PHẠM VI CỦA SẮC ẤM - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

PHẠM VI CỦA SẮC ẤM

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Cảnh giới về sắc vừa mới hiện ra, một tâm vi tế về sắc vừa khởi, mà để nó cuốn đi, mất chánh niệm bèn là cảnh giới ma.
PHẠM VI CỦA SẮC ẤM - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

A Nan nên biết, ông ngồi đạo tràng tiêu dung các niệm, niệm ấy nếu hết thì tâm lìa niệm sáng tỏ tinh thuần hết thảy, động tĩnh chẳng dời, nhớ quên như một. Đang khi an trụ chỗ đó mà vào định thì như người sáng mắt mà ở chỗ rất tối. Tánh sáng thì diệu minh nhưng tâm chưa phát sáng. Đây gọi là phạm vi của Sắc ấm.

Nếu mắt tâm sáng tỏ, mười phương mở suốt, không còn tối tăm, gọi là Sắc ấm hết. Người ấy có thể siêu vượt khỏi Kiếp trược. Quán xét nguyên do Kiếp trược thì gốc rễ là vọng tưởng kiên cố.

 

Ấm hay uẩn là cái che đậy. Sắc ấm là sự che đậy thuộc về sắc. Sự che đậy này là do tập khí che chướng ‘‘mắt tâm’’. Tập khí vọng tưởng kiên cố thì thấy có sắc.

Khi các niệm tiêu dung thì tâm sáng tỏ tinh thuần, nhưng vào định thì như người có mắt mà vào chỗ tối. Sở dĩ như vậy vì tâm chưa thật sáng nên bị sắc ấm ngăn che, tánh sáng của tâm và tánh sáng của sắc chưa tiếp thông, tánh Không của tâm và tánh Không của sắc chưa thông suốt.

Nếu mắt tâm sáng tỏ thì mười phương mở suốt, trong ngoài đều sáng, như vậy là sắc ấm hết. Người ấy có thể vượt khỏi Kiếp trược, là vọng tưởng kiên cố tạo ra sắc ấm. Vọng tưởng kiên cố tạo ra sắc nên sắc được kinh nghiệm là cứng đặc, thô nặng.

Tuy nói sắc ấm hết, nhưng thật ra chỉ hết đến mức có thể vượt lên thọ ấm, chứ không hoàn toàn hết. Bởi vì sắc ấm chỉ hoàn toàn hết khi bốn ấm kia hết sạch. Kinh phân từng phạm vi của các ấm để dễ hiểu dễ tu chứ thực ra các ấm không phân thành từng tầng, mà giao xen lẫn nhau. Sắc ấm hết, nhưng vẫn còn những tập khí thuộc về sắc, cho nên những mê lầm trong các ấm sau vẫn có những mê lầm thuộc về sắc ấm.
 

  1. A Nan, ngay tại trong đó nghiên cứu tinh tường tánh Diệu Minh, bốn đại chẳng kết hợp thì trong khoảng chốc lát thân có thể ra khỏi ngăn ngại, đây gọi là tinh minh tuôn trào ra tiền cảnh. Đó chỉ là do dụng công mà tạm được như vậy, chẳng phải là thánh chứng. Nếu chẳng cho là thánh chứng thì cũng gọi là cảnh giới lành; nếu nghĩ là thánh chứng thì lọt vào tà.
  2. A Nan, lại dùng tâm ấy nghiên cứu tinh tường tánh Diệu Minh, trong thân thành rỗng suốt, người ấy bỗng nhiên ở trong thân mình nhặt ra các thứ giun sán mà thân vẫn y nguyên không bị tổn thương, đây gọi là tinh minh tuôn trào vào hình thể. Đó chỉ do tu hành tinh tấn mà tạm được như vậy, chẳng phải là thánh chứng. Nếu chẳng cho là thánh chứng thì cũng gọi là cảnh giới lành; nếu nghĩ là thánh chứng thì lọt vào tà.
  3. Lại dùng tâm ấy nghiên cứu tinh tường trong ngoài, khi ấy ý thức, tư tưởng, ý chí, trừ cái thân thể, đều giao thiệp xen vào nhau, đắp đổi làm khách làm chủ. Bỗng nhiên ở trong hư không nghe tiếng thuyết pháp, hoặc nghe mười phương đồng diễn mật nghĩa. Đây gọi là sự thành tựu thiện chủng tinh thần thay nhau lìa hợp, tạm được như vậy, chẳng phải thánh chứng. Nếu chẳng cho là thánh chứng thì cũng gọi là cảnh giới lành; nếu nghĩ là thánh chứng thì lọt vào tà.
  4. Lại dùng tâm ấy lắng trong, hiện ra sáng suốt, ánh sáng bên trong phát ra, mười phương biến thành sắc Diêm phù đàn, tất cả các loài hóa thành Như Lai. Bấy giờ bỗng thấy Phật Tỳ Lô Giá Na ngồi trên đài Thiên quang, có ngàn Phật vây quanh. Trăm ức cõi nước cùng với hoa sen đồng thời hiện ra. Đây gọi là tâm thức tiêm nhiễm linh ngộ. Do ánh sáng của tâm phát ra soi sáng các thế giới mà tạm được như vậy, chẳng phải thánh chứng. Nếu chẳng cho là thánh chứng thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là thánh chứng tức lọt vào tà.
  5. Lại dùng tâm ấy nghiên cứu tinh tường tánh Diệu Minh, quan sát chẳng ngừng, dứt trừ thái quá, khi ấy bỗng nhiên mười phương hư không thành sắc bảy báu hoặc sắc trăm báu, đồng thời đầy khắp không ngại nhau, xanh vàng đỏ trắng mỗi mỗi hiện ra rõ ràng. Đây gọi là công sức đè nén quá phần, tạm được như vậy, chẳng phải là thánh chứng. Nếu chẳng cho là thánh chứng thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là thánh chứng tức lọt vào tà.
  6. Lại dùng tâm ấy nghiên cứu, lặng suốt sáng trong chẳng loạn, bỗng nhiên nửa đêm thấy các vật trong nhà tối không khác gì ban ngày, mà những vật trong nhà tối ấy cũng không diệt mất. Đây gọi là tâm vi tế lặng đứng mà thấy suốt được chỗ tối tăm, tạm được như vậy, chẳng phải thánh chứng. Nếu chẳng cho là thánh chứng thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là thánh chứng tức lọt vào tà.
  7. Lại dùng tâm ấy trọn vẹn nhập vào chỗ hư dung, thân thể bỗng đồng như cỏ cây, lửa đốt, dao cắt hoàn toàn không cảm giác, lửa ngọn không thể đốt cháy, dầu cho cắt thịt cũng như chẻ cây. Đây gọi là đồng như trần do bài trừ tánh bốn đại, một mực vào chỗ thuần nhất, tạm được như vậy, chẳng phải là thánh chứng. Nếu chẳng cho là thánh chứng thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là thánh chứng tức lọt vào tà.
  8. Lại dùng tâm ấy thành tựu thanh tịnh, dụng công tịnh tâm đến cùng cực, bỗng thấy mười phương đất đai, sông núi đều thành cõi Phật, đầy đủ bảy báu chói sáng cùng khắp. Lại thấy hằng sa chư Phật Như Lai đầy khắp mười phương, lâu đài rực rỡ. Dưới thấy địa ngục, trên thấy thiên cung được không chướng ngại. Đây gọi là sự ưa thích đè nén ngưng tưởng lâu ngày mà tưởng hóa thành, chẳng phải là thánh chứng. Nếu chẳng cho là thánh chứng thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là thánh chứng tức lọt vào tà.
  9. Lại dùng tâm ấy nghiên cứu sâu xa, bỗng nhiên nửa đêm thấy rõ chợ búa, làng xóm, bà con họ hàng phương xa, hoặc nghe lời họ nói. Đây gọi là bức bách tâm tột bực mà nó phóng hiện ra nên thấy cách xa như thế, chẳng phải là thánh chứng. Nếu chẳng cho là thánh chứng thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là thánh chứng tức lọt vào tà.
  10. Lại dùng cái tâm ấy nghiên cứu tinh tế cùng tột, thấy được thiện tri thức, hình thể biến đổi không duyên cớ gì mà trong giây lát biến đổi đủ thứ. Đây gọi là tâm tà, bị loài ly mị hoặc thiên ma nhập vào thân tâm, không duyên cớ gì mà thuyết pháp, thông đạt diệu nghĩa, chẳng phải là thánh chứng. Nếu chẳng cho là thánh chứng thì cũng gọi là cảnh giới lành, còn cho là thánh chứng tức lọt vào tà.

A Nan, mười thứ cảnh hiện ra trong thiền định như thế đều do sắc ấm và tâm dụng công giao xen lẫn nhau nên hiện ra những việc ấy. Chúng sanh mê muội chẳng tự xét lường, gặp nhân duyên ấy mê không tự biết cho là chứng bậc thánh, thành đại vọng ngữ, đọa địa ngục Vô gián.

Sau khi Như Lai diệt độ, trong đời mạt pháp, các ông nương theo lời dạy mà tuyên nói nghĩa này, chớ để Thiên ma được dịp quấy phá, giữ gìn che chở cho người tu hành thành đạo Vô thượng.

 

Ma của sắc ấm là những cái thấy được, nghe được, cảm nhận về thân thể…thuộc về sắc. Cảnh giới về sắc vừa mới hiện ra, một tâm vi tế về sắc vừa khởi, mà để nó cuốn đi, mất chánh niệm bèn là cảnh giới ma.

Khi đi sâu vào sắc ấm để tịnh hóa sự ngăn che (ấm) của sắc đã bị nhiễm ô hầu thấu thoát qua sắc ấm, tâm dụng công và sắc ấm giao xen lẫn nhau mà hiện ra các cảnh siêu thế gian, có cảnh tựa như cảnh thánh. Cảnh lạ lùng khác thường thì vô số mà người tu có thể thấy, nhưng cần y theo lời dạy của Đức Phật để vượt qua, nếu không mà chấp vào đó bèn thành cảnh ma, tạo cơ hội cho tà ma.

Các cảnh ấy hiện ra chứng tỏ là hành giả có dụng công tác động thực sự lên sắc ấm, đó là một tín hiệu lành, nhưng cho đó là cảnh giới thánh và chấp chặt vào đó thì mê lầm. Vì các cảnh ấy chỉ là ‘‘tạm thời’’ và vì ‘‘tất cả duy tâm tạo’’. Sắc ở đời thường trong lúc thức còn biến hiện ra nhiều đến thế, không thật đến thế, nói gì sự biến hiện của sắc khi bị ép nén và nỗ lực xuyên qua thì còn biến hiện và huyễn mộng cỡ nào.

Nếu dừng lại với những cảnh phi thường đẹp đẽ ấy, không tiếp tục tiến tới nữa, thì có lỗi với mình vì mục đích là tánh Diệu Minh. Như người ngủ mộng, dù cảnh trong mộng có đẹp đẽ, gần cảnh thánh thế nào, mục đích là thức dậy chứ chẳng phải kéo dài giấc mộng. Thứ hai là có lỗi với người khác về tội vọng ngữ cho mình là chứng thánh để có được lợi dưỡng thế gian. Bám chấp cảnh hiện trong thiền định thì tạo ra nghiệp là như vậy.

Tánh Diệu Minh là Tam muội Kim cương Như huyễn. Kim cương là xưa nay vẫn vậy, thanh tịnh, bất hoại, bất động như vậy không có ‘‘tạm thời, bỗng nhiên’’. Như huyễn là mọi cái thấy, mọi cảnh giới đều như huyễn, như mộng.

Cho nên khi thấy cảnh thù thắng hiện ra, không nên chạy theo chúng mà xoay lại thấy nguồn tánh sáng tỏ ‘‘chiếu hiện’’ ra chúng. Đó là cách tu trực tiếp trong Sắc ấm.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan