SỰ QUÁN THẤY VÀ CUNG CÁCH HÀNH XỬ

SỰ QUÁN THẤY VÀ CUNG CÁCH HÀNH XỬ

Ý NGHĨA SỰ SỐNG  LUÂN HỒI VÀ SỰ GIẢI THOÁT – ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA THỨ 14

–––––o0o–––––

Ở một cấp bậc thứ hai tinh tế hơn, thì các mối dây tương liên ấy liên quan đến tất cả mọi vật thể: bất cứ một hiện tượng nào cũng đều phải được tạo dựng dựa vào một cơ sở gồm nhiều thành phần kết hợp với nhau, và chính nó sẽ phải lệ thuộc vào cơ sở kết hợp ấy của nó (tất cả mọi hiện tượng dù là hữu hình - tức vật chất - hay vô hình - chẳng hạn tư duy, xúc...
SỰ QUÁN THẤY VÀ CUNG CÁCH HÀNH XỬ

SỰ QUÁN THẤY VÀ CUNG CÁCH HÀNH XỬ

Ý NGHĨA SỰ SỐNG  LUÂN HỒI VÀ SỰ GIẢI THOÁT – ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA THỨ 14

–––––o0o–––––

Thiền định thật cần thiết nhằm giúp phát huy các phẩm tính tinh thần. Tâm thức nhất định là có thể biến cải được, và phép thiền định là một phương tiện giúp thực hiện việc ấy. Thiền định là một phương cách vận hành của tâm thức giúp tâm thức quen dần và gần gũi hơn với một đối tượng hay một ý nghĩa nào đó. Trên nguyên tắc thì đấy là một cách tập cho quen dần với đối tượng mà mình suy tư.

Có hai phép thiền định: thiền định phân tích và thiền định chú tâm. Phép thứ nhất là phân tích một đối tượng, phép thứ hai là giữ cho tâm thức thăng bằng (không xao động) hướng vào đối tượng ấy. Mỗi phép thiền định đều có hai phương pháp:

1. Phương pháp thứ nhất là chọn một đối tượng hành thiền, chẳng hạn như vô thường, và xem đấy như là một đối tượng của tâm thức để suy tư và khảo sát sâu sắc hơn.

2. Phương pháp thứ hai là phát huy một thái độ tâm thần nào đó, thí dụ như tình thương, và trong trường hợp này thì tâm thức sẽ trở thành chính bản chất của đối tượng mà nó suy tư.

Nếu muốn hiểu được thiền định là để làm gì thì nhất thiết phải hiểu được các phép luyện tập về sự Quán thấy và Cung cách hành xử mang ý nghĩa như thế nào. Thật ra cung cách hành xử tương đối quan trọng hơn, vì đấy là yếu tố liên quan đến hạnh phúc của mình và cả kẻ khác trong tương lai. Thế nhưng nếu muốn tạo ra một cung cách hành xử tinh khiết và hoàn hảo, thì nhất thiết phải đạt được một sự quán thấy đúng đắn (quán thấy đúng đắn hay "chánh kiến" - tức là "sự hiểu biết đúng" - là điều thứ nhất trong số Tám Điều Đúng Đắn còn gọi là Bát Chánh Đạo).

Thái độ (cung cách hành xử) nhất thiết phải được dựa vào lý trí, chính vì thế nên thật hết sức quan trọng là phải đạt được một tầm nhìn đúng đắn thuộc lãnh vực triết học (tức là "quan điểm đúng" còn gọi là "chánh tư duy", điều thứ hai trong Bát Chánh Đạo).

Chủ đích tối hậu trong việc tu tập Phật Giáo về cung cách cách hành xử là gì? Đấy là cách phải chủ động được dòng luân lưu của tâm thức mình - tức giúp mình trở thành một con người bất-bạo-động một cách đích thật. Trên bình diện thật bao quát thì có thể cho rằng Phật Giáo gồm có hai thừa (tiếng Phạn và tiếng Pa-li là yana, có nghĩa là cỗ xe) biểu trưng cho hai đường hướng tu tập là: Đại Thừa (Cỗ xe lớn) và Tiểu Thừa (Cỗ xe nhỏ). Đại Thừa chủ trương phải phát động lòng từ bi nhằm giúp đỡ tất cả chúng sinh, và Tiểu Thừa thì chủ trương không được phép làm thương tổn đến bất cứ một chúng sinh nào.

Trên thực tế cả hai thái độ hành xử này đều phát sinh từ một cội nguồn chung là lòng từ bi, tỏa ra từ căn bản Giáo Huấn Phật Giáo. Thật vậy nền giáo huấn tuyệt vời của Đức Phật bắt nguồn từ lòng từ bi và Đức Phật, người đích thân đứng ra giảng dạy về chính giáo huấn ấy, cũng cho biết rằng mình đã được sinh ra từ lòng từ bi. Lòng từ bi bao la luôn là phẩm tính cao quý nhất của một vị Phật, nói lên lòng kiên quyết che chở và trợ giúp kẻ khác. Điều này cho thấy là tại sao chúng ta phải nên quy y (có nghĩa là nương tựa) nơi Phật.

Tăng Đoàn (Sangha) - nghĩa từ chương là một "tập thể đạo hạnh" - gồm những người tu tập theo giáo lý trên đây, tức có nghĩa là phải tỏ ra như thế nào để kẻ khác nhận thấy mình xứng đáng là một nơinương tựa cho họ. Những người trong tăng đoàn có bốn phẩm tính chủ yếu như sau:

1: Dù có ai gây ra điều sai trái cho mình thì mình cũng không đáp lại bằng bạo lực.

2: Dù có ai nổi giận với mình thì mình cũng không đáp lại bằng sự nóng giận.

3: Dù có ai nguyền rủa mình thì mình cũng không đáp lại bằng những lời nguyền rủa.

4: Nếu có ai buộc tội mình thì mình cũng không buộc tội lại người ấy (là cáo gian cho mình).

Sở dĩ các nam và nữ tu sĩ đã tạo được cho mình cung cách hành xử thật khác thường đó, ấy là nhờ vào lòng từ bi của họ. Cũng như thế mà đức tính chủ yếu nhất của tập thể những người tu hành (Sangha/Tăng Đoàn) phải là lòng từ bi. Tóm lại là ba nơi nương tựa của người Phật tử (Phật, Pháp, Tăng) tất cả đều nhất loạt được xây dựng trên lòng từ bi.

Tất cả các tôn giáo đều có cùng một mối quan tâm như nhau, ấy là phải giúp người tu tập biết hướng vào lòng từ bi. Cung cách hành xử phi-bạo-lực mang lại từ lòng từ bi, chẳng những không thể thiếu sót trong sự sinh hoạt hàng ngày của mỗi người trong chúng ta, mà còn là những gì thật hết sức thiết yếu trong các mối bang giao giữa các quốc gia trên toàn thế giới.

Hiện tượng tương liên (interdependence/lý duyên khởi) là một khái niệm triết học thật căn bản trong giáo lý Phật Giáo. Dù rằng cách định nghĩa có đôi chút khác biệt giữa các học phái thế nhưng tất cả đều công nhận tầm quan trọng của khái niệm này. Thuật ngữ tiếng Phạn dùng để chỉ định "hiện tượng tương liên" trên đây là pratityasamutpada. Chữ pratitya gồm có ba nghĩa khác nhau: gặp gỡ, dựa vào, lệ thuộc vào, thế nhưng trên nguyên tắc thì cả ba đều mang chung một ý nghĩa là sự lệ thuộc. Chữ samutpada thì có nghĩa là sự tạo tác (hình thành, phát sinh, sinh khởi...). Do đó từ ghép pratityasamutpada có nghĩa là những gì được tạo tác bằng cách lệ thuộc vào một số điều kiện, nói cách khác là dựa vào và nhờ vào sức mạnh của một số điều kiện cần thiết nào đó. Trên một bình diện thật tinh tế, thì hiện tượng tương liên sở dĩ được nêu lên là nhằm để chứng minh sự vắng mặt của sự hiện hữu nội tại nơi mọi hiện tượng (mọi hiện tượng sở dĩ hiện hữu - tức là được hình thành hay tạo tác - là nhờ vào sự tương liên và tương kết với các hiện tượng khác và lệ thuộc vào một số các điều kiện - tức cơ duyên - nào đó. Các hiện tượng không thể tự nó hiện hữu một cách độc lập, tự tại hay nội tại được mà phải luôn lệ thuộc vào sự hiện hữu của các hiện tượng khác. Nên hiểu "hiện tượng" ở đây bao gồm cả các hiện tượng phi vật chất hiện ra hoặc bên trong tâm thức của một cá thể chẳng hạn như: các khái niệm, tư duy, ảo giác, xúc cảm, sự hiểu biết..., hoặc bên ngoài tâm thức của con người như: không gian, thời gian... Tóm lại sự kiện tương liên, tương kết và tương tạo giữa mọi hiện tượng - pratityasamutpada - là một quy luật toàn cầu chi phối sự vận hành của toàn thể vũ trụ. Nếu rơi ra bên ngoài quy luật này thì sẽ không có một hiện tượng nào có thể hiện hữu được, và đấy gọi là sự "vắng mặt" hay "tánh không" về "bản chất nội tại" hay "tự tại" của các hiện tượng. Do đó đôi khi cũng cần nhìn lại sự hiện hữu của chúng ta để hiểu rằng sự hiện hữu đó cũng chỉ là kết quả mang lại từ sự tương kết của thật nhiều nguyên nhân và điều kiện dưới sự chi phối của quy luật tương liên và tương tạo trên đây. Sự hiện hữu mang tính cách cấu hợp đó phản ảnh sự trói buộc của chúng ta trong thế giới hiện tượng).

Nhằm giúp suy tư về ý nghĩa tại sao mọi sự vật - tức là mọi hiện tượng - lại không hàm chứa sự hiện hữu tự tại vì lý do chúng là những sản phẩm được tạo tác bởi hiện tượng tương liên, thì nhất thiết trước hết phải quán thấy được một cách thật minh bạch là các đối tượng ấy chính là nguyên nhân mang lại hạnh phúc hay khổ đau, thích thú hay bất toại nguyện, v.v... cho chính mình (các sự vật hình thành bởi sự tạo tác tương liên đều không thật - vắng mặt của sự hiện hữu nội tại - do đó nếu bám víu vào chúng tất sẽ mang lại khổ đau cho mình, trái lại nếu nhận thấy được bản chất ảo giác của chúng thì đấy là sự giác ngộ). Nếu không nắm vững được quy luật nhân quả - tức quy luật nguyên-nhân-hậu-quả, thì quả thật hết sức khó để có thể ý thức được là mọi hiện tượng đều không hàm chứa sự hiện hữu nội tại vì lý do chúng chỉ là sản phẩm của sự tạo tác tương liên. Cũng chính vì thế mà Đức Phật đã thuyết giảng rằng quy luật tương liên (interdependence / pratityasamutpada / lý duyên khởi) luôn vận hành chung với quy luật nhân quả trong quá trình tạo ra chu kỳ luân hồi, là nhằm giúp chúng ta quán triệt sâu xa hơn nữa về quy luật nguyên nhân hậu quả (xin mạn phép giải thích thêm như sau: quy luật tương liên, tương tác và tương tạo – interdependence / pratityasamutpada - là một quy luật toàn cầu chi phối tất cả mọi hiện tượng vô hình và hữu hình, kể cả không gian và thời gian, có nghĩa là có thể xuyên qua các giới hạn của một kiếp sống. Trong số trùng trùng điệp điệp các hiện tượng nối kết đó, Đức Phật chọn ra mười hai hiện tượng trói buộc con người trong "cõi luân hồi" tức là trong cái thế giới hiện tượng này. Mười hai hiện tượng nối kết ấy được gọi là "mười hai mối dây trói buộc của sự tạo tác do điều kiện mà có" (douze liens de la co-production conditionnée / twelve links of conditioned co-production, tiếng Phạn gọi là dvadasanga pratitysamutpada hay dvadasa nidana, xin nhắc lại: kinh sách gốc Hán ngữ gọi là thập nhị nhân duyên).

Quy luật tương liên ở một cấp bậc nào đó cho thấy một sự tương quan với quy luật nhân quả (hiện tượng này liên kết với hiện tượng kia và tạo ra một hiện tượng khác, nguyên nhân này mượn một cơ duyên kia để đưa đến một kết quả và một nguyên nhân khác), sự kiện này được nêu lên trong giáo huấn của Đức Phật về mười hai mối dây tương liên (còn gọi là thập nhị nhân duyên) đưa đến các kiếp sống khác nhau trong chu kỳ hiện hữu. Mười hai mối dây tương liên là: vô minh tiên khởi (1), sự tạo nghiệp (2) tri thức (3) "danh xưng" và "hình tướng" (4) các cơ sở của sự hiểu biết (các cơ quan giác cảm) (5) sự tiếp xúc (6) giác cảm (7) sự thèm khát (dục vọng) (8) sự chiếm giữ (bám víu) (9) sự hình thành (nghiệp và sự chín muồi của nghiệp) (10) sự sinh (11) "sự già nua và cái chết" (12) (kinh sách gốc Hán ngữ gọi mười hai mối dây này là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục căn, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử).

Ở một cấp bậc thứ hai tinh tế hơn, thì các mối dây tương liên ấy liên quan đến tất cả mọi vật thể: bất cứ một hiện tượng nào cũng đều phải được tạo dựng dựa vào một cơ sở gồm nhiều thành phần kết hợp với nhau, và chính nó sẽ phải lệ thuộc vào cơ sở kết hợp ấy của nó (tất cả mọi hiện tượng dù là hữu hình - tức vật chất - hay vô hình - chẳng hạn tư duy, xúc cảm, không gian, thời gian - đều mang tính cách cấu hợp). Do đó bất cứ một hiện tượng nào cũng sẽ gồm có nhiều thành phần cấu tạo ra nó, và chính nó cũng sẽ phải lệ thuộc vào các thành phần ấy của nó (trên, dưới, đông, tây, nam, bắc là các thành phần của không gian và không gian sẽ phải lệ thuộc vào các thành phấn ấy của chính nó; trước sau, quá khứ, hiện tại, tương lai hay là các "đơn vị thời gian" là các thành phần cấu tạo của thời gian và thời gian sẽ phải lệ thuộc vào các thành phần ấy của nó).

Sau cùng, ở cấp bậc thứ ba và cũng là cấp bậc sâu xa hơn hết, thì mọi hiện tượng chỉ đơn giản là các thuật ngữ (danh xưng) và khái niệm liên quan đến cơ sở chỉ định của chúng mà thôi. Nếu muốn tìm kiếm một vật thể căn cứ trên cơ sở chỉ định nó thì người ta sẽ không tìm thấy một thứ gì thật sự là vật thể đã được chỉ định: bởi vì mọi hiện tượng chỉ là sản phẩm được tạo tác bởi hiện tượng tương liên, và nếu căn cứ theo cách suy diễn đó thì chúng chỉ được xác nhận qua sự lệ thuộc vào các cơ sở dùng để quy định chúng (thí dụ "cái bàn" cũng chỉ là một "danh xưng" dùng để chỉ định một vật thể gồm có một mặt phẳng và bốn chân, nếu tháo bốn chân ra thì sẽ không còn cái bàn nào nữa cả. Trong thuật ngữ "cái bàn" không có gì là "thật" cả, đấy chỉ là một khái niệm mang tính cách quy ước do tâm thức con người tạo dựng ra để "hiểu ngầm" với nhau: "đấy là cái bàn").

Cấp bậc thứ nhất của quy luật tương liên (interdependence) là nhằm chỉ định sự tạo tác của các hiện tượng cấu hợp bởi quy luật nguyên nhân và điều kiện (dependent origination / conditioned co-production / kinh sách gốc Hán ngữ gọi là thuyết Nhân Duyên Sinh hay Lý Duyên Khởi / có nghĩa là một hiện tượng chỉ có thể phát sinh nhờ vào nhiều nguyên nhân và điều kiện), do đó nó chỉ có thể được sử dụng để chỉ định các hiện tượng được tạo dựng ra, tức là mang tính cách vô thường. Hai cấp bậc khác(thứ hai và thứ ba) của quy luật tương liên được sử dụng để chỉ định cả hai thể loại hiện tượng làtrường tồn và vô thường.

Đức Phật thuyết giảng về mười hai mối dây tương liên (thập nhị nhân duyên) là nhằm mở ra một tầm nhìn thật bao quát đưa đến một lãnh vực ứng dụng thật rộng rãi. Ngài trình bày mười hai mối dây rất chi tiết trong bộ kinh Salistambasutra (Đạo Can Kinh / Kinh về cọng lúa - một bộ kinh Đại Thừa bằng Phạn ngữ rất xưa nay đã thất truyền, chỉ còn lại khá nhiều các bản dịch khác nhau bằng tiếng Hán và tiếng Tây Tạng, và một số các câu trích dẫn bằng tiếng Phạn được tìm thấy trong các tập sách bình giải xưa. Kinh này hàm chứa các quan điểm của cả Đại Thừa và Phật Giáo Theravada, do đó có thể xem như liên quan đến cả sự hình thành của Đại Thừa Phật Giáo. Nhiều học giả Tây Phương cho rằng đây là một bằng chứng cho thấy giữa Đại Thừa và Phật Giáo Theravada không có một sự ly giáo (schism) nào cả mà chỉ là một sự tách rời dần dần). Tương tự như nhiều kinh sách khác (của Đại Thừa) kinh này được trình bày theo cách hỏi đáp. Trong kinh này Đức Phật nêu lên hiện tượng tương liên qua ba thể dạng khác nhau:

1. Vì nguyên nhân sự hiện hữu của cái này hiện ra, cái kia sinh ra.

2. Vì nguyên nhân sự tạo tác của cái này, cái kia phát sinh.

3. Do đó mọi sự sẽ diễn tiến như sau: vì nguyên nhân vô minh tiên

khởi được tạo tác (1) nên sự tạo nghiệp phát sinh (2); vì nguyên nhân sự tạo nghiệp được tạo tác nên tri thức (consciousness) phát sinh(3); vì nguyên nhân tri thức được tạo tác nên danh xưng và hình tướng phát sinh (4); vì nguyên nhân danh xưng và hình tướng được tạo tác nên các cơ sở của sự hiểu biết phát sinh (5); vì nguyên nhân các cơ sở của sự hiểu biết được tạo tác nên sự tiếp xúc phát sinh (6); vì nguyên nhân sự tiếp xúc được tạo tác nên giác cảm phát sinh (7); vì nguyên nhân giác cảm được tạo tác nên sự thèm khát (dục vọng) phát sinh (8); vì nguyên nhân sự thèm khát được tạo tác nên sự nắm bắt (bám víu) phát sinh (9). Sự nắm bắt(bám víu) ấy sẽ tạo ra nghiệp (karma) gọi là nghiệp của sự hình thành (10). Sự hình thành đưa đến sự sinh (11), sự sinh sẽ đưa đến sự già nua và cái chết (12).

–––––o0o–––––

Trích: Ý Nghĩa Sự Sống Luân Hồi Và Sự Giải Thoát

Tác Giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

Dịch Giả: Nguyên Phong chuyển ngữ

NXB: Phương Đông 2015

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan