KHAI THỊ ĐẠO TRÀNG TU CHỨNG - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

KHAI THỊ ĐẠO TRÀNG TU CHỨNG

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Đàn tràng là sự sắp xếp theo trật tự, đây là Sự. Và Sự nào cũng hiển Lý, tức là chân lý rốt ráo. Sức mạnh của Đàn tràng là vậy, có tất cả Sự, mà mỗi sự hiển tất cả Lý, tức là chân lý tuyệt đối.
KHAI THỊ ĐẠO TRÀNG TU CHỨNG - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, con nhớ lời dạy bảo từ bi của Như Lai, tâm đã khai ngộ, tự biết con đường tu chứng thành quả Vô học. Còn người tu hành trong đời mạt pháp muốn kiến lập đạo tràng phải kiết giới thế nào cho phù hợp với quy tắc thanh tịnh của chư Phật Thế Tôn?

Phật dạy A Nan: Nếu trong đời mạt pháp người nguyện lập đạo tràng, trước hết kiếm con trâu trắng mạnh mẽ ở núi Tuyết Sơn, loài trâu này sống bằng cỏ thơm tươi tốt trong núi ấy, chỉ uống nước trong của núi Tuyết, nên phân rất nhuyễn mịn. Nên lấy phân ấy hòa trộn với bột hương chiên đàn để tráng nền đất. Nếu không phải trâu trắng Tuyết Sơn thì phân hôi bẩn, không thể tráng nền. Riêng ở đồng bằng có thể đào bỏ lớp đất trên mặt, lấy thứ đất màu vàng từ năm thước trở xuống. Rồi hòa trộn với mười thứ hương là chiên đàn, trầm thủy, tô hợp, huân lục, uất kim, bạch giao, thanh mộc, linh lăng, cam tùng, và kê thiệt. Mười thứ ấy nghiền nhỏ thành bột, trộn với đất ấy thành bùn để tô mặt đất đạo tràng, mỗi bề một trượng sáu thành cái đàn bát giác.

Trung tâm đàn đặt một hoa sen làm bằng vàng, bạc, đồng, gỗ. Giữa hoa sen đặt một cái bát, trong bát đựng nước sương móc tháng tám, trong nước tùy ý để các hoa lá hiện có. Lấy tám cái gương tròn, mỗi cái để theo mỗi hướng, chung quanh hoa sen và bát hoa. Bên ngoài gương, để mười sáu hoa sen, giữa những hoa sen để mười sáu lư hương trang nghiêm, đốt thuần hương trầm thủy, không cho thấy lửa.

Lấy sữa trâu trắng để trong mười sáu đồ chứa. Lấy sữa làm bánh nướng với đường cát, bánh rán ván sữa, tô hợp, mật gừng, thuần kem, thuần mật, mỗi thứ mười sáu đồ chứa đặt quanh ngoài hoa sen để cúng dường chư Phật và chư Đại Bồ tát.

Mỗi thời ăn cơm và lúc nửa đêm, dùng nửa thăng mật hòa với thăng rưỡi bơ, trước đàn để riêng một lò lửa nhỏ, lấy hương đàn lâu bà (trầm thủy loại thô) nấu lấy nước thơm mà rửa than, rồi đốt than đỏ hồng trong lư, và rót mật, bơ vào, đốt đến hết khói để cúng dường chư Phật, Bồ tát.

Ở bốn phía ngoài treo khắp phan và hoa, trong phòng đàn tràng, bốn vách an trí hình tượng của mười phương Như Lai và các Bồ tát. Chính giữa đàn để tượng Phật Lô Xá Na, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật A Súc, Phật A Di Đà; hai bên đặt tượng Quán Âm đại biến hóa và Kim Cương Tạng. Hai bên cửa đặt hình tượng Đế Thích, Phạm Vương, Ô Sô Sắt Ma, Lam Địa Ca, Quân Trà Lợi, Tỳ Câu Chi, bốn vị Thiên vương, Tần Na, Dạ Ca….

Lại lấy tám tấm gương treo úp giữa hư không, mặt gương đối chiếu với tám gương trước đã đặt trong đàn tràng, khiến cho các hình ảnh trùng trùng lồng nhập nhau.

 

Đây dạy về cách lập đạo tràng. Sự thiết lập đạo tràng là sự, nhưng sự ấy viên dung với lý và mục đích là nâng cấp tâm thức hành giả để tiếp thông với thân, ngữ, tâm giác ngộ của chư Phật, chư Bồ tát.

Trước hết là tráng nền đất bằng phân loài trâu trắng của Tuyết Sơn, là vật liệu thanh tịnh nhất. Hoa sen ở chính giữa và chung quanh. Hoa và lư hương, sữa trâu trắng, làm bánh với sữa và các thứ tinh sạch khác là sự cúng dường thanh tịnh dâng lên chư Phật, chư Bồ tát. Hoa sen ngoài sự trong sạch vốn có còn là biểu tượng của chư Phật, đồng thời tượng trưng cho Phật tánh của tất cả chúng sanh. Gương tượng trưng cho tâm thanh tịnh, Đại viên cảnh trí, mà cũng là nơi để Phật hiển hiện.

Bốn vách trong đàn tràng an trí hình tượng chư Phật, chư Bồ tát, các vua trời, các Bồ tát hộ pháp…

Như vậy trong đàn tràng có đủ tất cả vũ trụ, từ hương, hoa, sữa mật… đất nước gió lửa, từ các hộ pháp, các cõi vua trời, cho đến các bậc giác ngộ. Đàn tràng là sự sắp xếp theo trật tự, đây là Sự. Và Sự nào cũng hiển Lý, tức là chân lý rốt ráo. Sức mạnh của Đàn tràng là vậy, có tất cả Sự, mà mỗi sự hiển tất cả Lý, tức là chân lý tuyệt đối.

Đàn tràng không chỉ biểu hiện pháp giới Lý Sự vô ngại, mà còn khai mở chỉ bày pháp giới Sự Sự vô ngại: “các hình ảnh trùng trùng lồng nhập nhau”.

 

Trong bảy ngày đầu, chí thành đảnh lễ danh hiệu mười phương Như Lai, chư Đại Bồ tát, chư A La Hán. Thường trong sáu thời đi quanh đàn tụng chú, chí tâm hành đạo, mỗi thời thường tụng một trăm lẻ tám biến.

Trong bảy ngày thứ hai, chuyên tâm một hướng phát nguyện Bồ tát, tâm không gián đoạn. Trong Luật tạng ta đã có chỉ dạy phát nguyện.

Trong bảy ngày thứ ba, trong cả mười hai thời, một bề trì chú Bát Đát Ra của Phật. Cho đến ngày thứ bảy, mười phương Như Lai nhất thời xuất hiện chỗ ánh sáng của gương giao nhau và được Phật xoa đảnh. Bèn ở nơi đạo tràng tu Tam ma địa, có thể khiến cho người tu học trong đời mạt thế thân tâm sáng sạch như ngọc lưu ly.

A Nan, nếu trong các tỳ kheo truyền giới hay trong mười tỳ kheo đồng hội chứng minh nếu có một người không được thanh tịnh thì những đạo tràng như vậy phần nhiều chẳng được thành tựu.

Sau hai mươi mốt ngày ngồi trang nghiêm an cư, trải qua một trăm ngày những người lợi căn không rời khỏi chỗ ngồi mà đắc quả Tu Đà Hoàn. Mặc dầu thân tâm thánh quả chưa hoàn toàn thành tựu, vẫn quyết định tự biết sẽ thành Phật không sai khác.

Ông hỏi phương pháp kiến lập đạo tràng là như vậy.

 

Nghi thức kiến lập đạo tràng và thực hành trong đạo tràng rất quan trọng, đưa hành giả đến một cấp độ tâm thức cao, và có thể lọt vào dòng thánh, tức là Tu Đà Hoàn Nhập Lưu hay Sơ Hoan Hỷ địa hoặc có khi vào các tầng thánh cao hơn nữa.

Những thành tựu trong khi thực hành trong đạo tràng thì có nhiều, ở đây chỉ nói qua câu chuyện của ngài Thiên Thai Trí Khải (538-597) được nhiều người biết.

Khi được ngài Huệ Tư chỉ dạy Phổ Hiền đạo tràng, ngài thực hành theo đó. Đến ngày thứ hai mươi mốt, khi tụng đến Phẩm Dược Vương bổn sự đến câu “thị chân tinh tấn” hốt nhiên đại ngộ nhập vào định. Trong định ngài thấy mình ở tại Linh Sơn đang nghe Đức Phật thuyết pháp. Vì kinh nghiệm này ngài lập nên Thiên Thai tông dựa trên Kinh Pháp Hoa.

Khi đàn tràng đã lập theo đúng pháp, đây chính là chánh điện của pháp mình tu tập, gồm đủ Tam Bảo, các hộ pháp, và tất cả vũ trụ. Đó là nơi tối ưu để thân, ngữ, tâm của hành giả tương ưng với thân ngữ tâm của Phật.

Bảy ngày đầu, “chí thành đảnh lễ, đi quanh đàn tụng chú, trong sáu thời, mỗi thời 108 biến”. Bảy ngày thứ hai, chủ yếu là phát nguyện Bồ tát, hay Bồ đề tâm. Bảy ngày thứ ba trong cả mười hai thời, trì chú Lăng Nghiêm liên tục. Tới ngày thứ bảy, chư Phật hiện ra ở chỗ ánh sáng của gương giao nhau và được Phật quán đảnh. Đây là sự tiếp xúc với chư Phật và sự tiếp xúc này khai mở cho hành giả “thật tướng của tất cả các pháp” hay “pháp giới tánh” là bản tánh của Phật Tỳ Lô Giá Na đặt ở giữa đàn. Bản tánh ấy cũng là bản tánh của tất cả chúng sanh.

Thực sự kinh nghiệm, thấy biết trực tiếp bản tánh ấy là Nhập Lưu hay Sơ địa, bắt đầu vào Pháp thân của chư Phật.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan