SỰ CẮT ĐỨT ĐƠN NHẤT CỦA CÁI THẤY VÀ TU HÀNH THIỀN ĐỊNH - PADMASAMBHAVA - NHỮNG KHO TÀNG TỪ ĐỈNH CÂY TÙNG XÙ

Qua sự chứng ngộ này, mọi sự được kinh nghiệm là tâm. Vì tâm này là không hình tướng, người ta không nhìn những tư tưởng và khái niệm như là khuyết điểm, và người ta tu hành trong suốt chính những tư tưởng.
SỰ CẮT ĐỨT ĐƠN NHẤT CỦA CÁI THẤY VÀ TU HÀNH THIỀN ĐỊNH - PADMASAMBHAVA - NHỮNG KHO TÀNG TỪ ĐỈNH CÂY TÙNG XÙ

SỰ CẮT ĐỨT ĐƠN NHẤT CỦA CÁI THẤY VÀ TU HÀNH THIỀN ĐỊNH

PADMASAMBHAVA - NHỮNG KHO TÀNG TỪ ĐỈNH CÂY TÙNG XÙ

---oOo---

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Một người khả năng trung bình tu hành thiền định như thế nào?

Đạo sư trả lời: Đã quyết chắc rằng mọi sự là tự tâm mình, một người khả năng trung bình cần tập chú trên trạng thái không dứt của pháp tánh mà tư tưởng không thể nắm bắt, và tu hành trạng thái này. Nhờ làm thế, anh ấy hay chị ấy không cần tránh trau dồi hay suy nghĩ, bởi vì chứng ngộ đã được bảo đảm.

Nói cách khác, thấy mọi sự là tâm, không có bất cứ cái gì khác được thấy. Trong bất kỳ trạng thái nào của tâm, tâm được thấy – không có sự tách lìa. Pháp tánh được thấy dù khi thiền định có chủ tâm. Bởi vì biết rằng những chuyển động tư tưởng là bản tánh của tâm, bất kể pháp tánh xuất hiện trong hình thức một tư tưởng như thế nào, bản tánh của tâm là tự thể hiện rõ ràng. Ý niệm tin nó là một cái gì khác không hình thành. Bất kể tâm hiện hữu như thế nào và bất kể cái gì được thấy, bản tánh của nó là tự hiển hiện rõ ràng và không dứt. Nó hiển hiện rõ ràng dù khi không trau dồi, và nó được thấy rõ dù không tu hành nó.

Khi ở trong bản tánh này, bất kể những chi tiết của những đối tượng có thể xảy ra, sẽ không gây hại gì cũng không gây xao lãng. Sự tri giác những thuộc tính bởi chính chúng là sự hiển nhiên của bản tánh của tâm, bởi vì không có sự sanh khởi của một khuôn khổ khái niệm. Trong cách này, mọi hiện tượng đều phát hiện tâm, và không có sự lìa khỏi trạng thái không dứt này. Thế nên, thoát khỏi nỗ lực, người ta được giải thoát khi không tiến hành bất cứ hoạt động nào. Bất kể những đối tượng giác quan xuất hiện thế nào, chúng được thấy là tâm, và dù có khái niệm hay trạng thái tâm thức nào xảy ra, sự chứng ngộ của người ta không bao giờ lìa khỏi pháp tánh bất cứ lúc nào.

Trong cách này, khi tất cả hiện tượng được thấy là tâm và không có sự trượt vào một trạng thái khái niệm – đây là tỉnh thức rõ biết bổn nguyên hay là tánh giác bổn nguyên. Với thiền giả mà điều này là một hiện thực, mọi kinh nghiệm giác quan dù như thế nào đều được thấy là pháp tánh và mọi tri giác do đó là một hình thức tu hành. Từ đây mọi hiện tượng không là gì khác hơn tâm, và không có ý niệm nào khác sanh khởi. Khi chúng không sanh khởi, cả những đối tượng và những khái niệm là pháp tánh.

Qua sự chứng ngộ này, mọi sự được kinh nghiệm là tâm. Vì tâm này là không hình tướng, người ta không nhìn những tư tưởng và khái niệm như là khuyết điểm, và người ta tu hành trong suốt chính những tư tưởng. Như vậy, mỗi kinh nghiệm, bất cứ cái gì người ta đang làm hay cảm nhận, không gì khác hơn là tu hành hơn nữa. Điều này chỉ bày nguyên lý chính yếu là sự cắt đứt đơn nhất của cái thấy và tu hành thiền định.

---oOo---

Trích: “Những Kho Tàng Từ Đỉnh Cây Tùng Xù”

Những Giáo Huấn Cốt Lõi của PADMASAMBHAVA

Dịch: Erik Pema Kunsang và Marcia Binder Schmidt

Ban dịch thuật: Thiện Tri Thức

Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2017

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan