PHẬT KHAI THỊ VỀ MẬT GIÁO - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

PHẬT KHAI THỊ VỀ MẬT GIÁO

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Thần chú, mantra, có nghĩa là “hộ trì tâm”, có công năng là Chỉ và Quán cùng lúc. Thần chú là ngữ giác ngộ (ngồi đài sen báu mà tuyên thuyết) của tâm giác ngộ (tâm Phật vô vi), mang theo năng lượng giác ngộ (từ đảnh phát ánh sáng, Phật đảnh quang minh), cho nên công năng diệt trừ tập khí là không thể nghĩ bàn.
PHẬT KHAI THỊ VỀ MẬT GIÁO - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

A Nan, ông hỏi về nhiếp tâm, ta đã nói, để vào tam ma địa tu học pháp môn diệu mầu, cầu đạo Bồ tát, trước hết phải giữ bốn thứ luật nghi này, trong trắng như băng tuyết, tự không thể sanh các thứ cành lá. Ba nghiệp của tâm ý, bốn nghiệp của miệng ắt không còn nhân để sanh ra.

A Nan, nếu chẳng sai lạc bốn luật nghi ấy thì tâm còn không duyên theo sắc, hương, vị, xúc thì tất cả ma sự làm sao phát sanh?

 

Giữ Bốn luật nghi trong trắng như băng tuyết, các thứ cành lá độc hại chẳng sanh, đó chẳng phải là tương ưng với tánh viên thông vô sanh ư? Chẳng sai lạc bốn luật nghi ấy thì tâm không duyên theo trần, ngay khi tất cả ma sự không phát sanh, đó chẳng phải là tâm tánh vô sanh ư?

Thành ra giữ giới là hộ trì tâm. Hộ trì cho đến khi bộ mặt thật của tâm ấy hiện tiền, rồi cứ theo tâm ấy mà gạn trừ tập khí che chướng cho đến khi thanh tịnh hoàn toàn.

 

Nếu có tập khí đời trước chẳng thể diệt trừ, ông dạy người ấy nhất tâm trì tụng thần chú vô thượng Phật đảnh Quang minh ‘Ma ha tát đát đa bát đát ra’ của ta. Đây là Tâm chú Như Lai vô kiến đảnh tướng, tâm Phật vô vi, từ đảnh phát sáng, ngồi đài sen báu mà tuyên thuyết.

 

Nói là các thứ cành lá chẳng sanh nhưng nhiều khi sanh ít ít mà chánh niệm tỉnh giác không đủ mạnh sáng để nhận ra. Hoặc là các tập khí còn ngủ ngầm trong a lại da thức, chưa có dịp sanh ra nhưng vẫn có đó, nhiều khi hiện ra một chút trong giấc ngủ.

Thế thì muốn nhổ gốc các thứ cành lá tập khí này, khi thiền định không đủ sâu để rọi hết a lại da thức, bấy giờ thần chú là hữu hiệu, vì thần chú đi vào đến tận vô thức hay a lại da thức.

Thần chú, mantra, có nghĩa là “hộ trì tâm”, có công năng là Chỉ và Quán cùng lúc. Thần chú là ngữ giác ngộ (ngồi đài sen báu mà tuyên thuyết) của tâm giác ngộ (tâm Phật vô vi), mang theo năng lượng giác ngộ (từ đảnh phát ánh sáng, Phật đảnh quang minh), cho nên công năng diệt trừ tập khí là không thể nghĩ bàn.

 

Vả lại, như ông đời trước cùng nàng Ma Đăng Già nhân duyên nhiều kiếp, tập khí ân ái chẳng phải một đời một kiếp, song ta một lần tuyên dương thần chú thì Ma Đăng Già vĩnh viễn thoát khỏi lòng yêu, thành A La Hán. Nàng kia là dâm nữ, không có tâm tu hành, chỉ nhờ thần lực của chú mà mau chứng Vô học, huống gì các ông những hàng Thanh Văn trong hội, cầu tối thượng thừa quyết định thành Phật, ví như tung bụi vào gió thuận nào có khó khăn gì.

 

Tập khí ân ái giữa ngài A Nan và Ma Đăng Già nhiều kiếp, nhờ năng lực của thần chú mà phiền não chướng nhiều đời tiêu tan, thành bậc Vô học.

Một trong những yếu tố khiến thần chú có năng lực mạnh là thần chú hoạt động trong cái nghe, mà như kinh đã nói ở trước, cái nghe là tối ưu trong việc đạt được viên thông. Thần chú phá tan những phiền não chướng ngại để đưa tâm hành giả đến viên thông. Thế nên kinh nói ở đoạn kế, “Trải qua một trăm ngày, những người có lợi căn không rời khỏi chỗ ngồi mà đắc quả Tu Đà Hoàn”.

Thần chú như sức mạnh của gió, tập khí trong tâm như bụi. Gió cuốn bụi đi mất, ‘‘ví như tung bụi vào gió thuận, nào có khó khăn gì’’.

 

Nếu có người tu hành trong đời mạt thế, muốn ngồi đạo tràng tu hành, trước cần giữ giới cấm thanh tịnh của Tỳ kheo. Cần phải chọn lựa vị sa môn giới hạnh trong sạch bậc nhất làm thầy. Nếu không gặp được vị tăng thật thanh tịnh thì giới luật nghi của người tu ắt chẳng thành tựu.

Sau khi giới luật thành tựu, mặc y áo mới sạch, đốt hương, ở một mình tụng thần chú nói ra từ tâm Phật này một trăm lẻ tám biến. Sau đó kiết giới, dựng lập đạo tràng, cầu chư Như Lai vô thượng mười phương hiện ở trong các cõi nước phóng quang đại bi đến rọi nơi đỉnh đầu.

A Nan, những hàng Tỳ kheo, tỳ kheo ni, hàng cư sĩ, thí chủ, tâm dứt tham dâm, giữ giới thanh tịnh của Phật, ở trong đạo tràng phát nguyện Bồ tát, khi ra vào, tắmrửa, sáu thời hành đạo, chẳng lo ngủ nghĩ, như thế trải qua hai mươi mốt ngày, ta tự hiện thân đến trước người ấy, xoa đỉnh an ủi, khiến họ khai ngộ.

 

Đạo tràng là nơi vượt khỏi phàm tình, tiếp xúc và nhập vào cảnh giới Trí Bi của Phật nên cần thật thanh tịnh, thiết lập theo đúng trình tự tịnh hóa.

Ở trong đó phát nguyện Bồ tát, sáu thời hành đạo, thân, ngữ, tâm chuyên nhất như thế trong hai mươi mốt ngày thì có thể cảm ứng đến Thân, Ngữ, Tâm của chư Phật mà được khai ngộ.

‘‘Phóng quang đại bi đến rọi nơi đỉnh đầu’’, ‘‘xoa đỉnh an ủi, khiến họ khai ngộ’’, đây là sự quán đảnh do trì chú trong đạo tràng.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan