NGÔI SAO CỦA BETHLEHEM - CHOGYAM TRUNGPA RINPOCHE – CON ĐƯỜNG CHÍNH LÀ ĐÍCH ĐẾN

Để hiểu rõ mối liên hệ giữa nhận thức và tồn tại, chúng ta phải nhìn vào ý niệm tồn tại trong lúc này. Có rất nhiều hình thức tiếp cận đối với tồn tại. Tồn tại tốt đẹp, tồn tại dở tệ, tồn tại nhạy cảm, tồn tại điên rồ.
NGÔI SAO CỦA BETHLEHEM - CHOGYAM TRUNGPA RINPOCHE – CON ĐƯỜNG CHÍNH LÀ ĐÍCH ĐẾN

NGÔI SAO CỦA BETHLEHEM

CHOGYAM TRUNGPA RINPOCHE – CON ĐƯỜNG CHÍNH LÀ ĐÍCH ĐẾN

Việt dịch: Thế Anh

-----o0o-----

Giới thiệu Tác giả:

Chögyam Trungpa Rinpoche (1940-1987)là hậu duệ thứ 11 trong dòng Trungpa tulku (tái sinh). Ông được công nhận vì đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa Chánh Pháp đến phương Tây. Là một trong những đạo sư Phật giáo Tây Tạng đầu tiên đến Mỹ, ông đã thành lập Đại học Naropa ở Boulder, Colorado và một tổ chức gồm khoảng 200 trung tâm thiền định trên toàn thế giới được gọi là Shambhala International. Ngoài những cuốn sách bán chạy nhất của mình về giáo lý Phật giáo, bao gồm “Vượt qua chủ nghĩa duy vật tâm linh” và “Thần thoại về tự do”, ông còn là tác giả của hai cuốn sách về truyền thống chiến binh Shambhala: “Shambhala: Con đường thiêng liêng của người chiến binh” và “Mặt trời Phương Đông vĩ đại: Trí huệ của Shambhala”.

-----o0o-----

Để hiểu rõ mối liên hệ giữa nhận thức và tồn tại, chúng ta phải nhìn vào ý niệm tồn tại trong lúc này. Có rất nhiều hình thức tiếp cận đối với tồn tại. Tồn tại tốt đẹp, tồn tại dở tệ, tồn tại nhạy cảm, tồn tại điên rồ. Chân phúc là thái độ. Mọi dạng ý niệm về sự tồn tại. Tuy nhiên, khi nhắc đến mối liên hệ giữa tồn tại và nhận thức, chúng ta lại nhắc đến sự tồn tại vô điều kiện. Bạn chỉ tồn tại, vậy thôi. Bạn không có bất kỳ câu hỏi nào đối với việc mình đang tồn tại như thế nào. Đó là một lối sống vô điều kiện.

Tồn tại vô điều kiện là một trạng thái tinh thần, liên quan đến một thái độ cụ thể. Bạn có thể nói rằng: “Liệu đó có phải là tâm trí vô điều kiện hay không nếu nó liên quan đến một thái độ? Nếu đó cũng là một thái độ thì chúng ta không thể định nghĩa nó như một sự tồn tại vô điều kiện”. Đúng thế. Nhưng kỳ lạ thay, ngay cả sự tồn tại vô điều kiện cũng đòi hỏi một thái độ cụ thể để phát triển đến cấp độ vô điều kiện. Chúng ta phải nêu ra một số điều kiện để phát triển tính chất và điều kiện. Chúng ta không thể bắt đầu một cách hoàn hảo. Đó sẽ không còn là sự bắt đầu nữa mà sẽ trở thành sự kết thúc, một thành tựu nào đó.

Lý do khiến chúng ta xem toàn thể quá trình này là cấp độ dành cho người mới bắt đầu bởi vì đó là cấp độ còn vụng về, cấp độ còn hỗn loạn. Cấp độ ấy chưa có hệ thống, còn rối loạn, v.v... Đó là sự lẫn lộn, sự hỗn loạn, sự thiếu ngăn nắp, và sự đối lập thường xuyên, điểm tham chiếu thường xuyên. Tuy nhiên, ít nhất chúng ta cũng đang hướng đến sự tồn tại vô điều kiện.

Chúng ta nhìn lên ngôi sao của Bethlehem ở đường chân trời. Nó ở xa, rất xa, nhưng vẫn còn đó sự hy vọng. Một tia sáng lập lòe đang tồn tại ở đó. Mặt đất có thể tối tăm, bầu trời có thể xám đen. Tiết trời có thể lạnh giá, chúng ta có thể cảm thấy lạnh, không thoải mái, mỏi mệt và bồn chồn. Tuy nhiên, ngôi sao của Bethlehem vẫn hiện diện ở đằng xa. Con người vẫn còn hy vọng. Niềm hy vọng cuối cùng dành cho con người chính là sự giác ngộ, ngôi sao của Bethlehem ở đường chân trời.

Các vị Phật, tathagatas, và các bậc thầy vĩ đại đã phát triển những phương tiện rất có ích trong suốt nhiều thời đại. Cách tiếp cận của họ là giữ sự giác ngộ như mẩu cà rốt trước mặt con lừa. Một mẩu cà rốt ở cách xa hàng ngàn dặm vẫn cuốn hút và bạn phải tiếp tục bước đi để có được nó. Vào lúc này, ở cấp độ của người mới bắt đầu, con lừa không có được mẩu cà rốt, nhưng nó cần được một điều gì đó giúp truyền cảm hứng. Chính vì thế một động lực ở xa được tạo ra. Điều gì đó đang diễn ra ở rất xa, ở tận đường chân trời. Đó là một không gian rộng lớn, một khung cảnh hoang mạc khổng lồ.

Quan điểm ở đây (ngoại trừ hình ảnh mang tính thi ca này) là chúng ta cần có hy vọng, niềm hy vọng mãnh liệt đối với việc đạt được giác ngộ trong cuộc đời. Chúng ta cần niềm hy vọng đó để liên hệ với giọng nói thường xuyên diễn ra trong tâm trí, những thăng trầm cảm xúc đang tiếp diễn, những khó khăn mà chúng ta trải nghiệm, những quá trình liên tục đang diễn ra trong trạng thái tồn tại. Chúng ta cần có một điểm tham chiếu gắn liền với điều đó.

Niềm hy vọng có thể được phân loại thành hai dạng. Tham vọng tinh thần là dạng thứ nhất và niềm hy vọng giành được sức mạnh là dạng thứ hai. Đối với tham vọng, các môn đồ cần liên hệ với một người bạn tinh thần, trong tiếng Phạn là kalyanamitra, còn trong tiếng Tây Tạng là geuge she-nyen. Người bạn tinh thần là vô cùng quan trọng. Bạn không thể khởi sự ngay cả với cấp độ bắt đầu nếu không liên hệ với một người từng kinh qua hành trình đặc biệt này và đạt được kết quả giác ngộ. Bạn cần phải có một điểm tham chiếu như vậy, một người gìn giữ dòng chảy tinh thần, một người thợ cần mẫn. Bạn phải thu thập thông tin về quá trình kiến thức được truyền lại. Bạn phải liên hệ với ai đó biết rõ cách biến Phật pháp thành một phần của thế giới hữu hình, thay vì để Phật pháp mãi mãi là bí ẩn. Người bạn tinh thần, kalyanamitra, là người luôn tránh thái độ suy đoán đối với giáo lý, để giáo lý không còn là điều bí ẩn, mà mang giáo lý đến với đời sống thực tế. Người bạn tinh thần đã làm được điều đó, bạn cũng có thể làm được điều đó. Đây là nhiệm vụ khả thi và hữu hình. Điều đó rất hiển nhiên.

Một mối quan hệ như vậy có thể bắt đầu thông qua vị thế của người bạn tinh thần, một người được cho là có sức mạnh chế ngự sự lẫn lộn của người khác. Sự lẫn lộn không tồn tại khi bạn gặp gỡ một người thấu hiểu. Bạn có thể đi theo người đó căn cứ vào niềm tin, nếu không, bạn sẽ chỉ có một trải nghiệm cá nhân riêng tư. Bạn có thể cảm nhận rằng việc gặp gỡ với một người như vậy là rất có ích. Bạn thực sự có thể cảm nhận như vậy trước sự hiện diện của người đó. Bạn cảm nhận được sự tỉnh táo, sự vững chắc căn bản. Một cảm giác thực tế xuất hiện.

Do đó, bạn sẽ có hai sự lựa chọn. Hoặc bạn thuộc loại người có niềm tin mù quáng, người tin tưởng và thờ phụng mà không cần logic. Hoặc bạn có thể thuộc loại người không có niềm tin, người luôn ngờ vực, ương bướng trong đầu chứa đầy triết lý. Một người như thế có thể nhìn người bạn tinh thần ở ngang tầm mắt của mình để tìm hiểu xem người đó như thế nào, tại sao người đó lại xuất hiện và người đó đang hoạt động ở cấp độ tinh thần nào. Nhưng như vậy không có nghĩa rằng để vượt qua “bài sát hạch” của bạn, người bạn tinh thần phải ở cao hơn bạn hoặc liên tục phát ra hào quang giác ngộ. Chỉ có mối quan hệ cá nhân mới thực sự quan trọng.

