NHỮNG THIỀN ĐỊNH CHỈ VÀ QUÁN -TULKU THONDUP RINPOCHE - NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM

NHỮNG THIỀN ĐỊNH CHỈ VÀ QUÁN

TULKU THONDUP RINPOCHE - NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM

–––––o0o–––––

Trong thiền định, có thể thấy thân thể không phải thanh tịnh mà cũng không phải không thanh tịnh, mà chỉ như sự mở trống bao la. Tâm không phải vĩnh cửu mà cũng không phải không hiện hữu, mà chỉ là sự rỗng rang thanh tịnh. Tất cả hiện tượng không phải có ngã tính mà cũng không phải không có ngã tính, một hiện hữu thực sự, mà là rỗng rang, an bình và thoát khỏi tạo tác. Bất cứ một...
NHỮNG THIỀN ĐỊNH CHỈ VÀ QUÁN -TULKU THONDUP RINPOCHE - NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM

Những bài tập chữa bệnh trong quyển sách này có nghĩa giúp chúng ta hạnh phúc và an bình hơn trong đời sống hằng ngày. Đây là mục tiêu hoàn toàn tốt, nhưng có lẽ là một mục tiêu giới hạn vì đạo Phật tin rằng sự chữa lành tối hậu là vượt lên hạnh phúc “của tôi”, để chứng ngộ trí huệ chân thật và giải thoát, siêu vượt khỏi sự bám chấp vào những tư tưởng và cảm xúc. Những chương cuối cùng này phác thảo một số thiền định căn bản có thể mở ra cho chúng ta sự chứng ngộ này.
Mô tả thiền định luôn luôn là một sự khó khăn, vì từ ngữ chỉ phỏng chừng kinh nghiệm thực tế của một cá nhân. Rồi nữa, sự chứng ngộ có nhiều giai đoạn. Là dễ dàng cho bất kỳ thiền giả nào, thậm chí một người với nhiều kinh nghiệm và sùng mộ, đi lòng vòng trong bám chấp vào loại này hay loại khác. Bởi thế tại sao, ở một điểm nào đó, cẩn thận tìm ra một vị thầy hướng dẫn là điều rất quan trọng.
Với một số người thông tuệ, bất kỳ bài tập chữa lành hay kinh nghiệm nào cũng có thể dẫn đến giác ngộ. Ở Tây Tạng, có những câu chuyện về những người sơ học thiền định về “những thực hành tiên khởi” và đã kinh nghiệm sự chứng ngộ cao nhất, trong khi những người khác thực hành những tu tập cấp cao nhất và mong muốn trí huệ có thể không có một manh mối về ý nghĩa thật sự của những giáo lý.
Những thực hành Chỉ và Quán (hay An định và Quán chiếu) phổ thông với tất cả trường phái của đạo Phật, là những phương pháp đã từng được nhiều người đi qua và chứng nghiệm. Những phương pháp đó có mục tiêu tối hậu là rỗng rang và “vô ngã” – tức là sự giải thoát khỏi đau khổ gây ra bởi chấp ngã.
Mặc dù những thực hành này có thể dẫn đến chứng ngộ cao hơn, chúng có thể lợi ích cho bất kỳ ai bất kể tình trạng tâm thức hay cấp độ tâm linh của y. Tất cả những thiền định trong chương cuối này có thể cung cấp hạnh phúc và chữa bệnh “thông thường”, cũng như những bài tập chữa bệnh được mô tả ở phần trước, trong một số trường hợp chúng có thể dẫn đến chứng ngộ.
Mặc dù chúng ta có thể tu tập tâm thức trong thiền chỉ, bằng cách đem tất cả sự chú ý tới bất kỳ hiện tượng nào, nhưng ở đây là sự chú tâm vào hơi thở. Hơi thở của chúng ta là đối tượng đơn giản của sự chú ý, không có màu sắc và hình dáng. Hơn nữa, hơi thở gắn chặt thân thiết với tâm và thân, đến độ việc đem tỉnh giác của chúng ta vào nó sẽ tự nhiên làm chúng ta vững chắc trong chánh niệm, và như thế mở rộng con đường đến nhất thể.
Thêm vào sự tham thiền về hơi thở, nhiều trường phái Phật giáo cũng dựa trên những thực hành thiền quán mạnh mẽ. Nhưng không nghi ngờ gì, thiền định đơn giản về hơi thở chứa đựng hạt giống giác ngộ. Sự nhấn mạnh vào chánh niệm và tỉnh giác về hơi thở là con đường đi đến chỉ và quán.
Thiền chỉ là sự vững chắc của tâm, phương tiện đến nhất thể, sự tẩy sạch bùn nhơ thành sự rộng mở. Thiền quán là tỉnh giác và nhất thể, bản thân sự rộng mở, không có khái niệm hay phân biệt giữa “bản ngã” và đối tượng đang được kinh nghiệm.
Với những người sơ học, có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm rèn luyện thiền chỉ trước khi thích hợp với thực hành thiền quán, thì những ranh giới giữa những thiền định này có thể rất không rõ ràng. Vậy, đừng lo nghĩ quá nhiều về những định nghĩa. Đơn giản hãy ngồi, trong một tư thế tốt và thực hành tỉnh giác về hơi thở.
Đặc biệt vào lúc đầu, tâm trí chúng ta có thể giống như nơi chốn tả tơi và hỗn loạn, bị quấy phá bởi những âm thanh, tư tưởng hay sự kích thích nhẹ nhất. Nhìn thấy tính chất chuyển động, không ngưng nghỉ của tâm là bước đầu hướng đến sự tập trung. Bằng cách đem tâm bạn trở lại với hơi thở của mình, dần dần nó có thể trở thành vững chắc hơn.

THIỀN CHỈ
Tập trung vào một đối tượng mà không có bất kỳ sự xao động nào là tu tập thiền chỉ. Khi nói chúng ta tập trung vào một điểm là một cách để mô tả điều này, có nghĩa là chúng ta tập trung tỉnh giác của mình chỉ trên một đối tượng, trong trường hợp này là hơi thở của chúng ta. Nhẹ nhàng mà chắc chắn lập lại nhiều lần hãy đem tỉnh giác của bạn vào hơi thở.
Nhiều người sơ học được ích lợi khi chú tâm trên hơi thở tại một điểm đặc biệt như đầu mũi, hay nhân trung là chỗ có thể cảm thấy hơi thở. Tuy nhiên bạn không cần thiết xác định vị trí hơi thở bạn theo cách này, miễn là bạn cảm thấy thoải mái và có thể tập trung sự chú ý của mình.
Một cách áp dụng thông dụng khác là đếm hơi thở. Đếm trong tâm bạn “một” khi hít vào, “hai” lúc thở ra, ...cho đến “mười” tiếp tục nhưng không được gián đoạn những chuỗi này, đếm từ một đến mười, lập lại tiến trình này càng lâu nếu có thể được.
Buông lỏng vùng bụng có thể giúp bạn thở bình lặng. Một số người có khuynh hướng thở cao trong vùng ngực, nhất là khi họ căng thẳng, chúng ta nên thở tự nhiên, khi hít vào bụng phình ra nhẹ nhàng, hơi thở trở nên đầy và thoải mái
Trong lúc tập trung vào hơi thở, nếu cảm thấy khó chịu – như thể hơi thở trở nên ngắn hơn hay co thắt – hãy tập trung nhiều hơn trên hơi thở ra trong một lúc. Thở ra vào khoảng không vô tận giải phóng áp lực của sự tập trung. Nhìn chung, sự hít vào ngắn hơn sự thở ra. Sau một lúc, thời gian kéo dài của hơi thở bạn sẽ tự nhiên trở nên dài hơn, nhưng bạn phải không có bất cứ cố gắng nào làm hơi thở dài hơn.
Khi tâm bạn vững chắc và cảm thấy ít xao lãng, hãy đem sự nhận biết đến hơi thở vào và ra, không đếm. Hãy nhận biết hơi thở bạn khi nó khởi lên, trụ lại và tan biến. Sự thực hành thiền chỉ này tạo dễ dàng hơn trong việc đem một chánh niệm thư giãn đến bất cứ những gì chúng ta làm, ngoài lúc thiền định.
Ngay khi chúng ta cảm thấy như muốn tự chúc mừng vì sự thực hành thiền chỉ tuyệt vời, có thể đột ngột chúng ta gần như rơi vào giấc ngủ. Hôn trầm là tác dụng phụ tự nhiên của sự yên tĩnh dễ chịu. Không nên chán nản mà nên tỉnh thức ! Có thể là một cuộc đấu tranh để đem tâm ý mơ mộng, lan man trở lại hơi thở của mình. Nhưng, không khô cứng hay hùng hổ, chúng ta phải trở về với hơi thở của mình. Bấy giờ chúng ta có thể tĩnh lặng và trong sáng.
Trong khi thiền định, có thể có những kinh nghiệm an bình và vi tế khác nhau. Bạn có thể cảm thấy ánh sáng nhẹ như một cọng lông. Toàn thân bạn có thể được tắm trong phúc lạc, sinh động với một cảm giác như một làn gió mát mềm mại, mơn trớn tiếp xúc thân bạn. Một số người thấy những hình ảnh đáng yêu trong con mắt tâm của họ như những tinh tú, mặt trời, mặt trăng, ngọc ngà, châu báu, tràng hoa... Nếu có bất cứ những gì giống như vậy xảy ra, hãy xem đó như sự tiến bộ của tập trung. Sự thiền định của bạn có thể thực sự hoan hỷ, nhưng đừng cố gắng bám giữ hay nắm lấy hỷ lạc. Cố gắng nắm giữ, “đóng băng” hay nhân đôi những kinh nghiệm hỷ lạc này có thể trở thành một chướng ngại cho sự tăng trưởng tâm linh.
THIỀN QUÁN
Để kinh nghiệm bản tánh chân thật của bất cứ đối tượng nào của sự tham thiền, đúng y như nó là, là sự rèn luyện của quán. Qua sự tham thiền về hơi thở, chúng ta trở nên nhận biết được những vận động và vi tế của hơi thở như nó là.
Trong tỉnh giác, hãy trở thành một với hơi thở. Trong sự hợp nhất của tâm và hơi thở, không có bản ngã để bám chấp. Sự thấu hiểu đơn giản này về bản tánh thật sự của hơi thở có thể giúp chúng ta chứng ngộ bản tánh tuyệt đối của tất cả hiện tượng là không có bản ngã (vô ngã).
Trong thiền chỉ, chúng ta theo dõi và phải thực hành tập trung vào hơi thở. Trong thực hành quán sát, chúng ta ở trong tỉnh giác về hơi thở mà không suy nghĩ tại sao hay nó ở đâu hoặc bất cứ những ý niệm nào khác, chẳng hạn “cảm thấy sự an bình của hơi thở.”
Quán là thực hành sự sáng tỏ trong nhất thể. Ví dụ chúng ta có thể nhận biết hơi thở dài, ngắn, lúc bắt đầu, khoảng giữa, và chấm dứt hay sự tĩnh lặng của hơi thở. Hơi thở chúng ta đến, đi và thay đổi, thoát khỏi mọi vướng mắc hay bám chấp. Trong tỉnh giác không cần một cái ‘Tôi” để nghĩ và nhận xét về điều này. Đơn giản là ở trong tỉnh giác về nhất thể.
Một tiếp cận với thiền quán là bắt đầu với sự nhìn ngắm hơi thở, và tới một điểm nào đó buông bỏ sự tập trung hay kỹ thuật. Đối tượng của thiền định sau đó là bất kỳ đối tượng nào khởi lên, hay hoàn toàn không có đối tượng. Chúng ta có thể nhận biết hơi thở, hoặc có thể đơn giản an trú trong khoảng không gian bắt đầu mở rộng ra giữa những tư tưởng.
Trong việc thực hành quán chiếu rỗng rang này, hãy để bất cứ gì khởi lên trong tâm đến và đi, không bám víu. Tất cả những loại tư tưởng, cảm giác, hình ảnh, cảm nhận và kinh nghiệm có thể khởi lên. Không xua được chúng đi và cũng không chạy theo chúng. Chúng ta có thể cảm thấy sự len lỏi của một “cái tôi” đang theo dõi sự thiền định. Tuy nhiên, không cần thấy điều này như một sự len lỏi ; đơn giản hãy để nó khởi lên và tan biến đi. Hãy để mọi sự như vậy, tích cực hay tiêu cực, không vướng mắc. Sự yên lặng giữa những tư tưởng là bản tánh rỗng rang của chúng ta. Những tư tưởng như chúng khởi lên là hoàn toàn lành mạnh, nhưng không nên chấp vào chúng.
Trong khi thiền định, chúng ta có thể kinh nghiệm những làn sóng cảm giác đau khổ, nhưng khi chúng ta để cho chúng đến, không nắm bắt, bấy giờ chúng có thể trở nên an bình. Sự không hoàn hảo không phải là một vấn đề khi chúng ta rỗng rang, nó tốt đẹp đúng như nó là. Với tỉnh giác của thiền quán, những cảm nhận không phải là dễ chịu hay khó chịu mà được kinh nghiệm một cách rỗng rang và như thế được siêu thoát.
Thực hành thiền định về quán đem lại khả năng nhìn thấy tính cách của khoảnh khắc thoáng qua, vô ngã, của sự khác nhau vô tận và những hình dạng của hiện tượng, tại điểm chúng khởi lên và tan biến đi. Một chứng ngộ như vậy vén lên bức màn của những ảo giác tâm thức và của những giả tạo thuộc cảm xúc để bày lộ khuôn mặt của bản tánh bổn nguyên của sự vật như chúng vốn là. Thèm khát khoái lạc hay ghét sợ đau khổ, đã mọc rễ trong sự chấp ngã, bấy giờ sẽ tự nhiên tan biến giống như những hình vẽ trên mặt nước.
Trong thiền định, có thể thấy thân thể không phải thanh tịnh mà cũng không phải không thanh tịnh, mà chỉ như sự mở trống bao la. Tâm không phải vĩnh cửu mà cũng không phải không hiện hữu, mà chỉ là sự rỗng rang thanh tịnh. Tất cả hiện tượng không phải có ngã tính mà cũng không phải không có ngã tính, một hiện hữu thực sự, mà là rỗng rang, an bình và thoát khỏi tạo tác.
Bất cứ một thoáng thấy rỗng rang nào cũng có thể giúp chúng ta trong cuộc sống. Nếu chúng ta có một hiểu biết và kinh nghiệm nào đó về sự rỗng rang, sẽ khôn ngoan khi làm cho sự thực hành của chúng ta sâu và rộng hơn, trong thiền định và trong đời sống.
Có thể những mô tả về thiền quán và sự rỗng rang khiến cho chứng ngộ có vẻ là không thể đạt được. Suy nghĩ điều này có thể là tốt. Sau đó chúng ta có thể buông xả ý niệm sở đắc một số “kinh nghiệm” như đã mô tả theo một cách nào đó, và điều này tự thân nó có thể giúp chúng ta thiền định một cách rỗng rang.

–––––o0o–––––

Trích: “Năng Lực Chữa Lành Của Tâm”

“The Healing Power Of Mind”

Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Tuệ Pháp

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến

Nhà Xuất Bản Tôn Giáo

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan