PHẨM QUÁN CHÚNG SANH (PHẦN 1/2) - THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT - ĐƯƠNG ĐẠO

PHẨM QUÁN CHÚNG SANH (PHẦN 1/2)

THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Bồ tát quán thấy chúng sanh như mình là nhà huyễn thuật thấy những người huyễn do mình biến hóa ra trong trò làm huyễn thuật. Sự quán thấy này là một công phu của Chỉ và Quán, hay Định và Huệ trong một thời gian lâu – lâu mau tùy nghiệp, tức là thói quen nặng hay nhẹ, trong việc chấp thực các hình tướng sâu hay cạn.
PHẨM QUÁN CHÚNG SANH (PHẦN 1/2) - THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT - ĐƯƠNG ĐẠO

PHẨM QUÁN CHÚNG SANH (PHẦN 1/2)

THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

 

Bấy giờ, ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi trưởng giả Duy Ma Cật rằng: “Bồ tát nhìn chúng sanh như thế nào?”

Duy Ma Cật đáp: “Ví như nhà huyễn thuật thấy người huyễn do mình biến hóa ra, Bồ tát thấy chúng sanh cũng như vậy.

“Như người trí thấy trăng trong nước. Như trong gương thấy mặt mình. Như ảo ảnh nơi hơi nóng. Như vang của tiếng. Như mây trong không. Như đống bọt nước. Như bọt sóng trên mặt nước. Như sự bền chắc của cây chuối. Như sự dừng lâu của tia chớp. Như đại thứ năm. Như uẩn thứ sáu. Như căn thứ bảy. Như nhập thứ mười ba. Như giới thứ mười chín. Bồ tát quán thấy chúng sanh cũng như vậy.

 

Bồ tát là người sống với chúng sanh để giúp đỡ chúng sanh, không đi vào sự tịch diệt của riêng mình. Bỏ chúng sanh ở thế giới hiện tượng và chỉ đi vào tánh Không về mặt bản thể, đó là hạnh Thanh Văn. Còn vẫn sống với chúng sanh ở cõi đời với tri giác bình thường về chúng sanh thì đó là hạnh phàm phu trong sanh tử. Một đằng thuần chỉ là Không, một đằng thuần chỉ là Hữu.

Bồ tát thì đi con đường Trung Đạo, ở với tướng mà vẫn là vô tướng, vô tướng mà vẫn đối xử với thế giới hình tướng. Bởi thế, muốn không bỏ chúng sanh mà vẫn không bị sanh tử trói buộc, muốn không bỏ thế giới hình tướng đồng thời cũng không muốn bị thế giới hình tướng trói buộc thì phải thấy chúng sanh như thế nào?

Rút lại, đây là vấn đề tâm và cảnh. Hàng Thanh Văn chỉ có tâm, không có cảnh. Người sống trong sanh tử thì chỉ có cảnh không có tâm. Hàng Bồ tát là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tâm và cảnh. Đó là Trung Đạo.

 

Cụ thể, về tâm, thì tâm Bồ tát hằng ở trong tánh Không, gọi là Tâm Không, đây là phương diện Chỉ của tâm. Về cảnh, thì tâm Bồ tát ôm trùm tất cả cảnh, tất cả thế giới hiện tượng, đây là phương diện Quán của tâm. Quán là cái thấy về thực tại, nhưng mức độ thấy được sự thật ở mỗi người là khác nhau. Với người sơ học như chúng ta, quán là một sự dụng công mà trí tưởng tượng đóng phần rất lớn: sự thật như vậy nhưng chúng ta không thấy được như vậy, cho nên để thấy được sự thật chúng ta phải quán, phải tưởng tượng ra sự thật. Với Bồ tát đã vào địa, quán là thấy: cái thấy này là một sự việc tự nhiên.

Bồ tát quán thấy chúng sanh như mình là nhà huyễn thuật thấy những người huyễn do mình biến hóa ra trong trò làm huyễn thuật. Sự quán thấy này là một công phu của Chỉ và Quán, hay Định và Huệ trong một thời gian lâu – lâu mau tùy nghiệp, tức là thói quen nặng hay nhẹ, trong việc chấp thực các hình tướng sâu hay cạn. Muốn đi đến chỗ thật hành thực sự, người ta phải đạt đến một nền tảng an định nào đó của tâm thức, nơi đó mọi sự bắt đầu được thấy là trò huyễn thuật, như nhìn thấy bóng trong gương. Pháp quán này làm cho chúng ta dần dần tương ưng với một sự thật: tất cả mọi sự hiện hữu đều do tâm mình biến hóa ra, ba cõi duy chỉ là tâm, muôn pháp duy chỉ là thức. Khi tâm là tánh Không thì cảnh cũng là tánh Không. Khi cảnh là tánh Không thì tâm cũng là tánh Không. Và sự quán thấy này phải bao gồm cả thân tâm của chúng ta trong đó, nghĩa là không chỉ chúng sanh là huyễn hóa, mà chúng ta cũng là một bóng dáng huyễn hóa trong đó. Những câu kinh sau mỗi chúng ta tùy ý chọn lấy để thực hành cho đến khi pháp Quán trở thành hiện tiền, nghĩa là thấy thực, có thực với tâm thức chúng ta.

Phải nên nhớ rằng tuy Bồ tát không bao giờ bỏ chúng sanh, nhưng nếu thấy có chúng sanh thật, thì thấy có bao nhiêu chúng sanh chúng ta sẽ có bấy nhiêu phiền não về chúng sanh mà như vậy thì chưa tự cứu nổi mình, lấy đâu lo cho người khác?

 

“Như sắc của cõi Vô sắc. Như mầm của hạt giống cháy. Như thận kiến của Tu Đà Hoàn. Như sự nhập thai của A Na Hàm. Như ba độc của A La Hán. Như tham, giận, phá giới của Bồ tát chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn. Như tập khí phiền não của Phật. Như sự thấy sắc của người mù. Như hơi thở ra vào của người nhập diệt tận định. Như dấủ chim bay trong không. Như đứa con của người đàn bà vô sanh. Như phiền não của người do huyễn thuật hóa ra. Như cảnh mộng khi đã thức. Như sự thọ thân của người nhập Niết bàn. Như lửa không có khói. Bồ tát quán thấy chúng sanh cũng như vậy.”

 

Tất cả những pháp quán trên đều đưa chúng ta đến chỗ cái thấy thực, tức là “cái thấy” hay là sự soi chiếu, tánh quán của chính bản thân chúng ta: chúng sanh có người thế này, người thế nọ, có người quá tệ mà cũng có người rất cao cả, nhưng tất cả đều là những hình bóng khác nhau theo nghiệp trong mặt gương tâm. Tâm chân thật là mặt gương không phân biệt này. Sự không phân biệt các hình bóng và đồng nhất với các hình bóng trong mặt gương tâm này chính là vô duyên từ bi.

Tất cả những hình tướng mà chúng ta thấy trong mặt gương này đều do ‘bệnh phải ở trong sanh tử’ mà thấy. Bởi thế chúng là vô sở hữu, không hề có (thực): như sắc của cõi Vô sắc, như phiền não của người do huyễn thuật hóa ra, như cảnh mộng khi đã thức… Chánh quán như vậy sẽ đưa tâm vào chánh định.

Như vậy chúng ta thấy một pháp quán nếu đi cho đến nền tảng sẽ bao gồm đầy đủ tất cả những cái khác của Phật pháp: vô duyên từ bi, tính bình đẳng, nhẫn nhục (vì như huyễn), đại nguyên (khi chúng sanh không thực theo kiểu một hiện hữu kiên cố, nguyện chúng ta mới nhẹ nhàng và càng mở rộng được) khoan dung, an ổn… Bởi thế chúng ta chớ coi thường một pháp môn nào, bởi vì thành tựu một pháp môn nào cũng là sự thành tựu tất cả các pháp môn, và một pháp môn nào đạt tới đâu thì tất cả các pháp môn khác cũng xấp xỉ tới đó. Vấn đề là chúng ta có đạt đến nền tảng của một pháp môn nào đó hay không, bởi vì nền tảng của một pháp môn cũng là nền tảng của tất cả các pháp môn; sự thành tựu rốt ráo của một pháp môn cũng là sự thành tựu rốt ráo của tất cả các pháp môn. Nền tảng của một pháp môn là Căn bản trí, cái chung của mọi pháp môn.

 

Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: “Nếu Bồ tát quán thấy như thế, làm sao hành lòng Từ với họ?”

Trưởng giả Duy Ma Cật nói: “Bồ tát quán thấy như thế rồi tự nghĩ ta phải vì chúng sanh nói cái pháp này. Do đó Bồ tát phát sanh lòng từ chân thật là chỗ nương dựa của tất cả chúng sanh. Hành Từ tịch diệt, vì không chỗ sanh. Hành Từ chẳng nóng, vì không có phiền não. Hành Từ bình đẳng, vì ba đời bình đẳng. Hành Từ không tranh, vì không có chỗ khởi. Hành Từ không hai, vì trong và ngoài không hiệp. Hành Từ không hoại, vì tánh rốt ráo.

Hành Từ kiên cố, vì tâm không thể hủy hoại. Hành Từ thanh tịnh, vì các pháp vốn tánh thanh tịnh. Hành Từ vô biên, vì như hư không. Hành Từ A La Hán, vì phá tan giặc kiết sử. Hành Từ Bồ tát, vì liên tục thành tựu cho chúng sanh. Hành Từ Như Lai, vì thấu đạt chân như. Hành Từ của Phật, vì giác ngộ cho chúng sanh. Hành Từ tự nhiên, vì không nhơn đâu mà đắc. Hành Từ Bồ đề, vì bình đẳng Một Vị. Hành Từ không gì sánh, vì đoạn hết thương ghét. Hành Từ đại bi, vì dẫn dạy cho Đại thừa. Hành Từ không nhàm mỏi, vì thấy Không, Vô ngã. Hành Từ bố thí pháp, vì không tiếc mà để dành. Hành Từ trì giới, vì giáo hóa những người phá giới. Hành Từ nhẫn nhục, vì bảo hộ cho người và cho mình. Hành Từ tinh tấn, vì gánh vác chúng sanh. Hành Từ thiền định, vì không thọ vị gì. Hành Từ trí huệ, vì không có sự chẳng biết thời. Hành Từ phương tiện, vì biểu hiện pháp khắp chỗ. Hành Từ không che ấn, vì thanh tịnh trong trực tâm. Hành Từ thâm tâm, vì không có tạp hạnh. Hành Từ không lừa dối, vì không hư giả. Hành Từ an lạc, vì làm cho tất cả được sự an lạc của Phật. Lòng từ của Bồ tát là như vậy đó.”

 

Một khi đã quán sát được chúng sanh và chính mình – vì mình cũng là một chúng sanh – như đoạn kinh trên, tâm hành giả đã có khoảng trống, đã có sự rỗng rang mềm dẻo cần thiết dành cho các hình tướng chúng sanh không còn cứng đặc, ép chặt lên cuộc đời mình như trước. Đây là điều mà chúng ta gọi là sự đạt đến nền tảng của tâm thức, của đời sống. Chính từ nền tảng này, dù có thể còn mơ hồ, còn chưa vững chắc, lòng Từ phát lộ, bởi vì lòng Từ chính là một phẩm tính của nền tảng. Và cũng chính từ nền tảng dù chưa ổn định này, chúng ta có thể thực hành lòng Từ, khai mở nó, làm nó tuôn chảy ra với cuộc đời. Nó càng tuôn chảy, càng tràn ngập thì sự chấp chặt vào tướng chúng sanh càng bị xóa mờ và cái chủ thể nơi lòng Từ khởi phát càng biến mất. Như thế trong lòng Từ chân thật, ta và người đều được giải thoát. Trong lòng Từ chân thật, không còn sự khổ đau.

“Khi Bồ tát quán chúng sanh được như thế rồi”, khi bắt đầu thấy được sự thực về đời sống như vậy rồi, Bồ tát cảm thương chúng sanh điên đảo khổ đau vì chưa thấy được như thế, nên “tự nghĩ ta phải vì chúng sanh nói ra pháp ấy”. Muốn cho người khác thấy sự thật để chấm dứt khổ đau, đây là chỗ bắt đầu của lòng từ và lòng bi chân thật.

Phải biết rằng với một chúng sanh bình thường như chúng ta, việc quán thấy được thực tướng của chúng sanh, việc phát sanh được lòng từ, dù chỉ một ngày hay một giờ hoặc thậm chí vài phút thôi, chúng ta cũng sống một đời người không uổng phí, vì chúng ta đã biết được thực sự đời sống là gì, sự an vui của Phật pháp là gì và từ đó cho đến mãi mãi về sau chúng ta sẽ không ngần ngại đặt cuộc đời nhỏ hẹp của chúng ta vào trong Phật pháp. Cho nên, việc học kinh không phải là để có một kiến thức về một vài phương diện nào đó của kinh nói riêng và Phật Pháp nói chung, mà việc quan trọng nhất là phát sanh được, phát khởi được phương diện đó, từ đó sự phát sanh đó tuôn chảy liên tục để trở thành chính đời sống Phật pháp.

Qua những chỉ dạy sự phát khởi và làm hiện hành lòng Từ ở trên, chúng ta thấy lòng Từ không phải là một ý niệm mà là một thực tại, và thực tại đó bao gồm toàn bộ đời sống, nghĩa là bao gồm (hay phối hợp với) tất cả những pháp tu khác của Bồ tát.

Trên nền tảng của tâm đã bắt đầu hiển lộ vì những che chướng chấp ta chấp chúng sanh đã nhẹ bớt, chúng ta bắt đầu cảm nghiệm được lòng từ hay lòng thương yêu như một thực tại vốn đã có từ muôn đời nơi chúng ta. Từ hạt mầm bắt đầu nhú ra đó, chúng ta nuôi dưỡng, điều chỉnh, dẹp những chướng ngại đối với nó, để tình thương càng ngày càng rộng lớn, phá tan các hình tướng do tự chúng ta dựng lên và chấp chặt để tất cả chúng sanh, tất cả ta người, tất cả mọi hình tướng của đời sống được hòa lẫn trong đó, như tất cả mọi hình tướng sóng phải là Một trong đại dương lòng Từ.

Tóm lại, khi lòng Từ đã phát khởi, nghĩa là khi đã cảm nghiệm được lòng Từ, chúng ta phải hòa lẫn lòng Từ này với những gì chúng ta thấy, nghe, hay, biết, để tất cả đều thấm đẫm lòng Từ, đến độ tất cả phải được sinh ra, an trụ, biến đổi và diệt mất trong lòng Từ. Thậm chí khi vừa nghĩ đến ai, một khuôn mặt nào, lòng Từ phải đi trước, và mọi hành vi, cử chỉ, lời nói, ý nghĩ của chúng ta đều có nguồn gốc là lòng Từ, sinh hoạt trong lòng Từ, và tiêu tan trong lòng Từ. Chúng ta đưa lòng Từ hòa lẫn với cuộc đời trong mọi mặt của nó, để cuối cùng lòng Từ chính là nền tảng của cuộc sống chân thật, mới mẻ, như thế, đời sống thật sự này chính là sự biểu lộ trong mọi mặt của lòng Từ.

 

Ngài Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Sao gọi là Bi?”

Đáp rằng: “Đó là sự cho tất cả chúng sanh tất cả cội gốc công đức đã được tích tập.”

Hỏi: “Sao gọi là Hỷ?”

Đáp rằng: “Đó là hoan hỷ nơi sự làm lợi lạc cho chúng sanh, không hối tiếc.”

Hỏi: “Sao gọi là Xả?”

Đáp rằng: “Không có chỗ hy vọng nơi sự ban phước.”

 

Cho đi những cái tốt đẹp chúng ta có làm cho cuộc đời chúng ta được mở rộng về mặt vật chất lẫn tâm thức. Đây gọi là sự hồi hướng cúng dường cho chúng sanh. Tâm càng nhiều hồi hướng cúng dường thì càng rộng mở và dần dần tâm đó ôm trọn tất cả đời sống. Khi nhìn một cội cây đẹp, chúng ta hồi hướng cúng dường vẻ đẹp, niềm vui cho chúng sanh và một cách sâu xa, cội cây đó chính là tâm chúng ta; đem tâm cho đi thì tâm càng rộng mở, cho đến khi tâm ta là toàn bộ đời sống, và toàn bộ đời sống là tâm ta. Đó là một phần ý nghĩa của sự cho.

Hỷ là sự vui vẻ khi thấy chúng sanh được lợi lạc, và vui vẻ trong sự làm lợi lạc cho chúng sanh. Xả là trong sự làm lợi lạc cho chúng sanh, trong sự ban phước cho chúng sanh không hy vọng được báo đáp, vì phần thưởng tối hậu từ xưa nay vẫn có sẵn rồi: chúng ta và tất cả chúng sanh là Một.

Ba đức Bi, Hỷ, Xả thật ra đã có sẵn trong bản tâm, nhưng chúng cần sự vận dụng ở mặt ngoài của con người của chúng ta để tháo gỡ bớt những che chướng trở ngại mà vì vô minh chúng ta đã tích tập để có thể phóng chiếu, tuôn trào ra ngoài, tràn ngập tất cả đời sống. Như thế ta đã thành tựu trong việc tu hành, nghĩa là trả lại con người thật sự cho chính mình, con người đó từ xa xưa đã bị che lấp trong tầng tầng lớp lớp vô minh ta-người, chủ-khách, tôi-thế giới…

 

Ngài Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Thưa ngài Duy Ma Cật, sanh tử có những điều đáng sợ, Bồ tát phải nương dựa (y) vào đâu?”

Duy Ma Cật thưa: “Bồ tát nơi những điều đáng sợ của sanh tử, phải nương dựa vào lực công đức của Như Lai.”

Ngài Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bồ tát muốn nương dựa vào lực công đức của Như Lai, phải trụ chỗ nào?”

Đáp rằng: “Bồ tát muốn nương dựa vào lực công đức của Như Lai, phải trụ vào chỗ độ thoát tất cả chúng sanh.”

 

Đối với những sự đáng sợ trong sanh tử, Bồ tát nương dựa (y) vào lực công đức của Phật. “Y” vào ở đây cùng với “quy y” (nương dựa vào) là cùng một nghĩa. Nương dựa vào năng lực công đức và trí huệ của Phật, ngôi thứ nhất trong Tam Bảo, và rộng hơn, trọn cả Tam Bảo là chỗ nương dựa tối thượng và hiệu quả nhất cho người ở trong sanh tử với những điều đáng sợ của nó. Trong chốn thâm sâu của tâm thức, Tam Bảo hiện diện như bản tâm của Bồ tát, như cái gì thường trụ giữa mọi sự vô thường, như hòn đảo kiên cố giữa ba đào sóng vỗ, đó là chỗ quy y, là năng lực và ánh sáng cho cuộc đời Bồ tát. Nhưng vì năng lực và ánh sáng của Phật không phải là một trung tâm thu lại để tự tồn tại, mà là tỏa chiếu ra để độ thoát tất cả chúng sanh, do đó khi Bồ tát làm công hạnh tương tự, tỏa chiếu ra để độ thoát chúng sanh, Bồ tát bèn tương ưng được với năng lực công đức và trí huệ của Phật. Đó là sự “dựa vào lực công đức của Phật bằng cách độ thoát chúng sanh”.

 

Lại hỏi: “Muốn giải thoát chúng sanh phải làm gì?”

Đáp rằng: “Phải trừ phiền não cho họ.”

Hỏi: “Muốn trừ phiền não phải làm gì?”

Đáp: “Phải thật hành chánh niệm.”

Hỏi: “Làm sao thật hành chánh niệm?”

Đáp: “Phải thật hành chẳng sanh chẳng diệt.”

Hỏi: “Pháp gì chẳng sanh, pháp gì chẳng diệt?”

Đáp: “Bất thiện chẳng sanh, pháp thiện chẳng diệt.”

Lại hỏi: “Thiện và bất thiện lấy gì làm gốc?”

Đáp: “Thân tướng làm gốc.”

Hỏi: “Thân tướng lấy gì làm gốc.”

Đáp: “Tham dục làm gốc.”

Hỏi: “Tham dục lấy gì làm gốc?”

Đáp: “Phân biệt hư vọng làm gốc.”

Hỏi: “Phân biệt hư vọng lấy gì làm gốc?”

Đáp: “Tưởng điên đảo làm gốc.”

Hỏi: “Tưởng điên đảo lấy gì làm gốc?”

Đáp: ‘‘Không trụ làm gốc.”

Hỏi: “Không trụ lấy gì làm gốc?”

Đáp: “Không trụ thì không gốc.

‘‘Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi, từ gốc không trụ, lập tất cả pháp.”

 

Muốn giải thoát cho chúng sanh và cả cho mình, phải trừ phiền não. Giải thoát chính là giải thoát khỏi phiền não chứ không giải thoát khỏi cái gì cả, kể cả sanh tử, bởi vì sanh tử có ra là do phiền não của mình. Muốn trừ phiền não phải thật hành chánh niệm, tức là sự chuyên tâm vào gốc rễ của phiền não để trừ sạch phiền não.

Muốn diệt trừ phiền não thì trước hết không làm cho những phiền não thô tăng thêm, bằng cách làm cho “pháp bất thiện chẳng sanh, pháp thiện chẳng diệt”, nghĩa là làm điều thiện, bỏ điều bất thiện. Đây là giới (thuộc phần thô) của việc ngăn cấm phiền não tăng thêm. Đi sâu hơn, đi vào cội gốc của phiền não thì gốc phiền não là do thân tướng, nghĩa là sự chấp có thân có tướng, sự chấp vào tính vật chất, và lấy đó làm tất cả cuộc đời của mình, thế giới của mình. Sự chấp thân tướng vật chất này có gốc là tham dục. Nhưng sâu xa hơn, cái gốc tinh vi của tham dục là sự phân biệt hư vọng. Phân biệt hư vọng này lại y cứ trên tưởng điên đảo. Tất cả cái mà chúng ta gọi là sanh tử và hậu quả của nó là khổ đau, chỉ từ một gốc duy nhất là những tư tưởng điên đảo.

Tưởng điên đảo là cái gốc cuối cùng, cái gốc tạo thành chúng sanh, nhưng như vậy đâu là sự giải thoát cho chính những tư tưởng điên đảo này, đâu là sự giải thoát cho chúng sanh chúng ta? Sự giải thoát trực tiếp tức thời nằm trong sự thật là các tưởng điên đảo này không có căn cứ, không có nền tảng, không có chỗ trụ. Các tưởng điên đảo này vốn tự giải thoát bởi vì không có nền tảng, không có nguồn gốc, không có hiệu lực, không từ đâu đến và không đi về đâu.

 

Đây là một quá trình thiền định đi tìm nguồn gốc của tâm thức, cái sanh ra mọi điên đảo tạo thành sanh tử khổ đau. Và khi người ta bằng sự thiền định lâu ngày đi đến chỗ tận cùng của tâm thức thì thấy thực sự rằng tâm thức này không có gốc, tâm thức này không có ở đâu cả từ quá khứ trong hiện tại đến tương lai. Và người ta giải thoát.

Sự giải thoát như vậy là một sự kiện đã từng xảy ra cho nhiều người đi trên con đường. Lấy một thí dụ, khi ngài Huệ Khả tổ thứ hai Thiền tông Trung Hoa đến gặp Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma. Ngài đứng trong tuyết nhiều ngày mà Đạt Ma chẳng hề đoái hoài. Sau khi tự chặt cánh tay dâng lên, ngài nói: “Tâm con không an, xin thầy an tâm cho con.” Đạt Ma bảo: “Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.” Suy nghĩ hồi lâu, ngài đáp: “Con tìm tâm mãi mà không thể được.” Đạt Ma bảo: “Ta đã an tâm cho con rồi đó.” Ngay dưới lời nói Huệ Khả đại ngộ, giải thoát.

Đây là một con đường khách quan, không có gì thần bí cả. Bất kỳ ai đi cho đến nguồn gốc của tâm thức mình, đến tận nguồn của phiền não của mình, đều thấy như vậy cả, đều giải thoát như vậy cả. Cho nên chỉ có vấn đề duy nhất với mỗi chúng ta là chúng ta có tận lực đi đến nguồn gốc hay không, chúng ta có muốn tìm cho tới cái nơi đã sanh ra cuộc đời mình, với tất cả khổ đau cũng hư vọng như hạnh phúc, với tất cả sự điên đảo không tưởng của nó?

Người nào đạt đến chỗ không trụ, không gốc của tâm thức mình và trụ trong đó để giải thoát cho chúng sanh, người đó được gọi là Bồ tát.

 

-----oo0oo-----

Trích: Thực Hành Con Đường Bồ Tát Qua Kinh Duy Ma Cật

Dịch và Giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức, 2015

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan