HÃY QUÊN ĐI CÁI TÔI - KOITSU YOKOYAMA - MỘT CUỘC SỐNG TRÍ HUỆ

HÃY QUÊN ĐI CÁI TÔI
KOITSU YOKOYAMA - MỘT CUỘC SỐNG TRÍ HUỆ

–––––o0o–––––

Khái niệm samsara (luân hồi) trong tiếng sanskrit được sử dụng nhằm chuyển tải các ý tưởng về việc trôi nổi không có kết thúc trong các chu kỳ sinh tử. Quan niệm chung trong nhiều truyền thống tôn giáo cho rằng, chúng ta bị trôi dạt mãi mãi trong vùng biển lớn của sự đau khổ, nơi chúng ta được sinh ra và chết đi nhiều lần. Nếu như đã làm những việc xấu trong kiếp này, chúng ta sẽ bị...
HÃY QUÊN ĐI CÁI TÔI - KOITSU YOKOYAMA - MỘT CUỘC SỐNG TRÍ HUỆ

Khi sử dụng từ tôi, chúng ta giả định rằng một điều gì đó được gọi là “cái tôi” đang hiện hữu. Theo cách này, chúng ta đã làm cho một sự vật tưởng tượng, một điều vốn không thực sự hiện hữu, trở thành có sức mạnh và có sức thuyết phục; có nghĩa là ta đang thổi phồng thực tại giả tạo về nó.

Kiểu thổi phồng những thực tại tưởng tượng này sẽ dẫn đến tất cả các vấn đề xung đột, từ những tranh cãi trong gia đình cho đến những cuộc xung đột giữa các quốc gia. Trong thực tế, chúng ta cần phải quên đi những thực tại tưởng tượng của mình; bởi không có một kẻ thù tưởng tượng hay việc tranh chấp nào đó thực sự hiệu hữu. Những gì hiện hữu chỉ là các hoạt động của tâm trí và sự phát triển năng lượng tâm trí.

Trên thực tế, tất cả mọi việc chỉ là sự biến đổi năng lượng, và tất cả mọi biến đổi đều là nhất thời. Tất cả mọi điều được tạo thành, tùy thuộc vào nhân duyên, chính là sự vô thường. Cái tôi được chiếu lên một thể liên tục về tinh thần và thể chất phù du kết hợp sự hồi sinh và cái chết trong từng khoảnh khắc. Việc ngăn chặn dòng chảy năng lượng và cố gắng giới hạn nó bên trong ý niệm về “cái tôi” là một sai lầm, nhưng liệu chúng ta có thể nhận biết “cái tôi” này thực sự là gì mà không cần phải dựa vào lời nói hay suy nghĩ?

Có lần, một người bạn của tôi đến từ Thụy Sĩ đã đề nghị chúng tôi cùng nhau đến một hòn đảo vắng, ở nơi đó, chúng tôi sẽ hạn chế việc sử dụng lời nói một cách tối đa và hi vọng ý tưởng này có thể giúp cho chúng tôi hiểu rõ nhau hơn. Chắc chắn đây là một ý định thú vị. Nếu như ta thực sự có thể giao tiếp theo cách không hề nhắc đến “cái tôi”, chắc chắn chúng ta sẽ trải nghiệm được một mối liên hệ mới về con người, một mối liên hệ không có sự đối lập.

Thật khó để con người đặt dấu chấm hết cho bản ngã, vì chúng ta có thể dễ dàng nói đến việc trút bỏ cái tôi và các hoạt động của nó hơn là thực hiện điều này. Con người thường lấy cái tôi làm trung tâm, và cũng không quá cường điệu một khi nói rằng chúng ta đang sống cho cái tôi của mình. Dường như những người bình thường không thể thực hiện bất cứ điều gì mà không hướng đến lợi ích cho riêng mình. Nếu như ta hoàn toàn trung thực với chính mình, ngay cả những điều tốt đẹp nhỏ bé mà ta đã làm, cũng sẽ giúp ta cảm thấy thoải mái hơn và từ đó có lợi cho ta hơn. Đây không chỉ là vấn đề của việc hành động. Ngay cả với những phán xét cá nhân của mình, chúng ta cũng đặt cái tôi vào trung tâm.

Vậy chúng ta phải kết thúc việc này bằng cách nào? Không có một giải pháp nào hữu hiệu mà không phải loại bỏ tất cả những phán xét và hành động lấy cái tôi làm trung tâm. Rốt cuộc, chúng ta phải từ bỏ ý thức bản ngã - nguyên nhân chính nằm ở gốc rễ của tất cả các hành động và phán xét ích kỷ.

Xét cho cùng, không có gì khác hơn là ta hãy quên đi bản thân một cách hoàn toàn.

Tuy nhiên, loại bỏ ý thức bản ngã là điều khó khăn. Suy nghĩ trong đầu về việc loại bỏ cái tôi thì tốt đẹp, tuy nhiên từ sâu thẳm bên trong, chúng ta sẽ không nghe theo suy nghĩ ấy. Vì thế chúng ta còn có một phương pháp khác, được gọi là “hòa nhập với những người khác”. Bước đầu tiên là nhận biết nguồn gốc nhận thức của những người khác. Một khi chúng ta nhìn thấy một người nào đó mà mình ghét, hãy lùi lại một bước để lặng yên nghiền ngẫm, và hãy nhận thức mình đang nhìn thấy một người đáng ghét chỉ bởi cảm giác thù ghét đã phát sinh trong chính tâm trí chúng ta. Một khi cảm giác thù ghét không được phát sinh, chúng ta sẽ không nhận biết một người nào đó là đáng ghét. Đó chính là thực tế.

Sau đó, để nhận thức được thực tế này, chúng ta cần phải hòa nhập với người đáng ghét; tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Một khi ý nghĩ căm ghét biến mất, ta sẽ nhận thức được tất cả mọi khía cạnh khác của người đó, những khía cạnh mà vào lúc này ta vẫn chưa nhận thức được. Dần dần, ta sẽ bắt đầu nhìn thấy một hình ảnh phong phú hơn về con người đó, vượt khỏi cảm xúc quen thuộc của ta về họ. Điều dĩ nhiên, nếu ta thử nghiệm điều này chỉ một lần sẽ không loại bỏ được hoàn toàn cảm giác căm ghét. Chúng ta cần phải nỗ lực lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm nhắc nhở bản thân rằng, việc căm ghét người khác sẽ gây ra đau khổ cho chúng ta và cho cả họ.

Chúng ta cần phải thực hành mở rộng việc hòa nhập với những người khác còn để lắng nghe họ. Điều quan trọng là thực sự lắng nghe những gì người khác nói, và chúng ta có thể thực hiện điều tương tự bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Việc tranh cãi do cứ khăng khăng bám vào quan điểm riêng như vẫn thường xảy ra quả là điều vô nghĩa, vì nó không thể giúp ta có được một cuộc thảo luận đúng đắn. Do vậy, chúng ta phải cố gắng duy trì thái độ lắng nghe những người khác theo quan điểm của họ.

Chúng ta hãy từ bỏ việc luôn luôn phân định rằng “tôi đúng, anh sai” và phải làm việc hết sức để nối liền khoảng cách giữa ta với họ. Một khi lắng nghe và kết nối với những người khác một cách chân thật, nỗ lực hòa nhập với họ, những lời lẽ của họ sẽ có khả năng đi sâu vào trong tâm trí chúng ta hơn, giúp ta nhìn nhận họ rõ hơn. Kết quả là một vùng trong tâm trí mà ta chưa bao giờ nghĩ đến, sẽ bắt đầu có khả năng rung động trước những lời lẽ của người khác; trên bề mặt tâm trí của chúng ta sẽ xuất hiện một giọng nói mới của những người khác, một giọng nói khác biệt với những giọng nói mà ta từng nghe. Điều này sẽ dẫn đến một sự khởi đầu đầy mới mẻ trong mối liên hệ giữa ta và những người mà ta tương tác.

Khái niệm samsara (luân hồi) trong tiếng sanskrit được sử dụng nhằm chuyển tải các ý tưởng về việc trôi nổi không có kết thúc trong các chu kỳ sinh tử. Quan niệm chung trong nhiều truyền thống tôn giáo cho rằng, chúng ta bị trôi dạt mãi mãi trong vùng biển lớn của sự đau khổ, nơi chúng ta được sinh ra và chết đi nhiều lần. Nếu như đã làm những việc xấu trong kiếp này, chúng ta sẽ bị đọa xuống địa ngục, hay là sẽ có một số phận đáng thương nào đó trong kiếp khác. Ngược lại, nếu như thực hiện những việc tốt, chúng ta sẽ được lên thiên đàng. Samsara (luân hồi) sẽ được mở rộng từ quá khứ đến hiện tại, và từ hiện tại đến tương lai. Cũng như một vài vấn đề về đức tin, khái niệm này sẽ trở thành nền móng cho cách tiếp cận toàn diện vấn đề đạo đức trong cuộc sống.

Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng luân hồi như là một điều gì đó xảy ra ngay trong hiện tại, chẳng hạn như cuộc sống hàng ngày. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta là một cuộc sống quán tính, không có mục đích, một cuộc sống không có sự thay đổi trạng thái tinh thần hay môi trường, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác. Đó là một cuộc sống bao gồm toàn những chuyện vặt vãnh. Nếu như cường điệu đôi chút, cuộc sống này hơi giống địa ngục!

Sức mạnh nào có thể biến đổi sự chuyển động vòng tròn trên mặt phẳng hai chiều trở thành một sự chuyển động trong không gian ba chiều theo đường xoắn ốc đi lên? Đó chính là lối sống vị tha - một ý chí phấn đấu để hướng đến mục đích cao thượng. Vậy thì mục đích cao thượng này là gì? Lối sống vị tha này là gì? Vị tha có nghĩa là vươn ra ngoài cá nhân để ôm lấy toàn bộ cuộc sống nói chung. Cứ cho rằng chúng ta là “một người đơn độc, một thế giới đơn độc”, tất cả các hành động mà ta thực hiện, và bị ô nhiễm bởi ý thức bản ngã, luôn luôn quay về phía sau để tập trung vào bản thân, thay vì vào những người khác. Nếu thành thật tự suy ngẫm, ta sẽ nhận thấy khi mình thực hiện một điều gì đó tốt đẹp cho những người khác, cũng như mình đã thực hiện điều đó cho chính mình. Tất cả những hành động hàng ngày của ta sẽ quay trở lại bản thân ta, và ta sẽ càng lúc càng khó để đẩy quỹ đạo theo vòng tròn đi lên thành chuyển động theo đường xoắn ốc.

Sức ỳ của ý thức bản ngã, lực cản từ sự gắn bó với bản thân sẽ khiến chúng ta không thể tìm được niềm vui trong việc thực hiện điều mang lại lợi ích thiết thực cho những người khác. Chúng ta phải loại bỏ ý thức bản ngã đã đeo bám một cách quyết liệt, từng chút một, và rồi lối sống vị tha sẽ bắt đầu xuất hiện, từng chút một.

Chúng ta phải quyết tâm hoàn thành nỗ lực này, tuy nhiên điều trước tiên là hãy quyết tâm thu nhỏ cái tôi của mình lại.

Chúng ta hãy có một lời nguyện, hoặc ít nhất, hãy nghĩ cho chính mình cùng với sự xác tín: “Không phải cho bản thân, mà cho những người khác, và cho cả thế gian, tôi sẽ tiếp tục đốt cháy năng lượng để cho đi”. Cùng với sự tiến bộ thông qua nỗ lực hàng ngày, không bao lâu, cái tôi của ta sẽ bắt đầu được thu nhỏ lại.

Thông thường thật khó để hiện thực hóa ý tưởng “không vì mình”. Ý thức bản ngã cứng đầu, tiềm tàng trong sâu thẳm sẽ không cho phép ta thực hiện điều đó. Ngay cả khi cần phải ép buộc bản thân đôi chút, chúng ta hãy dùng cách nói ám thị. “Mọi việc tôi làm chính là mang lại điều tốt đẹp cho bản thân”. Những lời nói và suy nghĩ ám thị sẽ dần dần thấm vào tâm trí, chúng ta sẽ đánh thức lòng nhân ái vốn đã trú ngụ tiềm tàng sâu thẳm bên trong chúng ta. Bằng cách nâng cao cảm giác mong muốn tìm kiếm sự thông tuệ và lòng trắc ẩn, chúng ta sẽ bắt đầu đi lên từ sự chuyển động theo vòng tròn trong cuộc sống của mình để vào quỹ đạo đường xoắn ốc đi lên cao và dẫn đến lối sống vị tha.

Cuộc sống được dựa vào ý chí theo đuổi mục đích cao thượng sẽ không nao núng trước những thách thức của đau khổ và khó khăn, không kiêu hãnh trong những hoàn cảnh thuận lợi, và không dựa dẫm vào những niềm vui nhất thời. Vì “đường xoắn ốc đi lên” có thể xoay chuyển tự do trong không gian ba chiều, thay vì là một vòng tròn lặp đi lặp lại, sẽ mở ra cho cuộc sống chúng ta những trải nghiệm mới. Chúng ta gặp gỡ càng nhiều người, khi đường bán kính sẽ càng trở nên rộng lớn hơn. Việc sống trong đường xoắn ốc đi lên được gọi là Bồ tát hạnh và bậc Bồ tát sẽ sống với hai lời nguyện lớn: tìm kiếm sự giác ngộ và cứu độ chúng sinh.

–––––o0o–––––

Trích “Một Cuộc Sống Trí Huệ”
Tác giả: Koitsu Yokoyama
Người dịch: Thiện Quang
Nhà Xuất Bản Hồng Đức, Năm 2017.

 

Bài viết liên quan