MÔN ĐỐN NGỘ LẤY GÌ LÀM TÔNG - ĐỐN NGỘ NHẬP ĐẠO YẾU MÔN – THIỀN SƯ TUỆ HẢI (ĐẠI CHÂU)

Môn đốn ngộ này lấy gì làm Tông (chủ)? Lấy gì làm Chỉ (chỉ thú)? Lấy gì làm Thể? Lấy gì làm Dụng?
MÔN ĐỐN NGỘ LẤY GÌ LÀM TÔNG - ĐỐN NGỘ NHẬP ĐẠO YẾU MÔN – THIỀN SƯ TUỆ HẢI (ĐẠI CHÂU)

MÔN ĐỐN NGỘ LẤY GÌ LÀM TÔNG

ĐỐN NGỘ NHẬP ĐẠO YẾU MÔN – THIỀN SƯ TUỆ HẢI (ĐẠI CHÂU)

H.T Thích Thanh Từ dịch

---*---

- Môn đốn ngộ này lấy gì làm Tông (chủ)? Lấy gì làm Chỉ (chỉ thú)? Lấy gì làm Thể? Lấy gì làm Dụng?

- Lấy vô niệm (tâm không dấy khởi) làm Tông. Vọng tâm chẳng khởi làm Chỉ. Lấy thanh tịnh làm Thể. Lấy trí làm Dụng.

- Đã nói vô niệm làm Tông, chưa biết vô niệm là vô niệm nào?

- Vô niệm là không tà niệm, chớ chẳng phải không chánh niệm.

- Thế nào là tà niệm? Thế nào là chánh niệm?

- Niệm có, niệm không là niệm tà, chẳng niệm có không là niệm chánh; niệm thiện, niệm ác là niệm tà, chẳng niệm thiện ác là niệm chánh; cho đến niệm khổ vui, sanh diệt, thủ xả, oán thân, yêu ghét thảy đều là niệm tà, chẳng niệm khổ vui… là niệm chánh.

- Thế nào là chánh niệm?

- Chánh niệm là chỉ niệm Bồ-đề.

- Bồ-đề có thể được chăng?

- Bồ-đề không thể được.

- Đã không thể được làm sao chỉ niệm Bồ-đề?

- Bồ-đề chỉ là danh tự giả lập, thật không thể được. Cũng không có trước sau được. Vì không thể được nên không có niệm. Chỉ cái không niệm ấy gọi là chân niệm. Bồ-đề không có chỗ niệm. Không có chỗ niệm tức là tất cả chỗ không tâm, ấy là không có chỗ niệm.

Những lối giải vô niệm như trên, đều là tùy sự phương tiện giả lập danh tự, vẫn đồng một thể, không hai không khác. Cốt biết tất cả chỗ không tâm tức là “vô niệm”. Khi được vô niệm thì tự nhiên giải thoát.

Bài viết liên quan