NGUỒN CẢM HỨNG - Sogyal Rinpoche - Bản Chất Của Tâm

NGUỒN CẢM HỨNG

Bản Chất Của Tâm - Sogyal Rinpoche

---o0o---

Muốn an tâm, bạn hãy đi dạo vào lúc bình minh trong công viên, hay ngắm sương mai trên một đóa hồng trong vườn. Nằm giữa đất mà ngắm nhìn bầu trời, để tâm bạn trải ra trong cái bao la đó. Hãy để cho bầu trời bên ngoài đánh thức bầu trời trong tâm bạn. Đứng bên dòng suối mà hòa tâm bạn vào tiếng nước chảy, ngồi bên thác đổ, để cho tiếng cười trong sáng của nó tinh hóa tâm hồn...
NGUỒN CẢM HỨNG - Sogyal Rinpoche - Bản Chất Của Tâm

Sogyal Rinpoche là người sáng lập và điều hành Rigpa – một hệ thống hơn 100 trung tâm Phật giáo ở 23 nước. Ngài được công nhận là tái sanh của một vị thầy nổi danh Tây Tạng vào thế kỷ thứ 10, Terton Sogyal Legab Lingpa. Tác phẩm Tử Thư Tây Tạng, được dịch sang 30 thứ tiếng và lưu hành ở 56 quốc gia.

---------***---------

Tôi đã nói rằng thiền định là con đường đưa đến giác ngộ và là nỗ lực lớn lao nhất của đời này. Mỗi khi nói về thiền định cho sinh viên, tôi luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hành thiền với một kỷ luật quyết định và sự sùng kính nhất tâm; đồng thời, cũng rất quan trọng là thực hành thiền với cảm hứng và tinh thần sáng tạo càng nhiều càng tốt. Có thể nói thiền là một nghệ thuật, và bạn nên tập thiền định với niềm hứng thú và giàu tính phát minh của một nghệ sĩ.

Hãy hăng hái đi vào sự an lạc của bạn như bạn đang cạnh tranh điên cuồng trong cuộc đời. Có nhiều cách để làm cho thiền định trở thành một niềm vui. Bạn có thể tìm một bản nhạc ưa thích, và dùng nó để mở tâm trí bạn. Bạn có thể sưu tập thi ca, trích dẫn lời thánh nhân động đến tâm can bạn, và giữ chúng bên mình để làm bạn lên tinh thần. Tôi luôn luôn thích những bức tranh cổ thangka của Tây Tạng, vẻ đẹp của chúng làm cho tôi thêm năng lực. Bạn cũng có thể tìm những bức tranh gợi cho bạn cảm giác thiêng liêng, và treo lên tường phòng bạn. Lắng nghe băng giảng của một vị thầy vĩ đại, hoặc nghe tán tụng. Bạn có thể biến chỗ bạn ngồi thiền thành một thiên đường giản dị, với một đóa hoa, một cây hương, một ngọn nến, một bức ảnh của bậc thầy đã giác ngộ, hay một tượng Phật. Bạn có thể biến gian phòng thường nhất thành một nơi thiêng liêng ấm cúng, một khung cảnh mà mỗi ngày bạn đến gặp bản ngã đích thực của bạn với tất cả niềm vui và hạnh phúc như gặp bạn cố tri. Và nếu bạn nhận thấy thiền định không dễ dàng xảy đến trong phòng bạn ở đô thị, thì hãy ra ngoài thiên nhiên. Thiên nhiên luôn luôn là một nguồn cảm hứng bất tận. Muốn an tâm, bạn hãy đi dạo vào lúc bình minh trong công viên, hay ngắm sương mai trên một đóa hồng trong vườn. Nằm giữa đất mà ngắm nhìn bầu trời, để tâm bạn trải ra trong cái bao la đó. Hãy để cho bầu trời bên ngoài đánh thức bầu trời trong tâm bạn. Đứng bên dòng suối mà hòa tâm bạn vào tiếng nước chảy, ngồi bên thác đổ, để cho tiếng cười trong sáng của nó tinh hóa tâm hồn bạn. Đi dạo trên bãi biển và hứng đầy gió biển trên mặt bạn. Mừng ánh trăng sáng để cho vẻ đẹp của trăng làm lắng tâm bạn. Ngồi trên hồ hay trong vườn, thở lặng lẽ, để tâm bạn im lặng khi trăng từ từ lên tráng lệ trong bầu trời không mây. Mọi sự đều có thể dùng làm sự mời gọi thiền định. Một nụ cười, một gương mặt trên tàu điện, một cánh hoa mọc trong khe đá bên vệ đường, một tấm vải sặc sỡ treo trong cửa tiệm, ánh trời chiếu trên chậu hoa nơi cửa sổ. Hãy nhạy bén đối với mọi dấu hiệu của cái đẹp và vẻ diễm kiều. Dâng lên mọi niềm vui, tỉnh giác vào mọi lúc, trước “những tin tức luôn luôn đến từ im lặng”.

Dần dà bạn sẽ là người làm chủ lấy hạnh phúc của mình, tạo ra niềm vui cho chính mình, có đủ mọi phương pháp để thắp sáng, nâng cao, gợi cảm hứng cho từng hơi thở và động tác của mình. Thế nào là một thiền giả vĩ đại? Đó là người luôn luôn sống với sự hiện diện của cái tự ngã chân thực của mình, đã tìm ra và sử dụng liên tục suối nguồn của cảm hứng sâu xa. Nhà văn Anh Lewis Thompson viết:

– Kitô, thi nhân tối thượng, đã sống chân lý một cách say sưa đến độ mỗi hành vi của ngài đều là Hành vi thuần tịnh và ngôi Lời toàn hảo, thể hiện cái siêu việt.

Thể hiện cái siêu việt, đó là lý do chúng ta sống trên đời.

Vào cái đêm lớn lao ấy, khi đức Phật giác ngộ, tương truyền rằng ngài đã kinh quá nhiều giai đoạn của sự tỉnh thức. Đầu tiên, “với tam định tĩnh, thuần tịnh, không lỗi lầm, không cấu nhiễm, được làm cho mềm mại, dễ sử dụng, an trú bất động”, ngài xoay chú ý về sự nhớ lại những đời quá khứ. Ngài kể lại cho ta kinh nghiệm ấy như sau:

− Ta nhớ lại nhiều đời trước: một đời, hai, ba, bốn, năm đời,.. năm mươi, một trăm đời.... trăm ngàn đời, trong các thời kiếp khác nhau. Ta biết mọi sự về những thời ấy: chỗ ở, tên họ, gia đình, và ta đã làm gì. Ta kinh quá trở lại những may mắn bất hạnh của mỗi đời, cái chết của ta trong mỗi đời, rồi lại tái sinh trở lại nhiều lần. Như thế ta nhớ lại vô số đời trước với những nét đặc biệt chính xác, và những hoàn cảnh. Minh này ta đã chứng vào canh đầu của đêm.

Từ thuở bình minh của lịch sử, sự tái sinh và niềm tin có đời sau đã chiếm một chỗ quan trọng trong hầu hết các tôn giáo lớn của nhân loại. Sự tin có tái sinh vẫn hiện hữu trong những người Ki tô vào thuở sơ khai của lịch sử Ki tô giáo, và tồn tại dưới nhiều hình thức cho đến thời Trung cổ. Origen, một trong những người có ảnh hưởng nhất trong những nhà thờ, đã tin tưởng “sự có-trước của linh hồn” và đã viết vào thế kỉ thứ ba:

− “Mỗi linh hồn đến thế giới này được tăng cường bởi vinh quang hay bị yếu kém bởi những thất bại trong những đời trước của nó”.

Mặc dù Ki tô giáo cuối cùng đã chối bỏ niềm tin tái sinh, ta vẫn có thể tìm dấu vết niềm tin ấy qua tư tưởng thời Phục sinh, trong những trước tác của những thi sĩ lãng mạn chính như Blake và Shelley,cả đến trong một con người như tiểu thuyết gia Honoré de Balzac. Từ khi có sự nổi lên ưa chuộng các tôn giáo đông phương vào cuối thế kỉ trước, một số khá lớn những người Tây phương đã bắt đầu chấp nhận tri kiến của Ấn giáo và Phật giáo về tái sinh. Một trong những người này là Henry Ford, kỹ nghệ gia nổi tiếng thương người, đã viết:

– Tôi theo lý thuyết tái sinh vào năm tôi hăm sáu tuổi. Tôn giáo không cho biết tí gì về vấn đề này. Ngay cả sự nghiệp cũng không đem lại cho tôi niềm thỏa mãn. Sự nghiệp thật vô bổ nếu ta không thể đem theo cái kinh nghiệm ta thu nhập để sử dụng trong đời kế tiếp. Nhưng khi tôi khám phá thuyết tái sinh, thì thời gian không còn bị hạn chế nữa. Tôi không còn là một tên nô lệ cho cái kim đồng hồ... Tôi muốn san sẻ với người khác sự an tịnh mà cái thấy ấy đã đem lại cho chúng ta.

Một cuộc trưng cầu ý kiến của viện Gallup vào năm 1982 chứng tỏ cứ bốn người Mỹ thì có một người tin có luân hồi. Đây là một thống kê làm ta giật mình, khi xét đến một nơi mà triết lý khoa học duy vật hầu như tiềm tàng trong mọi phương diện của đời sống hàng ngày.

Tuy nhiên, phần đông người ta chỉ có khái niệm lờ mờ về đời sống sau khi chết, và hoàn toàn không biết nó ra như thế nào. Luôn luôn người ta bảo tôi rằng họ không thể nào tin nổi một chuyện không có bằng cứ hiển nhiên. Nhưng sự “không tin” của họ đâu phải là bằng chứng để nói không có đời sau chứ? Voltaire nói:

– Chung quy, sinh ra lần nữa cũng không là chuyện lạ lùng gì hơn chuyện sinh ra lần này.

Tôi thường hỏi: “Nếu ta đã từng sống trước đây, thì tại sao ta không nhớ?”. Nhưng tại sao “ta không nhớ” lại có nghĩa rằng trước kia ta chưa từng sống? Chung quy, những kinh nghiệm tuổi thơ, hay của hôm qua, hay cả đến những điều ta vừa nghĩ một giờ trước, rất sống động khi chúng xảy ra, nhưng kí ức về chúng hầu như hoàn toàn phai mờ, như thể chưa từng xảy đến. Nếu những gì chúng ta làm hay nghĩ vào thứ hai tuần trước mà ta còn không nhớ được, thì làm sao ta nghĩ là có thể dễ dàng hay bình thường, để nhớ những gì ta làm trong đời trước?

Đôi khi tôi đùa người ta và hỏi:

– Cái gì làm bạn cương quyết cho rằng không có đời sau như vậy? Bạn có bằng chứng gì? Nếu bạn chết mà thấy quả thực có đời sau thì bạn tính sao? Có phải là bạn phải tự giới hạn mình, khi bạn tin rằng không có đời sau nào cả? Có phải là có lý hơn nếu bạn cứ đặt một nghi vấn về đời sau, hay ít nhất có thái độ cởi mở về điều ấy, mặc dù không có cái mà bạn gọi là “bằng chứng cụ thể”? Cái gì sẽ làm bằng chứng cụ thể là có đời sau?

Tôi lại muốn người ta hãy tự hỏi mình:

– Tại sao bạn thấy tất cả tôn giáo lớn đều tin có đời sau, tại sao hàng trăm triệu người suốt lịch sử, kể cả những triết gia lỗi lạc nhất, thánh hiền và những thiên tài của Á châu, đều sống niềm tin này như một phần cốt yếu của đời họ? Phải chăng họ đều ngu cả?

Ta hãy trở lại vấn đề bằng chứng cụ thể. Không phải chỉ vì ta chưa bao giờ nghe về Tây Tạng, hay chưa từng đến đấy, mà ta nói rằng không có xứ Tây Tạng. Trước khi lục địa khổng lồ Mỹ châu được “tìm ra,” có ai ở châu Âu ngờ rằng nó có đấy? Ngay cả sau khi tìm ra châu Mỹ, người ta còn tranh cãi về sự có mặt của nó. Tôi nghĩ chính cái tri kiến hạn hẹp của ta về cuộc đời đã ngăn cản ta chấp nhận hay khởi sự tư duy nghiêm chỉnh về khả tính của tái sinh.

May thay, chuyện chưa hết. Những người nào trong chúng ta có tu tập tâm linh, như tu thiền chẳng hạn, sẽ khám phá nhiều chuyện về tâm thức chúng ta, mà từ trước ta chưa biết đến. Vì khi tâm ta càng mở ra cho kinh nghiệm kỳ lạ, bao la về hiện hữu của tự tính tâm, thì ta bắt đầu thấy một chiều không gian khác hẳn, trong đó mọi quyết đoán của chúng ta về lai lịch mình và về thực tại, mà ta tưởng mình biết thật rõ, bây giờ khởi sự tan rã, và trong đó ta thấy đời sau ít nhất cũng là một chuyện có thể xảy đến. Ta khởi sự hiểu rằng mọi sự mà các bậc thầy nói về sống chết và đời sau, quả là thực có.

---o0o---

Trích: Bản Chất Của Tâm

Dịch giả: Trường Tâm – Thanh Long

Nhà Xuất Bản Phương Đông

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan