LỤC ĐỘ BA-LA-MẬT

LỤC ĐỘ BA-LA-MẬT

KINH THẮNG MAN: NHẤT THỪA ĐẠI PHƯƠNG TIỆN – DỊCH GIẢNG HOÀ THƯỢNG THÍCH ĐỨC NIỆM

-----o0o-----

Bạch Đức Thế Tôn! Không khác Ba-la-mật, không khác nhiếp thọ Chánh pháp, nhiếp thọ Chánh pháp tức là Ba-la-mật.
LỤC ĐỘ BA-LA-MẬT

CHÁNH VĂN

Bạch Đức Thế Tôn! Không khác Ba-la-mật, không khác nhiếp thọ Chánh pháp, nhiếp thọ Chánh pháp tức là Ba-la-mật.

LỜI GIẢNG

Nghĩa rộng lớn của nhiếp thọ Chánh pháp là vô lượng. Như trên đã nói đắc nhất thiết nghĩa là rộng lớn, tức là bao hàm Ngũ thừa Phật pháp. Đây ý nói thâu nhiếp tám vạn bốn ngàn pháp môn. Tám vạn bốn ngàn pháp môn mà trọng yếu chính là sáu pháp Ba-la-mật. Vì vậy, nên lại cần nói điều này.

Đại thừa tức là Lục độ. Lục độ tức là Bát-nhã. Bát-nhã tức là Thật tướng. Đây chính là cộng nghĩa của Kinh Đại thừa. Như trong Kinh Bát Nhã, Phật bảo Tu-bồ-đề nói Bát-nhã Ba-la-mật. Nhân đó mà Tu-bồ-đề rộng nói Đại thừa. Phật ấn chứng thành thuyết, nên Đại thừa tức là Ba-la-mật. Nay Thắng Man cũng đối với Phật nói: “Nghĩa rộng lớn của nhiếp thọ Chánh pháp (Đại thừa) không khác Ba-la-mật”. Hai điều này không có cách biệt gì nhau. Nghĩa nhiếp thọ Chánh pháp tức là Ba-la-mật. Ba-la-mật nghĩa là đáo bỉ ngạn (đến bờ giác ngộ bên kia), là pháp môn tu hành thành Phật. Bồ-tát nhiếp thọ Chánh pháp, phát tâm tu học pháp môn Đại thừa, không ra ngoài sáu pháp Ba-la-mật. Sáu pháp Ba-la-mật là danh xưng của Đại thừa mà thôi. Tổng quát mà nói thì nhiếp thọ Chánh pháp là Ba-la-mật, là Đại thừa vậy.

CHÁNH VĂN

Vì cớ sao? Kẻ thiện nam thiện nữ nhiếp thọ Chánh pháp thì nên dùng bố thí để cho thành thục chúng sanh. Cho đến xả bỏ thân mạng tứ chi để cho chúng sanh vừa ý mà thành thục họ. Họ đã thành thục thì kiến lập Chánh pháp cho họ.  ́y gọi là Đàn Ba-la-mật

LỜI GIẢNG

Đây nói về Lục độ Ba-la-mật. Bồ-tát nhiếp thọ Chánh pháp như thế nào gọi là Ba-la-mật? Dưới đây đặc biệt thuyết minh Lục độ. Trước nói về Thí: Bởi vì Bồ-tát nhiếp thọ Chánh pháp cho người thiện nam, thiện nữ, tất cả việc tu hành của Bồ-tát đều lấy lợi tha làm trước. Tất cả đều vì thành thục chúng sanh mà kiến lập Chánh pháp. Chúng sanh căn tánh bất đồng, nên Bồ-tát muốn thành thục họ cũng phải dùng pháp môn sai khác. Nếu nên dùng bố thí để thành thục chúng sanh, thì Bồ-tát dùng bố thí để mà thành thục họ. Cũng như thiếc sắt lấy từ trong khoảng không thể dùng làm công cụ liền được, mà phải trải qua tôi luyện thành thục sắt thiếc ròng rồi mới dùng được. Chúng sanh tu học Phật pháp cũng như thế. Trước nhất phải trồng căn lành. Tiến thêm bước nữa là khiến họ thành thục. Cuối cùng mới có thể được độ thoát.

Nếu chúng sanh tâm tham lam bỏn sẻn nặng nề thì Bồ-tát phải dùng đến các thứ tiền của cho họ để khiến họ hoan hỷ tu học Chánh pháp mà thành thục thiện căn. Còn có những chúng sanh hoan hỷ bố thí, hoặc thấy người bố thí mà khởi lòng hoan hỷ, Bồ-tát liền lấy bố thí để thành thục họ. Bố thí có nhiều phương thức, ở đây nói tài thí. Dùng các thứ tài vật ngoài thân để bố thí thì gọi là ngoại tài thí. Cho đến xả thân bố thí như lấy mắt, tủy não, tay chân v.v... gọi là nội tài thí. Như đây mà bố thí để hộ giúp chúng sanh, thuận ý họ bố thí để họ vừa lòng, khiến cho tâm ý họ vui mừng không sanh phiền não, thiện căn từ đó dần dần thành thục. Đối với việc bố thí để thành thục chúng sanh, tức là khiến họ kiến lập Chánh pháp, an trụ nơi Chánh pháp. Nếu thiện căn trời người đã thành thục rồi, tức là khiến họ trụ ở trong Chánh pháp nhơn thiên. Thanh-văn, Duyên-giác thiện căn đã thành thục, tức là khiến cho họ trụ trong Chánh pháp Nhị thừa. Đại thừa thiện căn thành thục, tức là khiến cho họ trụ nơi Chánh pháp Đại thừa. Hành giả hộ trì Chánh pháp, kiến lập Chánh pháp thì cần phải từ tu học Chánh pháp mà an trụ. Độ sanh và hộ pháp là hai phương thức mang chung cùng một ý nghĩa nội dung. Giống như đây lấy bố thành thục chúng sanh, kiến lập Chánh pháp gọi là Đàn Ba-la-mật.

Đàn-na là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là bố thí. Kinh Luận Phật giáo nói Ba-la-mật thì cần đủ mấy điều kiện: Một là tâm Bồ-đề tương ưng. Hai là trụ đại bi tâm. Ba là dùng Bát-nhã vô sở đắc trí huệ để nhiếp thọ hướng đạo. Bốn là cần phải hồi hướng pháp giới chúng sanh. Nếu tu bố thí như trên đây mới gọi là Bố thí Ba-la-mật. Kinh này ước định phạm trù nói về độ sanh trụ pháp, lợi tha tức là tự lợi. Nếu lìa tinh thần vì pháp vì người thì đâu có thể gọi là Bồ-tát hạnh được?

CHÁNH VĂN

Nếu cần phải dùng giới để mà thành thục, gìn giữ lục căn thanh tịnh ba nghiệp thân miệng ý, cho đến bốn oai nghi đi, đứng, nằm ngồi đoan chánh thì nên vì họ mà nhiếp trì giới, thuận giúp vừa ý họ để mà thành thục đó. Khi đã thành thục chúng sanh, kiến lập Chánh pháp thì gọi đó là Thi Ba-la-mật.

LỜI GIẢNG

Ở đây nói về giới. Lấy giới để thành thục chúng sanh. Bồ-tát dùng với pháp giới để thuần thục bản thân và thuần thục chúng sanh. Bồ tát có ba tụ tịnh giới. Ở đây nói về Nhiếp luật nghi giới. Nghĩa là chẳng những không tác ý mà còn tu hạnh thanh tịnh thì gọi là giới. Tất cả phiền não ác nghiệp đều từ nơi cửa ngõ lục căn mà sanh khởi. Như mắt thấy sắc đẹp, xấu, theo đó mà khởi tham sân. Chẳng khác nào kẻ trộm từ cửa mà vào nhà. Các giặc phiền não từ nơi cửa căn mà thâm nhập. Vì vậy, hành giả nên gìn giữ sáu căn. Nói như thế không có nghĩa đóng kín sáu căn, nhắm mắt không thấy gì, bịt tai không nghe gì, mà phải vận dụng sáu căn vào chánh niệm chánh tri. Chánh tri là đối với cảnh giới có nhận thức chính xác phân định chơn tướng không bị cảnh giới chuyển. Như thấy vàng bạc châu báu liền nên biết năm nhà đều chung có. Năm nhà đó là nước trôi, lửa cháy, trộm cướp, con phá và nhà nước tịch thu. Nghĩ như thế rồi không khởi lòng tham đắm.

Chánh niệm là đối với Phật pháp chánh tri chánh kiến, phải thời thời khắc khắc nghĩ nhớ - không quên. Có chánh niệm chánh tri mới hay gìn giữ được cửa căn. Trì giới có nghĩa là không những không làm ác mà còn hành thiện, tu tập ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh. Nếu thật tâm chơn chánh nghiêm trì giới luật thì ba nghiệp thanh tịnh, đoan chánh bốn oai nghi, không rơi vào buông lung phóng túng, trí huệ phá thủng vô minh. Dùng đây để thành thục chúng sanh, kiến lập Chánh pháp, gọi là Thi Ba-la-mật”. Thi, tiếng Phạn là Sila, hàm ý là thanh lương tức là mát mẻ, trong sạch, thanh nhàn, dịch nghĩa là giới. Người trì giới thì ba nghiệp thanh tịnh mát mẻ thanh nhàn tự tại. Chứng đắc thần thông cũng từ tu trì giới mà ra.

CHÁNH VĂN

Nên dùng nhẫn nhục để thành thục chúng sanh. Nếu bị chúng sanh mắng chửi, hủy nhục, bài báng, khủng bố, tâm vẫn không giận hờn. Đã không giận hờn lại còn đem tâm lợi ích, đệ nhất nhẫn lực cho đến sắc mặt không biến đổi để giúp hộ, làm vừa ý họ, để thành thục họ. Chúng sanh kia được thành thục kiến lập Chánh pháp, thì gọi là Sằn đề Ba-la-mật.

LỜI GIẢNG

Đây là nói về nhẫn nhục. Nếu chúng sanh tâm tánh hung hăng, nóng nảy, thô lỗ, thì Bồ-tát nên dùng nhẫn nhục để mà thành thục họ. Nhẫn có nhiều thứ. Nay chỉ nói chúng sanh nhẫn. Nay gặp phải chúng sanh không lành đến khinh khi hãm hại thì nên nhẫn chịu chứ không khởi phiền não. Mạ lị là dùng lời thô bạo ác độc mắng nhiếc thẳng vào mặt nghe không chịu nổi. Hủy nhục là làm nhục trước mặt. Phỉ báng là chê bai nói xấu sau lưng người. Khủng bố là dùng thủ đoạn hung tợn để áp bức nộ nạt. Bồ-tát gặp những chúng sanh bất hảo này, nên dùng tâm nhẫn nhục mà đối đãi họ. Chẳng những không khởi tâm giận hờn mà còn dùng tâm hỷ xả lợi ích để thương xót họ. Nếu gặp chúng sanh không biết phải quấy thiện ác là gì, thì nên khởi tâm đáng tội nghiệp thương xót họ, tìm phương pháp khiến cho họ được lợi ích.

Đệ nhất nhẫn nhục là sức nhẫn nhục tối kiên cường, dù ở bất cứ tình huống nào cũng đều nhẫn chịu sự hủy báng phá phách áp bức của chúng sanh. Chẳng những nội tâm không sanh phiền não vì phá phách hủy nhục mà sắc diện cũng không biến đổi. Thường thì người ta gặp phải sự mạ lị hủy nhục sắc diện liền biến đổi, gân nổi máu sôi khí xung thiên. Đây là nói lên hiện tượng tướng mạo khí sắc không thể nhẫn. Bồ-tát nhiếp thọ Chánh pháp dù thân thể có bị cắt vẫn thản nhiên, sắc diện không mảy may biến đổi. Được thế mới chứng thực là nhẫn nhục. Như Phật trong kiếp tiền thân, khi còn là Nhẫn Nhục Tiên nhơn, bị vua Ca Lợi hủy báng xẻ thịt lóc xương đau đớn không lường, mà sắc diện vẫn không thay đổi. Vì pháp vì người như thế gọi là Sằn đề Ba-la-mật. Sằn đề tiếng Phạn là Kshanti, Trung Hoa dịch là nhẫn. Nhẫn trong Phật pháp Đại thừa rất là quan trọng. Người có đức nhẫn thì không khởi lòng sân. Nếu không nhẫn thì tâm sân đấy khởi. Một khi sân khởi thì giảm mất tâm từ bi, liền đó mất Đại thừa, không thành là Bồ-tát.

CHÁNH VĂN

Nên lấy tinh tấn để thành thục chúng sanh, không khởi biếng nhác, sanh tâm đại dục, đệ nhất tinh tấn, cho đến hoặc đem tứ oai nghi giúp hộ họ thích ý, để thành thục đó. Điều này khiến chúng sanh đã thành thục là kiến lập Chánh pháp, thì gọi là Tỳ-lê-da Ba-la-mật.

LỜI GIẢNG

Trên đây nói về đức tinh tấn. Bồ-tát lấy tinh tấn để thành thục chúng sanh. Phật pháp nói tinh tấn tức hàm ý nghĩa hướng thượng nỗ lực từ thiện. Bồ-tát không khởi tâm giải đãi. Giải đãi thì tương phản với tinh tấn. Dứt ác hành thiện là tinh tấn. Lười biếng không chuyên cần dũng mãnh tu thiện dứt ác thì gọi là giải đãi. Không những không khởi tâm giải đãi mà còn phải sanh tâm đại dục. Dục ở đây là ham thích Chánh pháp. Đại dục là lòng ham muốn tu hết tất cả pháp lành, khắp độ tất cả chúng sanh, rốt ráo chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, ấy là đại dục. Kinh luận đạo Phật thường nói: “Dục là chuyên cần”. Có vì Chánh pháp khởi đại dục thì mới có thể phát tâm hành tinh tấn. Có tâm tinh tấn mới thúc liễm tứ oai nghi đi đứng nằm ngồi không giải đãi. Tâm như thế là tâm vì pháp vì người, gọi là hạnh Tỳ-lê-da Ba-la-mật, Tỷ lệ da tiếng Phạn là Virya, có nghĩa là tinh tấn.

CHÁNH VĂN

Nên dùng thiền để thành thục chúng sanh tâm không loạn, không hướng vọng ngoại, được đệ nhất chánh niệm, cho đến về lâu dài khi làm, lúc nói trọn không quên mất, ngõ hầu giúp hộ ý họ được thành thục. Khi chúng sanh đã thành thục kiến lập Chánh pháp thì gọi là Thiền Ba-la-mật.

LỜI GIẢNG

Những chúng sanh cần dùng thiền định để mà thành thục thì Bồ-tát liền lấy thiền định để mà thành thục họ. Thiền tiếng Phạn là Thiền na (Dhyana), Trung Hoa dịch là tĩnh lự. Có nghĩa là trong trạng thái tâm tư yên tĩnh, những cặn bã vọng niệm lắng xuống, chỉ còn bản tâm trong sạch thanh tịnh, như nước lắng cặn cáu chỉ còn bản tánh trong vắt mát sạch. Thiền tuy thông với định huệ mà quan trọng là nơi định. Loạn và định tương phản. Nội tâm động loạn thì không thể định, nên khởi tâm bất loạn. Tâm hướng ngoại tức là tâm dong ruổi tìm cầu ngoại cảnh. Người mà có tâm này thì định không thành. Luận Trí Độ nói: Tu thiền định trước phải xua đuổi ngũ dục. Nếu cho ngoại cảnh là thẩm mỹ để cho tâm mắt dong ruổi ngắm nhìn thì quyết khó mà định được. Người đời cho ngoại cảnh là vui đẹp, mà không biết nội tâm phát sinh một thứ định lạc, tức là an lạc của tâm an định, thì khó sanh trí huệ, khó thành đạo. Trong Phật pháp gọi định lạc này là Hiện pháp lạc trú, tức là thứ định lạc này siêu việt hơn tất cả, khoái lạc của hướng ngoại.

Đệ nhất chánh niệm tức là chánh niệm kiên cố. Chánh niệm như sợi dây khiến hành giả buộc niệm một chỗ, tâm ở một chỗ, không hướng ngoại dong ruổi mong cầu, tức là được định. Một khi tâm đã định rồi thì đối với quá khứ lâu xa hoặc đã làm đã nói trước đây không quên không mất. Tâm loạn thì dễ quên mất. Thiền tâm tịnh sáng, sức nhớ rất bền lâu, khó có thể quên mất. Người học Phật tưởng rằng niệm Phật niệm Kinh có thể trí huệ khai mở. Kỳ thật niệm Phật, tụng Kinh trí huệ khai mở là khi nào nhất tâm chuyên niệm. Nghĩa là do nhân duyên khi tụng niệm nhất tâm. Tâm ý tập trung mà được định lực hoặc gần giống như định lực, khiến tăng trưởng ký ức. Trong Kinh nói đắc định tức là Đà la ni là ý nghĩa này vậy.

CHÁNH VĂN

Nên dùng trí huệ để thành thục. Những chúng sanh kia có hỏi tất cả những điều nghi thì nên dùng tâm vô úy mà vì họ diễn nói giãi bày tất cả. Nói rõ ràng rốt ráo tất cả những công xảo cho đến các việc các thứ công xảo ngõ hầu giúp họ thích ý để họ được thành thục. Những chúng sanh kia được thành thục kiến lập Chánh pháp thì gọi đó là Bát-nhã Ba-la-mật.

LỜI GIẢNG

Những chúng sanh cần phải dùng đến trí huệ để thành thục thì Bồ-tát liền dùng trí huệ - để thành thục họ. Đặc tính Bát-nhã Ba-la-mật quảng đại bao la. Lý lượng tánh tướng các pháp, Bồ-tát đều do trí huệ Bát-nhã mà được thông đạt. Trí huệ Bồ-tát không giới hạn ở thắng nghĩa huệ, như Luận Du Già Sư Địa nói: “Bồ-tát cầu pháp thì nên cầu gì? - Phải cầu ngũ minh”. Tức là nên đối với tất cả học vấn thế gian và xuất thế gian phát tinh thần cầu pháp. Tinh thần Bồ-tát học khắp tất cả pháp môn. Có như thế, khi chúng sanh cầu hỏi tất cả nghĩa học vấn, Bồ-tát mới có thể dùng tâm vô úy mà giảng nói luận bàn tất cả. Luận bàn tất cả pháp học vấn được tóm tổng xưng là Ngũ minh, hoặc Thập bát đại luận, hay Lục thập tứ luận v.v... Tổng ở đây có nghĩa là gồm thâu tất cả học vấn thế và xuất thế gian. Tất cả học vấn Phật giáo quy nạp làm Ngũ minh. Minh ở đây là chỉ cho trí huệ, tức thông danh xưng với học thuật. Xứ ở đây là chỉ chỗ sở y, tức là các học vấn y nơi trí huệ mà thành. Ngũ minh gồm có: 1) Nội minh là chỉ chung cho tất cả Phật pháp. 2) Thanh minh là chỉ có văn tự học, âm vận học, văn pháp học v.v... 3) Nhơn minh là chỉ về luận lý học. 4) Y phương minh là chỉ về y học, dược học và vạn vật học. 5) Công xảo minh là chỉ về lý luận khoa học, ứng dụng khoa học và tất cả cứu cánh của công xảo học. Ngũ minh không phải chuyên lý thuyết suông mà phải do truyền tập. Thực dụng, kinh nghiệm mới được tri thức quý báu.

Bồ-tát cần phải thông đạt tất cả sự lý. Như Kinh Hoa Nghiêm trình hiện Thiện Tài đồng tử tham vấn tất cả Thiện tri thức trong đó có kiến trúc sư gom cát thành tháp, có hàng hải gia, có chính trị gia, có quan tòa, có y sĩ, có ngôn ngữ học gia v.v... Nếu chúng sanh là hạng người thợ nề thợ mộc thì dùng trí tuệ về kiến trúc nề mộc để thuyết giảng đạo pháp. Như Đức Phật vì hóa độ kẻ chăn bò, nên Ngài liền nói mười một phương pháp nuôi bò v.v... Nghĩa là làm thế nào để nhiếp thì chúng sanh thành thục họ, khiến cho họ trụ nơi Chánh pháp thì gọi đó là Bát-nhã Ba-la-mật. Như thế là trí huệ tuyệt diệu cứu cánh hạnh nguyện hóa độ của Bồ-tát.

-----o0o-----

Trích: “Kinh Thắng Man: Nhất Thừa Đại Phương Tiện”.

Dịch Giảng: Hoà Thượng Thích Đức Niệm.

NXB Tôn Giáo – 2018.

Ảnh nguồn: Internet.

Bài viết liên quan