SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY - Chögyam Trungpa

SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY

Chögyam Trungpa

-----o0o-----

Đột phá đầu tiên này cho chúng ta thấy phẩm chất trẻ thơ của mình, nhưng bạn vẫn còn đôi chút lo âu về cách thức xử sự ở đời, dù không khiếp sợ về chuyện này. Chúng ta có cảm giác mình đang vươn bàn tay ra để lần đầu tiên thăm dò những vùng xa lạ. Sự trải nghiệm của chúng ta về tính nhị nguyên, về những gì mình tưởng là mình biết, các định kiến của chúng ta – tất cả...
SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY - Chögyam Trungpa

Chögyam Trungpa: Người sáng lập của Shambhala là Đức Chögyam Trungpa Rinpoche (1939-1987). Đức Trungpa Rinpoche là hậu duệ thứ 11 trong dòng Trungpa tulku (tái sinh), Ngài là Đạo sư quan trọng của dòng truyền thống Kagyu của Phật giáo Tây Tạng. Nổi tiếng với sự nhấn mạnh vào thực hành thiền định, dòng truyền thừa Kagyu là một trong bốn dòng truyền thừa chính của Phật giáo Tây Tạng. Ngoài việc là một Đạo sư quan trọng trong dòng truyền thừa Kagyu, Đức Chögyam Trungpa Rinpoche cũng đã được đào tạo trong truyền thống Nyingma, là dòng ra đời sớm nhất trong Phật giáo Tây Tạng, và ngoài ra Ngài còn là một Đạo sư Rimé hay là phong trào "bất bộ phái" trong Phật giáo Tây Tạng. Phong trào Rimé nghĩa là không có biên giới, trong tinh thần tôn trọng, hài hòa, và không chia rẽ bộ phái, khao khát mang lại lời dạy có giá trị của các trường khác nhau. Ngài là vị lama đầu tiên đưa Phật giáo Tây Tạng vào Bắc Mỹ.

Việc khám phá ra đạo và thái độ thích đáng với đạo có một tác động tinh thần. Đạo giúp chúng ta có thể kết nối với con người cơ bản, nguyên thủy và hồn nhiên.

Chúng ta chú trọng quá nhiều vào đau khổ và bối rối đến nỗi chúng ta quên mất sự hồn nhiên nguyên thủy. Con đường thông thường mà chúng ta đến với tôn giáo là tìm kiếm một trải nghiệm nào nó có thể giúp ta tìm lại được tuổi trưởng thành của mình chứ không phải là trở về với cái hồn nhiên của tuổi thơ. Chúng ta bị cuốn hút vào việc tìm cách để trở nên hoàn toàn trưởng thành, khả kính hoặc là vững vàng về mặt tâm lý.

Điều này có vẻ ứng hợp với ý nghĩa của chúng ta về sự giác ngộ. Chúng ta cho rằng một người giác ngộ phải ít nhiều là một người lớn tuổi khôn ngoan: hoàn toàn không phải là một vị thầy cao tuổi, mà có thể là một người cha có thể cho ta những lời khuyên xác đáng về cách giải quyết các rắc rối trong cuộc đời, hoặc một bà ngoại thành thạo các công thức nấu ăn và các bài thuốc. Đây có vẻ là ý tưởng kỳ lạ thường gặp trong nền văn hóa của chúng ta về những con người giác ngộ. Họ phải là những người già cả, khôn ngoan, từng trải và vững vàng.

Tantra có một khái niệm khác về giác ngộ, khái niệm này gắn với tuổi trẻ và sự hồn nhiên. Ta có thể thấy mô thức này trong câu chuyện về cuộc đời của Liên Hoa Sinh, trong đó trạng thái tỉnh táo của tâm thức không được mô tả dưới dạng một người cao tuổi hay trưởng thành mà là một người trẻ trung, phóng khoáng. Tuổi trẻ và sự tự do trong trường hợp này có liên quan với sự xuất hiện trạng thái thức tỉnh của tâm thức. Trạng thái thức tỉnh này giống như một buổi ban mai, một buổi bình minh – tươi mới và lấp lánh, hoàn toàn thức tỉnh. Đây là bản chất sự ra đời của Liên Hoa Sinh.

Sau khi đã gắn bó với đạo và có một thái độ thích hợp với đạo, chúng ta thình lình khám phá ra rằng có một điều tốt đẹp ở đây. Đạo có sự tươi mới của nó, trái ngược hẳn với sự đơn điệu của việc trải qua một chương trình tu tập phiền toái. Người ta có những phát hiện mới. Ở đây là sự ra đời của Liên Hoa Sinh.

Liên Hoa Sinh được sinh ra trong một đóa hoa sen ở hồ nước miền Uddiyana, Ấn Độ. Ngài có sự tò mò, lanh lợi và hồn nhiên trong trắng. Vì chưa từng bị tập nhiễm bởi bất cứ điều gì nên Ngài không ngại tiếp xúc với bất cứ thứ gì. Đây là hồ Dhanakosha ở Uddiyana trong vùng Himalaya. Quang cảnh nơi đây cũng tương tự như ở Kashmir với không khí thật trong lành và những ngọn núi tuyết phủ vây quanh. Nơi đây có một cảm giác vừa tươi mới vừa hoang dã.

Chuyện một đứa bé được sinh ra tại một nơi hoang vắng giữa một cái hồ và trên một đóa hoa sen là vượt quá trí tưởng tượng của mọi người. Bởi trẻ con không thể sinh ra từ một đóa hoa sen. Lý do khác nữa là một vùng núi non hoang dã như thế quá khắc nghiệt cho sự ra đời của một đứa bé, nhất là một đứa bé lành mạnh. Một chuyện như thế không thể nào có được. Nhưng rồi, những chuyện không thể có được đã xảy ra, những chuyện vượt ra ngoài trí tưởng tượng của chúng ta. Trên thực tế, nhiều chuyện không thể xảy ra được đã xảy ra trước khi chúng là ta tưởng tượng tới, cho nên chúng ta gọi chúng là không thể tưởng tượng – thậm chí “chưa từng thấy” hoặc “viễn vông”.

Liên Hoa Sinh được sinh ra trên một đóa hoa sen trong chiếc hồ ấy. Đó là một cậu bé khôi ngô và tuấn tú, không e ngại tiếp xúc với bất cứ thứ gì. Quả là bối rối khi ở bên cạnh cậu bé kỳ lạ này.

Trạng thái thức tỉnh của tâm thức có thể có ở một đứa trẻ cũng như ở một người lớn, theo cách chúng ta thường hình dung khi đã trưởng thành. Cuộc sống xô đẩy chúng ta, gây bối rối cho chúng ta, có người có thể xoay xở để vượt qua dòng xoáy của cuộc đời và tìm ra câu trả lời; có người đã hành động rất cam go và cuối cùng đạt được sự an bình của tâm thức. Đó là cách suy nghĩ thông thường, nhưng đây không phải là điều xảy ra với Liên Hoa Sinh. Ngài không có sự trải nghiệm nào cả. Cuộc đời không xô đẩy ông chút nào. Ngài chỉ được sinh ra từ một đóa hoa sen giữa một hồ nước tại một nơi nào đó của Himalaya. Đây là một thông điệp đầy hứng khởi. Người ta có thể giác ngộ khi còn ấu thơ. Điều đó phù hợp với thực tế: nếu chúng ta giác ngộ thì chúng ta trở lại là một đứa trẻ thơ. Vào giai đoạn đầu của cuộc sống, chúng ta chỉ là một đứa trẻ. Chúng ta hồn nhiên, vì chúng ta quay trở về với trạng thái nguyên thủy của con người.

Liên Hoa Sinh đã được dời đến cung điện của hoàng đế Indrabhuti. Nhà vua bảo những người làm vườn của mình đi hái hoa tươi – hoa sen và các hoa rừng khác – trong vùng hồ. Một người trong số họ ngạc nhiên khám phá ra một hoa sen lớn, với một đứa bé ngồi trên đó một cách vui vẻ. Anh ta không dám chạm vào đứa bé vì nghĩ có điều huyền bí ở đây. Anh ta trình báo lại với nhà vua, nhà vua bảo anh ta mang đứa bé và cả đóa hoa về. Liên Hoa Sinh được phong làm thái tử của Uddiyana. Cậu được đặt tên là Pama Raja, hay Pema Gyalpo, tiếng Tây Tạng có nghĩa là “Vua Hoa Sen”.

Chúng ta có thể tìm thấy sự hồn nhiên và vẻ đẹp trẻ thơ, phẩm chất cao quý nơi mình. Sau khi phát hiện ra tất cả những bối rối và bấn loạn của mình, chúng ta bắt đầu chúng ta tìm thấy phẩm chất con trẻ hồn nhiên nơi mình. Điều này tất nhiên là khác xa với kiểu suy nghĩ thông thường. Và nó cũng không có nghĩa là chúng ta bị hạ thấp xuống tầm mức bé dại. Mà đúng hơn, chúng ta phát hiện ra phẩm chất con trẻ trong chúng ta. Chúng ta trở thành tươi mới, tò mò, rạng rỡ; chúng ta muốn biết nhiều hơn về thế giới, nhiều hơn về cuộc sống. Tất cả những định kiến đều bị gạt bỏ. Chúng ta bắt đầu nhận ra chính mình – như được sinh ra lần thứ hai vậy. Chúng ta khám phá ra sự hồn nhiên, phẩm chất nguyên thủy và sự trẻ trung trường cửu của mình.

Đột phá đầu tiên này cho chúng ta thấy phẩm chất trẻ thơ của mình, nhưng bạn vẫn còn đôi chút lo âu về cách thức xử sự ở đời, dù không khiếp sợ về chuyện này. Chúng ta có cảm giác mình đang vươn bàn tay ra để lần đầu tiên thăm dò những vùng xa lạ. Sự trải nghiệm của chúng ta về tính nhị nguyên, về những gì mình tưởng là mình biết, các định kiến của chúng ta – tất cả đều trở nên sai lầm và tan rã. Giờ đây, lần đầu tiên chúng ta nhận thức được giá trị thật sự của đạo. Chúng ta từ bỏ những sự dè dặt của cái ngã hoặc ít nhất cũng nhận thức được chúng.

Càng nhận thức được cái ngã và sự hỗn loạn của cái ngã, chúng ta càng đến gần hơn với tâm trạng trẻ con khi không biết phải xử sự bước tiếp theo trong cuộc đời mình như thế nào. Người ta thường hỏi: “Giả thử như tôi tu thiền, thì rồi tôi sẽ làm gì? Nếu tôi đạt tới trạng thái an tịnh của tâm thức, thì tôi làm sao xử sự với những kẻ thù và những kẻ tài giỏi hơn mình?” Thực vậy chúng ta có những câu hỏi rất trẻ con. “Nếu xảy ra chuyện này chuyện nọ trong khi tôi tiến bước trên đường tu hành, thì rồi tiếp theo sẽ là chuyện gì?” Thật là trẻ con, thật là non nớt; đó là một khám phá mới của nhận thức, một khám phá mới về ý nghĩa sự việc đúng như thực trạng của chúng.

Thế nên Liên Hoa Sinh sống trong hoàng cung; Ngài được cung phụng và hưởng nhiều thú vui. Tới một thời điểm nào đó, ông được yêu cầu phải kết hôn. Do sự hồn nhiên, ông rất dè dặt đối với việc này nhưng cuối cùng rồi cũng phải đi tới. Thái tử trẻ đã trưởng thành. Ông khảo sát đời sống tình dục, hôn nhân và sống với một người vợ. Dần dần ông nhận thấy rằng thế giới xung quanh mình không có gì là thanh cao. Không hề thanh cao như những cánh hoa sen. Nhưng thế giới cũng thật hào hứng, thật vui vẻ. Giống như là lần đầu tiên được trao cho một món đồ chơi to lớn mà người ta có thể mở ốc, tháo rời ra, rồi lắp vào trở lại.

Đây là một câu chuyện gây nhiều xúc động về một cuộc hành trình ra ngoài lần đầu tiên. Khởi đầu từ sự hồn nhiên nguyên thủy của cấp độ pháp thân, tức là giai đoạn thuần túy của Phật tính, chúng ta cần phải xuất đầu lộ diện và đi ra ngoài. Chúng ta phải giao tiếp với cuộc đời ở cấp độ báo thân và ứng thân.

Liên Hoa Sinh khi còn trẻ thơ đã bộc lộ tình trạng không nhị nguyên như thế; ở đây không có “cái này”, “cái kia”. Ngoài ra còn có một cảm giác tươi mới, bởi vì đây là một trạng thái tổng thể, đều khắp, không có điểm qui chiếu. Không có điểm qui chiếu, cho nên không bị hoen ố bởi các khái niệm hoặc ý tưởng. Đây là điều tối thượng.

Từ đấy, Liên Hoa Sinh còn bắt đầu thử nghiệm với sức mạnh của mình, và thấy có thể dùng sức mạnh của mình, và thấy rằng có thể dùng sức mạnh của mình để ném đồ vật và các đồ vật bị vỡ ra. Sau đó Ngài đẩy việc này lên tới cực điểm, biết rằng mình có tiềm năng về một trí huệ điên. Ngài cầm hai quyền trượng – một kim cương chử và một đinh ba – mà múa nhảy trên mái nhà cung điện. Ngài đánh rơi kim cương chử và đinh ba, các thứ này rớt trúng hai mẹ con đang đi bộ phía dưới, giết chết cả hai. Ngẫu nhiên đây lại là vợ và con của một đại thần. Cây kim cương chử giáng vào đầu đứa bé, còn cây đinh ba đâm vào ngực mẹ nó.

Sự cố gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Triều thần quyết định dùng ảnh hưởng của họ đối với nhà vua để đòi trục xuất Liên Hoa Sinh ra khỏi vương quốc. Liên Hoa Sinh đã phạm tội do niềm vui hoang dại của việc khám phá các pháp, vốn còn ở cấp độ báo thân – lĩnh vực của sự trải nghiệm các sự việc cùng những phẩm chất tinh tế của chúng, đồng thời cũng khảo sát cả việc tử, sinh. Thế là nhà vua lưu đày Liên Hoa Sinh. Đây là điều đáng buồn đối với nhà vua, nhưng cuộc chơi của thế giới hiện tượng là phải có luật pháp. Thế giới hiện tượng là một cơ cấu rất căn bản. Hoạt động của thế giới hiện tượng luôn chứa đựng chuỗi nhân quả.

Như vậy không có nghĩa là Liên Hoa Sinh phải chịu nghiệp báo. Mà đúng hơn, Ngài đang thăm dò quy luật của nghiệp – những tương tác của nghiệp với thế giới bên ngoài, thế giới hỗn độn. Chính cái thế giới hồn độn đã rèn đúc Ngài thành một đạo sư, không phải Ngài tự xưng “Ta là một đạo sư” hoặc “Ta là người cứu độ thế gian”. Ngài không bao giờ tự xưng như thế. Nhưng cuộc đời bắt đầu rèn đúc Liên Hoa Sinh thành hình dạng một đạo sư hoặc một đấng cứu độ. Và một trong những biểu hiện khiến tiến trình có thể diễn ra, là sự kiện Ngài đã thực hiện một hành động hung bạo và do đó phải bị trục xuất khỏi vương quốc của hoàng đế Indrabhuti và phải đi đến rừng xác chết là Silwa Tsal, được cho là một nơi nào đó trong vùng Bodhgaya ở miền nam Ấn Độ.

Tính chất trẻ thơ ưa thám hiểm phát triển bên trong chúng ta khi ta bắt đầu hoạt động trên con đường tâm linh đòi hỏi sự tiếp xúc với những hiểm nguy cũng như các niềm vui. Tính cách trẻ con tự động hướng về thế giới bên ngoài, sau khi đã nhận ra rằng cái trạng thái tâm thức giác ngộ đột ngột, tức thời không phải là sự kết thúc mà là sự bắt đầu của cuộc hành trình. Sự thức tỉnh đột ngột diễn ra, rồi chúng ta trở thành một đứa trẻ. Sau đó, chúng ta khảo sát cách ứng xử với các hiện tượng, đồng thời là cách tương tác với những con người bối rối. Ứng xử với những người lúng túng sẽ đưa chúng ta vào các nền nếp phù hợp với những giáo lý mà những người lúng túng cần đến, và những tình huống để quan hệ với họ.

-----o0o-----

Trích: Trí Huệ Điên

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan