PHẨM NGỒI THIỀN - LỤC TỔ - PHÁP BẢO ĐÀN KINH GIẢNG GIẢI

LỤC TỔ - PHÁP BẢO ĐÀN KINH GIẢNG GIẢI

PHẨM NGỒI THIỀN - THỨ NĂM

---o0o---

  Bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh rồi nghĩ cảnh bèn loạn. Nếu thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn, đó là chân định.
PHẨM NGỒI THIỀN - LỤC TỔ - PHÁP BẢO ĐÀN KINH GIẢNG GIẢI

      Sư dạy chúng rằng: Pháp môn ngồi thiền này, nguyên chẳng dựa bám nơi tâm, cũng chẳng dựa bám nơi tịnh, và cũng chẳng phải là chẳng động. Nếu nói dựa nơi tâm thì tâm nguyên là vọng. Biết tâm như huyễn cho nên không có chỗ dựa bám. Nếu nói dựa vào tịnh thì tánh người vốn tịnh. Chỉ bởi vọng niệm che lấp bản tánh chân như. Chỉ không có vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh. Nếu khởi tâm dựa bám vào tịnh thì lại sanh ra cái vọng về sự thanh tịnh. Vọng không có xứ sở, thế mà dựa bám thì đó là vọng. Tịnh không có hình tướng, thế mà lập ra tướng tịnh, gọi đó là công phu. Thấy hiểu như thế làm che chướng bản tánh mình, lại bị cái tịnh trói buộc.

      Ngồi thiền ở đây là tâm ngồi trong định huệ.

      ‘‘Chẳng dựa bám nơi tâm’’, đây là vượt khỏi tâm niệm xứ thông thường vậy. ‘‘Chẳng dựa bám nơi tịnh’’, đây là vượt khỏi lối tu thiền định bình thường. ‘‘Cũng chẳng phải là chẳng động’’, đây là vượt khỏi mâu thuẫn động và chẳng động, sanh tử và Niết bàn.

      Không dựa bám nơi tâm, không dựa bám vào tịnh, cũng chẳng phải là chẳng động, đây là tâm vô trụ trần trụi, đây là tâm giải thoát, huệ giải thoát. Còn tưởng ra tâm thế này thế nọ, tịnh là thế này thế nọ, chẳng động là thế này thế nọ rồi dựa bám vào đó mà thực hành thì chỉ lạc vào tướng do tưởng lập ra. Ngồi thiền là lìa tướng chứ không phải là lập ra tướng rồi dựa vào đó mà tu.

       Chỉ đoạn thuyết pháp ngắn này mà hiểu, mà thực hành được, bèn trở lại bản tâm, bản tánh vốn sẳn có xưa nay. Ngồi thiền là vô trụ, vô tướng và vô niệm suốt ngày. Như vậy ngồi Thiền là ở trong Đệ nhất nghĩa sống động mà chẳng động. Bất cứ lúc nào sống được như vậy, đó là sống bản tánh chân như.

      Thiện tri thức! Nếu tu tánh chẳng động, thì khi thấy tất cả mọi người, chẳng thấy các điều đúng sai, tốt xấu, tội lỗi của người, đó là tự tánh chẳng động.

      Thiện tri thức! Người mê thân tuy chẳng động mà khi mở miệng thì nói chỗ đúng sai, hay dở, tốt xấu của người, vì thế mà trái nghịch với đạo.

      Nếu dựa bám vào tâm, vào tịnh, tức là làm ngăn che đạo.

      Tâm động là do phân biệt ta người, đúng sai, tốt xấu, hay dở…. Tâm không phân biệt thì ngay đó là bản tâm bản tánh vốn chưa từng động. Bản tâm luôn luôn trụ nơi bản vị chẳng động của nó, luôn luôn ở trong nhà của nó, chỉ vì phân biệt rồi chạy theo tướng mà thành lang thang sanh tử.

      Không trái nghịch với đạo, với bản tâm, thì đây là đạo, là bản tâm. Bản tâm vốn là một vị bản tâm, vốn là một vị thanh tịnh.Thế mà vừa khởi lên phân biệt tâm là thế này thế kia, tịnh là thế này thế nọ, ngay lúc đó có sự dựa bám vào tướng tâm, tướng tịnh.

      Những vị thiền sư sau này dùng đánh, hét khi tâm đệ tử chín muồi là để đưa tâm trở lại bản tâm, trở lại nhà của nó. Khi không cho tâm lang thang dầu chỉ một niệm thì ngay đó là bản tâm hiện tiền. Khi không đi thì đó là đứng lại, khi không vọng động thì đó là ‘‘tự tánh chẳng động’’.

      Sư dạy chúng rằng: Thiện tri thức! Sao gọi là ngồi thiền? Trong pháp môn đây không có chỗ nào ngăn, không có sự gì cản. Ngoài với tất cả cảnh giới thiện ác, tốt xấu, tâm niệm chẳng khởi, gọi là ngồi. Trong thấy tự tánh chẳng động, gọi là thiền.

      Ngồi thiền là sống trong thật tướng của tất cả các pháp là tánh Không. Gặp các tướng, các cảnh tâm niệm chẳng khởi vì tướng và cảnh là tánh Không, chỉ là ‘‘vọng niệm, vọng tưởng, như huyễn’’. Tánh Không là vô tự tánh, chẳng cái gì tác động lên cái gì. Tâm chẳng thể tác động lên tâm, chẳng thể tác động lên cảnh. Cảnh chẳng thể tác động lên cảnh, chẳng thể tác động lên tâm. Không cái gì có thể tác động lên cái gì thì tất cả là tự tánh chẳng động. Tâm và cảnh là tánh Không, đây là ngồi thiền.

      Ngồi thiền là tùy thuận tự tánh vốn tịnh, không khởi, không ngăn… bấy giờ trong ngoài thông suốt là tự tánh.

      Thiện tri thức! Sao gọi là thiền định? Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định. Ngoài nếu dính bám tướng thì trong tâm ắt loạn, lìa tướng thì tâm chẳng loạn.

      Bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh rồi nghĩ cảnh bèn loạn. Nếu thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn, đó là chân định.

      Bản tánh tự tịnh tự định. Hãy tham thiền cho thấu nguồn tột đáy để ngộ được cái này. Bản tâm, bản tánh thì như tấm gương, nó tự tịnh vì các bóng chẳng thể làm nhiễm ô gương, tự định vì các bóng có đến có đi mà gương vẫn bất động. Thấy cảnh nghĩ cảnh là bỏ gương mà chạy theo bóng. Niệm niệm an trụ trong tấm gương, tâm là tấm gương, đây là chánh định. Ở trong chánh định của tấm gương, thì các tướng tự lìa, tự đến tự đi, chứ chẳng thể nào dính cứng vào gương được.

      Thiện tri thức! Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định. Ngoài thiền trong định, đây là thiền định. Kinh Bồ tát giới nói: ‘‘Tự tánh mình bổn nguyên thanh tịnh’’.

      Thiện tri thức! Trong niệm niệm, tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo.

      ‘‘Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định’’, đây là thiền định của thấy tánh. Thiền định như vậy thì an trụ tự nhiên trong tự tánh. Lìa tướng thì không có tướng nào ngăn che với tự tánh vốn có sẳn. Trong chẳng loạn thì tự tánh tự tịnh tự định hiện bày. 

      Thiền định không phải là lập ra cái gì, cố đạt đến cái gì, vì cái ấy đã có sẳn. Thiền định là không chống lại tự tánh bằng cách ngăn che nó, khuất lấp nó bằng vọng tướng và vọng tưởng. Vì ‘‘tự tánh mình bổn nguyên thanh tịnh’’, cho nên tu là không làm thêm bớt gì cả, chỉ đừng chống trái, che lấp nó. Ngoài lìa tướng, trong chẳng loạn, đó là ngộ, đó là thấy tánh.

      Trong Kinh Nikaya, Đức Phật nói ‘‘Không bước tới, không đứng lại, Như Lai vượt khỏi dòng sanh tử chảy xiết’’. Đây là thiền định chân chánh, ‘‘ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định’’. Đây là thiền định của cái không làm (vô tác), của tánh Không, của Vô tướng.

      Khi ngộ được bản tánh mới thực sự hiểu được vô niệm, vô tướng, vô trụ là thế nào. Lúc ấy có muốn dính bám tướng cũng chẳng được, có muốn thấy cảnh nghĩ cảnh cũng chẳng được, vì tướng hay cảnh đều vô tự tánh, đều vốn tự lìa, như hoa giữa hư không, như mộng, như huyễn.

      Thấy biết được như vậy mới thật hiểu tự tánh mình bổn nguyên thanh tịnh.

      Y như vậy mà thấy nghe hay biết, y như vậy mà sống cuộc đời sanh tử tức Niết bàn, niệm niệm tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo.

---o0o---

Trích: "Lục Tổ - Pháp Bảo Đàn Kinh Giảng Giải"

Giảng giải: Đương Đạo

Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức, 2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan