PHÁP QUÁN TAM MA BÁT ĐỀ - KINH VIÊN GIÁC (LƯỢC GIẢNG – ĐƯƠNG ĐẠO)

PHÁP QUÁN TAM MA BÁT ĐỀ

-Kinh Viên Giác (Lược Giảng – Đương Đạo)

 -----o0o-----

“Chỉ trong mọi thời không khởi vọng niệm, với các vọng tâm cũng chẳng dừng diệt, ở cảnh vọng tưởng chẳng gia thêm hiểu biết phân biệt, nơi chỗ không hiểu biết chẳng phân biệt chân thật… Phật nói người này sẽ thành tựu nhất thiết chủng trí”.
PHÁP QUÁN TAM MA BÁT ĐỀ - KINH VIÊN GIÁC (LƯỢC GIẢNG – ĐƯƠNG ĐẠO)

Thiện nam tử! Nếu các Bồ tát ngộ được tánh Viên Giác thanh tịnh, thì y nơi tâm giác thanh tịnh này mà biết tâm thức cùng căn trần đều do huyễn hóa, bèn khởi quán huyễn để trừ các huyễn, biến hiện các hạnh huyễn mà khai hóa chúng sanh như huyễn. Do khởi quán huyễn mà bên trong phát ra đại bi khinh an.

Tất cả Bồ tát theo đây khởi hạnh quán huyễn, lần lần tăng tiến. Ban đầu người quán huyễn chưa đồng với cảnh huyễn, chưa đồng với hành động quán huyễn, sau thì cả ba đều là huyễn, do đó tướng huyễn được lìa dứt vĩnh viễn. Diệu hạnh tu quán của các Bồ tát này được làm cho viên mãn, như đất làm cho mầm cây tăng trưởng.

Phương tiện này gọi là Tam ma bát đề (Quán).

“Chương Phổ Nhãn nói: “Ví như ngọc ma ni thanh tịnh ánh chiếu ra năm màu tùy mỗi phương mà hiện, thế nhưng những người ngu si không biết, thấy ngọc ma ni có năm màu. Cũng như vậy, tánh Viên Giác thanh tịnh ứng hiện ra nơi thân tâm tùy theo mỗi loại, thế mà người si mê lại cho rằng Viên Giác thanh tịnh thật có thân tâm cũng như vậy, do đó chẳng thể xa lìa huyễn hóa”.

Nếu thấy được thân tâm và thế giới chính là sự ánh chiếu ra, ứng hiện ra của tâm Viên Giác bổn lai thanh tịnh theo duyên nghiệp của mỗi người, vì thế thân tâm và thế giới là ảnh hiện, vô tự tánh, bất khả đắc, vô sở hữu như hoa đốm giữa hư không, bèn ngay đó giải thoát. Với một Bồ tát, ngay khi ấy, thân tâm của vị ấy trở thành Hóa thân để làm việc trong thế giới như huyễn này.

Cái đặc tính ‘ánh chiếu ra’, ‘ứng hiện ra’ các tướng huyễn ấy, là phương tiện ‘chiếu’, ‘quán’ của tánh Viên Giác. Tánh Viên Giác là Đại quang minh tạng, tạng ánh sáng này vốn vô tướng, là nền tảng cho mọi chiếu hiện thành các tướng như huyễn của tất cả chúng sanh. Như thế, muốn tùy thuận tánh Giác thì phải xuyên qua các bóng hình như huyễn này để trực tiếp thấy nền tảng của chính chúng là ánh sáng của tánh Giác. Muốn không mê mờ, trụ lại trong các tướng như huyễn mà xuyên qua chúng, phải thấy thực sự chúng là như huyễn, tức là phải quán thấy chúng là huyễn, là những chiếu hiện như huyễn trên nền tảng ánh sáng căn bản bất động. Chúng ta mê mờ chạy theo các bóng trong gương mà không thấy gương đâu cả. Muốn thấy gương thì phải xuyên qua các bóng, thấy rõ bóng là như huyễn, có đến có đi, trong khi gương thì bất động. Ở trong tánh Giác, các tướng đều như huyễn, vậy thì muốn ở trong nền tảng tánh Giác, phải thấy các tướng là như huyễn.

Căn, trần, thức duyên sanh từ những cái huyễn, có cũng là do huyễn hóa. Như thế thân tâm và thế giới, chúng sanh, đều như huyễn. Phải thấy tính chất thực sự của chúng là huyễn. Người tu hành quán tất cả là huyễn để trở lại tánh Giác. Không những tâm quán huyễn, mà thân khẩu còn biến ra các hạnh huyễn để độ chúng sanh như huyễn. Như thế toàn thân, khẩu, tâm, và thế giới, chúng sanh toàn bộ đều nằm trong quán huyễn. Có huyễn toàn bộ thì tánh Giác mới có thể được chứng ngộ toàn bộ.

Khi dần dần quán thấy được huyễn, bèn có đại bi khinh an. Pháp Chỉ thì nói là “phát ra tịch tĩnh khinh an”, pháp Chỉ Quán đồng thời thì nói “phát ra tịch diệt khinh an”. Tại sao quán huyễn lại đi liền với đại bi? Khi bắt đầu quán thấy được huyễn, hành giả mới thấy rằng bao lâu này chúng sanh vẫn khổ đau trong cảnh huyễn, lại tham, sân, si, kiêu căng, đố kỵ… để càng tạo thêm nghiệp mà kéo dài cảnh huyễn không biết ngày nào ra.

Sự thật thứ nhất của đạo Phật là Khổ đế, tức là ‘bất toại nguyện’. Sỡ dĩ bất toại nguyện vì không thực, không bền vững, vì bản chất là huyễn. Thế nhưng chúng sanh cứ chạy theo huyễn để rồi bất toại nguyện, lại gây thêm nghiệp xấu để khổ đau cho mình cho người mà không hề biết sanh tử là huyễn. Thấy như vậy tức thì có lòng thương xót, lòng đại bi. Cho nên càng quán huyễn thì lòng bi càng lớn mạnh. Quán huyễn và đại bi tỷ lệ thuận như vậy.

Pháp quán huyễn là: ban đầu quán thấy cảnh tướng đối tượng là huyễn, rồi đến phương tiện tu hành là hành động quán huyễn cũng huyễn, cuối cùng người quán huyễn cũng huyễn. Sự quán huyễn cũng giống như người quán Không mà thường được gọi là ‘ba luân không’: đối tượng là Không, hành động giữa đối tượng và chủ thể là Không, và cuối cùng chủ thể cũng Không. Càng quán như huyễn thì càng an trụ vào tánh tịch tĩnh của tánh Giác. Như vậy Quán không lìa Chỉ.

Nhưng tại sao có huyễn để quán huyễn là sự trở về với tánh Giác thanh tịnh bổn nguyên? Từ vô thủy đến vô chung, chỉ có Đại quang minh tạng của tánh Viên Giác. Đây là một tạng ánh sáng không có trung tâm, không có thân tâm và thế giới: “thân tâm tịch diệt, bình đẳng suốt ba thời, viên mãn khắp mười phương, tùy thuận bất nhị”. Thế mà, kể từ khi có con người với cọng nghiệp và biệt nghiệp của họ, thế giới bắt đầu được phóng chiếu ra qua cọng nghiệp, và biệt nghiệp ấy. Thế giới được phóng chiếu ra, dĩ nhiên dựa trên ánh sáng nền tảng là Đại quang minh tạng, qua một trung tâm lớn là cọng nghiệp của loài người và các trung tâm nhỏ ở trong đó là biệt nghiệp của từng người. Từ đây có thế giới, có chúng sanh, có tham sân si, có vui buồn, ghét giận… là kết quả của vô số trung tâm có ra là do vọng tưởng dệt thành. Tất cả mọi cái có ấy đều như huyễn vì được phóng chiếu ra từ vô số nghiệp thức con người. Luận Đại thừa Khởi Tín nói: “Tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh, tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt”.

Thế nên, khi tướng nhơ của huyễn được lìa dứt vĩnh viễn thì Đại quang minh tạng hay là tánh Giác không còn phiền não chướng và sở tri chướng nên hoàn toàn lộ bày. Như khi ra khỏi được cái thấy chỉ có những hình bóng thì thấy ra mặt gương trong sáng bổn nguyên thanh tịnh. Và một khi biết mặt gương sáng thì các bóng tuy có, nhưng như huyễn. Một khi biết huyễn, thì ngay nơi tướng huyễn người ta vẫn thấy nền tảng của nó là ánh sáng của tánh Giác hay Đại quang minh tạng. Đây là sự giải thoát của Bồ tát: không cần dẹp tất cả các bóng để thấy gương, mà thấy được ngay nơi bóng là gương, ngay nơi tướng huyễn là ánh sáng vốn tự giải thoát và làm cho các tướng được tự giải thoát vì chúng là như huyễn. Không cần hủy hoại tất cả các sắc để thấy tánh Không, mà ngay nơi sắc là tánh Không: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc, Sắc tức là Không, Không tức là sắc”.

Sự tu quán huyễn này lần lần tăng tiến cho đến khi viên mãn, như đất làm cho mầm cây tăng trưởng. Như nơi một mặt gương, sự thấy các bóng trong gương là như huyễn càng lớn rộng thì mặt gương hiện ra càng lớn rộng, bởi vì bóng ở đâu thì gương ở ngay đó.”

 Pháp Thiền, Chỉ Quán Đồng Thời

Thiện nam tử! Nếu các Bồ tát ngộ được tánh Viên Giác thanh tịnh, thì y nơi tâm giác thanh tịnh này, chẳng giữ quán huyễn (Tam ma bát đề) hay theo hạnh tĩnh (Xa ma tha), mà biết rõ thân tâm đều là ngăn ngại, còn tánh Viên Giác trong suốt vốn không phân biệt (vô tri giác minh) chẳng hề bị các tướng làm ngăn ngại, vĩnh viễn siêu vượt khỏi mọi cảnh chướng ngại và không chướng ngại. Nó vẫn thọ dụng các tướng thân tâm và thế giới nơi trần gian mà không bị ngăn che ràng buộc, như âm thanh khi đánh vào một vật, tuy ở nơi vật đó mà vẫn thoát ra ngoài. Phiền não Niết bàn chẳng lưu ngại nhau cũng lại như vậy.

Bấy giờ bên trong bèn phát ra tịch diệt khinh an. Đó là cảnh giới tịch diệt tùy thuận Diệu Giác: mình người, thân tâm hoàn toàn chẳng có, chúng sanh, thọ mạng đều là ý tưởng hảo huyền.

Phương tiện này gọi là Thiền na (Chỉ Quán Song Tu).

“Chẳng giữ quán huyễn là chẳng y theo phương diện Chiếu của tánh Giác, chẳng theo hạnh tĩnh là chẳng y theo phương diện Tịch của tánh Giác. Thiền là y vào bản tánh Giác vừa tịch vừa chiếu mà tu, an trụ vào đó, niệm niệm tương ưng tùy thuận với nó. Nhưng trong Thiền, luôn luôn có sự tịch tĩnh (Chỉ) và như huyễn (Quán), thế nên Thiền được gọi là Chỉ Quán đồng thời.

Nhưng trước khi biết an trụ, niệm niệm tương ưng thì phải biết tánh Giác là gì, nghĩa là phải ngộ được tánh Giác, dù ở cấp độ Tương tự giác của Tam Hiền hay Tùy phần giác của Mười Địa. Ở Mười Địa thì sự ngộ tánh Giác thật hơn, trực tiếp hơn, nên sự an trụ cũng thật hơn, chính đúng hơn, niệm niệm tương ưng cũng trực tiếp hơn, hiệu quả hơn.

Tánh Giác thấu thoát qua các tướng thân tâm và thế giới. Chính sự thấu thoát này làm cho thân tâm và thế giới thành như huyễn. Như ánh sáng của gương thì thấu thoát qua mọi bóng trong gương, không bị các bóng làm ngăn ngại, che chướng và làm cho các bóng thành như huyễn. Như ánh sáng của quả cầu pha lê thấu thoát qua mọi biểu lộ màu sắc của nó. Tánh Giác sáng suốt vốn không phân biệt. Sáng suốt nghĩa là ánh sáng của nó thấu suốt qua mọi hình tướng, không phân biệt nghĩa là nó thấu suốt qua tất cả, thậm chí nó hòa đồng và hợp nhất tất cả tướng thành Một Tướng Vô Tướng. Tánh Giác là cái siêu vượt, vĩnh viễn ở ngoài mọi tướng, như âm thanh khi đánh vào một vật, âm thanh đó đã thấu thoát ra ngoài vật đó, không bị giam cầm trong vật.

Như thế, khi nào tâm không còn vướng mắc vào thân tâm và thế giới, chủ thể và đối tượng, không trụ vào các tướng đó thì tâm ấy là tánh Giác. Khi nào ánh sáng của tâm thấu thoát qua những hình tướng, không bị cầm giữ, lưu ngại bởi bất cứ tướng nào, khi ấy tâm này là tánh Giác. Khi nào tâm không còn bị chia chẻ, phân mảnh bởi các tướng mà trụ nơi không phân biệt vốn là thật tướng của nó, khi ấy tâm là tánh Giác. Lục Tổ Huệ Năng chỉ thẳng tánh Giác: “Tự nơi mỗi người, xác thân là thành, mắt tai mũi lưỡi là cửa. Ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là đất, tánh là Vua. Vua ở trên đất tâm. Trên đất tự tâm là tánh Giác Như Lai phóng ánh sáng lớn, ngoài soi chiếu sáu cửa thanh tịnh, phá sạch sáu cõi trời dục giới. Tự tánh chiếu bên trong, ba độc liền trừ, hết thảy tội địa ngục cùng lúc tiêu diệt. Trong ngoài sáng suốt, đâu khác gì Tây Phương”.

Môn phong của Thiền sư Bá Trượng là:

Linh quang độc chiếu

Vượt thoát căn trần

Thế lộ chân thường

Chẳng vướng văn tự.

Tánh tâm không nhiễm

Vốn tự viên thành

Chỉ lìa vọng duyên

Tức Như Như Phật.

“Tham thiền tham Tánh, Tánh tham thiền”, là đây vậy.

Kinh Lăng Nghiêm nói về tánh thấy, tánh nghe (tức tánh Giác) rõ ràng và chi tiết. Ở đây chúng ta theo Kinh Viên Giác này để giải thích.

Thiền không quán huyễn, không dừng niệm, chỉ quán thấy thẳng, tham thiền ngay tánh Giác thanh tịnh chẳng động chưa hề nhiễm ô, chưa hề có hoa đốm này. Tánh Giác ví như đại dương. Quán huyễn là thấy sóng không phải là nước, như vậy vượt qua tướng sóng để thấy đại dương toàn là tánh nước. Còn Thiền thì ở ngay nơi sóng mà thấy tánh nước ‘siêu vượt’, ‘thoát ra ngoài’ sóng. Với Thiền, tánh nước vẫn thọ dụng các tướng sóng (các tướng thân tâm và thế giới) mà không bị ngăn che ràng buộc bởi tướng sóng, vì nước dầu ở trong sóng vẫn là nước. Bấy giờ thấy tướng sóng ở đâu thì biết ngay tánh nước ở đó, tướng sóng khởi nơi nào thì biết ngay đó là hoạt dụng của tánh nước. Tánh tức là hết thảy tướng, tất cả tướng tức là tánh, đó là Thiền.

Chúng ta đã biết tâm có bản tánh là quang minh (Minh) và rỗng không vô biên (Không). Như thế các tư tưởng, các niệm khởi sanh từ đó từ đó cũng có bản tánh là Minh và Không.

Quán Huyễn là quán thấy các tư tưởng, các niệm là huyễn, do đó lìa được các huyễn và chứng ngộ được bản tâm “chẳng phải huyễn”. Nói là lìa, nhưng thực ra chỉ là lìa cái nhơ do chấp thực vào huyễn. Khi thấy các niệm là huyễn nghĩa là cùng một bản tánh Minh-Không, khi ấy các huyễn trở lại tâm Minh-Không. Nói cách khác tâm Minh-Không nhiếp lấy các huyễn cùng một bản tánh với mình. Khi ấy hành giả trở lại cái tâm toàn thể. Hạnh Tĩnh là lóng trong, làm bình lặng các niệm. Có thể làm bình lặng các niệm, vì các niệm cùng một bản tánh Minh-Không với tâm. Như thế hạnh Tĩnh là đưa các niệm về nền tảng tâm Minh-Không của chúng để đạt đến cái tâm toàn thể.

Thiền thì các niệm dù có khởi nhưng chúng cùng một bản tánh với tâm Minh-Không. Đó là cái tâm toàn thể: “Tâm đại giác vô lượng, vốn không có hai tướng”.

Khi thấy bản tánh của tâm vốn là tánh Không, vốn là giải thoát, thì các niệm khởi từ tâm cũng là tánh Không, cũng tự giải thoát. Thế nên, cuối chương Thanh Tịnh Huệ có nói:

“Chỉ trong mọi thời không khởi vọng niệm, với các vọng tâm cũng chẳng dừng diệt, ở cảnh vọng tưởng chẳng gia thêm hiểu biết phân biệt, nơi chỗ không hiểu biết chẳng phân biệt chân thật… Phật nói người này sẽ thành tựu nhất thiết chủng trí”.

-----o0o-----

Trích: Kinh Viên Giác

Lược Giảng: Đương Đạo

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan