, vị lai có tướng vị lai?

Đáp: Nếu như hết thảy ba "Thời" đều có tướng riêng (tự tướng), như vậy thì hết thảy là "Thời" hiện tại, không có "Thời" quá khứ và "Thời" vị lai. Nếu có vị lai thì đó không gọi là vị lai mà nên gọi là hiện tại (dĩ lai: đã đến); vì thế lời hỏi ấy không đúng.

Hỏi: "Thời" quá khứ, "Thời" vị lai không phải là tướng hiện tại, hiện hành. "Thời" quá khứ có tướng quá khứ hiện hành. "Thời" vị lai có tướng vị lai hiện hành, thế nên mỗi pháp tướng đều có "Thời"?

Đáp: Nếu quá khứ là qua đi, Thời phá mất tướng quá khứ; nếu quá khứ mà không qua đi. Thời không có tướng quá khứ; "Thời" vị lai cũng như thế. Vì thế, pháp thời đã không thật có thì làm sao có thể sanh trời đất, việc tốt xấu và các vật hoa quả, v. v…; vì để trừ các thứ tà kiến như vậy nên không nói thời theo tiếng "Ca-la" mà nói thời theo tiếng "Tam-ma-gia".

Thấy sự sanh diệt của năm ấm, mười tám giới, sáu nhập mà giả danh là "Thời" chứ không có "Thời" riêng (ngoài sự sanh diệt). Như nói các danh tự: Phương, thời, ly, hợp, nhất, dị, trường, đoản v. v… đều là vượt ra ngoài tâm kẻ phàm phu chấp trước cho là pháp thật có; vì thế nên trừ bỏ được pháp ngữ ngôn danh tự của thế giới (thế gian).

Hỏi: Nếu không có "Thời", tại sao lại có học giới cho phép ăn đúng Thời, cấm ăn phi Thời?

Đáp: Trước đây tôi đã nói; theo pháp danh tự thế gian có "Thời", mà không phải thật pháp, ông không nên vấn nạn. Cũng như phép kiết giới ở trong Tỳ-ni chỉ là thật theo thế gian mà không phải là pháp tướng đệ nhất thật. Vì tướng pháp tự ngã không có thật thể, cũng vì chúng nhân mà quở trách, cũng vì muốn hộ trì Phật pháp được tồn tại lâu dài, mà chế định lễ pháp cho đệ tử, cho nên chư Phật thế Tôn kiết giới, ở trong đó không nên tìm xem có gì thật? Có danh tự gì? Cái nào tương ưng? Cái nào không tương ưng? Cái nào là pháp có tướng như vậy? Cái nào là pháp không có tướng như vậy? Vì thế, việc ấy không nên vấn nạn. 

Hỏi: Nếu ăn phi Thời, thuốc phải Thời, y phải Thời, "Thời" ở đây sao không nói là Tam-ma-gia mà nói là Ca-la?

Đáp: Những điều dạy trong Tỳ-ni, hàng cư sĩ áo trắng không được nghe, thì hàng ngoại đạo làm sao được nghe để mà sanh tà kiến (nên không nói Tam-ma-gia mà nói Ca-la)? Còn kinh khác đều được phép nghe, nên trong đây dùng tiếng Tam-ma-gia. Tam-ma-gia là giả danh, khiến người nghe không sanh tà kiến. Lại trong Phật pháp phần nhiều nói Tam-ma-gia mà ít nói Ca-la; vì ít nên không nên cật nạn.

Lược nói nghĩa riêng của năm chữ "Như Thị, Nga, Văn, Nhất, Thời" xong.

(Hết cuốn 1 theo bản Hán)

Bài viết liên quan