LỰA RIÊNG TRẦN CẢNH ĐỂ NÊU RA TÁNH THẤY - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

LỰA RIÊNG TRẦN CẢNH ĐỂ NÊU RA TÁNH THẤY

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, mê mình làm vật, bỏ mất bản tâm, bị vật xoay chuyển, cho nên ở ngay trong đó mà thấy lớn thấy nhỏ. Nếu hay chuyển được vật tức đồng Như Lai. Thân tâm tròn sáng, đó là đạo tràng bất động,...
LỰA RIÊNG TRẦN CẢNH ĐỂ NÊU RA TÁNH THẤY - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

A Nan thưa: Tuy con biết tánh thấy không thể trả về đâu, nhưng làm sao biết được đó là chân tánh của con?

Phật bảo A Nan: nay ta hỏi ông, hiện ông chưa được đạo quả vô lậu thanh tịnh, nương thần lực Phật mà thấy cõi sơ thiền không chướng ngại. Ông A Na Luật thì thấy cõi Diêm Phù Đề như xem quả Am ma la trong lòng bàn tay. Các vị Bồ tát thấy trăm ngàn cõi. Mười phương Như Lai thì thấy tận cùng các cõi nước thanh tịnh nhiều như vi trần, không chỗ nào không thấy. Còn chúng sanh thì thấy rõ không quá gang tấc.

A Nan, ta cùng ông lại xem cung điện của Tứ thiên vương, ở khoảng giữa xem khắp các loài trong nước, trên đất, trên không, tuy có nhiều hình tượng sáng tối khác nhau, nhưng đều là tiền trần phân biệt ngăn ngại. Ông hãy ở ngay nơi đó phân biệt cái gì là mình, cái gì là vật. Nay ta để cho ông lựa chọn trong cái thấy đó, cái gì là chính mình, cái gì là vật tượng?

A Nan, cùng tột cội nguồn cái thấy của ông, từ mặt trời, mặt trăng đều là vật, chẳng phải là ông; cho đến bảy ngọn núi bằng vàng (bao quanh núi Tu Di), xem xét cùng khắp, tuy có những thứ ánh sáng, cũng là vật chứ chẳng phải là ông. Lần lần xem đến mây kéo, chim bay, gió động, bụi dấy, cây cối, núi sông, rau cỏ, người thú, thảy đều là vật chứ chẳng phải là ông.

A Nan, tính chất của các vật xa gần tuy có sai khác nhưng đồng là vật do tinh túy của cái thấy (kiến tinh) thanh tịnh của ông nhìn thấy.Vậy các vật loại ấy tự có sai khác mà tánh thấy không sai khác. Cái tinh túy diệu minh này thật là tánh thấy của ông.

Tánh thấy không phải là vật. Vật thì có sai khác mà tánh thấy thì không sai khác. Vật thì có chỗ trả về, còn tánh thấy không có chỗ trả về (không có chỗ trụ), không thể trả về (thường trụ) nên nó là Chính Mình.

Nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn cao thấp, rộng hẹp khác nhau nhưng đều là công dụng của tánh thấy. Nhãn là con mắt, tánh thấy biểu lộ nơi năm loại nhãn cao thấp khác nhau ấy. Cả năm loại nhãn đều nằm trong tánh thấy. Như thế, như ngài A Nan và tất cả chúng sanh chúng ta, ngay nơi nhục nhãn vẫn có tánh thấy, và Đức Phật chỉ cho tánh thấy nơi nhục nhãn của chúng ta.

Tóm tắt, tánh thấy có nơi tất cả mọi loại nhãn, và không sai khác, bình đẳng hiện hữu nơi tất cả mọi loại nhãn. Thậm chí, như đoạn trước của kinh, có cả nơi người mù.

Như thế thấy bằng bất kỳ loại mắt nào, đó cũng là tánh thấy.

Tánh thấy không sai khác về mặt chủ thể, người thấy. Nó bình đẳng ở nơi mọi chúng sanh, gá vào từng nghiệp riêng của mỗi chúng sanh mà thành cái thấy sai khác của mỗi chúng sanh. Cũng như ánh sáng thì bình đẳng ở khắp cả, còn thấy cái gì, như thế nào, là do nghiệp riêng, vị trí, thời gian, tâm trạng của con người. Tánh thấy cũng không sai khác đối với vật được thấy: xa gần, núi sông, cây cỏ, con người, thú vật… Vật thể có sai biệt mà tánh thấy chẳng sai biệt.

Thế thì, đang thấy bất cứ cái gì, đó chính là tánh thấy đang thấy.

Tánh thấy hiện hữu nơi tất cả các loại mắt, cho nên thấy bằng con mắt gì, đó chính là tánh thấy đang thấy.

Đang thấy bất cứ cái gì, đó chính là tánh thấy không sai khác.

Nếu tánh thấy là vật thì ông cũng có thể thấy được cái thấy của ta.

Nếu khi cùng thấy sự vật gọi là thấy cái thấy của ta, thì khi ta không thấy, sao ông không thấy được chỗ không thấy của ta?

Nếu ông thấy được cái không thấy của ta, thì tự nhiên cái không thấy của ta làm gì có tướng để cho ông thấy?

Còn nếu không thấy được chỗ không thấy của ta, thì tánh thấy vốn chẳng phải là vật, sao nó lại chẳng phải là ông?

Lại nữa, nếu cái thấy là vật thì khi ông thấy vật, ông đã thấy vật thì vật cũng phải thấy ông. Thế là thể và tánh xen lộn, tức là ông với ta cùng các thế gian không thành lập được.

A Nan, như khi ông thấy, đó chính là ông chứ chẳng phải ta, tánh thấy toàn khắp ấy chẳng phải là ông thì là ai?

Tại sao lại tự nghi chân tánh của mình. Tánh của ông vốn không chân hay sao mà bám lấy ta cầu tìm cái chân thật?

Ngài A Nan còn nghi ngờ chân tánh của mình nên Đức Phật chứng minh cho thấy tánh thấy không phải là vật nhưng thấy được các vật thì đó là “chẳng phải là ông thì là ai?” Các bóng đều có chỗ để trả về, còn tấm gương không trả về đâu cả thì nó chính là ông, xưa nay và mãi mãi là ông chứ làm sao có thể từ chối mà cho là của ai khác, của vật gì khác.

Năm đoạn bàn luận này để chỉ rõ tánh thấy không phải là vật, và do đó chẳng dính dáng gì đến sanh tử vô thường này cả. Cho nên hành giả phải thiền định thiền quán từng câu một, để thật thấy tánh thấy không phải là vật, không dính dáng gì đến không gian thời gian, và do đó nó vốn là giải thoát.

Đây là sự tách biệt, gạn lọc tách ra khỏi tướng. Nhờ nơi vật, nơi tướng mà chúng ta có thể thấy ra cái vốn chẳng phải vật, cái vô tướng, vô niệm, vô trụ.

Khi dùng thiền định thiền quán để phân biệt, nhận ra tánh thấy vốn xưa nay vẫn ở nơi mình và không phải là vật, dù vật ở trong hay ở ngoài, và do đó tánh thấy không bị giới hạn bởi bất cứ vật gì, thì ngay lúc đó chứng biết tánh thấy chính là mình và toàn khắp.

Chỉ một câu, “tánh thấy toàn khắp ấy chẳng phải là ông thì là ai?”, mà tham thiền mãi miết ắt có lúc nhìn thấy tận mặt nó, phát minh cái đại sự nhân duyên vì đó mà Đức Phật ra đời.

Chẳng phải hiện giờ ta đang thấy bằng tánh thấy toàn khắp ấy đấy sao?

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, nếu tánh thấy ấy thật là con chứ không phải là ai khác, thì khi con cùng Như Lai xem cung điện thù thắng của Tứ thiên vương ở cung Nhật nguyệt, cái thấy ấy cùng khắp cõi Ta bà, khi quay về tịnh xá thì chỉ thấy cảnh vườn chùa, nơi giảng đường thanh tịnh thì chỉ thấy hành lang.

Bạch Thế Tôn, cái thấy như thế, thể của nó xưa nay cùng khắp một cõi, nay ở trong phòng thì chỉ thấy một phòng, thế là cái thấy rút lại từ lớn thành nhỏ hay tường vách chia cắt làm cho đứt đoạn? Nay con không biết nghĩa ấy thế nào, cúi mong Thế Tôn từ bi chỉ rõ cho con.

Phật bảo A Nan: Tất cả mọi thứ trong ngoài,lớn nhỏ ở thế gian đều thuộc về tiền trần, không nên nói tánh thấy có co giản. Thí như trong vật hình vuông, thì thấy hư không có hình vuông. Nay ta lại hỏi ông, hư không vuông được nhìn thấy trong vật vuông ấy là cái vuông nhất định hay không nhất định. Nếu nhất định vuông thì khi ở trong vật tròn, hư không lẽ ra không tròn. Nếu không nhất định thì ở trong vật vuông lẽ ra không có hư không vuông. Ông nói không biết nghĩa ấy thế nào, nghĩa tánh là như thế, chứ còn thế nào nữa?

Tánh thấy chẳng dính dáng gì đến vật. Chẳng phải thấy vật hẹp thì nó hẹp lại, thấy vật rộng thì nó rộng ra.

Tánh thấy như hư không, một nghĩa của nó là tánh Không. Như hư không, không phải ở trong vật vuông mà hư không là vuông; không phải ở trong vật tròn mà hư không là tròn. Hư không không lệ thuộc vào vật, nên hư không ở khắp tất cả. Tánh thấy không giới hạn nơi vật được thấy nên tánh thấy thấu thoát qua tất cả mọi vật.

Không phải thấy cõi dục nó thành ra dục. Không phải thấy cõi sắc nó thành ra sắc. Không phải thấy cõi vô sắc nó thành ra vô sắc. Nó thấu thoát và chẳng bị nhiễm ô bởi cõi dục, cõi sắc, và cõi vô sắc. Nó chính là Niết bàn hay tánh Không, luôn luôn thoát khỏi ba cõi. Nó như hư không, bao la không bến không bờ, đồng thời ở trong hạt bụi. Và ba cõi là hoa vọng thấy giữa hư không.

Chúng ta có bao giờ sống ngoài tánh thấy được sao? Chúng ta có bao giờ thấy ngoài tánh thấy được sao?

Thấy nó rõ ràng và sống liên tục với nó, đó là giải thoát trong từng niệm niệm.

Nghĩa tánh là như vậy.

Lại như ông hỏi : Khi vào trong nhà, cái thấy rút nhỏ lại, vậy thì khi ngước xem mặt trời, phải chăng tánh thấy kéo dãn ra lên đến mặt trời ?

Nếu xây tường mà mà chia cắt tánh thấy làm cho đứt đoạn, thì khi xoi một chỗ nhỏ sao lại không thấy dấu nối ? Nghĩa ấy chẳng đúng vậy.

Tánh thấy không rút nhỏ, không kéo dãn theo vật vì tánh thấy không phải là vật, do đó tánh thấy thường trụ như hư không. Tánh thấy như hư không, các vật không thể làm ngăn ngại, đứt đoạn nó. Tánh thấy không chỗ trụ, cho nên chỗ nào cũng là tánh thấy.

Trong tánh thấy vô ngại và vô hạn đó, có đủ mọi cái nhìn thấy của tất cả mọi loài, có đủ các vật được thấy của tất cả mọi cõi. Nhưng chẳng có cái thấy theo biệt nghiệp nào, chẳng có vật của cõi nào có thể ngăn ngại tính thấu thoát vô ngại của nó. Chẳng lẽ vì vài cái bóng trong gương mà gương rút nhỏ lại hay kéo dãn ra ?

Trong cái thấy theo biệt nghiệp hiện giờ của chúng ta, chúng ta phải nhìn ra cho được tánh thấy thấu thoát qua cái thấy giới hạn này, thấy cho được tánh thấy Minh Không xuyên suốt cả ba cõi.

Nếu có một sắc tướng xấu tốt nào ngăn chặn, chia cắt tánh thấy thì chúng ta bắt đầu rơi vào sanh tử. Nếu có một bóng nào chướng ngại, chia cắt tấm gương mà ánh sáng thấu thoát qua mọi bóng thì đó là tự giới hạn, tự chia cắt chính mình.

Ngay nơi con mắt của ta có cái vô hạn, có cái vĩnh viễn vượt khỏi sanh tử. Hãy thấy biết nó và sống trọn vẹn với nó.

Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, mê mình làm vật, bỏ mất bản tâm, bị vật xoay chuyển, cho nên ở ngay trong đó mà thấy lớn thấy nhỏ. Nếu hay chuyển được vật tức đồng Như Lai. Thân tâm tròn sáng, đó là đạo tràng bất động, trên đầu một mảy lông trùm chứa cõi nước mười phương.

Mê mình làm vật là đồng hóa mình với thân tâm này, với cái ta và cái của ta, mà không biết rằng bản tâm mình bao trùm toàn bộ vũ trụ. Như kinh nói ở đoạn trước, nhận một bọt biển mà cho là tất cả đại dương.

Khi nhận vật làm mình thì bị vật xoay chuyển, theo đuổi, thương ghét lấy bỏ, cuộc đời mình càng ngày càng hạn hẹp thành một hạt bụi dật dờ của thế giới sanh tử, còn mất, thêm bớt, đến đi, có không…. Thật đáng thương xót.

Mê mình làm vật là bỏ mất bản tâm để chạy theo vật, lạc mất trong thế giới sắc tướng khác biệt và phân cách. Mê mình làm vật là chuyển tánh thành tướng, chuyển hư không thành ra hoa đốm, chuyển Niết bàn thành ra sanh tử.

Mê mình làm vật là tự đồng hóa với vật, còn dám dừng lại sự đồng hóa này, ngay khi đó mình là bản tâm bao trùm vũ trụ chứ đâu phải là cái gì khác.

Hay chuyển được vật là an trụ nơi bản tâm để chuyển tất cả vật trở lại bản tánh của chúng là bản tâm mình. Hay chuyển được vật là chuyển tướng thành tánh, chuyển thức thành trí, chuyển sanh tử thành Niết bàn.

Chuyển bằng cách nào? Bằng cách nhiếp tất cả tướng về tánh, về đạo tràng bất động. Trong tánh hay trong đạo tràng bất động, tất cả tướng đều bất động. An trụ trong tấm gương thì mọi bóng đều nằm trong gương và chính là gương. Khi ấy mây là mây Như Lai, sông là sông Như Lai, cây là cây Như Lai.

Không có cái gì ngoài Như Lai này, đây là đạo tràng bất động. Thân tâm tròn sáng, đồng với Như Lai là tất cả, cho nên trên đầu một mảy lông trùm chứa cõi nước mười phương.

Đạo tràng bất động này là Đại định Thủ Lăng Nghiêm, cũng là Pháp thân của chư Phật.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan