KHUYÊN [HÀNH NHÂN TỊNH ĐỘ] HÃY TRỌN ĐỦ LÒNG TÍN NGUYỆN - ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TINH HOA LỤC

KHUYÊN [HÀNH NHÂN TỊNH ĐỘ] HÃY TRỌN ĐỦ LÒNG TÍN NGUYỆN

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TINH HOA LỤC

–––––o0o–––––

Phải biết người thật sự niệm Phật chẳng cầu phước báo thế gian, mà tự được hưởng phước báo thế gian (như trường thọ, không bệnh, gia đình yên vui, con cháu phát đạt, các duyên như ý, vạn sự cát tường v.v…)
KHUYÊN [HÀNH NHÂN TỊNH ĐỘ] HÃY TRỌN ĐỦ LÒNG TÍN NGUYỆN - ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TINH HOA LỤC

* Hãy nên phát tâm quyết định, lâm chung nhất định muốn sanh về Tây Phương. Đừng nói chi thân người tầm thường kém cỏi chẳng muốn thọ nữa, ngay cả làm vua trời - người và xuất gia làm Tăng, nghe một hiểu ngàn, đắc Đại Tổng Trì, làm thân cao tăng hoằng dương pháp hóa rộng lớn, lợi khắp chúng sanh, cũng xem như cỏ độc, rừng tội, tâm quyết định chẳng sanh một niệm muốn hưởng. Quyết định như thế thì Tín - Nguyện - Hạnh của chính mình mới có thể cảm được Phật; thệ nguyện của Phật mới nhiếp thọ được mình, cảm ứng đạo giao được Phật tiếp dẫn, lên thẳng chín phẩm, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân - 3)

* Phải biết: Tây Phương Cực Lạc thế giới đừng nói là phàm phu không hiểu, ngay cả thánh nhân Tiểu Thừa cũng không thể hiểu nổi, bởi pháp này thuộc về cảnh giới Đại Thừa chẳng thể nghĩ bàn vậy! Tiểu thánh hồi tâm hướng Đại mới hòng đạt tới. Phàm phu nếu không dùng tín - nguyện để cảm Phật, dẫu có tu hết thảy các hạnh thù thắng khác cùng với hạnh trì danh thù thắng vẫn chẳng thể vãng sanh. Do vậy, tín - nguyện là khẩn yếu nhất.

Ngài Ngẫu Ích nói: “Được vãng sanh hay không toàn là do có tín nguyện hay không? Phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”, đấy chính là lời phán định đanh thép dẫu ngàn đức Phật xuất thế cũng không thể thay đổi được. Tin cho tới nơi, đảm bảo ông sẽ có phần nơi Tây Phương. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân - 3)

* Phép Niệm Phật trọng tại tín nguyện. Tín nguyện chân thành, khẩn thiết, dù trong tâm chưa thể thanh tịnh, cũng được vãng sanh. Vì sao vậy? Do trong tâm có Phật để có thể cảm, nên Phật Di Đà bèn ứng. Như nước trong sông, biển, chưa thể trọn không có tướng động, nhưng hễ không có gió bạo, sóng cuồng, thì vầng trăng sáng trên không trung sẽ hiện bóng rõ ràng. Cảm ứng đạo giao như mẹ con nhớ nhau. Những ai chuyên trọng tự lực, chẳng cậy vào Phật lực là vì không biết đến nghĩa này vậy! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Hoàng Hàm Chi - 3)

* Người niệm Phật chỉ cần chân thật, khẩn thiết niệm Phật sẽ tự có thể cậy vào Phật từ lực, tránh khỏi đao binh, nước, lửa. Nếu có gặp thì là do túc nghiệp kéo lôi, cũng như là do được chuyển tội nặng trong địa ngục thành quả báo nhẹ trong đời này nên mới gặp phải những nạn ấy. Nhưng do thường ngày có lòng tin chân thành, nguyện khẩn thiết, chắc chắn lúc ấy sẽ được Phật tiếp dẫn. Nếu đã chứng tam-muội trong hiện tại, cố nhiên đã dự vào dòng Thánh, tự thân như huyễn, đao binh, nước, lửa đều chẳng gây trở ngại được. Dẫu hiện tại gặp nạn, thật ra không khổ, trong thế giới mênh mông, có mấy ai được như thế? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ X... ở Vĩnh Gia - 1)

* Phàm tụng kinh, trì chú, lễ bái, sám hối và cứu tai nạn, giúp kẻ nghèo, mọi thứ công đức từ thiện đều phải hồi hướng vãng sanh Tây Phương, chớ nên cầu phước báo nhân - thiên trong đời sau. Hễ có tâm ấy (tức tâm cầu phước báo nhân thiên), sẽ chẳng có phần vãng sanh! Hễ sanh tử chưa giải quyết xong, phước càng lớn ắt nghiệp càng nặng. Hễ sanh lần nữa, khó khỏi đọa trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nếu muốn lại được mang thân người, lại được gặp pháp môn Tịnh Độ liễu thoát ngay trong một đời, khó như lên trời vậy!

Phật dạy người ta niệm Phật cầu sanh Tây Phương là để con người liễu thoát sanh tử ngay trong đời này. Nếu cầu phước báo nhân - thiên đời sau tức là trái nghịch lời Phật dạy, giống như đem một viên bảo châu vô giá trong khắp cõi đời đổi lấy một thẻ đường để ăn, chẳng đáng tiếc ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Một lá thư trả lời khắp)

* Phải biết người thật sự niệm Phật chẳng cầu phước báo thế gian, mà tự được hưởng phước báo thế gian (như trường thọ, không bệnh, gia đình yên vui, con cháu phát đạt, các duyên như ý, vạn sự cát tường v.v…) Nếu cầu phước báo thế gian, chẳng chịu hồi hướng vãng sanh, thì phước báo thế gian đạt được lại trở thành hèn kém. Do tâm không chuyên nhất, vãng sanh lại càng khó quyết định! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Trần Tích Châu)

* Bà phải hiểu: “Đời sau sẽ được làm người còn khó hơn lâm chung vãng sanh!” Vì sao vậy? Những tội nghiệp đã tạo trong suốt một đời người chẳng biết là bao nhiêu! Khoan đừng nói bà có tạo những tội khác hay không, [chỉ riêng] cái tội ăn thịt giết hại sanh vật từ nhỏ đến lớn quả thật đã nhiều khôn xiết kể rồi! Bà phải phát tâm đại từ bi, cầu sanh Tây Phương. Đợi sau khi thấy Phật đắc đạo sẽ độ thoát những chúng sanh ấy; cậy vào Phật từ lực để có thể chẳng phải đền trả món nợ ấy! Nếu bà cầu [phước báo] đời sau thì không có đại đạo tâm. Dẫu công phu tu hành tốt đẹp nhưng công đức hữu hạn; bởi đã dùng cái tâm phàm phu nhân ngã (tâm phân biệt ta - người) để tu tập cho nên chẳng có công đức lớn lao!

Huống chi, từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng biết bà đã tạo bao nhiêu tội nghiệp? Nếu túc nghiệp phát hiện, nhất định khó trốn khỏi tam đồ, ác đạo. Mong lại được làm người sẽ thiên nan, vạn nan! Do vậy, nói: “Cầu sanh Tây Phương còn dễ hơn cầu đời sau lại được làm người!” Do cậy vào Phật lực gia bị, nên ác nghiệp đời trước dễ tiêu. Dẫu chưa thể tiêu hết, nhưng cậy vào Phật lực nên chẳng đến nỗi phải trả báo. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 3, Thư trả lời mẹ cư sĩ Trí Chánh)

* Cần biết rằng: Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, tự tánh công đức lực chẳng thể nghĩ bàn. Ba thứ chẳng thể nghĩ bàn ấy nếu không có cái tâm chí thành tín nguyện niệm Phật sẽ không có cách gì hiển hiện được. Có lòng chí thành cầu sanh Tây Phương thì ba thứ thần lực oai đức lớn lao chẳng thể nghĩ bàn ấy sẽ liền được hiển hiện. Như ngồi trên chiếc tàu thủy lớn lại được xuôi gió, chẳng lìa ý niệm trong hiện tại đây mà liền sanh về Tây Phương. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Pháp ngữ khai thị cho cư sĩ Phùng Hữu Thư lúc lâm chung)

* Những câu “nãi chí thập niệm, hàm giai nhiếp thọ, duy trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp” (cho đến mười niệm đều được nhiếp thọ, chỉ trừ kẻ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp) trong kinh Vô Lượng Thọ là luận theo lúc bình thường, chứ không luận trên lúc lâm chung. Do kẻ ấy đã có tội Ngũ Nghịch cực nặng, lại kèm thêm tà kiến sâu nặng, phỉ báng chánh pháp, cho rằng pháp “siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, và niệm Phật vãng sanh” do đức Phật đã nói đều là căn cứ để dụ dỗ, gạt gẫm ngu phu ngu phụ vâng thờ giáo pháp của Ngài, chứ thật ra chẳng hề có chuyện ấy; do có tội chướng cực nặng ấy, dẫu có thiện căn một niệm hay mười niệm, nhưng vì không có tâm hổ thẹn cùng cực, tin tưởng cùng cực nên chẳng thể vãng sanh được!

Chương Hạ Hạ Phẩm trong Quán Kinh nói về những kẻ lúc sắp lâm chung, tướng địa ngục A Tỳ hiện, tuy [Quán kinh] chẳng nói [kẻ ấy] phỉ báng chánh pháp, nhưng đã là kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác, đầy đủ mọi điều bất thiện, ắt không thể nào chẳng phỉ báng chánh pháp! Nếu hoàn toàn không phỉ báng chánh pháp, sao lại có thể giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu được?

Thường có kẻ giải thích rằng trong trường hợp này (tức những kẻ được nói trong Quán Kinh) thì không báng chánh pháp, trong trường hợp kia (tức những kẻ được nói trong kinh Vô Lượng Thọ) là báng chánh pháp, [thoạt nghe qua] cũng rất có lý, nhưng đã không báng pháp, sao lại có thể làm ba sự đại nghịch ấy cho được? Do vậy, biết rằng: Bốn mươi tám nguyện là luận theo lúc bình thường, còn chương Hạ Hạ Phẩm của Quán Kinh luận theo lúc đã thấy tướng khổ cùng cực của địa ngục, kẻ ấy hoảng sợ không thể nào diễn tả được, vừa nghe danh hiệu Phật bèn xót xa cầu xin được cứu giúp, trọn chẳng có ý niệm nào khác, chỉ có ý niệm cầu Phật cứu độ, hộ niệm!

Tuy là vừa nghe liền niệm, nhưng đã “toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm”, cho nên tuy chỉ mười niệm hoặc chỉ một niệm, vẫn được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh! Bốn mươi tám nguyện là luận theo lúc bình thường, chương Hạ Hạ Phẩm của Quán Kinh nói về lúc lâm chung. Do thời gian, sự việc khác biệt nên có sự nhiếp thọ hay không [nhiếp thọ] sai khác. Cho đó là mâu thuẫn, tức là trở thành gã si ngốc vậy! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời sư Thiện Giác)

* Họ ở trong hoa [sen] mười hai đại kiếp là vì lúc sống tội nghiệp nặng nề, thiện căn nông cạn, vì thế hoa sen chậm nở nhất; nhưng sự sung sướng của những người ấy ở trong hoa còn hơn sự vui trong Tam Thiền Thiên! (Sự vui trong thế gian thì Tam Thiền thật là bậc nhất), nào có thiếu sót, tiếc nuối chi đâu? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời sư Hằng Tàm)

* Ấy là vì Phật xem chúng sanh hệt như con một: Với đứa hiền ngoan tất nhiên thương yêu, nhưng với đứa ngỗ nghịch, lại càng thương xót gấp bội. Nếu con hồi tâm hướng về cha mẹ, cha mẹ ắt rủ lòng Từ nhiếp thọ. Hơn nữa, tâm tánh của chúng sanh và Phật không hai, do vì mê trái nên khởi Hoặc tạo nghiệp, ngăn lấp bản tâm chẳng thể hiện bày trọn vẹn. Nếu có thể nhất niệm hồi quang thì khác nào mây tan trăng hiện, tánh vốn chẳng mất, trăng vốn sẵn có. Vì vậy, tình trần bao kiếp đoạn ngay trong một niệm. Ví như nhà tối ngàn năm, một ngọn đèn [chiếu vào] bèn sáng. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 4, Bài ký về duyên khởi chuyên tu Tịnh nghiệp của thảo am Đại Giác Nham Tây Lâm tại Nam Ngũ Đài Sơn, tỉnh Thiểm Tây)

–––––o0o–––––

Trích: “Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục”

Pháp sư Liễu Nhiên và Đức Sâm giám định

Quy y đệ tử Lý Tịnh Thông ở Hải Diêm kính cẩn biên tập

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

(dịch theo ấn bản của Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường)

Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang, Đức Phong

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan