PHẬT BẢO NGÀI VĂN THÙ CHỌN CĂN VIÊN THÔNG (2) - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

PHẬT BẢO NGÀI VĂN THÙ CHỌN CĂN VIÊN THÔNG (2)

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Không có phương tiện nào mà không có cứu cánh nằm ngay dưới đó. Không có tướng nào mà không có chung nền tảng là tánh. Không có pháp môn nào mà không có Pháp hay Pháp thân nằm ngay dưới ấy. Không có Con đường nào mà có thể ra ngoài Nền tảng và không đi trên Nền tảng.
PHẬT BẢO NGÀI VĂN THÙ CHỌN CĂN VIÊN THÔNG (2) - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

LỰA RA SÁU TRẦN

 

Tưởng kết thành sáu trần

Hiểu biết không thể thấu

Không thấu suốt như vậy

Làm sao được viên thông?

 

Sắc do tưởng kết lại mà thành sắc trần, sự hiểu biết của ý thức khó thấu triệt. Hơn nữa sắc trần là cái ở ngoài. Vươn đến cái ở ngoài để phân tích thấu hiểu nó quả là khó khăn. Như ngài Ưu Ba Ni Sa Bà do quán tưởng bất tịnh mà ngộ được thật tánh các sắc, thì không phải là chuyện dễ làm với nhiều người.

Tuy nhiên, sắc vẫn là một pháp môn, một cửa pháp, tùy căn cơ. Kinh Đại Bát Nhã thường chú ý vào sắc: ‘‘Sắc tức là Không, Không tức là sắc’’. Thành ra, chọn lựa căn viên thông là chọn cái dễ nhất, có trường hoạt động rộng nhất và gần với nguồn tánh nhất, chứ không phải là căn duy nhất có được viên thông.

 

Âm thanh trộn ngữ ngôn

Chỉ y nghĩa câu chữ

Một chẳng trùm tất cả

Làm sao được viên thông ?

 

Ngài Kiều Trần Na do thanh trần là pháp âm của Phật mà chứng được bản tánh nhiệm mầu của âm thanh. Thanh trần đối với con người còn là lời nói và ý nghĩa của lời nói. Hướng ra ngoài để theo dõi âm thanh đã khó, còn phân tích ý nghĩa lại càng khó hơn. Âm thanh là một, nhưng lại phải chạy theo câu chữ và ý nghĩa có nhiều của chúng nên cái một ấy không trùm được tất cả.

 

Hương có hợp mới biết

Lìa ắt vốn không có

Chỗ biết chẳng thường hằng

 Làm sao được viên thông ?

 

Hương do các duyên hợp lại mới biết, cho nên sự biết hương chẳng thường hằng khi có khi không thì khó tu viên thông. Nhưng Đồng tử Hương Nghiêm do quán hương đến chỗ thấu rõ hương là vô tự tánh, vô sở hữu, mà được viên thông, vô lậu. Như vậy vấn đề chính yếu là có đưa được chủ đề mình quán trở lại tánh Không hay không.

 

Tánh vị chẳng bổn nhiên

Phải nếm mới có vị

Vị trần chẳng hằng nhất

Làm sao được viên thông ?

 

Tánh của vị là Không, nhưng sự quán sát vị không thể thường trực vì khi có khi không. Vả lại trường hiện hữu của vị cũng hẹp, chỉ ở trong miệng, nên không chọn được.

Thế nhưng vì có nguyện làm lương y nên các ngài Dược Vương, Dược Thượng chuyên cần nếm các vị thuốc rồi quán sát biết được tánh của vị trần mà được viên thông.

 

Xúc do chỗ chạm, biết

Không chạm, chẳng rõ xúc

Hợp lìa không nhất định

Làm sao được viên thông ?

 

Xúc không thường có, lệ thuộc vào sự lìa hợp. Như ngài Bạt Đà Bà La do khi tắm mà ngộ được diệu tánh của xúc trần, thì lúc ngộ là do một trường hợp đặc biệt bởi tiếp xúc với nước mà khai phát.

Qua đây chúng ta thấy viên thông ở khắp tất cả. Vấn đề là chúng ta có chuyên tâm tìm cầu nó hay không.

 

Pháp gọi là nội trần

Nương trần tâm có sở

Năng sở chẳng khắp hợp

Làm sao được viên thông ?

 

Pháp là nội trần, là đối tượng của ý. Nhưng pháp không luôn luôn có vì ý không luôn luôn có.

Ngài Ma Ha Ca Diếp liên tục quán sát pháp trần mà trực tiếp chứng biết các pháp là Không mà chứng quả A La Hán.

Có điều chúng ta cần luôn nhớ rằng sự chứng ngộ viên thông không phải chỉ là kết quả của trí huệ quán sát, mà còn là kết quả của công đức. Như các vị Vô học ở trước thì được phước duyên là ở gần Đức Phật, nương nhờ oai lực Phật, còn ngài Ma Ha Ca Diếp có công đức là được gần gủi Phật Nhật Nguyệt Đăng, thắp đèn sáng cúng dường xá lợi và dùng vàng thắm thiếp lên tượng Phật.

Con đường Phật giáo bắt đầu từ hai tích tập trí huệ và công đức, để cuối cùng thành Phật là viên mãn hai tích tập ấy.
 

LỰA RA NĂM CĂN

 

Cái thấy tuy rỗng suốt

Sáng trước chẳng sáng sau

Bốn bề thiếu một nửa

Làm sao được viên thông ?

 

Trường hoạt động của cái thấy được tám trăm công đức, không thấy được phía sau. Sự lựa chọn cái viên thông hơn cả là càng ít tùy thuộc vào nhân duyên càng tốt.

Nhưng nhanh hay chậm nhập vào viên thông còn tùy thiện căn biệt nghiệp của từng người. Quan trọng nhất là phải đi cho đến tận cùng đề mục quán chiếu của mình.

 

Mũi thở ra vào thông

Giữa giao không có khí

Chia phần chẳng dung nhập

Làm sao được viên thông ?

 

Giữa hai hơi thở không có hơi thở, nên hơi thở ra vào không liên tục. Hơi thở ra khác với hơi thở vào, nên nói là ‘‘chia phần chẳng dung nhập’’.

Nhưng ngài Châu Lợi Bàn Đặc Ca nhờ chỉ chăm chú quán hơi thở cho đến ‘‘xoay hơi thở trở về tánh Không là thứ nhất’’. Vấn đề là mỗi người có xoay được căn mình đã chọn hợp với những thiện căn đời trước trở về tánh Không hay không.

 

Lưỡi, không nhập (thì) không có

Nhân vị sanh hay biết

Vị mất, không có biết

Làm sao được viên thông ?

 

Cái biết của lưỡi giới hạn, không có vị thì không biết. Ngài Kiều Phạm Bát Đề quán cái biết vị chẳng phải thân, chẳng phải vật, nghĩa là vô tự tánh, bèn khỏi các lậu, lìa hết cấu nhiễm trần tướng đắc Vô học.

 

Thân cùng chỗ chạm đồng

Đều chẳng quán khắp hết

Hữu hạn, không thấu suốt

Làm sao được viên thông ?

 

Cảm giác về thân chỉ có khi có xúc chạm, nên cái quán cảm giác nơi thân không thường trực, khắp hết.

Ngài Tất Lăng Già Bà Ta do gai đâm mà quán ngược về nguồn tánh biết mà đắc A La Hán.

 

Ý căn xen loạn tưởng

Đứng lặng rốt chẳng thấy

Không thể thoát tưởng niệm

Làm sao được viên thông ?

 

Nương ý căn mà tu thì ý căn xen loạn tưởng, khi đứng lặng thì chẳng thấy ý, do đó khó tu viên thông. Nhưng ngài Tu Bồ Đề nhờ ý căn mà đi tột tới nguồn của ý bèn phát minh được tánh giác chân Không, tánh Không được viên mãn thành quả Vô học.

Căn thì có cái viên thông nhiều hay ít, nhưng chắc chắn đi đến tột nguồn của căn thì đó chính là tánh giác chân Không. 

 

LỰA RA SÁU THỨC

 

Nhãn thức hòa ba cái

Gạn cùng không có tướng

Tự thể không gì định

Làm sao được viên thông ?

 

Nhãn thức do căn trần thức hòa hợp, không có gì định trong ấy, nên không được chọn. Nhưng với người chọn nó để đi đến tận cùng, thì khi ‘‘gạn cùng không có tướng’’ bèn ngay đó chứng tánh Không vô tướng.

 

Tâm nghe suốt mười phương

Sanh do nguyện lực lớn

Sơ tâm khó thể vào

Làm sao được viên thông ?

 

Nguyện lực lớn của Bồ tát Phổ Hiền khiến tâm nghe ngài thông suốt mười phương. Sự tu tâm cộng với nguyện lực đã thành ra Đại hạnh Phổ Hiền. Hàng sơ tâm khó có thể nhập vào con đường viên thông của Bồ tát Phổ Hiền. 
 

Tướng chót mũi (là) quyền cơ

Chỉ để nhiếp tâm trụ

Trụ, tâm thành có trụ

Làm sao được viên thông ?

 

Quán tưởng chót mũi là phương tiện quyền cơ, không đi thẳng vào nền tảng. Tuy nhiên khi ngài Tôn Đà La Nan Đà đi đến cùng hơi thở thì đạt đến nền tảng của hơi thở và cùng với nó các lậu được tịnh hóa tiêu sạch, mà được viên thông.

 

Thuyết pháp khéo tiếng, câu

Trước khai ngộ mới thành

Câu chữ chẳng vô lậu

Làm sao được viên thông ?

 

Thuyết pháp như ngài Phú Lâu Na thì dựa vào câu chữ, phải có sự khai ngộ nguồn viên thông trước rồi mới khéo dùng để thành.

 

Giữ giới chỉ buộc thân

Không thân, không chỗ buộc

Vốn chẳng khắp tất cả

Làm sao được viên thông ?

 

Giữ giới chú trọng vào thân, nên khi không có thân, như trong định, khi ngủ thì không đắc lực.

Nhưng ngài Ưu Ba Ly giữ được giới thân tâm một cách tỉ mỉ nên tương ưng được với Pháp thân viên thông. Qua đây quả là tám vạn bốn ngàn pháp môn, chỗ nào cũng có thể là cửa vào.

Bởi vì cái chánh niệm tỉnh giác trong việc giữ giới cũng chính là tánh giác cội nguồn.

 

Thần thông: nhân đời trước

Dính gì pháp phân biệt

Duyên niệm chẳng lìa vật

Làm sao được viên thông ?

 

Thần thông như ngài Mục Kiền Liên là do nhân đời trước. Nó không quan hệ với pháp phân biệt để tìm ra tánh viên thông. Hơn nữa thần thông là thần thông với vật chất, không thoát lìa vật chất, thì làm sao ngộ nhập được tánh viên thông?

 

LỰA RA BẢY ĐẠI

 

Nếu quán tướng địa đại

Cứng, ngăn không thông suốt

Hữu vi, chẳng thánh tánh

Làm sao được viên thông ?
 

Nếu quán tướng thủy đại

Tưởng niệm chẳng chân thật

Như như, chẳng phải quán

Làm sao được viên thông ?

 

Nếu quán tướng hỏa đại

Chán tướng, chẳng thật lìa

Chẳng (phải) phương tiện sơ tâm

Làm sao được viên thông ?

 

Nếu quán tướng phong đại

Động, lặng là đối đãi

Đối, chẳng (phải) Vô thượng giác

Làm sao được viên thông ?

 

Để được viên thông thì phải đưa các tướng đất, nước, lửa, gió trở về bản tánh vốn viên thông của chúng. Nhưng đối tượng quán là các tướng hữu vi và sự quán tưởng y cứ trên ý thức cũng là một cái hữu vi khác, nên không được chọn làm viên thông số một.

Tuy nhiên tuy làm việc trên các thứ hữu vi nhưng không phải là không đưa đến kết quả cứu cánh. Như Kinh Viên Giác nói, ‘‘Tuy sự quán và đối tượng quán là như huyễn, nhưng ví như dùi lửa, hai thanh gỗ làm nhân cho nhau, khi lửa phát ra thì hai thanh gỗ cháy hết thành tro khói. Lấy huyễn tu huyễn cũng như vậy. Các huyễn tuy hết mà chẳng rơi vào đoạn diệt…. Các huyễn diệt nhưng cái chẳng phải huyễn chẳng diệt. Ví như lau gương, bụi dơ hết thì ánh sáng hiện, tướng dơ bẩn vĩnh viễn diệt thì (tánh Viên Giác) thanh tịnh khắp mười phương’’.

 

Nếu quán tướng không đại

Trơ trơ không tri giác

Không giác, khác Bồ đề

Làm sao được viên thông ?

 

Nếu quán tướng thức đại

Quán (và) thức chẳng thường trụ

Còn tâm là hư vọng

Làm sao được viên thông ?

 

Các hành đều vô thường

Niệm tưởng vốn sanh diệt

Nhân và quả khác nhau

Làm sao được viên thông ?

 

Quán không đại, thức đại và kiến đại của ba Đại Bồ tát Hư Không Tạng, Di Lặc và Đại Thế Chí không được chọn làm tối ưu đối với ‘‘chúng sanh ở cõi Ta Bà này’’.

Tuy nhiên tất cả hai mươi bốn pháp môn đều đưa đến Tam muội Kim Cương như huyễn, tức là Một Bảo Giác viên dung thanh tịnh, cũng tức là cội nguồn viên thông của tất cả pháp môn. Không có phương tiện nào mà không có cứu cánh nằm ngay dưới đó. Không có tướng nào mà không có chung nền tảng là tánh. Không có pháp môn nàomà không có Pháp hay Pháp thân nằm ngay dưới ấy. Không có Con đường nào mà có thể ra ngoài Nền tảng và không đi trên Nền tảng.

Thế nên, như ở trước Kinh nói, ‘‘tất cả là Như Lai tạng’’. Cho nên tất cả sắc thanh hương vị xúc pháp, mắt tai mũi lưỡi thân ý đều là phương tiện, đồng thời đều là cứu cánh, là Con đường đồng thời là Nền tảng và Quả.

Phật giáo trùm khắp là như vậy. Sử dụng màu sắc như y phục, màu trên các tượng Phật và Bồ tát; âm thanh, đủ loại chuông, mỏ, kèn trống, tiếng tụng kinh; các hương thơm, các biểu tượng, kinh điển, thuyết pháp…tất cả đều là phương tiện đồng thời là cứu cánh viên thông, tất cả là tướng khác biệt đồng thời là tánh viên tông chung nhất.

Các Kinh thường nói Trí Huệ và Đại Bi sanh ra phương tiện thiện xảo. Các Bồ tát có nhiều phương tiện thiện xảo. Cho đến Phật thì tất cả sanh tử này là phương tiện thiện xảo của Ngài.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan