SÁNG TỎ VIỆC LỚN - CHỈ QUẢN ĐẢ TỌA - THIỀN SƯ TAIZAN MAEZUMI

SÁNG TỎ VIỆC LỚN

CHỈ QUẢN ĐẢ TỌA - THIỀN SƯ TAIZAN MAEZUMI

Người dịch: Diệu Hạnh

---o0o---

Lúc còn ở Trung Quốc, một hôm nọ trong khi tôi đang xem cuốn Ngữ lục của các bậc Cổ đức, thì có một Phật tử thuần thành từ tỉnh Tứ Xuyên đến, hỏi tôi: “Thầy đọc Ngữ lục để làm gì?”
SÁNG TỎ VIỆC LỚN - CHỈ QUẢN ĐẢ TỌA - THIỀN SƯ TAIZAN MAEZUMI

SÁNG TỎ VIỆC LỚN

CHỈ QUẢN ĐẢ TỌA - THIỀN SƯ TAIZAN MAEZUMI

Người dịch: Diệu Hạnh

---o0o---

Lúc còn ở Trung Quốc, một hôm nọ trong khi tôi đang xem cuốn Ngữ lục của các bậc Cổ đức, thì có một Phật tử thuần thành từ tỉnh Tứ Xuyên đến, hỏi tôi: “Thầy đọc Ngữ lục để làm gì?” Tôi trả lời rằng: “Tôi muốn học cách tu của các bậc Cổ đức”. Anh ta hỏi: “Việc đó có lợi ích gì?” Tôi nói: “Sau này tôi muốn dạy lại cho người khác”. Anh ta lại hỏi: “Thôi được, thế việc đó cuối cùng có lợi ích gì?”

Sau đó, tôi đã suy nghĩ về lời nói của anh ta. Đi sâu vào Ngữ lục, Công án để biết sự tu tập của các bậc Cổ đức rồi giải thích cho những người mê muội nghe, đối với sự tu hành của chính tôi hay đối với việc dạy người thì rốt cuộc chẳng có tác dụng gì. Dù cho tôi dốt đặc cán mai, nhưng chỉ cần Chỉ quản đả tọa là tôi sẽ sáng tỏ Việc lớn sinh tử, và tôi vẫn có vô số phương pháp để có thể giáo hóa người khác. Người Phật tử ấy đã ép tôi vào tình thế như vậy, khiến cho tôi suy nghĩ thông suốt công dụng cứu cánh của việc nghiên cứu học tập Ngữ lục. Tôi cảm thấy lời của anh ta rất chí lý. Do đó, tôi liền ngưng ngay việc nghiên cứu Ngữ lục, Kinh điển, chuyển sang Chỉ quản đả tọa, và thậm chí cuối cùng có thể sáng tỏ Việc lớn sinh tử.

- Vĩnh Bình Đạo Nguyên, Chánh pháp nhãn tạng, thiên “Tùy văn ký”

Có một số người cho rằng tông Tào Động của chúng ta là chỉ biết ngồi thiền. Tôi cảm thấy mình thật may mắn là tôi cũng đã từng tham Công án. Điều mà thiền sư Đạo Nguyên nói trong đoạn văn trên đây thực ra không phải chỉ có ngồi thiền mà thôi. Ngồi thiền về phương diện thân thể và ngồi thiền của “Chỉ quản đả tọa” có gì khác nhau? “Chỉ quản” trong “Chỉ quản đả tọa” là chỉ thái độ “toàn tâm toàn ý”; chữ “đả” hàm ý nhấn mạnh. Nhưng chỉ toàn tâm toàn ý ngồi thiền thì vẫn chưa đủ. Điều mà thiền sư Đạo Nguyên đề cập hoàn toàn không phải đơn thuần chỉ là việc ngồi thiền trên bồ đoàn. Nếu bạn cho là như vậy, thì bạn đặt một cục đá hay một miếng gỗ trên bồ đoàn, bắt nó ngồi thiền và sẽ thấy nó ngồi còn hay hơn bạn. Nhưng xin hỏi đó có phải là sinh mệnh Khai ngộ không? Chúng ta không nên lừa dối chính mình.

Có người hỏi: “Khi Tọa thiền, tôi phải làm thế nào? Phải chăng tôi phải phát hiện những sự việc phát sinh xung quanh, và quan sát một cách tỉ mỉ?” Nếu vậy thì chúng ta hãy thảo luận một chút về hai chữ “chỉ quản” trong “Chỉ quản đả tọa.” Điều mà thiền sư Đạo Nguyên nhấn mạnh đó là chữ “chỉ” này. Thế nào là “chỉ”? “Chỉ” là “ngừng lại”. Hãy dừng lại! Đừng bắt tâm, ý, thức chạy bằng bằng phiêu lưu trong sự vật. Ý của “quản” là “nhìn”, “cảm nhận”, “phát giác”. “Chỉ” và “quản” xem chừng như mâu thuẫn, nhưng thực ra cả hai đều rất quan trọng, quí vị rõ chứ? Chỉ cần tâm, ý, thức không còn chạy phiêu bạt khắp nơi, thì bạn sẽ thấy rõ tất cả những sự việc phát sinh xung quanh, và sẽ biết chính mình nên làm gì và phải làm như thế nào?

Ở thiên “Biện đạo thoại” trong Chánh pháp nhãn tạng, thiền sư Đạo Nguyên có bàn về nội hàm của “Chỉ quản đả tọa”, và cũng bàn về chuyện làm sao sáng tỏ việc lớn này. Trong đoạn văn ngắn ấy, thiền sư Đạo Nguyên đã hai lần giảng về vấn đề “sáng tỏ việc lớn này”. Việc lớn này là việc lớn gì? Đây là một Công án. Kinh Pháp hoa cũng nói: “Chư Phật vì sao ra đời? Đó là vì việc lớn? quan trọng này”. (Nguyên văn: Chư Phật vì Đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời). Sự kiện việc lớn này chính là sinh mệnh bạn. Sinh mệnh có giả không? Sinh mệnh bạn là chính bạn thật sự. Chính bạn có giả không? Sinh mệnh bạn là giả tạo phải không? Không. Sinh mệnh bạn là chân thật phải không? Tại sao chân thật? Sáng tỏ sinh mệnh chính mình - đó là một việc lớn. Xét về phương diện nào đó thì sự việc này thật ra không liên quan gì với Tọa thiền cả. Nhưng cho đến nay, người ta đã chứng minh rõ ràng rằng Tọa thiền là phương pháp tuyệt vời nhất, hữu hiệu nhất của việc lớn này.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã bảo đảm với chúng ta rằng mỗi người đều có trí tuệ và đức tính của Như Lai. Ý này là gì? Đây đúng là việc lớn! Chắc chắn phải sáng tỏ việc lớn này, biết rằng đó là Chánh pháp nhãn tạng,

Niết-bàn diệu tâm. Chính bạn phải chứng minh trí tuệ và đức tính của bạn cùng với chư Phật là không hai. Hễ bạn Tọa thiền là đã trở thành Phật Tọa thiền. Như vậy là bạn đang “Chỉ quản đả toạ”. Ngoài việc này ra bạn còn bận rộn với việc gì nữa.

Thiền sư Đạo Nguyên nói: không cần thiết phải đọc Ngữ lục, không cần thiết phải đọc Kinh. Sự thực thì mọi việc tu hành đều không cần thiết. Ngài nói chỉ cần bạn “Chỉ quản đả tọa” là sáng tỏ ngay việc lớn này. Thiền sư Đạo Nguyên không hề bảo quí vị đừng đọc Kinh, bản thân Ngài đã đọc rất nhiều Kinh. Nghe nói Ngài đã đọc toàn bộ Tam tạng, mà còn đọc đến ba lần. Bất cứ ai đọc Kinh cũng đều có lợi. Song, có khi không đọc Kinh là việc sáng suốt. Đây mới là ý của thiền sư Đạo Nguyên.

Đôi khi bạn cảm thấy rằng mình là tín đồ Cơ Đốc giáo nên trở ngại việc tu hành, mình là người nữ, là người tại gia, già hay trẻ, thông minh hay đần độn đều làm trở ngại việc tu hành. Nếu quả thật bạn đang nghiên cứu văn học, thi ca hay Ngữ lục của các bậc Đại sư, thì có lẽ những việc đó đúng là chướng ngại. Nhưng nói cho cùng, bạn là người Do Thái, tín đồ Cơ Đốc giáo, người Châu  u, người Mỹ, người da vàng, người da trắng, thậm chí người da đen đều không quan hệ; đọc Kinh hay không đọc Kinh cũng không quan trọng. Đức Phật là người Ấn Độ, chính Ngài là người Ấn Độ mà thành Phật. Chư Phật muốn bạn thành Phật, dù bạn là tín đồ Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo hay Tin lành, dù bạn đọc Kinh hay không đọc Kinh. Vì thế, tại sao mọi người không làm được nhỉ?

Quí vị có thấy được vấn đề chưa? Bạn nói: “Tôi đang tu Chỉ quản đả tọa đấy!” thực ra là bạn không chỉ quản đả tọa. Bạn nói: “Tôi đang tham Công án đấy!” thực sự bạn không tham Công án. Chỉ cần bạn xem nó là khách thể, chỉ cần giữa bạn và “Chỉ quản đả tọa”, “Công án” có sự phân biệt là đã có trục trặc rồi. Đọc Kinh không phải là phương pháp giải quyết vấn đề. Không đọc Kinh cũng không phải là phương pháp giải quyết vấn đề. Điều này không liên quan gì với việc tham Công án hay không tham Công án, Chỉ quản đả tọa hay không chỉ quản đả tọa. Nếu bạn cho là có quan hệ thì bạn nên thực sự tham Công án thử xem, thực sự chỉ quản đả tọa thử xem. “Chỉ quản” là Công án, “đả tọa” là Công án điển hình. Công án và Chỉ quản đả tọa đều như nhau. Chúng ta đừng bị văn tự chữ nghĩa làm chướng ngại, phải rõ ràng chính xác nguyên nhân của việc lớn! Phải dung hợp hai pháp môn này lại! Chính vì vậy mà Đức Phật ra đời.

Sáng tỏ việc lớn còn quan trọng hơn cả việc đọc Ngữ lục, đọc Kinh. Công án là Ngữ lục của các thiền sư ngày xưa, những giải quyết Công án là phải làm cho sinh mệnh chúng ta mật khế, là phải “chỉ quản” sinh mệnh. Như vậy, sinh mệnh chúng ta đã thống nhất với ngôn hành của các bậc Cổ đức. Lời dạy của các bậc Cổ đức hiển bày trong đời sống chúng ta chính là sự thể chứng. Đó là nguyên nhân chúng ta nhất định phải dốc tâm hành trì Công án và Chỉ quản đả tọa. Thực hành ra sao, và thực hành nhiều hay ít đó là việc của bạn. Bạn tu hành thì sự thể chứng của bạn sẽ theo đó dần dần hiển bày ra. Đời sống của bạn không đâu khác, chính là “Đạo”.

“Thể chứng” hay “Khai ngộ” này không phải là cái gì đó từ bên ngoài thêm vào trong bạn, cũng không phải là cái gì đó nằm ngoài đời sống bạn, mà đó là chính sinh mệnh bạn. Đó là sinh mệnh đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là sinh mệnh các bậc Cổ đức, bao gồm cả thiền sư Đạo Nguyên. Thể chứng được điều này thì bạn có thể thấy mình và các bậc Cổ đức cùng nắm tay nhau tiến bước.

Hơn nữa, sinh mệnh các bạn, sinh mệnh tôi đều có thể biến thành sinh mệnh chư Phật, sinh mệnh các bậc Cổ đức. Đây là sự nối pháp (truyền thừa), là ý nghĩa của “Chỉ quản đả tọa” và “Công án”. Do đó, phải thể chứng điều này! Sinh mệnh bạn đã trở thành sự thật như thế. Đó là lời cam kết Khai ngộ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

---o0o---

Trích “Chỉ Quản Đả Tọa”

Tác giả: Thiền Sư Taizan Maezumi

Người dịch: Diệu Hạnh

NXB Hồng Đức, 2014

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan