NHÂN VÀ QUẢ LÀ MỘT - BA TRỤ THIỀN - PHILIP KAPLEAU

NHÂN VÀ QUẢ LÀ MỘT

BA TRỤ THIỀN - PHILIP KAPLEAU

-----o0o-----

Trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, Thiền sư Đạo Nguyên cũng tuyên bố rằng: “Sự tọa thiền dù là người mới bắt đầu, cũng thể hiện toàn thể Yếu tánh của mình”.
NHÂN VÀ QUẢ LÀ MỘT - BA TRỤ THIỀN - PHILIP KAPLEAU

Quí vị không hy vọng gì hiểu được bản chất cao quí của Thiền mà không hiểu bài nói về nhân quả nhất như (inga ichinyo) này, nghĩa là nhân và quả là một. Thành ngữ này phát xuất từ Bài ca Tọa Thiền của Thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin). Hãy nhớ rằng bài nói này không giải thích về nhân và quả theo nghĩa rộng mà chỉ nói đến khía cạnh liên quan đế thực hành tọa thiền.

Nói một cách nghiêm túc, quí vị không nên nghĩ về thời gian tọa thiền. Nói chung, thực sự nếu quí vị tọa thiền một năm, sẽ có kết quả của một năm nỗ lực, và nếu tọa thiền mười năm sẽ có kết quả tương xứng với mười năm nỗ lực. Song các kết quả của tọa thiền liên quan đến ngộ không thể đo lường được bằng thời gian thực hành. Thực tế, có một số người đạt ngộ sâu sau vài năm thực hành, trong khi có những người thực hành đến cả chục năm vẫn không chứng ngộ gì cả.

Ngay từ khi khởi sự thực hành, một người tiến lên những giai đoạn khác nhau rõ rệt có thể xem như một cái thang nhân quả. Nhân quả có nghĩa là nguyên nhân và kết quả ám chỉ cả về mức độ lẫn sự khác biệt, trong khi nhất như có nghĩa là như nhau hay giống nhau hay một. Như thế trong khi có nhiều giai đoạn tương ứng với thời gian thực hành, bản thể của tâm ở mỗi một giai đoạn trong các giai đoạn khác nhau ấy cũng y hệt với tâm thể của một vị Phật. Do đó, chúng ta nói nhân và quả là một. Tuy nhiên, cho đến khi giác ngộ, quí vị không mong gì có được sự hiểu biết sâu hơn về nhân quả.

Bây giờ, chúng ta hãy liên hệ điều này với ngụ ngôn Diễn Nhã Đạt Đa tôi đã nói hôm trước. Thời gian nàng không thấy đầu mình phản chiếu trong gương và chạy quanh tìm nó như điên – đây là nấc đầu tiên hay thấp nhất. Khi các bạn nàng buộc nàng vào cột và xác quyết rằng nàng có đầu, khi nàng bắt đầu nghĩ: “Có thể như thế,” khi họ cốc mạnh vào đầu nàng và nàng kêu: “Úi cha!” và nhận ra rốt cuộc nàng có đầu, khi nàng vui sướng vì thấy có đầu, cuối cùng khi niềm vui hạ xuống và cảm thấy việc có đầu này tự nhiên đến nỗi không còn nghĩ đến nó nữa – tất cả những lúc ấy là những nấc hay những bước tiến khác nhau - đấy là khi nhìn lại. Ở mỗi một giai đoạn ấy nàng không bao giờ không có đầu, dĩ nhiên nàng chỉ nhận ra điều ấy sau khi đã “Tìm thấy nó”.

Cũng thế, sau khi ngộ chúng ta nhận ra rằng ngay từ đầu mình cũng chưa bao giờ không có Phật tánh và cũng như Diễn Nhã Đạt Đa cần phải trải qua tất cả các giai đoạn ấy để nhận ra sự thực rằng lúc nào nàng cũng có đầu. Chúng ta cũng phải vượt qua các giai đoạn tọa thiền kế tiếp nhau để trực nhận ra Chân tánh của mình. Các bước kế tiếp nhau nầy có quan hệ nhân duyên với nhau, nhưng sự thật chúng ta vốn là Phật, trong ngụ ngôn Diễn Nhã Đạt Đa đó là việc nàng nhận ra rằng mình vốn luôn luôn có đầu – đây là cái như nhau là cái không khác.

Trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, Thiền sư Đạo Nguyên cũng tuyên bố rằng: “Sự tọa thiền dù là người mới bắt đầu, cũng thể hiện toàn thể Yếu tánh của mình”. Ở đây Đạo Nguyên muốn nói rằng tọa thiền chân chính là thể hiện Phật tâm, cái Tâm mà tất cả chúng ta đều được phú cho. Tọa thiền này là Tối thượng thừa, trong đó Đạo của Phật tràn ngập toàn bộ con người quí vị và nhập vào toàn thể cuộc sống của quí vị. Mặc dù ban đầu chúng ta chưa biết trọn vẹn điều ấy, nhưng khi sự tu tập tiến bộ, chúng ta sẽ dần dần đạt được hiểu biết, nội kiến, và cuối cùng với ngộ, chúng ta biết rằng toạ thiền là thể hiện tánh Phật thanh tịnh vốn có của mình, dù chúng ta có ngộ hay không.

-----o0o-----

Trích “Ba Trụ Thiền”

Tác giả: Philip Kapleau

Người dịch: Đỗ Đình Đồng

Nhà Xuất Bản Thế Giới

Bài viết liên quan