GURU - HUNGKAR RINPOCHE – LỜI ĐẠO SƯ: GIÁO HUẤN KHẨU TRUYỀN CỦA HUNGKAR DORJE RINPOCHE

GURU

HUNGKAR RINPOCHE – LỜI ĐẠO SƯ: GIÁO HUẤN KHẨU TRUYỀN CỦA HUNGKAR DORJE RINPOCHE

---o0o---

“Để làm Guru ai đó không phải dễ dàng. Để làm đệ tử ai đó cũng không hề dễ dàng chút nào.” Hỏi: Xin Thầy cho con biết làm sao xác định được vị thầy nào là Căn bản Thượng sư của mình?
GURU - HUNGKAR RINPOCHE – LỜI ĐẠO SƯ: GIÁO HUẤN KHẨU TRUYỀN CỦA HUNGKAR DORJE RINPOCHE

“Để làm Guru ai đó không phải dễ dàng. Để làm đệ tử ai đó cũng không hề dễ dàng chút nào.”

Hỏi: Xin Thầy cho con biết làm sao xác định được vị thầy nào là Căn bản Thượng sư của mình?

Trả lời: Kết nối nghiệp quyết định ai là Guru của bạn. Kết nối nghiệp rất quan trọng. Nói chung, có rất nhiều yêu cầu về một vị Kim cang Thượng sư. Một vị đạo sư phải có nhiều phẩm hạnh. Người đó phải đạt những tiêu chuẩn được mô tả trong kinh sách. Nếu muốn tìm bậc chân sư hãy khảo sát các phẩm hạnh nơi người thầy. Xem người đó có thông tuệ giáo lý không, có từ bi và trung thực hay không. Người đó đối nhân xử thế có đúng pháp không, hay luôn việc trái. Chúng ta cần phải biết nhiều điều khác nhau có liên quan tới vị thầy đó.

Ở Trung Quốc và Việt Nam người ta lại làm rất khác. Mọi người ở đây không có điều kiện để khảo sát đạo sư. Họ thọ giáo lý và quán đảnh trước rồi sau đó mới phán xét [vị thầy]. Như vậy quá muộn. Cách đó khiến ta mắc lầm lỗi. Như vậy không tốt. Vì thế, trước khi thiết lập kết nối Pháp người tu phải khảo sát, phải biết rõ về vị thầy. Rồi sau đó mọi thứ [mới] bắt đầu. Làm sao ta nhận biết ai là Guru của mình? Một khi đã thiết lập kết nối Pháp thì đương nhiên đó là Guru của bạn. Đó là một việc. Nếu người đó có đủ phẩm chất, có lòng bi mẫn, thông tuệ giáo lý, hành động và xử sự đúng Pháp thì bạn có thể nhận làm Bổn sư của mình.

Thế nhưng ở đây mọi việc lại khác. Ở Trung Quốc hay Mỹ cũng vậy. Có người thọ nhận nhiều giáo lý từ một vị thầy, rồi sau đó lại nói: “Ô, tôi không thích ông thầy này.” Nói như vậy không được, bởi bạn đã nhận nhiều giáo lý từ ông thầy đó. Nếu muốn nói như vậy thì phải nói trước khi có kết nối Pháp. Như vậy bạn không phạm giới. Còn nếu nói sau đó thì việc ấy không tốt cho bạn. Đó gọi là “phạm giới”.

Chữ “Guru” rất nặng. “Guru” có nghĩa là một ai đó cao hơn tất cả mọi người khác. Cái gì làm cho Guru cao hơn hết thảy mọi thứ? Để làm Guru ai đó không dễ dàng. Để làm đệ tử ai đó cũng không hề dễ dàng chút nào. Vì để làm một đệ tử, làm một người tu, thì phải có đủ các phẩm chất: trung thực, hiểu biết, thông tuệ, siêng năng v.v. Những phẩm chất này làm nên người đệ tử đích thực.

Không có những phẩm chất này, không có hiểu biết để biết phân biệt giữa tốt và xấu, thì người ta có thể nhảy ào vô những chuyện ngu xuẩn. Đó không phải là đệ tử tốt. Khi một kẻ đã không trung thực, thì cho dù có thấy những phẩm chất tốt ở người thầy đi nữa, kẻ đó cũng không nói đúng sự thật. Họ sẽ nói những điều hoàn toàn trái với sự thật, chỉ chê bai và thêm thắt. Đó là cũng cách dối trá. Đó là một học trò rất xấu. Vì vậy, để làm một đệ tử cũng cần phải có một số phẩm chất.

---o0o---

Trích: “Lời Đạo Sư: Giáo Huấn Khẩu Truyền Của Đức Bổn Sư”.

Tác giả: Hungkar Rinpoche.

Việt dịch: Hiếu Thiện.

NXB Tôn Giáo – 2016.

Ảnh nguồn Internet.

Bài viết liên quan