Theo truyền thống, người dẫn dắt được mô tả như

mặt trời tỏa sáng trên trái đất. Mọi khía cạnh trên trái đất này (mỗi cánh hoa, chiếc lá, mồi ngon có đang mọc) tất cả đều liên hệ với mặt trời theo quy luật bốn mùa. Mỗi bông hoa trên trái đất đều có mối quan hệ riêng tư với mặt trời, cho dù mặt trời không thiên vị tập trung ánh sáng cho một đối tượng cụ thể nào cả. Mặt trời không tỏa sáng cho khóm hoa hồng nhiều hơn cây anh túc hay bất kỳ thứ gì khác. Toàn bộ quá trình đều tùy thuộc vào mức độ đón nhận, mức độ cởi mở.

Vì thế, sự cởi mở cá nhân là điều rất quan trọng, thay vì thuần túy dựa vào niềm tin. Niềm tin có thể mù quáng hoặc thông minh. Niềm tin cởi mở là thông minh, sẵn sàng bao gồm cả sự lẫn lộn và tri thức. Niềm tin mù quáng thuần túy dựa trên số liệu và dữ kiện, suy nghĩ dưới dạng những kết quả tức thời, tùy thuộc vào vị thế, danh tiếng, v.v... Điều đó cũng giống như nói rằng bạn nên đọc cuốn sách này vì đó là một cuốn sách best-seller. Năm triệu bản đã được bán ra, do đó cuốn sách hẳn là rất hay. Có thể năm triệu kẻ ngốc đã mua và đọc nó. Nhưng đây là một hình thức tham chiếu dẫn dắt niềm tin mù quáng.

Vì thế, để theo đuổi con đường tinh thần, bạn cần phải có mối quan hệ cá nhân với một vị sư phụ, một kalyanamitra, một geuse she-nyen. Vị sư phụ tinh thần sẽ giới thiệu cho bạn ngôi sao của Bethlehem. Ông ta sẽ dẫn bạn ra khỏi căn nhà ấm áp của bạn. Ngoài trời có thể lộng gió hay hơi lạnh. Ông ta nói: “Chúng ta hãy bước ra ngoài và nhìn xem điều gì đang xảy ra trên thế gian”.

Đó là một đêm mùa đông lạnh giá và người bạn tinh thần của bạn quyết định dẫn bạn ra ngoài. “Đừng tự hành hạ mình. Hãy khoác áo, một chiếc áo thật ấm. Nào, chúng ta hãy cùng nhau bước ra khỏi căn nhà mà chúng ta đang sống. Hãy cẩn thận bước chân. Bên ngoài trời khá tối. Hãy để cho mắt bạn có thời gian điều chỉnh từ ánh sáng bên trong sáng bóng tối bên ngoài. Chúng ta hãy bước ra ngoài, nhưng hãy để ý bước chân của bạn. Người đó rất thực tế, rất cẩn trọng khi dẫn bạn ra ngoài trong một đêm mùa đông lạnh giá. Bạn có thể nghe thấy từng ngọn cỏ được sương đêm bằng giá bao phủ. Khi bạn tạo dựng được mối liên hệ với mặt đất và tầm nhìn của bạn cũng bắt đầu thích nghi với ánh sáng ban đêm, các ngôi sao bắt đầu trở nên rực sáng. Bạn còn bắt gặp các đám mây lơ lửng phía đường chân trời, nhưng ở đó luôn có ngôi sao của Bethlehem tỏa sáng, và run rẩy vì thời tiết lạnh giá.

Do đó, vai trò của người bạn tinh thần là dẫn dắt bạn thấy ngôi sao của Bethlehem. “Hãy nhìn xem. Chúng ta sẽ đi đến đó”. Sau đó, bạn sẽ có một trải nghiệm cá nhân, vốn là trải nghiệm qua lại giữa bạn và người bạn tinh thần. Kế đến, bạn sẽ có một mục tiêu, ý tưởng đến với ngôi sao của Bethlehem, đến với sự giác ngộ. Vào lúc này, đây là một trải nghiệm thực tế, không còn bí ẩn nữa. Đó không phải là một ảo giác. Ngôi sao của Bethlehem đang tỏa sáng ngoài kia và đó không phải là sự dối gạt. Đó là một trải nghiệm có thật, rất thật. Theo truyền thống Thiền tông, nó được gọi là trải nghiệm khai sáng. Hoặc nó có thể được gọi là sự gặp gỡ của hai tâm trí. Người đó đã hướng dẫn cho bạn cách kiểm soát bản thân, cảm xúc và các hình thức tu trì. Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là khiến sự giác ngộ trở nên thực tế, thay vì chỉ là một bí ẩn.

Cho đến khi có được trải nghiệm này, chúng ta nghĩ rằng: “Nó sẽ hiệu quả đấy, chúng ta hãy nắm bắt cơ hội xem sao”. Tuy nhiên, trải nghiệm ấy vẫn chưa đủ thực tế. Chúng ta đã nắm bắt những dạng cơ hội như vậy, kể từ khi chúng ta bắt đầu quan tâm đến vòng luân hồi. Chúng ta nghĩ rằng mình có thể sẽ hạnh phúc trong tương lai thông qua nỗ lực nắm bắt cơ hội, nỗ lực tạo ra một tổ ấm tiện nghi. Chúng ta đã nêu ra đủ mọi phỏng đoán và vẫn tiếp tục sống trong hy vọng. Chúng ta không bao giờ từ bỏ hy vọng. Tuy nhiên, cách tiếp cận ấy lại không hiệu quả. Chúng ta có thể nói rằng đó không phải là một kế hoạch thông minh. Trong thực tế thì đó còn là một kế hoạch ngớ ngẩn. Chúng ta không thể trách móc ai. Chúng ta thậm chí không thể trách móc bản thân. Điều đó diễn ra hoàn toàn do ngẫu nhiên, thông qua những phản ứng dây chuyền của nghiệp chướng. Vì thế, chúng ta không nên thể hiện thái độ hận thù hướng đến bất kỳ ai: Những lời trách móc và thái độ thù hận trở nên lỗi thời và vô lý. Vì thế, chúng ta hãy quay trở lại với vạch xuất phát. Hãy gặp gỡ người bạn tinh thần, người sẽ chỉ cho bạn thấy ngôi sao của Bethlehem, sự giác ngộ, sau đó bắt đầu cuộc hành trình của bạn ngay lập tức.

Ở đây, cảm giác tồn tại là sau khi chia sẻ một trải nghiệm chung với người bạn tinh thần thì điều gì đó nhất định sẽ diễn ra. Cảm giác tồn tại đó được tạo ra một cách giả tạo hay chân thật và tự nhiên đều không quan trọng. Đó vốn dĩ là một trải nghiệm. Xét trong mọi trường hợp, đó là một trải nghiệm, một trải nghiệm cá nhân.

Những tình huống nghiệp chướng đang diễn ra trong toàn thể sự việc. Nếu cứ theo cảm nhận của mình, chúng ta đang hoàn toàn lẫn lộn. Lẫn lộn đến mức đôi khi chúng ta không hề nhận ra điều đó. Nỗ lực tìm xem ai là người thích hợp để chúng ta đổ lỗi cho sự lẫn lộn của mình lại là một hành vi gây lẫn lộn khác. Hành vi đó sẽ khiến chúng ta xa rời phương pháp tu tập thiền định đích thực.

Mọi việc được tóm lại như sau: Thực tế không ai làm đảo lộn cuộc sống của bạn cả. Điều duy nhất làm đảo lộn cuộc sống của bạn là bạn thực sự cảm nhận được rằng ai đó đang chơi khăm mình hoặc mình đang chơi khăm chính mình. Nhưng trong thực tế thì bạn không hiện hữu. Bạn thậm chí không tồn tại một chút nào. Vì thế, không có ai chơi khăm ai cả. Bạn không tồn tại. Bạn chỉ là một bí ẩn, một sự thật bí ẩn.

Với hiểu biết về sự thật bí ẩn đó, chúng ta tu tập thiền định. Chúng ta thiền định trong sự bí ẩn của tự do. Đó là một điều bí ẩn (ngôi sao của Bethlehem có thể là một điều bí ẩn) nhưng chúng ta đã thấy nó, chúng ta đã trải nghiệm nó.

Vì thế, bạn cần phải có tính kỷ luật cao độ, phải cam kết với người bạn tinh thần và cam kết với chính mình, vì lợi ích của chính bản thân. Và tu tập thiền định sẽ mang lại một sự giúp đỡ lớn lao. Bạn không phải là tín đồ Phật pháp nếu không chấp nhận rèn luyện tâm trí căn bản. Để lĩnh hội Phật pháp, con người phải rèn luyện cách phát triển thái độ đó. Điều này ban đầu có thể gây lúng túng, nhưng nó rất cần thiết. Bắt đầu với cấp độ kỷ luật Tiểu Thừa, phép tu tập satipatthana và vipashyana là cực kỳ quan trọng và hữu ích. Phương pháp tu tập này tuyệt đối cần thiết nếu bạn muốn đi theo con đường đúng đắn, triệt để và hoàn chỉnh. Sự giác ngộ là một điều mang tính tổng thể, hoàn chỉnh. Không có khái niệm nào gọi là giác ngộ “giả”. Đó là một trải nghiệm thực tế. Đó là cuộc sống thực tế.

MÔN SINH: Ông nói rằng ngay cả chúng ta cũng không tồn tại, chúng ta là một bí ẩn. Vậy phải chăng giác ngộ cũng là một bí ẩn?

TRUNGPA RINPOCHE: Bạn không tồn tại. Tôi cũng thế. Tôi cũng không tồn tại.

MÔN SINH: Sự giác ngộ có tồn tại hay không?

TRUNGPA RINPOCHE: Ngay cả giác ngộ cũng không tồn tại.

MÔN SINH: Tín ngưỡng có tồn tại hay không?

TRUNGPA RINPOCHE: Tín ngưỡng cho bạn thấy rằng bạn không tồn tại. Đó chính là tri kiến mà người khác mang đến cho bạn, rằng bạn không tồn tại. Và bạn trải nghiệm điều đó, hoàn toàn đúng: “Tôi không tồn tại”. Đó là hành động tín ngưỡng. Tín ngưỡng là ngôn ngữ, là phương tiện để chuyển tải thông điệp đó, đóng vai trò như một người đưa thư mang thông điệp đến cho bạn.

MÔN SINH: Ông nhắc đến việc có được trải nghiệm cá nhân của bậc thầy là trải nghiệm giác ngộ. Tuy nhiên, theo những gì tôi hiểu về cách nói của ông đối với sự giác ngộ thì đó lại không phải là một trải nghiệm. Vậy điều gì sẽ xảy ra trong khoảnh khắc đó? Đó là sự giác ngộ, hay vẫn là một trải nghiệm? Liệu có người nào ở đó để trải nghiệm hay không?

TRUNGPA RINPOCHE: Sự giác ngộ không còn được xem như một trải nghiệm nữa. Trải nghiệm cũng giống như giấy thấm mực. Giấy thấm mực có trải nghiệm bằng cách giúp thấm mực. Điều này yêu cầu hai thực thể phải phối hợp với nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đó lại không phải là một trải nghiệm. Đó là trạng thái tổng thể. Ý niệm về lưỡi dao tự cắt chính nó.

MÔN SINH: Nếu vào khoảnh khắc đó, trải nghiệm là trạng thái tổng thể, vậy nó sẽ kết thúc ra sao?

TRUNGPA RINPOCHE: Nó không kết thúc. Sự giác ngộ tồn tại vĩnh cửu. Nó không bao giờ kết thúc. Tôi muốn nói rằng đó là toàn bộ quan niệm về sự giải thoát. Sau khi bạn được giải thoát thì điều đó sẽ tồn tại vĩnh hằng.

MÔN SINH: Vậy trải nghiệm với người bạn tinh thần chỉ là một ý niệm nhất thời?

TRUNGPA RINPOCHE: Một ý niệm nhất thời đối với tự do.

MÔN SINH: Vậy nếu tôi đến gặp người bạn tinh thần của mình và muốn giao nộp cái tôi cho anh ta, trong khi không có ý niệm nhất thời nào, đó có phải là vì...?

TRUNGPA RINPOCHE: Bạn vẫn được bao bọc trong ý niệm tự do. Toàn thể vấn đề về ý niệm nhất thời vốn rất đơn giản.

MÔN SINH: Sự giác ngộ cũng không bắt đầu, phải không?

TRUNGPA RINPOCHE: Ý bạn là gì?

MÔN SINH: Nó không kết thúc bởi lẽ nó không bắt đầu.

TRUNGPA RINPOCHE: Vâng, bản thân giác ngộ đã là sự bắt đầu. Bởi lẽ nó không kết thúc nên nó cũng không bắt đầu, nó chỉ tồn tại.

MÔN SINH: Nếu tôi không tồn tại vậy tại sao tôi phải bận tâm?

TRUNGPA RINPOCHE: Bạn có thể nhắc lại?

MÔN SINH: Nếu tôi không tồn tại và sự giác ngộ không

tồn tại, vậy tại sao phải cố gắng... tại sao phải bận tâm?

TRUNGPA RINPOCHE: Mọi người đều hỏi rằng: “Tại sao phải bận tâm?”. Nhưng để hiểu rõ lý do tại sao phải bận tâm, bạn sẽ phải tìm hiểu xem tại sao lại không. Vấn đề đó vẫn chưa được giải quyết. Miễn sao mười hai nidanas (thập nhị nhân duyên - những mối liên hệ trong các phản ứng dây chuyền nghiệp chướng) tiếp tục tồn tại…

MÔN SINH: Trong một số tài liệu Tây Tạng, tôi tình cờ thấy một câu khiến tôi nhớ mãi. “Việc được chào đời là một cơ hội tuyệt vời không thể bị phung phí? Ông có thể nhận xét về câu nói đó dựa trên những gì vừa được nhắc đến về sự không tồn tại và lý do tại sao phải bận tâm hay không?

TRUNGPA RINPOCHE: Điều đó rất đơn giản. Cuộc sống này rất có giá trị. Sự chào đời của con người là rất quan trọng. Bạn có cơ hội để tu tập, cơ hội để tìm hiểu chân lý, đồng thời câu hỏi “Tại sao phải bận tâm?” tiếp tục xuất hiện hết lần này đến lần khác. Bạn thấy đấy, hành trình thực sự bao gồm “Tôi là ai? Tôi là gì? Đây là gì? Đây không phải là gì?” cho đến khi sự giác ngộ thực sự đạt được. Câu hỏi “Tại sao phải bận tâm?” chưa bao giờ được trả lời. Nó trở thành một trong những câu thần chú của hành trình. “Tại sao phải bận tâm?” luôn xuất hiện mọi lúc mọi nơi.

MÔN SINH: Ông nói rằng giác ngộ là một trải nghiệm thực tế và ông cũng nói rằng giác ngộ không tồn tại.

TRUNGPA RINPOCHE: Bởi lẽ nó không tồn tại, nên nó

mới thực tế. Khi điều gì đó tồn tại một cách riêng biệt, giàu khả năng và vô điều kiện, nó sẽ trở thành một ảo tưởng, một sự giả tạo. Rất nhiều người có thể nhận thấy rằng trải nghiệm mà họ có được ở Disneyland thực tế hơn nhiều so với trải nghiệm mà họ có được trong cuộc sống thực. Ảo tưởng dường như đã trở nên thực tế hơn.

MÔN SINH: Nó giống như một chiếc gương. Chúng ta nghĩ rằng hình ảnh trong gương là thật.

TRUNGPA RINPOCHE: Bạn hiện hữu trong chiếc gương, đúng thế. Nhưng đó vẫn chỉ là hình ảnh trong gương. Do đó, nó không tồn tại. Tuy nhiên, sự không tồn tại lại là điều có ý nghĩa nhất. Sự tồn tại ở cấp độ cao nhất chính là sự không tồn tại.

MÔN SINH: Vì thế, giác ngộ như một trải nghiệm thực tế chỉ là hình ảnh trong gương.

TRUNGPA RINPOCHE: Còn hơn cả hình ảnh trong gương. Một siêu hình ảnh. Đó là lý do trong ngôn ngữ Mật giáo, chúng ta nhắc đến trí tuệ giống như hình ảnh trong gương (trải nghiệm thực tế đối với sự không tồn tại). Loại bỏ tất cả mọi hình thức ảo tưởng và mọi thứ. Trải nghiệm samadhi (đại định) giống như pajra (tiếng sét).

MÔN SINH: Việc kết bạn với bản thân có ý nghĩa như thế nào?

TRUNGPA RINPOCHE: Rằng bạn rất giàu có, tháo vát và trong bạn tồn tại một nền tảng hoạt động, mọi dạng nền tảng hoạt động. Rằng bạn không phải thay đổi hay từ bỏ bản thân, mà bạn chỉ cần phối hợp với bản thân. Rằng niềm đam mê, thái độ gây hấn, sự ngu muội và tất cả mọi thứ của bạn đều khả thi, đều là một phần của con đường.

MÔN SINH: Có phải ông đang nói đến bản ngã, một bản ngã, nhiều bản ngã hay không?

TRUNGPA RINPOCHE: Không có bản ngã.

MÔN SINH: Vậy, người nào đang suy nghĩ?

TRUNGPA RINPOCHE: Không có suy nghĩ. Đó chỉ là sự ở đó. Suy nghĩ là những biểu hiện của cái ở đó, là người phát ngôn của sự không tồn tại. Đám mây tồn tại nhờ bầu trời tồn tại. Bầu trời tồn tại nhà có ánh sáng giúp chúng ta thấy bầu trời xanh. Tuy nhiên, sau khi tiến ra không gian bên ngoài, bạn thậm chí sẽ không thấy bầu trời xanh nữa. Bạn thậm chí cũng không còn thấy các đám mây nữa.

MÔN SINH: Nếu không có bản ngã, làm sao chúng ta có thể kết bạn với nó?

TRUNGPA RINPOCHE: Chính vì điều đó. Do không có bản ngã nên cũng không có đe dọa. Bạn không bị đe dọa bởi bất kỳ điều gì, bởi lẽ bạn không tồn tại. Do đó, thế giới này trở thành một “ngân hàng của lòng trắc ẩn.

MÔN SINH: Vậy, tất cả mọi việc đều ổn thoả?

TRUNGPA RINPOCHE: Có thể nói như vậy.

MÔN SINH: Ông nói rằng hy vọng là rất cần thiết. Ông

thường nhắc đến việc từ bỏ hy vọng và khuyến khích phát triển thái độ không hy vọng. Tôi thực sự đã trải nghiệm rằng càng hy vọng bao nhiêu thì lại càng khó thở bấy nhiêu. Điều đó giống như thể nếu có quá nhiều hy vọng thì tôi thậm chí còn không thể di chuyển, bởi lẽ tôi quá sợ hãi trước việc mình không thể đạt được những gì mình khao khát. Tôi quá tập trung vào việc đạt được một mục đích gì đó. Dường như chỉ khi từ bỏ hy vọng, dù chỉ trong một phút, tôi mới có cơ hội lựa chọn hay có không gian để hít thở.

TRUNGPA RINPOCHE: Từ bỏ hy vọng cũng là một hành vi của hy vọng. Bạn được khuyến khích tiếp nhận con đường không hy vọng, nên đó thực sự còn hơn cả một lời khích lệ.

MÔN SINH: Vậy năng lượng hay tình yêu có tồn tại không? Hay chúng chỉ là những bí ẩn?

TRUNGPA RINPOCHE: Tôi hy vọng rằng chúng tồn tại. Sẽ tốt hơn nếu chúng tồn tại. Tuy nhiên, cũng có thể là chúng không tồn tại. Có thể tình yêu không tồn tại, nhưng nó vẫn ở đó. Tình yêu vẫn ở đó. Năng lượng vẫn ở đó. Thay vì “tồn tại”. Đó cũng là một dạng đặc điểm phân biệt kiểu như nếu bạn không tồn tại thì bạn vẫn ở đó; nếu năng lượng không tồn tại thì năng lượng vẫn ở đó; nếu tình yêu không tồn tại thì tình yêu vẫn ở đó.

MÔN SINH: Làm sao để làm việc với bản ngã?

TRUNGPA RINPOCHE: Bạn chỉ cần bắt đầu ngay từ đầu. Điều đó rất đơn giản. Sẽ chẳng có biện pháp cụ thể nào cả. Khi hỏi rằng nên bắt đầu mọi thứ như thế nào, bạn không cần phải vận dụng đến đôi tay. Bạn không phải nghĩ đến việc phải làm thế nào, bạn chỉ cần bắt đầu làm.

MÔN SINH: Rinpoche, nếu không có bản ngã, không có giác ngộ, không có suy nghĩ và không có ký ức, vậy làm sao ông có thể kể với chúng tôi về những gì ông đã trải nghiệm và những gì ông biết?

TRUNGPA RINPOCHE: Bởi vì chúng không tồn tại. Tôi nói một cách nghiêm túc. Bởi lẽ mọi thứ không tồn tại, thế nên mọi thứ vẫn ở đó. Trong thực tế, sẽ chính xác hơn, trong Phật pháp có thể nói rằng mọi thứ vẫn thế. Cách dùng từ kiểu này có vẻ không chuẩn cho lắm, nhưng mọi thứ vẫn thế. Điều đó là quá rõ ràng đối với sự không tồn tại.

MÔN SINH: Điều gì lĩnh hội sự không tồn tại đó?

TRUNGPA RINPOCHE: Bởi chính nó.

MÔN SINH: Tôi cảm thấy rằng cả ba yana đều diễn ra đồng thời. Vì thế, liệu con người có phải phân biệt Tiểu Thừa với Đại Thừa và Kim Cương Thừa hay không, với mục đích đạt được mục tiêu của Tiểu Thừa?

TRUNGPA RINPOCHE: Tôi nghĩ rằng sẽ an toàn hơn nhiều, để bắt đầu ở cấp độ Tiểu Thừa, bởi lẽ chúng ta cần thật nhiều sự rèn luyện. Rất nhiều môn đồ đã phải bắt đầu với con đường tích lũy, vốn là cấp độ dành cho người bình thường. Ở cấp độ đó, việc học cách trở thành một người bình thường cũng đã đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đó chính là xuất phát điểm và con người cần phải bắt đầu từng bước một. Điều đó giống như thể bạn phả biết nhai thật kỹ trước khi nuốt. Tất nhiên nếu biết nhai hiệu quả, bạn có thể vừa nhai vừa nuốt, nhưng điều đó phụ thuộc vào kinh nghiệm của bạn.

MÔN SINH: Dù Tiểu Thừa là xuất phát điểm và là tiêu điểm, nhưng liệu những cấp độ còn lại có thể diễn ra một cách tùy tiện hay không, cho dù đó không phải là vấn đề để phải bận tâm?

TRUNGPA RINPOCHE: Dù sao đi nữa, điều đó là đúng. Ngôi sao của Bethlehem vẫn ở đó. Sự giác ngộ vẫn ở đó. Nó thực sự tồn tại và mọi người đã đạt được nó.

Nó hoàn toàn có thật. Bạn có thể trải nghiệm nó.

MÔN SINH: Đâu là sự khác biệt giữa thái độ không hy vọng mà ông đã mô tả trước đây và niềm hy vọng mà ông đang nhắc đến lúc này?

TRUNGPA RINPOCHE: Cả hai đều giống nhau. Trước khi rời đi, tôi muốn nhấn mạnh rằng sẽ rất có ích nếu các bạn suy nghĩ nghiêm túc về một thực tế, rằng nếu quan tâm đến việc bước đi trên con đường tu tập thiền định, trước khi bạn học hỏi bất kỳ kỹ năng nào, bạn phải mang theo chính mình. Cảm giác từ bỏ, cảm giác buồn chán và cảm giác cô đơn hay đơn độc luôn xuất hiện khắp nơi. Nhưng đồng thời, bạn không thể có được cảm giác từ bỏ, cảm giác về con đường tinh thần, nếu thiếu sự rộng mở của bầu không khí buổi sáng mùa đông này, trong lành và khô lạnh. Xét từ góc độ của sự rộng mở, thiền định không được xem là cảm giác cực kỳ đau khổ hay cực kỳ vui sướng. Nó cũng không thể được xem là một trò ảo thuật, giúp mang lại cho bạn sự giác ngộ tức thời hay phúc lành tức thời. Đó là một trải nghiệm rất kiên nhẫn, một trải nghiệm hết sức riêng tư. Bạn cần phải khám phá. Bạn cần phải thiền định và tự mình rèn luyện kỷ luật thường xuyên, mọi lúc mọi nơi. Nỗ lực ấy phải chiếm trọn 24 giờ mỗi ngày.

Tôi đã viết một cuốn sách có tựa là Cutting Through Spiritual Materialism (Phân tích chủ nghĩa duy vật tâm linh), và các bạn nên tìm đọc cuốn sách đó. Cuốn sách này viết rất nhiều về những gì chúng ta đã thảo luận và nó đặc biệt phù hợp với các độc giả phương Tây. Một cuốn sách có ích khác là The Hundred Thousand Songs of Milarepa (Một trăm ngàn bài hát của Milarepa), được dịch bởi Garma C. C. Chang. Ngoài ra, vị sư phụ quá cố Suzuki Roshi của Trung tâm Thiền định ở San Franciso cũng đã viết một cuốn sách, Zen Mind, Beginners Min (Tâm thức Thiền, tâm thức của người bắt đầu), vốn cũng là một cuốn sách rất trực tiếp, rất giàu trải nghiệm cá nhân. Tác phẩm của ông là một giọng nói nghiêm khắc và bao dung, rất có ích và quan trọng. Một cuốn sách khác của tôi, Meditation in Action (Thiền định trong thực hành), tương tự như Zen Mind, Beginners Mind (Tâm thức Thiền, tâm thức của người bắt đầu), cũng tìm cách truyền đạt những ý tưởng vô cùng đơn giản cho mọi người đối với con đường tâm linh. Ngoài ra, nếu các bạn quan tâm nhiều hơn đến các kỹ thuật của shamatha, vipashyana và satipatthana, còn có một cuốn sách khác tên là Heart of Buddhist Meditation (Trái tim của Thiền định Phật giáo) của Nyanaponika Thera.

Việc đọc những cuốn sách này là rất cần thiết để có thể tạo dựng một kiến thức nền tảng về Phật pháp. Những người trong quá khứ đã rất siêng năng và nỗ lực không ngừng nghỉ cho phương pháp tu tập của họ, kỷ luật của họ. Họ đã nỗ lực vì các bạn, vì chúng ta. Chúng ta nên trân trọng những người đó, những người đó truyền lại năng lượng và trí tuệ cho chúng ta. Họ xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ. Cảm ơn các bạn.

-----o0o-----

Trích: “Con Đường Chính Là Đích Đến – Cẩm Nang Căn Bản Của Thiền Định Phật Giáo”

Tác giả: Chogyam Trungpa Rinpoche

Việt dịch: Thế Anh

NXB Lao Động, 2013

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan