LIỀU THUỐC TRỊ BỆNH - GYALWANG DRUKPA 12 - SỨC MẠNH TÌNH YÊU THƯƠNG

“Điều gì thực sự đã xảy ra trong hệ tư tưởng khiến tôi bị bệnh? Nhiều người khác cũng sống trong môi trường ô nhiễm mà chẳng sao. Còn tôi, dù không uống nước, chỉ ăn một quả cà chua cũng khiến tôi đau bụng. Tại sao vậy?”.
LIỀU THUỐC TRỊ BỆNH - GYALWANG DRUKPA 12 - SỨC MẠNH TÌNH YÊU THƯƠNG

LIỀU THUỐC TRỊ BỆNH

GYALWANG DRUKPA 12 - SỨC MẠNH TÌNH YÊU THƯƠNG

-----o0o-----

Tại sao tôi bị bệnh.

“Điều gì thực sự đã xảy ra trong hệ tư tưởng khiến tôi bị bệnh? Nhiều người khác cũng sống trong môi trường ô nhiễm mà chẳng sao. Còn tôi, dù không uống nước, chỉ ăn một quả cà chua cũng khiến tôi đau bụng. Tại sao vậy?”. Phần lớn mọi người đều trả lời rằng: “Vì cà chua được rửa bằng nước máy chứ không phải bằng nước khoáng, như vậy chắc là do nước bị ô nhiễm”. Tuy nhiên nếu suy ngẫm sâu hơn, chúng ta sẽ hiểu đó là do nghiệp. Hiểu biết về nghiệp dù chỉ trên lý thuyết, vẫn khiến chúng ta tự hướng vào bên trong và suy ngẫm về mình: “Chính sự nhiễm ô trong tâm làm tôi bị bệnh. Chính sự nhiễm ô đó đã kéo theo hiệu ứng ô nhiễm không khí, nguồn nước, gây nên mọi chướng ngại bên ngoài”.

Như vậy, bạn đã đạt tới tầng thứ hai của hiểu biết, điều đó thôi thúc bạn lập tức tìm cách tự giải thoát khỏi nguyên nhân sâu xa của khổ, không chỉ ở các nguyên nhân bên ngoài như ô nhiễm, uống phải nước không sạch... Giáo pháp Đại thừa luôn nỗ lực tìm hiểu sự tồn tại của nguyên nhân sâu xa gây ra đau khổ và vì thế tập trung vào việc đào luyện trưởng dưỡng tâm. Nói như vậy không có nghĩa Đại thừa không đề cập tới giới luật đối với thân hay Tiểu thừa không đề cập tới giới luật đối với tâm. Như đã lý giải, cả hai Thừa này đều coi trọng hai hình thức giới luật nhưng trong Tiểu thừa, giới luật với thân được đề cao, ngược lại trong Đại thừa lại đề cao tâm giới hay sự xả ly phiền não nơi tâm.

Sở dĩ có khác biệt này vì giáo pháp Đức Phật hướng tới nhiều chúng sinh và đệ tử có căn cơ khác nhau. Nhiều người có nhu cầu rất lớn về xả ly vật chất vì họ không thể dành thời gian để trải nghiệm nỗi khổ, đối với họ tốt hơn hết là rời xa khổ đau càng sớm càng tốt. Nếu muốn, ta có thể phân định làm hai nhóm, mỗi nhóm ở một bên, bên này là Tiểu thừa và bên kia là Đại thừa. Vì cái tên gọi đã mang chữ “Đại” nên không gian dành cho thành viên Đại thừa rộng lớn hơn, họ sẽ lãnh nhận khổ chậm hơn và còn chút thời gian mà suy ngẫm. Nhóm Tiểu thừa Có thể nói đang sống trong không gian ngột ngạt, vì thế, giải pháp tốt hơn cả với người Tiểu thừa là trốn chạy tức thời vì hiểm nguy đã cận kề.

Nhóm nhạy cảm thái quá

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường gặp những người dễ xúc động, hào hứng và cũng dễ mất tinh thần. Sự nhạy cảm quá độ sẽ gây khó khăn cho họ trong việc đối mặt với những tình huống bất lợi bên ngoài. Họ có xu hướng dễ nổi cáu, phản ứng tức thì khi trái ý và sẵn sàng vung nắm đấm mà không cần nghĩ ngợi nhiều. Những xúc tình này chi phối mạnh mẽ tới mức khiến họ mất khả năng kiểm soát lý trí và sẽ động thủ tức thời. Như cây dễ bị bóc vỏ, họ có thể bị kích động mất kiểm soát mà không vì lý do gì to tát. Điều này rất nguy hiểm, trước hết với chính bản thân họ, sau nữa là những người xung quanh.

Có lẽ bạn luôn tránh dây dưa với những tuýp người trên, hoặc nếu đủ can đảm, bạn sẽ chặn cơn cáu giận và yêu cầu dừng cách ứng xử này. Tuy nhiên, đứng từ góc độ khác, chính họ cần “cách ly” khỏi chúng ta. Đối với họ, chúng ta là nguyên nhân khiến họ nổi giận, phải hành xử sai trái và tiếp đến là chịu khổ đau. Vì xu hướng tập khí như thế, tốt hơn hết họ nên rời xa chúng ta. Với những người này, phương pháp đối trị của Tiểu thừa bằng cách xả ly hay xa lánh lập tức đối tượng khổ đau có lẽ là giải pháp hay.

Nhóm sân giận âm ỉ.

Tuýp người còn lại cũng phiền não, nhưng họ không lập tức gây hấn với bạn. Họ gặm nhấm sự tức giận, tranh cãi và tiêu tốn thời gian trước khi để xung đột xảy ra. Đó là dấu hiệu cho thấy họ mạnh mẽ hơn một chút dù suy cho cùng họ vẫn yếu kém vì đã để sản giận nổi lên. Nếu thực sự mạnh mẽ, họ tuyệt nhiên sẽ không cáu giận. Song do không được như thế nên mặc dù khá hơn nhóm trước, họ chỉ có thể nhẫn nhịn thêm một chút thời gian.

Trong khoảng thời gian này, họ vẫn gặm nhấm nỗi tức trong lòng: “Tôi muốn cho hắn một trận, nhưng có lẽ cần nhẫn nhịn thêm một chút”. Họ kiềm chế không để xung đột leo thang ngay lập tức. Một cách nôm na, chúng ta có thể phân loại những người tính cách này vào nhóm Đại thừa.

Những khác biệt trong cách ứng xử này được phản ánh trong các quan điểm được thuyết giảng của Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa. Giáo lý Tiểu thừa về xả ly bên ngoài là đáp án dành cho sự thiếu kiên trì, kém bình tĩnh, và chẳng còn giải pháp nào khác ngoài sự quy ẩn. Trái lại, nếu có một chút nhẫn nại cộng thêm chút khả năng suy ngẫm, thì tính cách của bạn có vẻ hợp hơn với nhóm Đại thừa, nhấn mạnh vào sự xả ly bên trong.

Khi đó, bạn dành thời gian để suy ngẫm và xác định thái độ cần có. Rốt cuộc, có thể bạn sẽ quyết định xả ly thế tục: “Mình nghĩ mọi việc sẽ chẳng thể tốt lên, sớm muộn gì mình cũng sẽ phải quy ẩn”. Hoặc ngược lại, bạn tự nhủ: “Xem ra mình xoay sở khá tốt. Mình sẽ không cần phải từ bỏ gia đình, rời xa thành phố hay đánh đối gì để lấy lại sự cân bằng trong tâm”. Tất cả phụ thuộc vào cách chúng ta đương đầu với tình huống, vào mức độ mạnh mẽ và nói một cách vị tế, cũng phụ thuộc vào nghiệp riêng của mỗi người.

Ngay chính trong Đại thừa, có nhiều người vẫn chọn phương thức xả ly thế tục, quy y trong sự xả bỏ vật chất và trở thành các Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni. Chính Ngài Milarepa cũng vậy, Ngài không hẳn theo Đại thừa mà là một bậc Thầy Kim Cương thừa, vốn là một truyền thống đặc biệt thuộc Đại thừa. Ngài đã quyết định xả ly thế tục sau đó mới tìm cầu và quy y Thượng sự. Ngài hoàn toàn buông xả các phiền nhiễu bên ngoài để cuối cùng thành tựu Đại giác ngộ chỉ trong một đời. Ngài lựa chọn xuất gia nhưng Ngài đã dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm, và trong suốt thời gian đó, từng ngày, từng đêm, mỗi giây phút Ngài chứng tỏ hạnh nhẫn nhục, pháp thực hành quan trọng nhất trong Lục độ Ba La Mật.

Một phương Pháp thực hành phù hợp

Trong Đại thừa cũng có những bậc Thầy không bao giờ rời bỏ hoạt động thế tục. Chẳng hạn như Ngài Marpa, Thượng sự của Ngài Milarepa, không hề xa lánh gia đình hay đời sống thế tục. Ngài luôn là chủ gia đình trong suốt cuộc đời mình, sống cùng vợ, các con trai, có ruộng vườn, đàn bò ngựa, gia súc... Tuy thế, Ngài vẫn thành tựu giác ngộ chỉ trong một đời.

Đây chỉ là những ví dụ: có những hành giả cần xa lánh thế tục để thành tựu giác ngộ, một số khác thì không. Chúng ta cần tự kiểm chứng bản thân để xác định xem mình thuộc nhóm nào. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu không, bạn sẽ không biết mình cần thực hành theo con đường nào, thậm chí có thể thực hành những pháp không phù hợp và như vậy sẽ không đạt được thành tựu.

Cách tiếp cận này cần được áp dụng trong cuộc sống đời thường. Chúng ta làm rất nhiều việc mà không suy xét tính phù hợp, giống như khi đi siêu thị, ta thường nhặt nhạnh mọi thứ kể cả những đồ hầu như không cần đến. Tương tự như vậy, đôi khi các hành giả tâm linh cứ mải miết thực hành nhiều pháp khác nhau, nhưng lại ít hiệu quả. Đó không phải do pháp thực hành kém mà chỉ là pháp đó chưa phù hợp. Điều này cũng giống như sử dụng thuốc men, chúng ta cần tìm loại thuốc chữa đúng bệnh của mình chứ không phải cứ ốm rồi uống bất cứ thuốc nào cũng khỏi. Mỗi phương thuốc chỉ chứa một loại bệnh mà thôi.

-----o0o-----

Trích: “Sức Mạnh Tình Yêu Thương”

Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Biên dịch: Drukpa Việt Nam

NXB Tôn Giáo, 2015

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan