​​​​​​​NƠI NÀO CÓ NGUYÊN NHÂN, NƠI ĐÓ CÓ SỰ KẾT THÚC - KRISHNAMURTI – TÂM TRÍ KHÔNG GIỚI HẠN

NƠI NÀO CÓ NGUYÊN NHÂN, NƠI ĐÓ CÓ SỰ KẾT THÚC

KRISHNAMURTI – TÂM TRÍ KHÔNG GIỚI HẠN

---o0o---

Khi bạn quan sát nó, khi bạn nhận thức về nó, nó sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện của mình. Bạn có hiểu không?
​​​​​​​NƠI NÀO CÓ NGUYÊN NHÂN, NƠI ĐÓ CÓ SỰ KẾT THÚC - KRISHNAMURTI – TÂM TRÍ KHÔNG GIỚI HẠN

Nếu có thể, tôi muốn chỉ ra rằng đây không phải là một bài giảng để hướng dẫn về một chủ đề nào đó hoặc giới thiệu một quan điểm nào đó, không hướng dẫn và thuyết lý, mà chúng ta, bạn và diễn giả, đang tìm hiểu về những vấn đề khác nhau của đời sống thường nhật, để nhìn xem liệu có giải pháp cho những vấn đề này hay không. Bởi vậy, trách nhiệm của bạn cũng như của diễn giả là cùng nhau suy nghĩ, mỗi người chúng ta đều phải tự khám phá, tự tìm hiểu xem liệu chúng ta có gặp gỡ nhau hay không, không đơn thuần chỉ là sự gặp gỡ ở cấp độ trí tuệ hay cảm xúc hay lý tưởng, mà là gặp gỡ nhau trong một sự tương tức, sự tìm tòi, chất vấn. Để chất vấn, tìm tòi, người ta phải thoát khỏi những định kiến. Nếu không, sự tìm tòi sẽ chẳng có giá trị gì hết. Hầu hết các bạn đều đã bị cầm tù vào rất nhiều lý tưởng, phán quyết, quan điểm và bởi vậy chúng ta không bao giờ gặp nhau. Bởi diễn giả không có tín ngưỡng, không có lý tưởng, không có uy quyền gì, nên anh ta có thể tìm tòi một cách tự do, dễ dàng, vui vẻ, nhưng nếu bạn cũng được tự do, bạn cũng có thể tìm tòi, nhìn sâu vào trong những xung đột dữ dội của xã hội chúng ta, của chính phủ chúng ta, tại sao loài người, những kẻ đã sống trên trái đất này có lẽ đã 40, 50 nghìn năm hoặc hơn thế nữa lại trở nên như vậy, ngu dốt, bạo lực, mê lầm. Chúng ta là xã hội, chúng ta đã tạo ra xã hội nơi chúng ta đang sống, và mang lại trật tự cho xã hội đó, ngôi nhà của chính chúng ta cần được sắp đặt trong trật tự, nhưng mọi việc đã không diễn ra như vậy. Ngôi nhà của chúng ta, ngôi nhà mà trong đó chúng ta đang sống, không phải là ngôi nhà mang tính chất vậy lý, mà là ngôi nhà của những mâu thuẫn, xung đột, đau khổ, lầm lạc, buồn bã. Đó là ngôi nhà của chúng ta, và chúng ta sẽ mang lại trật tự cho ngôi nhà đó. Chỉ đòi hỏi trật tự bên ngoài thì chẳng mấy ý nghĩa.

Điều chúng ta đang quan tâm một cách sâu sắc là tại sao loài người lại như vậy, tại sao họ lại trở nên như vậy. Tương lai chính là những gì đang diễn ra trong hiện tại. Nếu họ không thay đổi hiện tại thì tương lai sẽ đúng là những gì đang diễn ra trong hiện tại, có thể có thay đổi, biển cải nào đó. Nếu loài người vẫn không thể mang lại một sự thay đổi quan trọng, về căn bản trong thái độ của mình, trong cuộc sống của mình, để đặt mọi thứ vào trong trật tự, thì việc tham dự tất cả những cuộc trò chuyện này cũng chẳng có mấy ý nghĩa. Nếu sự thay đổi đó là rõ rệt thì chúng ta đang gặp nhau ở một điểm nào đó, có cùng một nhịp điệu, cùng một thời điểm; sự giao tiếp sẽ trở nên rất đơn giản. Bởi vì, rõ ràng là, diễn giả đang ở đây để cùng bạn nói một điều gì đó, để phát hiện ra một điều gì đó. Nếu bạn cứ khăng khăng bám giữ lấy những khế ước của bạn, tín ngưỡng của bạn, minh sư của bạn và tất cả những thứ đó, chúng ta sẽ không thể gặp gỡ nhau. Bởi vậy, đây là một cuộc trò chuyện giữa hai người, một cuộc đối thoại của hai người bạn, những người đang quan tâm không chỉ đến đời sống riêng của họ, mà tới thế giới này, quan tâm tới những điều đang xảy ra trên thế giới – sự hỗn loạn mang tính toàn cầu, mối đe dọa của chiến tranh nghèo đói, bạo lực và sự hủy diệt đang diễn ra trên khắp thế giới. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả những điều này.

Vấn đề ở đây là gì? Tại sao chúng ta, trong suốt cuộc đời mình, lại có những vấn nàn này – từ buổi ban sơ, lúc chúng ta nhìn thấy ánh sáng, cho tới khi chúng ta chết đi? Tại sao chúng ta lại có những vấn nạn này – những vấn nạn xã hội, những vấn nạn kinh tế, những vấn nạn máy móc, những vấn nạn kĩ thuật và những vấn nạn của chúng ta trong đời sống thường nhật, trong mối tương tức của chúng ta? Liệu có cần thiết phải có những vấn nạn hay không? Liệu có thể sống mà không phải đối mặt với những vấn nạn đó, hiển nhiên, chúng sẽ hoạt động theo cách va chạm và bào mòn não bộ, rồi người ta sẽ trở nên già nua v.v. Loài người khắp thế giới đã có rất nhiều, rất nhiều vấn nạn. Họ đang sống trong các vấn đề rắc rối. Toàn bộ đời sống của họ là một sự vận động của các vấn nạn đó. Giờ đây, chúng ta đang chất vấn: liệu có thể không có những vấn nạn hay không? Chúng ta đang tìm hiểu câu hỏi này, không phải là nói rằng “vâng, có thể sống mà không có vấn đề gì”, đó không phải là điểm chính. Điểm chính ở đây là tại sao chúng ta lại có nó, vấn nạn là gì, tại sao não bộ lại luôn tìm cách giải quyết các vấn nạn. Có những vấn đề mang tính chất cơ học, những vấn đề toán học, những vấn đề của thiết kế, của kiến trúc, vật lý. Trong lĩnh vực công nghệ, có rất, rất nhiều vấn đề. Đó là điều tất yếu. Nhưng tại sao chúng ta, trong cuộc sống của mình, trong mối tương tức của mình, lại có nhiều vấn nạn như vậy? Chúng ta thấy rằng trong thế giới công nghệ, các vấn đề tất yếu phải tồn tại. Chúng ta đang sống trong thế giới của máy móc. Chúng ta là những con người lao động: chúng ta là bác sĩ, nhà phẫu thuật, nhà vật lý, nhà sinh học, chuyên gia máy tính được đào tạo bài bản. Và não bộ của chúng ta đã được đào luyện, được giáo dục, được ấn định, để giải quyết các vấn đề. Chúng ta mở rộng thái độ tương tự sang cuộc sống hằng ngày. Giả dụ ta là một chuyên gia máy tính. Anh ta có rất nhiều vấn đề, và về mặt kĩ thuật, anh ta phải giải quyết những vấn đề này, điều đó có nghĩa là bộ não anh ta đã được đào luyện, ấn định, giáo dục để giải quyết vấn đề. Và chúng ta mở rộng cách vận động để giải quyết vấn đề tương tự sang lĩnh vực tâm lý.

Lĩnh vực tâm lý là lĩnh vực của mối quan hệ, sự sợ hãi, nỗi bất an và tất cả những thứ khác. Chúng ta đã có cùng một tâm lý rằng đây là những vấn đề thấy bản chất của sự chiếm giữ, tại sao bộ não lại bị chiếm giữ, tại sao nó lại luôn luôn bị lún sâu vào một thứ nào đó. Khi bạn quan sát nó, khi bạn nhận thức về nó, nó sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện của mình. Bạn có hiểu không?

Đầu tiên, chúng ta phải rõ ràng rằng bạn và diễn giả đang coi cuộc sống không phải như một vấn đề cần giải quyết mà như một sự chuyển động lớn lao. Nếu bộ não của bạn được đào luyện để giải quyết vấn đề, thì bạn sẽ coi sự vận động này là một vấn đề cần được giải quyết. Liệu có thể quán sát cuộc sống với tất cả những câu hỏi của nó, với tất cả những vấn đề của nó, cái vô cùng phức tạp, quan sát nó một cách rõ ràng, không có thiên kiến, không nhằm rút ra một kết luận về sự quan sát đó hay không? Bạn phải quan sát sự chuyển động lớn lao này của đời sống, không phải chỉ là đời sống riêng của bạn, mà là đời sống của nhân loại, đời sống của Trái đất, đời sống của cây cối, đời sống của toàn bộ thế giới – quán sát nó, nhìn ngắm nó, chuyển động cùng nó, nhưng nếu bạn coi nó là một vấn đề cần giải quyết, thì bạn sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn nữa. Rõ chứ? Đâu là vấn đề đầu tiên trong cuộc sống, đâu là sự chuyển động đầu tiên trong cuộc sống của chúng ta, trong cuộc sống của con người? Chúng ta đang không nói về cuộc sống nhỏ bé hạn hẹp của bạn, mà đời sống xung quanh chúng ta, sự chuyển động lớn lao, mênh mông, phức tạp của tồn tại. Đâu là cái gấy ấn tượng với bạn đầu tiên? Đâu là cái có ý nghĩa, có chiều sâu, có một cảm giác về sức sống ẩn chứa đằng sau nó? Đâu sẽ là sự quan sát đầu tiên của bạn, phản ứng đầu tiên của bạn, tìm tòi đầu tiên của bạn? Có lẽ bạn chưa bao giờ đặt ra câu hỏi này. Nếu bạn quán sát sự chuyển động phi thường lớn lao của đời sống mà mỗi người chúng ta là một phần trong đó, thì đâu là thứ mà bạn sẽ gặp gỡ đầu tiên? Liệu tương tức sẽ là gì, liệu nó có phải là mối quan tâm riêng của bạn về chính mình, liệu đó có phải là nỗi sợ hãi của riêng bạn, sự bất an của riêng bạn, những đòi hỏi hạn hẹp, giới hạn nào đó của riêng bạn, sự tìm kiếm Chúa trời của riêng bạn? Sự tiếp xúc đầu tiên với tự nhiên của bạn, đòi hỏi đầu tiên về tự nhiên của bạn là gì? Đừng quán sát sự chuyển động lớn lao của đời sống này từ một khung cửa nhỏ bé hạn hẹp, cánh cửa đó chính là bản ngã nhỏ bé của riêng bạn, những nhu cầu tình dục của riêng bạn. Liệu bạn có đang quán sát sự chuyển động lớn lao này không phải từ một điểm nhìn cụ thể nào, không từ một cửa sổ nào, không từ một thỏa ước nào, hay bị cuốn vào một hệ thống, một truyền thống, cuốn vào ý thức mình là một giáo sư, một nhà triết học, một nhà văn, một người lính hay một chuyên gia? Hoặc bạn có quán sát nó như một con người, con người với rất nhiều vấn về, buồn bã, đau đớn, lo lắng? Bạn nhìn tất cả những thứ này ra sao?

Khi bạn nêu lên một câu hỏi như vậy cho nhiều người, về mặt tự nhiên, mỗi người sẽ có một phản ứng khác nhau. Nhưng bởi vì chúng ta là nhân loại, chúng ta là phần còn lại của nhân loại. Chúng ta có thể là phần còn lại của nhân loại. Chúng ta có thể có một nền tảng nào đó, truyền thống nào đó, lịch sử dằng dặc nào đó. Nhưng trước hết bạn là một con người, không phải một tín đồ Thiên Chúa giáo, một bác sĩ, không phải một Phật tử, một người theo đạo Hindu; trước tiên bạn là một con người có tương tức với tất cả những người khác. Bởi vậy, bạn là phần còn lại của nhân loại. Cơ thể của bạn khác với những cơ thể khác, cơ thể vật lý có thể khác với các cơ thể vật lý khác, nhưng cơ thể không bao giờ nói “tôi là”, cơ thể không bao giờ nói “tôi là một cái gì đó đặc biệt”, cơ thể không bao giờ nói “tiến trình của tôi, thành công của tôi, tôi phải tìm kiếm Chúa trời”, và tất cả những thứ đó. Cơ thể không bao giờ ý thức được rằng nó tách biệt với những cơ thể khác. Mà suy tư mới là kẻ nói rằng tôi khác biệt. Cần phải nhận ra suy tư đã phân chia như thế nào. Bởi vậy, đây là điều đầu tiên mà bạn chú ý khi bạn quán sát sự chuyển động lớn lao của đời sống, bằng cách nào mà con người đã phân chia mình và người khác, tách biệt mình khỏi người khác, tự nhận mình là người Mĩ, người Do Thái, người Nga, người Ả Rập, người Hindu, và tất cả những thứ khác nữa. Bạn có quan sát thực thể người bị chia cắt một cách bất thường này hay không? Bạn có ý thức được điều này không? Trong đó, điều đầu tiên bạn nhìn thấy là bằng cách nào mà thế giới lại bị phân chia về mặt địa lý, về mặt quốc gia, về mặt chủng tộc, về mặt tôn giáo, Sự phân chia này đang gây ra chiến tranh – người Hindu chống lại người Hồi giáo, người Nga chống lại người Afghanistan v.v. Liệu đây có phải là điều đầu tiên bạn nhìn thấy trong thế giới này – bằng cách nào mà con người lại tạo ra sự phân chia này? Sự phân chia này phải tồn tại bởi vì suy tư đã tạo ra sự phân chia.

Các bạn, nếu bạn hoàn toàn tỉnh giác, bạn sẽ thấy những gì mà con người đã làm với chính mình và những gì mà anh ta đã làm cho người khác. Đó là điều đầu tiên mà ta quan sát được – tinh hủy diệt trong sự phân chia này, sự gia tăng của chiến tranh do chủ nghĩa dân tộc. Một trong những nguyên nhân của chiến tranh là chủ nghĩ dân tộc, và người ta không bao giờ coi chuyển động lớn lao của đời sống này như một sự thống nhất. Chúng ta đã sống theo cách đó trong hàng nghìn năm, chém giết lẫn nhẫn danh Chúa, nhân danh hòa bình, nhân danh quốc gia, nhân danh một lá cờ, và chúng ta vẫn đang làm điều này sau hàng nghìn năm. Vì vậy, ta chất vấn, con người đã sai điều gì? Tại sao anh ta lại làm vậy? Anh ta vô cùng thông minh trong thế giới công nghệ, anh ta đã phát minh ra những công cụ tinh tế phi thường nhất. Nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục sống một cách vô cùng ngu ngốc. Bởi vậy đó là điều đầu tiên bạn chú ý tới. Và ta hỏi nguyên nhân của nó là gì.

Đâu là nguyên nhân của tất cả điều này – sự phân chia này, những cuộc chiến tranh này, cấu trúc thứ bậc của quyền lực trong mỗi quốc gia, trong thế giới tôn giáo, trong thế giới chính trị, trong thế giới khoa học? Tất cả những cái này đều dựa trên những nguyên tắc về thứ bậc – uy quyền của tri thức, uy quyền của kinh nghiệm v.v. Vậy thì đâu là nguyên nhân của tất cả những thứ này? Ai là người chịu trách nhiệm? Hãy tìm hiểu. Bởi vì, nơi nào có một nguyên nhân, nơi đó có một kết thúc cho nguyên nhân đó. Nếu ta đau, nguyên nhân của nỗi đau là bệnh ung thư hoặc nỗi đau khổ rằng bạn phải trở thành một cái gì đó trong tương lai, thì nỗi đau có thể chấm dứt hoặc bạn có thể kết liễu nó. Bởi vậy, nơi nào có một nguyên nhân, nơi đó sẽ có một kết thúc cho nguyên nhân đó. Đó là một quy luật, đó là một nguyên tắc. Vì vậy chúng ta đang chất vấn: đâu là nguyên nhân của tất cả những điều này – sự khốn khổ, bất hạnh lớn lao này, sự bất an khủng khiếp này? Liệu chúng ta có thể cùng nhau tìm hiểu, không phải tôi giải thích, bạn chấp nhận, mà là cùng nhau, dần dần, một cách cẩn trọng, tự khám phá ra đâu là gốc rễ của tất cả điều này, đâu là nguyên nhân của tất cả điều này? Nếu giờ đây chúng ta không tìm ra nguyên nhân đó, thì tương lai chắc chắn sẽ chẳng có gì thay đổi, tương lai sẽ vẫn là những gì bạn đang là trong hiện tại – chiến tranh, sự chia cắt, nỗi đau khổ, lo lắng bất an. Bởi vậy chúng ta hãy cùng nhau khám phá đâu là nguyên nhân của sự phân chia này. Sự phân chia này đang gieo rắc chiến tranh, cãi vã, các xung đột vĩnh viễn – xung đột giữa đàn ông và đàn bà, về mặt tình dục v.v. Đâu là gốc rễ của tất cả điều này, nguyên nhân của tất cả điều này? Nếu tôi có thể hỏi, bằng cách nào bạn lại gần nó? Tiếp cận có nghĩa là lại gần nó, đi sâu vào để tiếp xúc với nó. Đây là một câu hỏi đặt ra cho bạn và liệu bạn có quan sát nó như một vấn đề cần được giải quyết hay không, hay liệu bạn có tiến sát vào nó hay không? Nếu bạn làm vậy, thì bạn sẽ mở câu hỏi đó ra, nhưng nếu bạn né tránh câu hỏi, thì bạn không khai mở, bạn vẫn cứ sống với câu hỏi đó.

Vì vậy, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp cận vấn đề này mà không có định hướng nào, không có động cơ nào, bởi vì khi nào có một động cơ, khi ấy động cơ sẽ chỉ ra câu trả lời, làm sai lệch nhận thức. Giả sử đây là câu hỏi của tôi, tôi tự đặt câu hỏi này cho chính mình: “Đâu là gốc rễ của tất cả những thứ đó?” Tôi không có câu hỏi trả lời. Tôi không biết, nhưng tôi sẽ tìm hiểu nó. Nhưng để tìm hiểu nó, tôi phải tự do, hoàn toàn thoát khỏi tất cả các định hướng. Bởi vì, nếu có một định hướng, một động cơ, mong đợi một phần thưởng nào đó, thì động cơ đó, phần thưởng đó sẽ chỉ đạo quá trình tìm tòi của tôi. Bởi vậy, người ta phải được tự do quan sát câu hỏi này – đâu là gốc rễ của tất cả những vấn đề này? Có phải tất cả mọi người trên Trái đất xinh đẹp này đều phải sống trong xung đột, đều phải sống trong lo lắng, sợ hãi hay không? Nếu bạn chấp nhận điều này như một thực tế hiển nhiên, thì sẽ chẳng có sự tìm tòi nào hết. Bạn rút ra một kết luận và bạn đóng sập cánh cửa lại. Kết luận có nghĩa là kết thúc tìm tòi. Từ “kết luận” có nghĩa là đóng lại, là kết thúc. Nếu bạn rút ra được bất kì một kết luận nào, thì bạn không thể trả lời được cho câu hỏi đó. Bởi vậy, ta cần nhận thức về cách tiếp cận câu hỏi này. Chúng ta đang hỏi: liệu đó có phải là suy tư hay không? Suy tư là gì? Suy tư có phải là của bạn, có thực thuộc về cá nhân? Liệu suy nghĩ của bạn có tách rời suy nghĩ của những người khác? Ai cũng suy nghĩ – ngay cả những người ngu dốt nhất, ngờ nghệch nhất, thấp cổ bé họng nhất trong một ngôi làng hẻo lánh cho tới một nhà khoa học vĩ đại. Vậy suy nghĩ là chung cho tất cả chúng ta. Suy nghĩ của bạn không tách rời suy nghĩ của tôi. Mà suy nghĩ là sự vận động của tất cả nhân loại, nó không phải là suy nghĩ của cá nhân. Bạn thấy điều này chứ? Thật khó có thể chấp nhận nó hoặc nhìn thấy nó bởi vì chúng ta đều bị ấn định, chúng ta đều được giáo dục, đào luyện để nghĩ rằng suy nghĩ của tôi tách biệt với suy nghĩ của bạn, quan điểm của tôi khác biệt với quan điểm của bạn. Nhưng quan điểm là quan điểm nói chung; nó không phải là quan điểm của tôi hay quan điểm của bạn.

Vì vậy, có phải suy nghĩ là gốc rễ của tất cả sự khốn khổ này, sự hủy diệt này, sự tha hóa này, sự phân rã này, sự mục nát này? Nếu như vậy, thì liệu sự chuyển động của suy tư, cái đã tạo nên sự tàn phá như vậy trên thế giới, có thể kết thúc được hay không? Suy nghĩ đã tạo nên thế giới công nghệ phi thường nhất, những công cụ khủng khiếp của chiến tranh, những tàu ngầm vượt ra ngoài sức tưởng tượng v.v. Nó cũng đã tạo ra tất cả các tôn giáo trên thế giới. Nó đã xây nên những thánh đường, nhà thờ Hồi giáo, đền đài kì vĩ và tất cả những thứ trong các đền đài đó, trong các nhà thờ đó. Suy tư đã phát minh ra tất cả các nghi thức, đã phát minh ra vị cứu tinh trong thế giới Kitô giáo, đã phát minh ra tự do và giải thoát hoặc bất cứ cái gì mà bạn muốn định danh trên đất nước này. Nó cũng tạo ra Chúa trời. Bạn càng bất an, thì thế giới càng trở nên nguy hiểm. Vì vậy, suy tư phải tìm được một sự an toàn, một cảm giác chắc chắn, yên định. Và nó tạo ra Chúa trời – Chúa của bạn và Chúa của tôi, Chúa của tôi tốt hơn Chúa của bạn, thầy của tôi tốt hơn thầy của bạn v.v. Suy tư đã chịu trách nhiệm về tất cả những điều này. Nếu đây là nguyên nhân, nếu suy tư là nguyên nhân của tất cả những điều này – nỗi đau khổ của chúng ta, sự mê tín của chúng ta, nỗi bất an khủng khiếp của chúng ta, và suy tư cũng tạo ra những thứ phi thường nhất – các phương tiện giao tiếp, phẫu thuật, thuốc men v.v., thì liệu có một kết thúc cho nó hay không? Bạn hiểu câu hỏi của tôi chứ? Liệu có một điểm dừng của suy tư hay không? Nghĩa là, nếu suy tư phải chịu trách nhiệm cho tất cả thế giới công nghệ này, và thế giới đau khổ, bất hạnh, lo lắng của nhân loại, nếu suy tư là nguyên nhân của tất cả những điều này, thì nó phải có một kết thúc. Nghĩa là, nếu nó tạo ra một căn bệnh nào đấy do rất nhiều các sự cố khác nhau gây ra, căn bệnh đó có một nguyên nhân, và nguyên nhân đó được phát hiện, thì nó có thể được giải quyết và chấm dứt. Tương tự như vậy, nếu suy tư phải chịu trách nhiệm về tất cả những điều này, về những nhầm lẫn, đau khổ, bất an, buồn bã thường nhật của chúng ta, và tất cả những điều này, về những nhầm lẫn, đau khổ, bất an, buồn bã thường thật của chúng ta, và tất cả những tín điều mà suy nghĩ đã tạo nên xung quanh chúng ta, nếu suy tư là nguyên nhân, thì nó phải có một kết thúc.

Nếu bạn nói, hãy cho tôi biết làm thế nào để chấm dứt suy nghĩ, thì bạn sẽ gặp rắc rối lớn bởi vì bộ não của bạn đã được đào luyện, giáo dục để giải quyết vấn đề. Khi một chuyên gia máy tính được đào luyện để giải quyết vấn đề, thì anh ta cũng sẽ có xu hướng tương tự như vậy trong thế giới tâm lý. Nếu suy tư là nguyên nhân của điều này, thì vấn đề không phải là làm thế nào để chấm dứt nó, mà là làm thế nào để hiểu được sự vận động tổng thể của suy tư. Nếu bạn coi nó như là suy nghĩ riêng của bạn, và một người nào đó khác coi nó như là suy nghĩ riêng của anh ta, thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Điều đó dẫn đến các loại vọng tưởng. Sự mê lầm không có thực tế, nhưng suy nghĩ là nền tảng mà tất cả loài người – da đen, da trắng, da màu, người đạo Hồi, người theo đạo Hindu, những người nông dân, những kẻ vô giáo dục đều dựa vào. Vậy thì bạn phải rời bỏ tư tưởng rằng đây là suy nghĩ của tôi; rồi bạn quan tâm đến suy nghĩ toàn cầu, không phải nghĩ cách của người Ấn Độ. Bạn phải quan tâm thật sự tới thế giới, tới tất cả nhân loại, những thứ bạn thuộc về. Bạn không phải là một cá nhân. Cá nhân có nghĩa là độc nhất, không phân tách. Bạn không độc nhất, bạn hoàn toàn bị chia tách, bị phân mảnh trong chính mình, bạn là kết quả của tất cả những thế hệ quá khứ. Bộ não của bạn không phải là của bạn. Nó được phát triển qua hàng nghìn hàng nghìn năm. Nhưng tôn giáo của bạn, kinh sách của bạn, cuộc sống hằng ngày của bạn nói rằng bạn tách biệt khỏi những người khác, và bạn được đào luyện để chấp nhận điều này. Bạn không bao giờ đi sâu vào nó, bạn không bao giờ chất vấn nó, nghi ngờ nó, mà bạn chấp nhận nó, và trong sự chấp nhận đó ẩn chứa rất nhiều vấn đề. Nhưng nếu bạn nhìn tất cả những điều này như là một sự chuyển động lớn lao của đời sống mà bạn là một phần trong đó, sự chuyển động này là vô hạn, vô thủy vô chung, thì bạn bắt đầu tìm hiểu bản chất của suy tư.

Vậy nguồn gốc của suy tư là gì? Tại sao suy tư lại bị phân chia trong bản chất của nó, một sự vận động của tư duy trong chính nó, tại sao nso lại rời rạc, phân rã, giới hạn? Bởi suy tư có thể là nguyên nhân, cho nên đừng hỏi: “Hãy cho tôi biết làm thế nào để chấm dứt nguyên nhân”, vậy thì bạn lại quay lại những vấn đề cố hữu của mình. Nếu bạn cố gắng giải quyết vấn đề này, thì vấn đề khác sẽ tiếp tục nảy sinh. Suy tư đang tạo ra các vấn đề. Bởi vậy bạn nói, hãy cho tôi biết cách dừng chúng lại, làm sao để có thể ngừng suy nghĩ, và có rất nhiều người sẽ nói với bạn làm thế nào để có thể thôi không suy nghĩ. Và những người này rất khác nhau – thiền, không thiền, thử cách này xem, bạn biết đấy. Bởi vậy, chúng ta lại làm cho vấn đề trở nên rắc rối gấp đôi. Nhưng hãy nhìn vào sự chuyển động của suy tư mà con người đã từng sống với nó suốt hàng nghìn năm, và hãy chất vấn không phải cách để chấm dứt suy tư, mà đâu là bản chất của nó, tại sao suy tư lại trở nên quan trọng. Bởi vì suy tư ngụ ý tri thức. Hãy đặt câu hỏi tri thức nằm ở đâu trong cuộc sống. Chúng ta phải dừng lại, chúng ta sẽ tiếp tục vấn đề này vào tối mai. Nhưng, khi bạn rời khỏi đây, hãy quán sát nó, tìm hiểu nó, điều đó có nghĩa là một bộ não chủ động, một bộ não tích cực, đang suy nghĩ, bàn luận, không chỉ mắc kẹt trong một khe rãnh nhỏ hẹp của truyền thống nào đó. Một trong những tai họa trên thế giới là tất cả chúng ta đang trở nên già cỗi, không chỉ đơn giản là già cỗi trong cơ thể, mà già cỗi về mặt tinh thần. Sự phân rã trước hết bắt đầu ở đâu đó bên trong bởi chúng ta trở nên máy móc. Chúng ta không bao giờ có năng lượng, sức sống, đam mê để tìm tòi khám phá. Chúng ta đã được chỉ bảo phải làm gì, chúng ta đã bị dẫn dắt. Đây không phải là một nơi hướng dẫn và bạn cũng không được chỉ bảo phải làm gì. Ở đây, chúng ta đang nghiêm túc tìm hiểu một phương cách sống khác, và bạn chỉ có thể tìm thấy nó khi bạn hiểu bản chất của suy tư và cách sống mà trong đó suy tư không quan trọng chút nào.

Bombay, 22 tháng Một năm 1983

---o0o---

Trích “Tâm trí có giới hạn”

Tác giả: Krishnamurti

Người dịch: Ngọc Minh

NXB Hà Nội, 2019

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan