NIỆM PHẬT TỤNG KINH CÓ MƯỜI LOẠI CÔNG ĐỨC - VẠN THIỆN ĐỒNG QUY TẬP – QUYỂN 1

NIỆM PHẬT TỤNG KINH CÓ MƯỜI LOẠI CÔNG ĐỨC

VẠN THIỆN ĐỒNG QUY TẬP – QUYỂN 1

THIỀN SƯ VĨNH MÌNH DIÊN THỌ (904-975)

-----o0o-----

1. Hay diệt trừ ngủ nghỉ. 2. Thiên ma kinh sợ. 3. Âm thanh vang khắp mười phương. 4. Ba đường ác dừng đau khổ. 5. Tiếng bên ngoài không xâm nhập. 6. Khiến tâm không tán loạn. 7. Dũng mãnh tinh tấn. 8. Chư Phật hoan hỷ. 9. Tam muội hiện tiền. 10. Sanh về tịnh độ.
NIỆM PHẬT TỤNG KINH CÓ MƯỜI LOẠI CÔNG ĐỨC - VẠN THIỆN ĐỒNG QUY TẬP – QUYỂN 1

Hỏi:

Kinh nói quán xét về Thật tướng của thân thế nào thì quán xét về Phật cũng như vậy. Một niệm không sanh, tâm chân thật sáng tỏ.

Sao lại xưng danh hiệu Đức Phật khác, đọc tụng các kinh điển, cao thấp xoay vòng trước sau sanh diệt. Như thế đã trở ngại thiền định, chỉ đuổi theo âm thanh, như lúc nước lay động thì chẳng thấy rõ minh châu, vậy làm sao âm thầm khế hợp được?

Đáp:

Âm thanh là nơi cư trú của mọi nghĩa lý, ngôn ngữ đều là cánh cửa dẫn vào giải thoát. Tất cả đều thú hướng về âm thanh. Âm thanh là pháp giới.

Trong kinh nói: “Trong mỗi một pháp đều chức đựng tất cả pháp”. Thế nên biết, trong một lời nói bao hàm không gì ở ngoài, mười pháp giới đầy đủ, lý Tam đế tròn đầy. Sao lại chê đây mà trọng kia, rời hình tướng cầu chân thật? Không cứu xét tận cùng cội nguồn của động tịnh nên mới dẫn đến sự sai lầm về nói năng và im lặng.

Kinh nói, khi một niệm mới sanh khởi, không có tướng trạng ban đầu, đó là sự hộ niệm chân thật. Không cần phải dứt niệm trừ dẹp âm thanh rồi mới phù hợp với Thật tướng. Do đó ở môn trang nghiêm vạn hạnh không thiếu sót; trong biển Chân như, một mảy may cũng không bỏ.

Hơn nữa, sự phân định thời khóa niệm Phật, trong giáo lý có nói rõ ràng. Xướng một tiếng tội lỗi được tiêu diệt nhiều như cát bụi, đủ mười niệm vãng sanh Tịnh độ, cứu tế nguy nan, tiêu trừ nghiệp chướng oan khiên. Không chỉ tạm thời thoát khỏi khổ đau mà còn nương nhờ vào nhân duyên này rốt cuộc được vào biển giác.

Thế nên trong kinh Pháp Hoa nói:

“Nếu người tâm tán loạn

Đi vào trong chùa tháp

Vừa xưng Nam mô Phật

Đều đã thành Phật đạo”.

Kinh còn nói, người thọ trì danh hiệu Phật được tất cả chư Phật đồng hộ niệm.

Kinh Bảo Tích nói: “Lớn tiếng niệm Phật thì quân ma thối lui tan rã”.

Kinh Văn Thù Bát Nhã nói:

“Chúng sanh ngu muội không thể hiểu rõ phép quán, chỉ bảo họ niệm Phật tiếp nối thì tự nhiên được vãng sanh cõi Phật”.

Luận Đại Trí Độ nói:

“Ví như có người vừa được sanh ra có thể đi ngàn dặm trong một ngày, như thế trải qua một ngàn năm, những chỗ người ấy đi qua đều dẫy đầy bảy loại báu.

Người ấy đem tất cả bảy loại báu cúng dường lên Đức Phật, nhưng chẳng bằng có người ở đời trược ác về sau niệm một tiếng Phật. Phước báo của người này còn hơn phước của người kia”.

Kinh Tăng Nhất A Hàm nói:

“Người dùng y phục, thức ăn uống, thuốc men, mền gối, cúng dường cho tất cả chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề được công đức vô lượng.

Nếu có chúng sanh tâm lành tiếp nối xưng danh hiệu Phật trong khoảng thời gian một lần vắt sữa bò, công đức người này được hơn người ở trên chẳng thể nghĩ bàn, không lường xét được”.

Kinh Hoa Nghiêm nói:

“An trụ môn Niệm Phật tự tại tâm, biết dục lạc có theo tâm mình, tất cả các Đức Phật đều hiện bày”.

Luận Bảo Vương Tam Muội phần lớn tiếng niệm Phật, Hòa thượng Phi Tích nói:

“Người tắm nơi biển cả thì đã dùng nước của trăm sông; người niệm danh hiệu Phật, tất thành tựu tam muội. Cũng như Thanh châu gieo vào nước đục, nước đục không thể không trong; Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn trở thành tâm Phật. Sau khi đã khế hợp thì tâm và Phật cả hai đều quên; đều quên là định, đều soi chiếu là tuệ. Định và tuệ đã quân bình, tâm nào mà chẳng phải là Phật, Phật nào chẳng phải là tâm. Tâm và Phật đã thế thì muôn cảnh, muôn duyên đều là tam muội, ai lại đi lo lắng việc khởi tâm động niệm lớn tiếng niệm Phật!”.

Do vậy, kinh Nghiệp Báo Sai Biệt nói:

Lớn tiếng niệm Phật tụng kinh có mười loại công đức:

1. Hay diệt trừ ngủ nghỉ.

2. Thiên ma kinh sợ.

3. Âm thanh vang khắp mười phương.

4. Ba đường ác dừng đau khổ.

5. Tiếng bên ngoài không xâm nhập.

6. Khiến tâm không tán loạn.

7. Dũng mãnh tinh tấn.

8. Chư Phật hoan hỷ.

9. Tam muội hiện tiền.

10. Sanh về tịnh độ.

Trong Tịnh Độ Quần Nghi Luận hỏi rằng:

“Danh tự tánh không, chẳng thể giải nói về các pháp. Dạy người chuyên xưng danh hiệu Phật, khác nào nói về thức ăn để mong được hết đói?”.

Đáp:

Nếu nói danh tự vô dụng không thể giải thích về bản chất của các pháp thì lẽ ra khi gọi lửa mà nước lại đến. Nên biết phải nhờ cái lờ và bẫy nhân đó mới có được cá và thỏ.

Do đó Phạm Vương khải thỉnh xoay chuyển bánh xe chánh pháp, Đức Phật ứng cơ giải thích về ý chỉ diệu huyền. Người trời phàm thánh đều tiếp nhận lời dạy chân chánh, bốn loài chúng sanh trong sáu đường đồng tuân theo di huấn, lắng nghe đọc tụng lợi ích rộng sâu, xưng niệm Phật danh vãng sanh Tịnh độ. Như thế chớ nên cho rằng ngôn ngữ danh tự giả dối mà chẳng diễn nói.

-----o0o-----

Trích “Vạn thiện đồng quy tập”

Tác giả: Vĩnh Minh Diên Thọ

Người dịch: Thích Minh Thành

NXB Tôn Giáo

Bài viết liên quan