TẠI SAO CÁC KINH ĐIỂN LẠI LÊN ÁN HAM MUỐN? - TRÍCH "ĐƯỜNG VÀO HIỆN SINH" - J.KISHNAMURTI

TẠI SAO CÁC KINH ĐIỂN LẠI LÊN ÁN HAM MUỐN?

J.KISHNAMURTI – ĐƯỜNG VÀO HIỆN SINH

---o0o---

Đó là một trong những thành phố lớn, trải dài nuốt trọn vùng đồng quê, và để vượt qua khỏi nó chúng tôi phải đi nhiều dặm đường dường như không dứt dọc theo những đường phố xấu, ngang qua những nhà máy, những khu nhà ổ chuột và những trạm xe lửa, qua những khu ngoại ô nhà ở biệt lập, cho đến cuối cùng chúng tôi thấy những dấu hiệu bắt đầu vùng đồng quê bát ngát, nơi mà...
TẠI SAO CÁC KINH ĐIỂN LẠI LÊN ÁN HAM MUỐN? - TRÍCH

TẠI SAO CÁC KINH ĐIỂN LẠI LÊN ÁN HAM MUỐN?

J.KISHNAMURTI – ĐƯỜNG VÀO HIỆN SINH

---o0o---

 

Đó là một trong những thành phố lớn, trải dài nuốt trọn vùng đồng quê, và để vượt qua khỏi nó chúng tôi phải đi nhiều dặm đường dường như không dứt dọc theo những đường phố xấu, ngang qua những nhà máy, những khu nhà ổ chuột và những trạm xe lửa, qua những khu ngoại ô nhà ở biệt lập, cho đến cuối cùng chúng tôi thấy những dấu hiệu bắt đầu vùng đồng quê bát ngát, nơi mà bầu trời mở rộng, cây cối cao vút và khoảng khoát. Thật là một ngày đẹp trời, trong sáng và không quá nóng vì trời đã mưa liên tục gần đây - một trong những cơn mưa lất phất nhẹ nhàng đã thấm sâu vào lòng đất. Thình lình khi con đường trèo lên đồi, chúng tôi chợt thấy một con sông lấp lánh dưới ánh mặt trời khi nó chảy quanh co trong những cánh đồng xanh ngát hướng về biển xa.

Chỉ có vài con thuyền được đóng sơ sài với những cánh buồm vuông màu đen trên dòng sông. Cao hơn nhiều dặm có một cây cầu cho cả xe lửa và xe cộ lưu thông hàng ngày, nhưng tại đây chỉ là một cây cầu phao mà trên đó xe cộ di chuyển chỉ một chiều trong một lúc, một hàng xe tải, xe bò, xe ô tô và hai con lừa đang chờ đến phiên mình để qua cầu. Chúng tôi không muốn nhập vào cái hàng xếp nối đuôi dài thòn đó vì có thể chờ rất lâu, thế nên chúng tôi đi một con đường khác trở ngược lại, bỏ lại dòng sông chảy xuyên qua những ngọn đồi và những đồng cỏ, ngang qua nhiều ngôi làng để về với biển cả mênh mông.

Trên đầu, bầu trời xanh thẳm và những cụm mây trắng khổng lồ đầy cả chân trời với ánh mặt trời ban mai ở trên chúng. Chúng có những hình dáng lạ lùng, bất động và xa xôi. Bạn không thể đến gần chúng, ngay cả cho dù bạn chạy xe hướng về chúng rất nhiều dặm đường. Ven đường, cỏ non và xanh mướt, mùa hè sắp tới sẽ thiêu đốt chúng trở thành màu nâu và vùng đồng quê sẽ mất đi sự mát mẻ xanh tươi của nó, nhưng giờ đây thì mọi thứ đều được làm mới lại và có niềm vui sướng lan tràn trong mặt đất. Con đường khá gồ ghề với những ổ gà khắp nơi và mặc dù người tài xế cố tránh càng nhiều càng hay, chúng tôi vẫn nảy lên và xuống, đầu chúng tôi gần đụng vào mui xe, nhưng chiếc xe chạy thật tốt và không có tiếng khua lách cách nào trong xe cả.

Tâm trí ta ý thức rõ những cội cây uy nghi, những ngọn đồi đá, những người dân làng, bầu trời xanh bao la, nhưng nó cũng vẫn an trú trong sự tham thiền. Không một tư tưởng nào làm quấy rầy được nó. Không có kích động nào của ký ức, không có sự cố thì thường vẫn là hệ quả của một khuôn mẫu khác: tâm trí vẫn bị vướng kẹt trong tiến trình của kiến thức, truyền thống. Điều đó giống như nổi loạn trong những bức tường của một nhà tù để được những tiện nghi hơn, thực phẩm tốt hơn…

Vì thế, tâm trí bạn bị quy định bởi những ý kiến, bởi truyền thống, bởi kiến thức, bởi những ý tưởng của bạn về tình yêu, và điều đó khiến bạn hành xử theo một lề lối nào đó. Điều đó quá rõ ràng, phải không ?

“Vâng, thưa ông, điều đó khá rõ rồi”, người thứ nhất trả lời. “Nhưng như vậy thì tình yêu là gì ?”

Nếu bạn cần một định nghĩa, bạn có thể tra trong bất cứ tự điển nào, nhưng những ngôn từ định nghĩa tình yêu thì không phải là tình yêu, phải không ? Chỉ tìm kiếm một giải thích về tình yêu là gì, thì vẫn còn bị vướng kẹt trong ngôn từ, trong ý kiến mà chúng được chấp nhận hay bác bỏ tùy theo sự quy định của bạn.

“Không phải ông đang khiến cho không thể tìm hiểu được tình yêu là gì sao?”

Có thể nào tìm hiểu qua một chuỗi những ý kiến, những kết luận không? Để tìm hiểu một cách đúng đắn, tư tưởng phải được tự do giải thoát khỏi kết luận, khỏi sự an toàn của kiến thức, của truyền thống. Tâm trí có thể tự giải thoát mình khỏi một chuỗi những kết luận và thành lập một chuỗi khác mà nó lại chỉ là một sự tiếp nối có cải biến của cái cũ mà thôi.

Nào, không phải tư tưởng tự nó là một vận hành từ một kết luận này sang một kết luận khác, từ một ảnh hưởng này sang một ảnh hưởng khác sao ? Bạn có hiểu được những gì tôi muốn nói không?

“Tôi không chắc rằng tôi hiểu chút nào”, người thứ nhất nói.

“Tôi không hiểu điều đó chút nào”, người thứ hai nói.

Có lẽ bạn sẽ hiểu khi chúng ta cứ tiếp tục. Để tôi nói theo cách này : Có phải tư duy là công cụ của sự tìm hiểu thẩm tra không ? Liệu tư duy có sẽ giúp ta hiểu được tình yêu là gì không ?

“Làm sao tôi có thể khám phá được tình yêu là gì nếu tôi không được phép suy nghĩ chứ ?” Người thứ hai hỏi khá gay gắt.

Xin hãy kiên nhẫn hơn chút nữa. Bạn đã suy nghĩ về tình yêu, phải không ?

“Vâng, bạn tôi và tôi đã suy nghĩ rất nhiều về nó”.

Xin được phép hỏi, bạn muốn nói gì khi bạn bảo rằng bạn đã suy nghĩ về tình yêu?

“Tôi đã đọc về nó, thảo luận nó với những người bạn của tôi và rút ra những kết luận của riêng mình”. Điều đó có giúp bạn khám phá được tình yêu là gì không? Bạn đã đọc, đã trao đổi những ý kiến với nhau và đi đến những kết luận nào đó về tình yêu, tất cả những điều đó được gọi là tư duy. Một cách tích cực hay tiêu cực, bạn đã mô tả tình yêu là gì, ( thỉnh thoảng thêm vào và thỉnh thoảng bớt đi từ những gì mà bạn đã học trước đó. Phải thế không?

“Vâng, điều đó đúng y như những gì chúng tôi đã làm và sự tư duy của chúng tôi đã giúp làm sáng tỏ tâm trí của chúng tôi”.

Tư duy của bạn có giúp làm sáng tỏ tâm trí bạn không? Hay bạn đã trở nên càng lúc càng bám chặt vào một ý kiến? Chắc chắn là điều mà bạn gọi là sự nghĩa của nó và việc thảo luận nó với ông của chúng tôi sẽ giúp ích rất đáng kể cho chúng tôi”.

Một cách chính xác là bạn muốn thảo luận vấn đề gì?

“Ham muốn là tự nhiên, phải không, thưa ông ?”

Người kia hỏi. “Ham muốn thức ăn, ham muốn ngủ nghỉ, ham muốn một mức độ thoải mái nào đó, ham muốn dục tình, ham muốn chân lý - trong tất cả những hình thức này thì ham muốn là hoàn toàn tự nhiên; và tại sao chúng tôi lại được bảo rằng nó phải được loại trừ chứ?”

Dẹp qua một bên những gì bạn đã được bảo cho, có thể nào chúng ta tìm hiểu thẩm tra vào sự thật chân lý và sự hư dối của ham muốn không ? Bạn muốn nói gì với ham muốn ? Không phải một định nghĩa từ điển mà những gì là ý nghĩa, nội dung của ham muốn? Và bạn đặt cho nó một tầm quan trọng nào?

“Tôi có nhiều ham muốn”, người cao hơn trả lời, “và đôi khi những ham muốn này thay đổi về giá trị và sự quan trọng của chúng. Có những ham muốn lâu bền cũng như những ham muốn thoáng qua. Một ham muốn mà tôi có hôm nọ có thể biến mất chính vào ngày hôm sau hoặc có thể sẽ trở nên mãnh liệt. Ngay cả cho dù tôi không còn ham muốn dục tình đi nữa, thì tôi có thể vẫn mong muốn quyền hành; tôi có thể vượt qua phương diện tình dục, nhưng sự ham muốn quyền hành vẫn tiếp diễn không thay đổi”.

Đúng vậy, những mong muốn trẻ con trở thành những ham muốn trưởng thành theo tuổi tác, theo thói quen, theo sự lập lại. Đối tượng ham muốn có thể thay đổi khi chúng ta lớn tuổi hơn, nhưng ham muốn vẫn còn đó. Sư hoàn thành và nỗi đau đớn của sự thất bại luôn luôn ở bên trong lãnh vực của ham muốn phải không?

Nào, có sự ham muốn không, nếu không có đối tượng ham muốn ? Ham muốn và đối tượng ham muốn có tách rời nhau không ? Có phải bạn biết được ham muốn bởi vì có đối tượng không ? Chúng ta hãy khám phá ra xem.

Tôi thấy một: cây bút máy mới và bởi vì cây bút của tôi thì không tốt như vậy nên tôi muốn một cái mới; như thế một tiến trình ham muốn được làm cho bắt đầu diễn ra một chuỗi những phản ứng cho đến khi tôi có được hay không có được những gì tôi muốn. Một vật thu hút con mắt và rồi có một cảm giác muốn hoặc không muốn xảy đến. Hỏi vậy chứ cái “tôi” đã tham gia vào điểm nào trong tiến trình này?

“Quả là một câu hỏi rất hay”

Có phải cái “tôi” hiện hữu trước cảm giác ham muốn không? Hay nó phát sinh đồng thời với cảm giác đó? Bạn thấy một vật nào đó, như là một kiểu bút máy mới chẳng hạn, và một số những phản ứng bắt đầu diễn ra mà chúng vốn hoàn toàn bình thường, nhưng với những phản ứng đó, lòng ham muốn sở hữu vật đó xảy đến và rồi bắt đầu một lộ những phản ứng khác mà chúng sẽ đem vào hiện thực cái “tôi”, nó nói rằng: “Tôi phải có nó mới được”. Như vậy cái “tôi” được kết lại bởi cảm giác hay ham muốn mà nó phát sinh qua sự đáp ứng tự nhiên của việc trông thấy. Không có trông thấy, cảm giác ham muốn, thì có chăng một cái “tôi” như là một thực thể tách rời, riêng biệt ? Hay toàn bộ tiến trình trông thấy, có cảm giác, ham muốn thành lập ra cái “tôi”?

“Thưa ông, có phải ông muốn nói rằng cái “tôi” không có mặt trước không? Không phải chính cái “tôi” nhận biết và rồi ham muốn sao?” Người thấp hơn hỏi.

Bạn nói gì? Không phải cái “tôi” tự tách rời mình chỉ trong tiến trình nhận biết và ham muốn sao? Trước khi tiến trình này bắt đầu, có một cái “tôi” như là một thực thể riêng biệt không ?

“Thật khó mà nghĩ về một cái “tôi” như chỉ là kết quả của một tiến trình tâm sinh lý nào đó, điều này nghe có vẻ quá vật chất, nó đi ngược với truyền thống của chúng ta và tất cả những thói quen suy tư của chúng ta vốn nói rằng cái “tôi”, người quan sát, có mặt trước chứ không phải rằng y đã được “kết lại” thành. Nhưng bất chấp truyền thống và những kinh điển thiêng liêng cùng với khuynh hướng tin tưởng vào chúng đang bị lung lay của riêng tôi, tôi vẫn thấy những gì ông nói là một sự kiện thật”.

Không phải những gì người khác có thể nói sẽ giúp tạo ra sự nhận thức về một sự kiện, mà phải do chính sự quan sát trực tiếp và sự sáng suốt trong tư duy của chính bạn, không phải thế sao?

“Dĩ nhiên”, người cao hơn trả lời. “Trước tiên tôi có thể làm một sợi dây là một con rắn, nhưng giây phút mà tôi thấy được vật đó rõ ràng thì không còn lầm lẫn nữa, không còn suy nghĩ theo mong ước về nó nữa”.

Nếu điểm đó đã sáng tỏ rồi thì chúng ta sẽ tiếp tục với vấn đề về việc đàn áp hay thăng hoa ham muốn nhé ! Nào, vấn đề là thế nào ?

“Ham muốn luôn luôn hiện diện, đôi lúc bùng cháy một cách dữ dội, đôi lúc ngủ ngầm, nhưng vẫn sẵn sàng xuất hiện vào cuộc sống; và vấn đề là ta phải làm gì với nó ? Khi ham muốn ngủ ngầm thì toàn bản thể tôi khá yên tĩnh, nhưng khi nó thức dậy thì tôi rất xáo trộn, tôi trở nên không yên, năng động một cách sôi nổi cho đến lúc ham muốn cá biệt đó được thỏa mãn. Lúc đó tôi mới trở nên tương đối yên tịnh - cuối cùng chỉ để có ham muốn bắt đầu lại tất cả có lẽ với một đối tượng khác. Điều đó giống như nước chịu dưới một áp lực, cho dù có thể xây đập cao thế mấy đi nữa thì nó vẫn mãi mãi thấm qua những đường nứt, chảy vòng xuống cuối đập hoặc tràn lên trên đập. Tôi đã gần như hành hạ mình, cố gắng vượt qua ham muốn, nhưng đến lúc cuối cùng của những nỗ lực hết sức của mình, ham muốn vẫn còn đó, cười nhạo hoặc cau có. Tôi phải làm thế nào để giải thoát khỏi nó?”

Bạn có đang cố gắng đàn áp, cao thượng hóa ham muốn không? Bạn có muốn thuần hóa nó, dùng thuốc khiến cho nó lịm ngủ làm cho nó trở nên khả kính không ? Ngoài những kinh điển, những lý tưởng và những Đạo sư ra, bạn cảm thấy thế nào về ham muốn? Cái gì là sự thôi thúc của bạn ? Bạn nghĩ gì?

“Ham muốn là tự nhiên, phải không, thưa ông?” Người thấp hơn hỏi.

Bạn muốn nói gì với tự nhiên?

“Đói, tình dục, muốn thoải mái và an toàn - tất cả những điều này là ham muốn, nó dường như rất lành mạnh và bình thường một cách đúng mức. Xét cho cùng, chúng ta được tạo ra như vậy”.

Nếu nó rất là bình thường, thì tại sao bạn lại bị quấy rầy bởi nó chứ?

“Rắc rối là ở chỗ đó, không chỉ có một ham muốn mà có rất nhiều ham muốn mâu thuẫn nhau, tất cả đều lôi kéo theo những chiều hướng khác biệt, tôi bị xé nát ra thành từng phần trong tâm thức mình. Hai hay ba ham muốn thì lấn át hơn và chúng gạt qua một bên không thèm đếm xỉa đến những ham muốn xung đột kém hơn; nhưng ngay cả trong số những ham muốn chủ yếu thì vẫn có một sự xung đột. Chính sự xung đột này với những sức ép và sự căng thẳng của nó gây ra đau khổ”.

Và để vượt qua sự đau khổ này, bạn được bảo rằng bạn phải kiểm soát, đàn áp hoặc thăng hoa ham muốn. Không phải thế sao? Nếu sự hoàn thành ham muốn chỉ mang lại khoái lạc và không có sự đau khổ thì bạn sẽ chỉ tiếp tục với nó, phải không?

“Hiển nhiên rồi”, người cao hơn chen vào, “nhưng vẫn luôn luôn có một niềm đau và nỗi sợ hãi nào đó, và điều này là điều mà chúng tôi muốn loại trừ”.

Đúng vậy, mọi người đều muốn thế, và đó là lý do tại sao toàn bộ ý định và hậu trường tư duy của chúng ta sẽ tiếp tục với những khoái lạc trong khi lo tránh né sự đau khổ của ham muốn. Không phải điều này là những gì bạn cũng đang cố gắng để đạt được sao?

“Tôi e rằng đúng thế”.

Sự vật lộn giữa những khoái lạc của bạn muốn và sự đau khổ vốn cũng đi chung với sự ham muốn đó là sự xung đột của đối tính. Không có gì quá khó hiểu về điều này. Ham muốn tìm kiếm sự hoàn thành và cái bóng của sự hoàn thành là sự thất chỉ vỡ mộng. Chúng ta không chấp nhận điều đó, vì thế tất cả chúng ta đều theo đuổi sự hoàn thành, hy vọng không bao giờ bị thất chí vỡ mộng, nhưng cả hai, sự hoàn thành và sự thất vọng thì không thể tách rời nhau được.

“Có phải không bao giờ có thể có sự hoàn thành mà không có nỗi đau của sự thất vọng không?”.

Bạn không biết sao? Không phải bạn đã từng kinh nghiệm niềm khoái lạc thoáng qua của sự hoàn thành sao, và không phải lúc nào nó cũng được theo sau bởi sự lo âu, đau khổ sao ?

“Tôi đã nhận thấy điều đó, nhưng ta bằng cách này hoặc bằng cách khác cố gắng giữ ở tình trạng vượt thắng sự đau khổ”.

Và bạn có thành công không? “Chưa, nhưng ta luôn luôn hy vọng sẽ thành công”.

Làm thế nào để bảo vệ chống lại sự đau khổ như thế là mối quan tâm chủ yếu suốt cuộc đời của bạn; vì thế bạn bắt đầu kỷ luật sự ham muốn, bạn nói, “điều này là ham muốn chính đáng và điều kia là sai lầm bất thường”. Bạn vun bồi ham muốn có tính cách lý tưởng “cái nên là”, cái như nguyện, trong khi vẫn còn vướng kẹt trong cái “không nên là”. Cái “không nên là” là một sự kiện thật và “cái nên là” thì không có thực tỉnh gì cả ngoại trừ như là một biểu tượng có tính chất tưởng tượng. Điều này là như thế, phải không ?

Nhưng dù cho ta tưởng tượng, không phải những lý tưởng là cần thiết sao ?” Người thấp hơn hỏi. “Chúng sẽ giúp ta loại trừ đau khổ”.

Chúng có giúp chúng ta loại trừ đau khổ không? Có phải những lý tưởng của bạn đã giúp bạn giải thoát khỏi đau khổ không, hay chúng chỉ giúp bạn tiếp tục với khoái lạc trong khi nói một cách lý tưởng với chính mình rằng bạn không nên? Vì thế đau khổ và khoái lạc của sự ham muốn cứ tiếp diễn. Thật ra bạn không muốn giải thoát khỏi cả hai, bạn muốn buông trôi phó mặc với sự đau khổ và khoái lạc của ham muốn đồng thời vẫn nói về những lý tưởng và tất cả những thứ đó.

“Hoàn toàn đúng, thưa ông”, anh ta thừa nhận.

Chúng ta hãy tiến hành từ chỗ đó. Ham muốn sẽ không bị phân chia như là ham muốn khoái lạc và đau khổ, hoặc như là ham muốn đúng và sai. Chỉ có ham muốn xuất hiện dưới những hình thức khác nhau với những mục đích khác nhau. Trừ phi bạn thấu hiểu điều này, bạn sẽ chỉ luôn đấu tranh để thắng phục những mâu thuẫn vốn chính là bản chất của ham muốn vậy.

“Vậy thì có một ham muốn trọng tâm phải được thắng phục không, một ham muốn mà từ đó tất cả những ham muốn khác phát sinh?” Người cao hơn hỏi.

Có phải bạn muốn nói đến ham muốn được an toàn không ?

“Tôi đang nghĩ về điều đó, nhưng cũng có những ham muốn tình dục và rất nhiều những thứ khác nữa”.

Có một ham muốn trung tâm mà từ đó những ham muốn khác phát sinh giống như nhiều đứa trẻ không hay ham muốn chỉ thay đổi đối tượng hoàn thành của nó từ lúc này sang lúc khác, từ non nớt cho đến chín chắn trưởng thành ? Có ham muốn chiếm hữu, ham muốn đắm say, ham muốn thành công, được an toàn cả bên trong lẫn bên ngoài... Ham muốn len lỏi qua tư tưởng và hành động, qua cái gọi là cuộc sống tâm linh cũng như trần tục, phải không?

Họ yên lặng một lúc.

“Chúng tôi không thể suy nghĩ xa hơn chút nào được nữa”, người thấp hơn nói. “Chúng tôi bị bí rồi”.

Nếu bạn đàn áp ham muốn thì nó sẽ lại xuất hiện trong một hình thức khác, phải không ? Kềm chế ham muốn là làm hẹp nó lại và tự cho mình là trung tâm; kỷ luật ham muốn là xây một bức tường đề kháng mà nó sẽ luôn luôn bị phá vỡ - dĩ nhiên là trừ phi bạn trở nên loạn thần, trở nên trụ cứng vào một khuôn mẫu ham muốn. Thăng hoa ham muốn là một hành động của ý chí; nhưng ý chí vẫn chủ yếu là sự tập trung ham muốn và khi một hình thức của ham muốn lấn át một hình thức khác của ham muốn thì bạn sẽ rơi trở lại lần nữa vào trong khuôn mẫu cũ của sự tranh đấu.

Kiểm soát, kỷ luật, thăng hoa, đàn áp - tất cả những điều đó có liên quan đến một loại cố gắng nào đó và một cô gắng như thế thì vẫn còn nằm trong lãnh vực của đối tính, của ham muốn “đúng” và của ham muốn “sai”. Sự lười biếng có thể được thắng phục bởi một hành động của ý chí, nhưng sự hẹp hòi nhỏ mọn của tâm trí thì vẫn còn đó. Một tâm trí nhỏ mọn có thể rất năng động và nó thường là vậy, do đó gây ra tai hại và đau khổ cho chính nó và cho những kẻ khác. Vì thế, cho dù một tâm trí nhỏ mọn có thể phấn đấu để thắng phục ham muốn bao nhiêu đi nữa thì nó sẽ vẫn tiếp tục là một tâm trí nhỏ mọn. Tất cả những điều này thì quá rõ ràng rồi, phải không ?

Họ cùng nhìn nhau.

“Tôi nghĩ là thế”, người cao hơn trả lời, “nhưng xin hãy nói chậm hơn một chút, thưa ông , và xin đừng nhét đầy mỗi câu với quá nhiều ý tưởng”.

Giống như hơi nước, ham muốn là năng lực, phải không ? Và như hơi nước có thể được điều khiển để làm chạy mọi thứ máy móc, hoặc có lợi hoặc gây tàn phá, cũng vậy, ham muốn có thể bị làm uổng phí tiêu mòn đi hoặc có thể được sử dụng cho sự thấu hiểu mà không có bất cứ người sử dụng nào của cái năng lực lạ lùng đó. Nếu có một người sử dụng nó, cho dù nó là một người hay nhiều người, cá nhân hay tập thể, mà điều đó vốn là truyền thống, thì sự rắc rối sẽ bắt đầu; khi đó sẽ có cái vòng khép kín của đau khổ và khoái lạc.

“Nếu không phải cá nhân và tập thể sẽ sử dụng năng lực đó, thì ai sẽ sử dụng nó mới được chứ ?”

Không phải đó là câu hỏi sai mà bạn đang đặt

ra đó sao ? Một câu hỏi sai sẽ có một câu trả lời sai, nhưng một câu hỏi đúng có thể mở ra cánh cửa của sự thấu hiểu tỏ thông. Chỉ có năng lực, không có vấn đề ai sẽ sử dụng nó. Không phải năng lực đó, mà chính người sử dụng nó đã kéo dài sự rối loạn và sự mâu thuẫn của đau khổ và khoái lạc. Người sử dụng, như là một người và cũng như là nhiều người nói, “Điều này là đúng và điều kia là sai, điều nầy là tốt, điều kia là xấu”, do đó kéo dài mãi sự xung đột của đối tính. Hắn đúng là kẻ gây hại thật sự, tác giả của khổ đau. Có thể nào người sử dụng cái năng lực được gọi là tham muốn đó chấm dứt hiện hữu không ? Có thể nào người quan sát không còn là một người điều hành, một thực thể tách biệt - hiện thân của truyền thống này hay truyền thống nọ - mà lại chính là tự thân của năng lực đó không ?

“Không phải điều đó rất khó khăn sao?

Đó là vấn đề duy nhất chứ không phải là vấn đề làm thế nào để kiểm soát, kỷ luật hoặc thăng hoa ham muốn. Khi bạn bắt đầu thấu hiểu điều này thì ham muốn có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn; khi đó nó lại là sự thuần khiết của sáng tạo, là sự vận hành của chân lý. Nhưng chỉ lập lại rằng ham muốn là điều tối trọng... thì không những vô ích mà nó còn rõ ràng là tai hại, bởi vì nó tác động như là một thứ thuốc ngủ, một thứ thuốc làm êm dịu một tâm trí nhỏ mọn.

“Nhưng làm sao để người sử dụng ham muốn chấm dứt mới được chứ ?”

Nếu câu hỏi “làm thế nào” phản ánh sự tìm kiếm một phương pháp thì người sử dụng ham muốn sẽ chỉ được kết tạo lại trong một hình thức khác mà thôi. Điều quan trọng là sự chấm dứt người sử dụng chứ không phải làm thế nào để chấm dứt người sử dụng. Không có “làm thế nào” gì cả. Chỉ có sự thấu hiểu tỏ thông, vốn là cái xung lực sẽ phá hủy hoàn toàn cái cũ.

---o0o---

Trích: “Đường Vào Hiện Sinh”

Tác giả: J.Kishnamurti

Người dịch: Thanh Lương

Ảnh: nguồn Internet

 

Bài viết liên quan