PHẠM VI CỦA TƯỞNG ẤM - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

PHẠM VI CỦA TƯỞNG ẤM

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Khi dùng định huệ để phá tan các lớp vọng tưởng, trong ‘‘tam ma địa’’ chúng sẽ chống lại, phản công, khi thì bằng những trận chiến lớn, khi thì bằng những lời đường mật thủ thỉ. Khi trong đã có địch làm nội gián, nhận giặc làm con, thì ở ngoài có các ma nhảy vào.
PHẠM VI CỦA TƯỞNG ẤM - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

A Nan, thiện nam tử ấy tu tam ma địa, khi thọ ấm hết rồi, tuy chưa hết các lậu nhưng tâm rời khỏi hình hài như chim ra khỏi lồng. Điều ấy đã thành tựu, thì từ thân phàm ấy tiến lên trải qua sáu mươi thánh vị Bồ tát được ý sanh thân, tùy ý đi lại không ngăn ngại. Ví như có người ngủ say nói mớ, người ấy tuy không hay biết gì nhưng lời nói đã thành âm vận có thứ tự khiến những người không ngủ đều hiểu được lời nói ấy. Đây là phạm vi của Tưởng ấm.

Nếu động niệm hết, các vọng tưởng dật dờ tiêu trừ, thì nơi tâm giác minh như bỏ bụi dơ, một dòng sanh tử đầu đuôi soi sáng khắp, gọi là hết tưởng ấm. Người ấy mới có thể vượt khỏi phiền não trược, quán sát nguyên do thì gốc rễ là vọng tưởng dung thông.

 

60 thánh vị Bồ tát là ba món tiệm thứ, 55 địa vị Bồ tát và Đẳng giác, Diệu giác. Phạm vi của tưởng ấm là ý sanh thân, thân do ý sanh, tùy ý đi lại không ngăn ngại. Đây là Hóa thân và Báo thân, từ địa vị thấp đến cao. Hóa thân và Báo thân này có nền tảng là Pháp thân, tức là ‘‘nơi tâm giác minh như bỏ bụi dơ, một dòng sanh tử đầu đuôi soi sáng khắp’’.

Thọ ấm hết nhưng chưa hoàn toàn hết, vì ‘‘chưa hết các lậu’’. Tuy mới bắt đầu được ý sanh thân, nhưng còn phải trải qua 60 thánh vị, nghĩa là thọ ấm và bốn ấm kia chưa hoàn toàn hết. Cho nên vào một ấm mới không có nghĩa là đã hoàn toàn sạch hết ấm ấy và các ấm trước.

 

  1. A Nan, thiện nam tử ấy, thọ ấm đã hư diệu, không còn mắc các ý nghĩ tà vạy, định tròn đầy phát sáng, trong tam ma địa tâm lại ưa thích sự tròn đầy sáng suốt, thúc dục tư tưởng thêm tinh nhạy, tham cầu thiện xảo. Bấy giờ thiên ma được dịp thuận tiện, cho tinh thần gá vào một người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết là bị ma gá vào, tự nói là được Niết bàn vô thượng, đến chỗ thiện nam tử cầu thiện xảo kia trải tòa thuyết pháp. Thân hình người đó trong giây lát, hoặc làm Tỳ kheo cho người kia thấy, hoặc làm Đế thích, hoặc làm phụ nữ, hoặc làm Tỳ kheo ni, hoặc làm trong nhà tối mà thân có ánh sáng. Người tu hành ngu mê lầm cho là Bồ tát, tin sự giáo hóa của y, tâm bị lay chuyển, phá luật nghi Phật, lén làm việc tham dục. Miệng ma ưa nói những chuyện may rủi, biến đổi hoặc Như Lai ra đời chỗ nọ, hoặc nói kiếp hỏa, đao binh, khủng bố người ta khiến vô cớ tiêu tan gia sản làm người ta sợ hãi.

Đây gọi là quái quỷ, lâu năm thành ma, quấy rối người tu hành. Khi ma quấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô gián.

  1. A Nan, lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không còn mắc các ý nghĩ tà vạy, định tròn đầy phát sáng, trong tam ma địa tâm ưa thích đi chơi, cho tư tưởng bay đi tham cầu trải qua nhiều nơi. Bấy giờ thiên ma được dịp thuận tiện cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết là bị ma gá vào, tự nói là được Niết bàn vô thượng, đến chỗ thiện nam tử muốn ngao du kia, trải tòa thuyết pháp. Tự thân hình người đó không thay đổi, nhưng những người nghe pháp bỗng tự thấy mình ngồi trên hoa sen báu, toàn thân hóa thành sắc vàng sáng chói, cả chúng nghe pháp mỗi người đều như vậy, được việc chưa từng có. Người tu hành ngu mê lầm là Bồ tát, tâm trở nên dâm dật, phá luật nghi Phật, lén làm việc tham dục. Miệng ma ưa nói chư Phật ứng hóa ra đời ở chỗ ấy, người ấy là vị Phật ấy hóa thân đến đây, người kia là Bồ tát kia, đến giáo hóa nhân gian. Người tu hành thấy thế, tâm sanh ngưỡng mộ, tà kiến âm thầm nổi lên, chủng trí tiêu diệt.

Đây gọi là Bạt quỷ lâu năm thành ma, quấy rối người tu hành. Quấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô gián.

  1. A Nan, lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không còn mắc các ý nghĩ tà vạy, định tròn đầy phát sáng, trong tam ma địa tâm ưa thầm hợp, lặng đứng tư tưởng, tham cầu sự khế hợp. Bấy giờ thiên ma được dịp thuận tiện cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết là bị ma gá vào, cũng nói đã đắc Niết bàn vô thượng, đến chỗ thiện nam tử muốn cầu khế hợp kia, trải tòa thuyết pháp. Thân hình người đó và những người nghe pháp bề ngoài không có thay đổi, nhưng lại khiến cho các thính giả trước khi nghe pháp tâm tự khai ngộ, niệm niệm dời đổi. Hoặc được túc mạng thông, hoặc được tha tâm thông, hoặc thấy địa ngục, hoặc biết các việc lành dữ trong thế gian, hoặc miệng nói kệ, hoặc tự tụng kinh, mỗi mỗi đều vui vẻ, được sự chưa từng có. Người tu hành ngu mê lầm cho là Bồ tát, tâm sanh yêu thích, phá luật nghi Phật, lén làm chuyện tham dục. Miệng ma ưa nói Phật có lớn nhỏ, Phật kia là Phật trước, Phật này là Phật sau, trong đó cũng có Phật thật, Phật giả, Phật nam, Phật nữ, các Bồ tát cũng như thế. Người tu hành thấy như vậy, bỏ mất bản tâm, dễ vào tà ngộ.

Đây gọi là mỵ quỷ lâu năm thành ma, quấy rối người tu hành. Quấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô gián.

  1. A Nan, lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không còn mắc các ý nghĩ tà vạy, định tròn đầy phát sáng, trong tam ma địa tâm ưa biết cái cội gốc, nơi sự vật biến hóa muốn xét rõ cùng tột cái bắt đầu và cái kết thúc, thúc đẩy cái tâm sáng suốt thêm, tham cầu phân biệt, chia chẻ. Bấy giờ thiên ma được dịp thuận tiện cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết là bị ma gá vào, tự bảo là đã đắc Niết bàn vô thượng, đến chỗ thiện nam tử cầu biết cái cội gốc kia, trải tòa thuyết pháp. Người đó có oai thần làm cho những người cầu pháp đều kính phục, khiến cho những thính chúng dưới pháp tòa tuy chưa nghe pháp tự nhiên tâm đã kính phục. Cả bọn họ đều cho Niết bàn, Bồ đề, Pháp thân của Phật chính là cái xác thân hiện tiền của mình đây, cha con sanh nhau đời này sang đời khác tức là Pháp thân thường trụ chẳng dứt; đều chỉ hiện tại tức là cõi Phật, không có Tịnh độ và thân sắc vàng nào khác. Người tu hành tin nhận, bỏ mất tâm trước kia, đem thân mạng mà quy y, được sự chưa từng có. Người ấy mê dại, lầm cho là Bồ tát, tu hành theo tâm ấy, phá luật nghi Phật, lén làm chuyện tham dục. Miệng ưa nói rằng mắt tai mũi lưỡi đều là Tịnh độ, hai căn nam nữ tức là chỗ đích thực của Bồ đề, Niết bàn. Hạng không biết kia đều tin lời nói nhơ bẩn đó.

Đây gọi là Cô độc quỷ và Áp thắng quỷ, lâu năm thành ma, quấy rối người tu hành. Quấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô gián.

  1. Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không còn mắc các ý nghĩ tà vạy, định tròn đầy phát sáng, trong tam ma địa tâm ưa biết các việc trước sau, cứu xét cùng khắp, tham cầu được thầm cảm. Bấy giờ thiên ma được dịp thuận tiện cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết là bị ma gá vào, cũng tự bảo đã đắc Niết bàn vô thượng, đến chỗ thiện nam tử cầu cảm ứng kia, trải tòa thuyết pháp. Có thể khiến cho thính chúng tạm thấy thân mình như đã trăm ngàn tuổi, tâm sanh ái nhiễm không thể xả lìa, đem thân làm nô bộc, bốn việc cúng dường không biết mệt mỏi. Lại khiến cho mỗi người nghe dưới pháp tòa, tâm biết đó là vị tiên sư, là vị thiện tri thức của mình, riêng sanh lòng yêu pháp, khắn khít như keo sơn, được sự chưa từng có. Người tu hành mê dại lầm cho là Bồ tát, gần gủi tâm ma, phá luật nghi Phật, lén làm chuyện tham dục. Miệng ma ưa nói ta ở kiếp trước, trong đời nọ độ người nọ, lúc đó là thê thiếp, anh em của ta, nên nay lại đến độ nhau, ta sẽ cùng các người theo nhau về thế giới nọ, cúng dường chư Phật kia. Hoặc nói có cõi trời Đại Quang Minh riêng biệt, Phật trụ nơi ấy và là chỗ nghỉ ngơi của tất cả Như Lai. Hạng không biết kia tin những lời lừa gạt ấy, bỏ mất tâm trước kia.

Đây gọi là Lệ quỷ, lâu năm thành ma, quấy rối người tu hành. Quấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô gián.

  1. Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không còn bị mắc vào các ý nghĩ tà vạy, định tròn đầy phát sáng, trong tam ma địa lại ưa đi sâu vào sự cần khổ ép mình, thích chỗ vắng vẻ, tham cầu sự yên lặng. Bấy giờ thiên ma được dịp thuận tiện cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị ma gá vào, rồi tự bảo đã đắc Niết bàn vô thượng, đến chỗ thiện nam tử cầu sự thầm lặng kia, trải tòa thuyết pháp. Khiến người nghe, mỗi người đều biết nghiệp cũ của mình, hoặc ở nơi ấy bảo với một người, ‘ngươi nay chưa chết đã làm súc sanh’, rồi bảo người khác đạp cái đuôi đàng sau, khiến người kia không đứng dậy được. Cả chúng ấy đều hết lòng khâm phục. Có người móng tâm thì liền biết ý. Ngoài luật nghi của Phật, nó còn gia thêm khắc khổ, chê bai tỳ kheo, mắng nhiếc đồ chúng, phơi bày việc của người khác, chẳng tránh việc chê trách. Miệng ma ưa nói việc họa phước chưa đến và khi xảy ra thì không sai.

Đây gọi là Đại quỷ lực, lâu năm thành ma, quấy rối người tu hành. Quấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô gián.

  1. Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không còn mắc các ý nghĩ tà vạy, định tròn đầy phát sáng, trong tam ma địa tâm lại ưa thấy biết, cần khổ xét tìm, tham cầu biết túc mạng. Bấy giờ thiên ma được dịp thuận tiện, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị ma gá vào, rồi tự bảo đã đắc Niết bàn vô thượng, đến chỗ thiện nam tử cầu hiểu biết kia, trải tòa thuyết pháp. Người tu hành bỗng nhiên nơi chỗ nói pháp được hạt châu lớn, hoặc có khi ma hóa làm súc sanh, miệng ngậm hạt châu cùng những vật kỳ lạ như đồ trân bảo, gián sách, phù độc, đến trao trước người tu hành, rồi sau đeo vào thân. Hoặc có khi ma nói với người nghe pháp có hạt châu minh nguyệt chôn dưới đất phát sáng chỗ đó, làm cho các người nghe được sự chưa từng có. Ma thường ăn cây thuốc chứ không ăn cơm, hoặc chỉ ăn một hạt mè, một hạt mạch, do sức của ma giữ gìn nên thân thể vẫn tươi tốt. Ma lại chê bai tỳ kheo, mắng nhiếc đồ chúng, chẳng tránh việc chê trách. Miệng ma ưa nói kho báu ở phương khác và chỗ ẩn cư của thánh hiền mười phương, những người đi sau thường thấy có người kỳ lạ.

Đây gọi là giống Quỷ thần rừng núi, thổ địa, thành hoàng, sông núi, lâu năm thành ma. Hoặc có khi kêu gọi làm điều dâm dục,phá luật nghi Phật, cùng với những kẻ thừa sự lén làm việc ngũ dục, hoặc tinh tấn ăn toàn cỏ cây, việc làm không nhất định, cốt quấy rối người tu hành. Quấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô gián.

  1. Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không còn mắc các ý nghĩ tà vạy, định tròn đầy phát sáng, trong tam ma địa tâm lại ưa các thứ thần thông biến hóa, tham cầu thần lực. Bấy giờ thiên ma được dịp thuận tiện, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị ma gá vào, rồi tự bảo đã đắc Niết bàn vô thượng, đến chỗ thiện nam tử cầu thần thông kia, trải tòa thuyết pháp. Người hoặc tay cầm ngọn lửa chia trên đầu bốn chúng nghe pháp, ngọn lửa trên đỉnh đầu những người nghe pháp dài mấy thước mà họ không nóng cũng không bị đốt cháy. Hoặc đi trên nước như đi trên đất bằng, hoặc ngồi yên giữa hư không, hoặc vào trong bình, hoặc ở trong đảy, hoặc vượt qua cửa sổ, xuyên qua tường không chút ngăn ngại. Chỉ đối với đao binh thì không được tự tại. Người đó tự bảo là Phật, thân mặc bạch y, chịu tỳ kheo lễ bái, chê bai luật Thiền, mắng nhiếc đồ chúng, phơi bày việc người, chẳng tránh việc chê trách. Trong miệng thường nói thần thông tự tại, hoặc cho người thấy cảnh Phật cạnh bên. Đó là do sức quỷ làm mê hoặc không có gì chân thật. Người đó khen ngợi việc hành dâm, không từ bỏ việc làm thô tục, đem những việc bỉ ổi cho là truyền pháp.

Đây gọi là những giống Sơn tinh, Hải tinh, Phong tinh, Hà tinh, Thổ tinh và tất cả những loài tinh mỵ của cỏ cây đã sống nhiều kiếp có sức lớn trong trời đất. Hoặc là long mị hoặc là các tiên tuổi thọ đã hết, tái sanh làm mỵ, hoặc tiên khi hết quả báo, kể năm thì phải chết, nhưng hình hài không hư nên loài quái khác bám vào. Bọn ấy lâu năm thành ma, quấy rối người tu hành. Quấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô gián.

  1. Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không còn mắc các ý nghĩ tà vạy, định tròn đầy phát sáng, trong tam ma địa tâm lại ưa vào chỗ diệt, nghiên cứu tánh biến hóa, tham cầu cái rỗng không sâu nhiệm. Bấy giờ thiên ma được dịp thuận tiện, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị ma gá vào, rồi tự bảo đã đắc Niết bàn vô thượng, đến chỗ thiện nam tử cầu rỗng không kia, trải tòa thuyết pháp. Ở trong đại chúng thân hình của người ấy bỗng hóa thành không, cả chúng không thấy gì, rồi lại từ hư không hiện ra, khi còn khi mất rất tự tại. Hoặc hiện cái thân rỗng suốt như ngọc lưu ly, hoặc duỗi tay chân phát mùi hương chiên đàn, hoặc đại tiểu tiện như đường phèn cứng chắc. Người đó chê bai giới luật, khinh rẻ người xuất gia, miệng thường nói không có nhân quả, một phen chết hẳn không còn thân sau, lại nói phàm thánh tuy được không tịch vẫn lén làm chuyện tham dục, thọ dục mà vẫn đắc tâm không, bác không có nhân quả.

Đây gọi là những giống tinh khí nhật nguyệt giao che, vàng ngọc, chi thảo, lâm phụng quy hạc trải ngàn vạn năm không chết trở thành tinh linh, sanh ra trong các cõi nước, lâu năm thành ma, quấy rối người tu hành. Quấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô gián.

  1. Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không còn mắc các ý nghĩ tà vạy, định tròn đầy phát sáng, trong tam ma địa tâm lại ưa sống lâu, cần khổ nghiên cứu tinh vi, tham cầu sống mãi, bỏ cái sống phần đoạn, lại trông mong cái tướng vi tế biến dịch sanh tử được thường trụ. Bấy giờ thiên ma được dịp thuận tiện, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị ma gá vào, rồi tự bảo đã đắc Niết bàn vô thượng, đến chỗ thiện nam tử cầu sống lâu kia, trải tòa thuyết pháp. Người đó ưa nói qua lại phương khác không trở ngại, hoặc trải qua muôn dặm giây lát trở lại mà vẫn lấy được đồ vật ở phương kia, hoặc ở một chỗ hay trong nhà chỉ trong vài bước, bảo người ta đi từ vách đông sang vách tây nhưng người đi nhanh cả năm vẫn không đến. Nhân đó người tu hành tin tưởng, nghĩ là Phật hiện tiền. Miệng ma ưa nói chúng sanh trong mười phương đều là con ta, ta sanh ra chư Phật, ta sanh ra thế giới. Ta là Phật nguyên thủy tự nhiên ra đời, không do tu mà đắc.

Đây gọi là ma Tự tại thiên trụ thế, nó khiến bọn quyến thuộc chưa phát tâm như bọn Giá văn trà, Tỳ xá đồng tử cõi Tứ thiên vương thích cái hư minh, đến ăn tinh khí người tu hành. Hoặc không nhân ông thầy, chính người tu hành tự mình xem thấy bọn đó đến xưng là thần Chấp kim cương đến cho trường thọ, chúng hiện thân làm gái đẹp, thịnh hành việc dâm dục, làm cho chưa đầy một năm mà gan óc người tu khô kiệt, miệng lẩm bẩm một mình nghe như yêu mị. Người ngoài chưa rõ biết nên phần nhiều sa vào lưới pháp luật, chưa kịp xử hình tội mà đã chết khô trước. Thế là bọn ma quấy phá người tu hành đến phải ốm chết. Ông nên tỏ biết trước thì chẳng lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô gián.

A Nan, phải biết mười thứ ma ấy trong đời mạt pháp, hoặc xuất gia tu hành trong pháp của ta, hoặc gá thân người, hoặc tự hiện hình, đều tự bảo đã thành Chánh biến tri giác, khen ngợi dâm dục, phá luật nghi Phật. Trước là thầy ác ma cùng đệ tử ma đem sự dâm dục truyền nhau. Những thứ tà tinh như thế, mê hoặc lòng dạ, ít thì chín đời, nhiều thì trăm đời, khiến cho người chân chánh đều là quyến thuộc của ma, sau khi chết ắt phải làm dân của ma, bỏ mất chánh biến tri, đọa vào ngục Vô gián.

Các ông nay chưa nên vào Niết bàn tịch diệt trước, dầu đắc quả Vô học cũng phát nguyện vào trong đời mạt pháp kia, khởi tâm đại từ bi cứu độ cho chúng sanh tâm địa ngay chánh tin sâu, khiến họ không mắc vào tà ma được chánh tri kiến. Nay ta đã độ các ông ra khỏi sanh tử, các ông tuân lời Phật dạy đó gọi là báo ơn Phật.

A Nan, mười thứ cảnh hiện trong thiền định như thế đều do tưởng ấm và tâm dụng công giao xen nên hiện ra như vậy. Chúng sanh ngu mê chẳng biết xét lường, gặp nhân duyên ấy mê chẳng tự biết, cho là lên bậc thánh, thành đại vọng ngữ, phải đọa vào ngục Vô gián.

Sau khi ta diệt độ, các ông hãy xem lời nói này của Như Lai truyền dạy cho đời mạt pháp, khiến cho khắp chúng sanh tỏ ngộ nghĩa đó, không để cho thiên ma được dịp quấy phá, giữ gìn che chở cho người tu hành thành đạo vô thượng.

 

Trong phạm vi thọ ấm thì các ma quấy phá chủ yếu là ma trong tâm mình; ma thương xót, ma kiêu mạn, ma nhớ, ma tự cho là đủ, ma vui, ma buồn…. Đến tưởng thì có thể bị các thiên ma ở ngoài quấy phá, theo chúng thì sanh nghiệp nặng hơn, hại mình hại người nhiều hơn.

Ma của tưởng ấm là ‘‘không còn mắc các ý nghĩ tà vạy, định tròn đầy phát sáng, trong tam ma địa lại ưa…’’. Chưa nói đến tam ma địa và những trận chiến ở đây, chỉ trong cuộc sống bình thường chúng ta thường ưa thích biết bao nhiêu điều, tích tập chúng để chúng chìm nơi đáy tâm thức, và một ngày trong định, chúng ta chạm mặt chúng. Chính khi tu hành từ nơi một chúng sanh là mình, chúng ta mới biết thương người, thương chúng sanh, và hiểu rõ hơn chữ ‘‘chìm đắm’’ trong kinh điển.

Phạm vi của tưởng ấm là ‘‘nơi tâm Giác Minh như bỏ hết bụi dơ, một dòng sanh tử đầu đuôi soi sáng khắp, gọi là hết tưởng ấm’’. Ở đây, thay vì cứ tiến tới, dùng định huệ soi chiếu tiêu hết phiền não để dòng sanh tử đầu đuôi đều sáng sạch thì lại để cho phiền não tham, sân, si, mạn, khởi lên rồi chạy theo chúng, và ‘‘bấy giờ thiên ma được dịp thuận tiện’’. Sở dĩ bị thiên ma mê hoặc bởi vì chưa đạt đến đất thật tâm địa, hay tánh giác, cho nên còn bị mê lầm chạy theo ‘‘giới cấm thủ’’, sự mê tín khi chưa có chánh kiến về thực tại tánh giác.

Lỗi thứ nhất ở hành giả là mất giới: để cho phiền não khởi lên (‘‘tâm lại ưa thích, tham cầu’’) và không diệt trừ được mà còn chạy theo chúng. Thế rồi thiên ma dựa vào cái tham ưa ấy mà mê hoặc đưa hành giả vào chuyện dâm dục. Kết quả là thầy trò đều sa lưới pháp luật của đời. Thứ hai là nguyện, phước đức và công đức còn yếu cho nên ma mới có thể quấy phá. Thứ ba là Định và Huệ chưa đủ sức vượt khỏi Phiền não trược.

Sắc ấm là ‘‘vọng tưởng kiên cố’’, thọ ấm là ‘‘vọng tưởng hư minh’’, tưởng ấm là ‘‘vọng tưởng dung thông’’, và ở sau, hành ấm là ‘‘vọng tưởng u ẩn, thức ấm là ‘‘vọng tưởng điên đảo, huyễn tượng rỗng không’’. Mỗi lớp ấm chỉ là sự tích tập của vọng tưởng. Như vậy bộ máy tạo ra sanh tử là vọng tưởng từ thô đến tế. Tu hành để giải thoát giác ngộ là ‘‘nạo sạch chánh tính’’, ‘‘trái với hiện nghiệp’’ để diệt trừ các lớp vọng tưởng thô và tế này.

Khi dùng định huệ để phá tan các lớp vọng tưởng, trong ‘‘tam ma địa’’ chúng sẽ chống lại, phản công, khi thì bằng những trận chiến lớn, khi thì bằng những lời đường mật thủ thỉ. Khi trong đã có địch làm nội gián, nhận giặc làm con, thì ở ngoài có các ma nhảy vào.

Nhưng cần biết rằng các vọng tưởng như cỏ cây dại mọc mầm và lớn lên trên tâm địa là tâm Minh Diệu. Cho nên vọng tưởng ở đâu là tâm Minh Diệu ở đó, vọng tưởng tiêu chỗ nào là tâm Minh Diệu hiện ra chỗ đó. Tâm Minh Diệu là nền tảng của vọng tưởng, nền tảng của sanh tử hư vọng.

Cho nên thấy được một phần tưởng và tướng là vô tự tánh, như huyễn thì ngay chỗ một phần ấy tâm Minh Diệu hiển lộ.

Khi đã khám phá và tiếp thông với tâm Minh Diệu được phần nào, thì ngoài sự dụng công Định Huệ để phá tiêu những ấm che đậy còn lại, còn có sức mạnh tiêu hủy các ấm của một phần tâm Minh Diệu đã lộ bày. An trụ trong phần tâm Minh Diệu ấy, các ấm sẽ từ từ tiêu bằng cách biết các ấm là sự chiếu hiện của tâm Minh Diệu qua nghiệp của cá nhân.

Hãy thực hành cho đến lúc ý nghĩ nào khởi lên thì đó là tâm Minh Diệu. Và tất cả vọng tưởng biến thành công đức của trí huệ giác ngộ.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

 

 

Bài viết liên quan