NHỮNG BÀI KỆ VÀ LUẬN GIẢNG – MỘT TRĂM LỜI KHUYÊN DẠY – DILGO KHYENTSE & PADAMPA SANGYE

NHỮNG BÀI KỆ VÀ LUẬN GIẢNG

MỘT TRĂM LỜI KHUYÊN DẠY – DILGO KHYENTSE & PADAMPA SANGYE

-----o0o-----

Những tư tưởng tham lam và thù ghét giống như những cầu vồng trong không trung; Dân chúng Tigri, nơi chúng chẳng có gì để bị bám chấp hay hiểu rõ.
NHỮNG BÀI KỆ VÀ LUẬN GIẢNG – MỘT TRĂM LỜI KHUYÊN DẠY – DILGO KHYENTSE & PADAMPA SANGYE

60.

Những tư tưởng tham lam và thù ghét giống như những cầu vồng trong không trung;

Dân chúng Tigri, nơi chúng chẳng có gì để bị bám chấp hay hiểu rõ.

Con người có thể bị sự tham muốn hay thù ghét của họ thống trị đến nỗi thậm chí họ bằng lòng mất mạng để thỏa mãn điều đó, như các cuộc chiến tranh là một điển hình vô cùng bi thảm. Những tư tưởng và cảm xúc tham muốn và thù ghét của bạn dường như rất vững chắc và hấp dẫn, nhưng nếu khảo sát chúng thật kỹ lưỡng bạn sẽ nhận ra rằng chúng chẳng thực hơn một cầu vồng. Việc bạn hiến dâng cuộc đời mình để thỏa mãn những thôi thúc như thế, và khát khao quyền lực, lạc thú và của cải, thì chắc chắn là những hành động trẻ con, non nớt như hành động của một đứa trẻ muốn nắm bắt một cầu vồng.

Trong thực hành, bất kỳ khi nào một tham muốn mạnh mẽ hay một sự nổ bùng của sân hận thiêu đốt tâm bạn, hãy nhìn thật kỹ những tư tưởng của bạn và nhận ra sự trống không nền tảng của chúng. Nếu bạn làm như thế, những tư tưởng và cảm xúc đó sẽ tự tan biến đi. Khi bạn có thể làm giống như thế với tư tưởng kế tiếp và với mọi tư tưởng tiếp theo, chúng sẽ mất đi ảnh hưởng đối với bạn.

61.

Giống như những đám mây trong không trung, những chuyển động của tâm tự tan biến;

Dân chúng Tingri, trong tâm không có những điểm quy chiếu.

Khi những giải mây tụ hội trong không trung, bản tánh của không trung không bị suy yếu. Khi mây tan đi, bản tánh đó cũng không tốt lành hơn. Không thể làm cho không trung bao la hay thanh tịnh hơn mà cũng không thể làm cho nó kém đi. Nó không bị thay đổi hay ảnh hưởng chút nào. Bản tánh của tâm thì hoàn toàn giống như thế. Nó không bị biến đổi bởi sự sinh khởi của các tư tưởng cũng như bởi sự biến mất của chúng.

Bản tánh cốt tủy của tâm là sự trống không (tánh Không). Biểu lộ tự nhiên của nó là sự quang minh (sáng tỏ). Hai phương diện này của tâm có thể được phân biệt để mô tả, nhưng về bản chất thì chúng là một. Việc bám chấp vào chỉ độc nhất khái niệm trống không hay quang minh như thể những phương diện này là những thực thể độc lập là một sai lầm. Bản tánh tối thượng của tâm thì siêu vượt mọi khái niệm, định nghĩa, và những cái nhìn thiên vị. 

Một đứa trẻ có thể nghĩ: “Tôi có thể bước lên những đám mây đó!” Tuy nhiên, nếu nó thực sự thấy mình ở trong mây, nó sẽ chẳng tìm ra chỗ nào để đặt chân. Cùng cách đó, các tư tưởng của bạn có vẻ bền chắc cho đến khi bạn khảo sát chúng. Khi ấy bạn nhận ra rằng chúng không có bất kỳ thực chất nào. Đây là cái mà ta gọi là sự xuất hiện và trống không đồng thời của vạn pháp (của các sự việc).

62.

Không có sự chấp bám, các tư tưởng sẽ tự giải thoát – như cơn gió,

Dân chúng Tingri, gió không bao giờ bám chấp vào bất kỳ đối tượng nào.

Cơn gió thổi qua bầu trời và bay qua những đại lục mà chẳng bao giờ trụ lại bất kỳ nơi nào. Nó quét qua không gian, không để lại chút dấu vết. Hãy để các tư tưởng lướt qua tâm bạn cùng cách như thế, không để lại dư nghiệp và chẳng bao giờ biến đổi nhận thức của bạn về sự đơn giản cố hữu.

63.

Giác tánh thuần tịnh thì không có sự chấp bám, như một cầu vồng trong không trung;

Dân chúng Tingri, các kinh nghiệm xuất hiện hoàn toàn không bị ngăn trở.

Giác tánh thuần tịnh, tâm giác ngộ, chỉ là tâm được giải thoát khỏi mọi mê lầm, siêu vượt những ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu.

“Nơi nào có sự tham luyến, nơi đó không có cái thấy (kiến)” là những lời mà Đạo sư vĩ đại Jetsun Trakpa Gyaltsen phái Sakya nghe từ Đức Văn Thù, Đức Phật của Trí tuệ, trong một linh kiến. Không thể nói giác ngộ hiện hữu, bởi ngay cả Đức Phật cũng không từng nhìn thấy nó. Cũng không thể nói nó không hiện hữu, bởi nó là nguồn mạch của sinh tử và niết bàn. Chừng nào mà những ý niệm như hiện hữu hay không hiện hữu còn tồn tại thì bạn không chứng ngộ được chân tánh của tâm.

Một cầu vồng lóe lên trong bầu trời, mặc dù có thể gọi nó là một biểu lộ của bầu trời, thực ra nó chính là bầu trời. Tương tự như thế, các kinh nghiệm xuất hiện trong tâm bạn khi bạn thiền định – những kinh nghiệm tốt khiến bạn tin tưởng rằng bạn đã đạt được chứng ngộ, và những kinh nghiệm xấu khiến bạn ngã lòng – thực ra những kinh nghiệm đó không có sự hiện hữu thực sự của riêng chúng. Tục ngữ nói: “Các thiền giả bị những kinh nghiệm của họ lừa phỉnh giống như trẻ con bị một cầu vồng quyến rũ.” Đừng quan trọng hóa những kinh nghiệm như thế, và chúng sẽ chẳng bao giờ có thể dẫn bạn lạc hướng.

-----o0o-----

Trích: “Một Trăm Lời Khuyên Dạy”.

Tác giả: Dilgo Khyentse & Padampa Sangye.

Nhóm Dịch Thuật Padmakara dịch sang Anh ngữ.

Việt Dịch: Thanh Liên.

NXB Thời Đại – 2014.

Ảnh nguồn: Internet.

Bài viết liên quan