TẤM GƯƠNG - LỜI KHUYÊN VỀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA TÁNH GIÁC - CHOGYAL NAMKHAI NORBU

TẤM GƯƠNG - LỜI KHUYÊN VỀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA TÁNH GIÁC

CHÖGYAL NAMKHAI NORBU

---o0o---

Một người thực hành Dzogchen phải nhận thức sự hiện diện hoàn hảo trong cái biết, và để cho mục đích ấy anh ta phải thực sự hiểu tâm mình và thành công trong việc kiểm soát nó. Những giải thích khác có kết quả và rốt cuộc sẽ thêm lên một tí mực trên giấy hay những chủ đề cho luận bàn trí thức.
TẤM GƯƠNG - LỜI KHUYÊN VỀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA TÁNH GIÁC - CHOGYAL NAMKHAI NORBU

 

Con kính lễ Đạo sư

Một người thực hành Dzogchen phải nhận thức sự hiện diện hoàn hảo trong cái biết, và để cho mục đích ấy anh ta phải thực sự hiểu tâm mình và thành công trong việc kiểm soát nó. Những giải thích khác có kết quả và rốt cuộc sẽ thêm lên một tí mực trên giấy hay những chủ đề cho luận bàn trí thức.

Trong tantra Dzogchen tên Đức Vua Sáng Tạo Mọi Sự (Kulaya raja tantra) chúng ta đọc:

Tâm là người sáng tạo của tất cả sanh tử và niết bàn:

người ta phải biết được “nhà vua sáng tạo mọi sự” này!

Nói chung nó được giải thích rằng chúng ta lưu chuyển trong thị kiến như huyễn, bất tịnh của sanh tử, nhưng thật ra chỉ tâm chúng ta lưu chuyển. Và cũng thế, luôn luôn chỉ tâm chúng ta, khi được tịnh hóa, chứng ngộ Trạng thái thanh tịnh của Giác ngộ. Thật ra tâm là nền tảng hay gốc rễ của tất cả cái thuộc về sanh tử hay niết bàn, chúng sanh hay bậc giác ngộ.

Sự lưu chuyển trong thị kiến bất tịnh của sanh tử bắt đầu như thế nào? Bản tánh của tâm, tinh túy của tâm chúng ta, hoàn toàn thanh tịnh từ ban đầu, nhưng do những chướng ngại tạm thời gây ra bởi vô minh, chúng ta không nhận biết Trạng thái thật của chúng ta, nó là hiện diện bất nhị thanh tịnh. Không nhận biết Trạng thái này, những tư tưởng huyễn hóa của chúng ta, cùng với những thúc đẩy hành động gây ra bởi những đam mê phiền não, sanh khởi. Theo cách này chúng ta tích tập những hành động xấu, và kết quả là sự chín thành của nghiệp khiến chúng ta lưu chuyển trong sáu cõi sanh tử luân hồi với đủ mọi khổ đau. Như vậy, do không nhận thức rằng nguyên nhân của lưu chuyển là tâm chúng ta, chúng ta để cho mình hoàn toàn bị mê lầm huyễn hóa và xao lãng thống trị, và do không nhận biết Trạng thái hiện diện bất nhị thanh tịnh của chúng ta, chúng ta thường quen làm những hành vi ảo tưởng.

Trạng thái thanh tịnh của Giác ngộ là tự tâm của chúng ta, không phải một loại ánh sáng chói chang nào đó đến từ bên ngoài. Nếu chúng ta nhận biết Trạng thái bổn nguyên của hiện diện vốn thanh tịnh của chúng ta, dù chỉ tạm thời bị che ám, và chúng ta hiện diện trong nhận biết này không để cho xao lãng, bấy giờ mọi bất tịnh tan biến: đây là tinh túy của con đường. Bây giờ bản tánh của Trạng thái bổn nguyên như là tính thanh tịnh toàn thể thực sự biểu lộ, và khi biết nó như chính nó là, chúng ta trở thành chủ nhân của nó vĩnh viễn. Chính cái biết quyết định này, hiện diện thanh tịnh này của thể trạng nguyên thủy chân thật, được gọi là niết bàn. Thế nên, giác ngộ cũng chỉ là tự tâm của chúng ta, đã thanh tịnh.

Đó là tại sao Padmasambhva nói:

Tâm này đã tạo ra cả sanh tử và niết bàn; ngoài nó không có người cũng không có cái khác hiện hữu.

Hiểu tâm là gốc rễ của cả lưu chuyển và Giác ngộ, chúng ta có thể chắc chắn rằng tất cả tính cứng chắc của những hiện tượng vật chất và của chúng sanh chỉ là thị kiến như huyễn của tự tâm chúng ta. Do những khác biệt trong tích tập nghiệp, những loại chúng sanh khác nhau có những thị kiến như huyễn khác nhau, chúng là không thật theo nghĩa một người đau bệnh thuộc mật thì thấy một võ xà cừ trắng thành màu vàng. Như thế, nếu những chúng sanh của sáu trạng thái sanh tử gặp một dòng sông, sáu loại nghiệp khác nhau khiến dòng sông xuất hiện khác nhau với họ: chúng sanh “địa ngục lửa” sẽ thấy là những ngọn lửa, chúng sanh “địa ngục băng” sẽ thấy là băng, ma quỷ đói sẽ thấy là máu và mũ, loài dưới nước sẽ thấy là ngôi nhà, con người thấy là nước uống, bán thiên (a tu la) thấy là những vũ khí, và chư thiên thấy là cam lồ. Điểm rõ ràng là thật ra không có thực tại khách quan, cụ thể.

Thế nên, một khi chúng ta đã hiểu rằng chỉ qua tâm chúng ta, nó là gốc rễ của lưu chuyển, mới có thể nhổ gốc sanh tử, cũng như chỉ qua tâm chúng ta, nó là tinh túy của Giác ngộ, mới có thể đạt giải thoát, lúc ấy chắc chắn rằng chỉ duy nhất nó là nền tảng của mọi sự, chúng ta phải cương quyết lựa chọn thực hành, nghĩa là làm việc nơi tâm của chúng ta.

Đây là điểm khiến chúng ta quyết tâm duy trì hiện diện liên tục, không xao lãng. Nếu người ta muốn ngừng một dòng chảy, phải khóa kín nó ở nguồn của nó, và tự động dòng chảy sẽ dừng; cố gắng khóa chặn nó ở chỗ nào khác sẽ không có kết quả. Cũng thế, nếu chúng ta muốn nhổ gốc sanh tử, chúng ta phải nhổ ra gốc rễ trong tâm mình, tâm ấy là người sáng tạo tất cả sanh tử: không có cách nào khác để thoát khỏi lưu chuyển. Và điều này cũng đúng cho sự tịnh hóa những chướng ngại và khổ đau do nghiệp xấu, bởi vì luôn luôn chính tâm ta là nguyên nhân độc nhất. Ngược lại, nếu chúng ta làm một số hành vi tốt của thân và ngữ, chắc chắn nhờ đó mà chúng ta có được một số lợi lạc tạm thời, nhưng những chướng ngại không nhổ ra được sẽ sớm bắt đầu tích tập trở lại. Điều chúng ta làm thì giống như tỉa lá và cành của một cây cần phải bỏ thì nó lại sanh thêm, thay vì nhổ bật gốc.

Nếu tâm chúng ta, “vua tạo ra mọi sự”, không ở trong Trạng thái đích thực của nó, bấy giờ dù nếu chúng ta áp dụng những phương pháp tantra “phát triển” (bskyed rim) và “hoàn thiện” (rdzogs rim) và đọc tụng nhiều thần chú, chúng ta cũng không ở trên con đường của giải thoát hoàn toàn. Người ta phải lật đổ nhà vua để chinh phục vương quốc – khó có thể đủ khi chinh phục được một số thành viên triều đình hay một phần dân chúng. Cũng thế, nếu chúng ta không biết hay hình dung làm sao duy trì hiện diện để khỏi lạc ra ngoài, mà để mình lạc vào những xao lãng và ảo tưởng, chúng ta sẽ không bao giờ giải thoát mình khỏi sự lưu chuyển không cùng. Ngược lại, nếu tâm chúng ta không trượt khỏi sự tập chú và mất lối của chính nó; nếu nó không từ chối chính mình để bị điều kiện hóa bởi ảo tưởng mà quản lý để có được tự kiểm soát và duy trì hiện diện của Trạng thái chân thật của nó, điều này trở thành tinh túy của mọi giáo lý và gốc rễ của mọi con đường. Thật vậy, mọi hiện tượng của thị kiến nhị nguyên – sanh tử và niết bàn, hạnh phúc và khổ đau, tốt và xấu – sanh khởi chỉ từ tâm và không có nguồn gốc nào khác. Đó là tại sao có nói rằng một tâm không xao lãng, phóng dật là nền tảng của mọi con đường và là điểm sâu xa nhất của thực hành.

Chư Phật quá khứ đã đạt Giác ngộ, như những vị Phật tương lai cũng thế, bằng cách theo con đường của hiện diện liên tục với chú ý không lay động. Và những người đạt được nó ở thời này cũng làm như vậy bằng cách tự đặt nền trong hiện diện, bởi vì không có cách nào khác để đạt Giác ngộ. Sự nhận biết Trạng thái chân thật của chúng ta và sự liên tục của hiện diện của nó thực sự là tinh túy của mọi con đường, nền tảng của mọi thiền định, kết luận của mọi thực hành, cốt lõi của mọi phương pháp bí mật, và chìa khóa cho mọi giáo lý sâu hơn. Đó là tại sao quan trọng thiết cốt là chúng ta tìm ra cách duy trì hiện diện liên tục mà không bị đẩy khỏi dòng.

Điều này nghĩa là: không bám móc vào quá khứ, không đuổi theo tương lai, và không để mình bị lôi cuốn vào những tư tưởng huyễn hóa sanh khởi trong giây phút hiện tại, xoay vào trong và quan sát tâm mình, để cho nó ở trong Trạng thái chân thật của nó, vượt khỏi những biên giới của quá khứ, hiện tại và tương lai. Không để cho mình bị điều kiện hóa bởi nhiễm ô sự khái niệm hóa, không phán xét về bản thân Trạng thái, hoặc thậm chí nó hiện hữu, hoặc nó sẽ chuyển thành tích cực hay tiêu cực.v.v…, chúng ta phải ở yên tập chú vào thể trạng đích thực này và không cố gắng sửa sang nó.

Dù Trạng thái bổn nguyên của toàn thiện toàn thể thì hoàn toàn vượt khỏi những giới hạn của quá khứ, hiện tại và tương lai, người ta không biết nó ngay và quả thật có khó khăn trong việc nhận biết nó khi bắt đầu thực hành, bởi thế quan trọng là cảnh giác với sự xao lãng, phóng dật bởi những tư tưởng của “ba thời”. Tương tự, nếu cương quyết không để cho chú ý của mình đổi hướng, người ta cố gắng loại bỏ mọi tư tưởng, cố định trên ý tưởng phải tìm thấy một trạng thái bình an hay thích thú, cần thấy đây cũng là một lỗi lầm, bởi vì một cố định như vậy tự nó không khác gì hơn một tư tưởng khác.

Thay vì thế, người ta cần để tâm trở nên thư giãn, chỉ duy trì một hiện diện sáng tỏ của thể trạng tự nhiên của nó, không để cho lạc, quên hay để cho mình bị quấn bọc trong những tư tưởng. Khi tâm giải phóng cách tự nhiên và hiện diện, nó đến với chính nó trong Trạng thái đích thực của nó. Nếu người ta không tìm cách tiếp tục trong trạng thái này, và nếu những tư tưởng tốt xấu khác nhau nổi lên, bấy giờ người ta không nên bắt đầu hỏi ngay tâm có còn trong một trạng thái yên tĩnh hay chuyển động của những tư tưởng đã sanh khởi, mà thay vào đó, duy trì hiện diện và chỉ không dạt ra, người ta chỉ cần nhận thức những tư tưởng. Khoảnh khắc tư tưởng được nhận biết, chúng thư giãn vào thể trạng của chính chúng: mọi lúc khi chúng ta có hiện diện này của sự nhận biết những tư tưởng, quan trọng là không để đi lạc. Nếu tâm đi lạc và những tư tưởng không được nhận thức, người ta phải bắt đầu chú tâm vào hiện diện của tánh giác lại một lần nữa.

Nếu những tư tưởng sanh khởi liên quan đến người ta có ở trong một trạng thái yên tĩnh hay không, người ta cần tiếp tục quan sát trạng thái của bản thân tư tưởng, và chỉ không mất hiện diện. Nếu những tư tưởng không sanh khởi và tâm ở trong một trạng thái yên tĩnh, người ta cần tiếp tục với sự hiện diện của nhận thức trạng thái yên tĩnh. Điều này nghĩa là duy trì sự hiện diện của trạng thái tự nhiên này mà không cố gắng định nghĩa nó, không hy vọng vào sự biểu lộ của một hình tướng, màu sắc hay ánh sáng đặc biệt, mà thư giãn trong nó, không bị điều kiện hóa bởi những xung động khiến đi vào những hoạt động do những tư tưởng xúi giục.

Khi mới bắt đầu thực hành không chắc trạng thái yên tĩnh sẽ kéo dài hơn một chốc lát, nhưng không cần bắt đầu lo âu, hy vọng nó sẽ kéo dài một thời gian lâu hay sợ nó biến mất. Điểm quan trọng là chỉ duy trì sự hiện diện không để lạc mất, không bị bắt vào những suy xét nhị nguyên về một “trạng thái” phải quan sát hay người nào ở đó để quan sát nó.

Nếu mặc dầu duy trì hiện diện tâm không ở trong một trạng thái yên tĩnh mà bắt đầu nghĩ về những hành động quá khứ hay tương lai hay tự để cho bị quyến rũ bởi sự nhập liệu cảm giác từ những âm thanh hay hình sắc, người ta không nên cố gắng dừng “chuyển động” này. Thực vậy, dù nếu muốn người ta cũng hiếm khi thành công, bởi vì chuyển động như thế không phải là cái gì cụ thể: nó giống như gió tránh né sự nắm bắt của chúng ta dù có nhiều nỗ lực. Điểm cốt yếu là không xem chuyển động như một sự xấu, điều gì phải chối bỏ.

Sự thật ở đây là trạng thái yên tĩnh là tinh túy của tâm, và chuyển động là năng lực của nó: chúng là hai phương diện của cùng một thực tại, giống như một dòng sông và những con sóng của nó hay mặt trời và những tia sáng của nó. Nếu chúng ta xem trạng thái yên tĩnh là cái gì tích cực phải hoàn thành và chuyển động của những tư tưởng là cái gì tiêu cực cần phải từ bỏ, đó là trau dồi nhị nguyên của chấp nhận và chối bỏ, bấy giờ chúng ta sẽ không bao giờ vượt thắng được trạng thái tâm lý bình thường của chúng ta. Thế nên, duy trì hiện diện mà không nghiêng lệch, người ta chỉ phải biết bất cứ tư tưởng nào sanh khởi – tốt hay xấu, thích hợp hay vô nghĩa – và chỉ tiếp tục quan sát trạng thái “chuyển động”: điểm này là quan trọng cốt yếu.

Hơn nữa về vấn đề đối xử với chuyển động như vậy: nếu vì lý do nào đó khi một tư tưởng sanh khởi người ta không tìm cách ở yên thư giãn trong hiện diện, người ta phải lập tức cố gắng nhận biết nó, không bị kéo khỏi tiến trình, bởi vì nếu không thì tư tưởng thứ nhất sẽ làm sanh ra một chuỗi tư tưởng khác nhau. “Nhận biết” không có nghĩa là có cái gì để thấy bằng mắt hay để nhận ra một cách khái niệm. Nó chỉ có nghĩa hiện hữu ở đó với hiện diện của bất cứ tư tưởng nào xảy ra, dù thuộc quá khứ, hiện tại hay tương lai, và của bất cứ đối tượng giác quan nào sanh khởi. Qua sự hiện diện hiện hành này người ta “nhận biết” trạng thái của chuyển động và rồi chỉ đơn giản trạng tiếp tục, không quên sự nhận biết này. Chắc chắn, không cần cố gắng cắt đứt dòng chuyển động hay cố gắng nhốt những tư tưởng vào trong, sửa chữa, cải tạo tâm theo cách nào đó.

Dĩ nhiên sự nhận biết không xao lãng nay không dễ dàng kéo dài một thời gian lâu, nhất là khi người ta chỉ mới bắt đầu thực hành; sau hết, chúng ta đã trở nên quen thuộc sâu xa với xao lãng và vọng tưởng qua suốt thời gian vô tận của lưu chuyển trong sanh tử của mình. Chỉ xem đời hiện tại của chúng ta, chúng ta có thể thấy rằng, từ giây phút sinh ra đến lúc này, chúng ta đã làm ít hơn là sống theo cách xao lãng, phóng dật, không có lợi lạc của tự huấn luyện trong sự hiện diện của tánh giác (awareness: tỉnh giác, cái biết, tánh giác) và tránh sự lạc hướng của tánh giác. Đó là tại sao, cho đến khi chúng ta trở nên có thể nhận biết được sự xao lãng của mình, nếu qua sự thiếu chú ý chúng ta tiếp tục lạc khỏi đường hay trở nên quên, chúng ta phải bằng mọi phương tiện có thể cố gắng cảnh giác với cái gì đang xảy ra, qua sự hiện diện hoàn toàn của tâm.

“Thiền định” chỉ có nghĩa là giữ hiện diện ở cả hai trạng thái yên tĩnh và trạng thái chuyển động: không có cái gì để thiền định về. Không có cái gì cao hơn hay sáng tỏ hơn để tìm kiếm vượt khỏi sự nhận biết và liên tục của Trạng thái của hiện diện bất nhị thanh tịnh của chúng ta. Nếu thay vì tiếp tục trong Trạng thái của chính mình, người ta xoay ra ngoài, hy vọng điều gì sẽ biểu lộ, thì như trong tục ngữ Tây Tạng nói khi một con ma xuất hiện ở cửa đông người kia lại cúng ở cửa tây để cầu nó bỏ đi. Trong một trường hợp như vậy, dù nếu người ta nghĩ mình thiền định thật tốt, “thiền định” này sẽ chỉ là một cách để làm mệt mình vô ích. Liên tục ở trong Trạng thái của hiện diện thanh tịnh chỉ tìm thấy trong chính mình là điều thực sự có ý nghĩa.

Lơ là với những sở hữu thực sự của mình để tìm kiếm cái gì người ta tin rằng đã mất, người ta trở nên giống như người nghèo khổ trong dụ ngôn Phật giáo không nhận ra cái gối của nó bằng vàng ngọc và khổ sở đi ăn xin. Thế nên, làm bất cứ điều gì có thể để duy trì Trạng thái của hiện diện bất nhị thanh tịnh quan sát chuyển động của tư tưởng ngay khi nó khởi, kiềm chế không phán xét sự hiện diện ngày sáng tỏ thế nào hay chấp nhận yên tĩnh và chối bỏ chuyển động. Chúng ta phải áp dụng tinh túy của thực hành: tiếp tục trong Trạng thái của chính mình không xao lãng, bỏ quên, trong khi tuyệt đối từ chối bị điều kiện hóa bởi tham muốn sửa sang điều gì.

 

Một số bị quấy nhiễu vì những tiếng động, hay chú ý của họ bị kéo xa bởi những sự vật bên ngoài, họ để cho mình bị bao phủ trong những ảo tưởng bình thường không cùng. Tình trạng lạc lối này được gọi là “lối đi khó khăn khi thị kiến xuất hiện như một kẻ thù” và cho thấy rằng dù người ta biết cách nào để liên tục với hiểu biết trạng thái yên tĩnh và trạng thái chuyển động của tư tưởng, người ta đã không thành công khi áp dụng hiện diện với những tri giác giác quan, và như thế sự thực hành không hòa nhập với thị kiến bên ngoài. Trong trường hợp này, khi tiếp tục duy trì hiện diện, vào lúc tri giác bất kỳ sắc tướng đặc biệt nào, người ta cần không lạc mất mà không xác định nó đẹp hay xấu, chỉ ở thư giãn trong nhận biết nó. Nếu một tư tưởng sanh khởi để phán xét nó đẹp hay xấu, người ta cần tiếp tục hiện diện trong sự nhận biết tư tưởng ấy, không quên hiện diện.

Tương tự, nếu người ta thấy mình trong những hoàn cảnh nhiễu loạn, như ở giữa nhiều tiếng động ồn ào, người ta cần nhận biết nó là cái gì và tiếp tục với sự hiện diện của trạng thái của tư tưởng ấy, không để cho tâm đi lạc. Nếu một tư tưởng của không thích sanh khởi, người ta nhận biết nó, và không để cho mất kiểm soát và tràn ngập bởi những phiền não, người ta giữ hiện diện trạng thái đặc biệt của tư tưởng ấy. Sự tiếp cận này hiệu quả với những đối tượng giác quan nói chung – âm thanh, mùi hương vân vân. Trong mọi trường hợp điểm trọng yếu là ở với sự hiện diện của nhận biết thực sự cái gì người ta đang tri giác.

Không có khả năng hòa nhập hiện diện với những hoạt động hằng ngày như ăn uống, đi bộ, ngủ và ngồi, thì không có cách để mở rộng trạng thái thiền định vượt khỏi thời gian giới hạn của ngồi thiền; và cho đến khi chúng ta có hiện diện vững chắc, luôn luôn có một phân cách giữa những thời ngồi thiền với những hoạt động hàng ngày. Vì lý do này, rất quan trọng khi cố gắng duy trì hiện diện nhiều nhất càng tốt, hòa nhập nó với mọi hoạt động của chúng ta, như Đức Phật giảng trong Kinh Trí Huệ vượt khỏi Trí thức (Kinh Bát Nhã ba la mật):

Tu Bồ Đề! Trong cách nào mà một đại Bồ tát, nhận biết ông có một thân thể, áp dụng hạnh hoàn hảo? Tu Bồ Đề! Nếu một đại Bồ tát đi, ông hoàn toàn tỉnh giác với đi; nếu ông đứng, ông hoàn toàn tỉnh giác với đứng; nếu ông ngồi, ông hoàn toàn tỉnh giác với ngồi; nếu ông nằm, ông hoàn toàn tỉnh giác với nằm; nếu thân ông khỏe hay bệnh, ông hoàn toàn tỉnh giác về nó.

Để hiểu chúng ta hòa nhập hiện diện với mọi hoạt động hàng ngày, hãy lấy thí dụ đi. Khoảnh khắc sự thúc dục đi xảy đến, không cần đứng dậy thình lình và bước đi một cách không chú ý, dao động, có nguy cơ làm vỡ cái gì trên đường bước. Đúng ra, chúng ta nên đi và mang trong tâm. “Bây giờ tôi đang đứng dậy, và khi đang đi tôi muốn không để cho tâm trượt khỏi điều tôi đang làm.” Theo cách này, không để cho mình lạc khỏi, chúng ta tỉnh giác chúng ta đang đi, và từng bước từng bước chúng ta kiểm soát chính mình qua sự hiện diện của tánh giác.

Tương tự, nếu chúng ta đang ngồi xuống, chúng ta tập trung chú ý vào hoạt động này, và cũng như vậy với bất cứ điều gì chúng ta làm, hoặc đang ăn một miếng hay hớp một ngụm nước hay nói đôi lời. Bất kể hoạt động có quan trọng đặc biệt hay không, chúng ta luôn luôn giữ trong tâm sự cần thiết phải duy trì hiện diện, không lạc mất.

Bởi vì chúng ta đã quá quen với xao lãng, phóng dật, khó mà khởi lên hiện diện đích thực của tánh giác, nhất là với người mới thực hành. Nhưng điều này rất giống với loại khó khăn gặp phải khi bắt đầu một việc làm mới. Giai đoạn đầu của huấn luyện căn bản, chúng ta có thể khó làm cho nhanh gọn, nhưng sau thời gian có kinh nghiệm công việc sẽ dễ dàng hơn. Ở đây cũng thể: chúng ta khởi đầu với cam kết, quan tâm đặc biệt không để cho chú ý trệch hướng; rồi tiếp theo với quyết tâm duy trì hiện diện ở mức cao nhất có thể; và khi mỗi dấu hiệu mới của xao lãng xuất hiện, chúng ta hoạt hóa khả năng nhận biết nó. Tiếp tục theo cách này với cam kết hiện diện của tánh giác, chúng ta có thể thật sự đạt đến điểm hoàn toàn không chìu theo xao lãng.

Nói chung trong Dzogchen, giáo lý của Trạng thái tự toàn thiện tự phát, nguyên lý nền tảng liên quan đến “cái thấy, thiền định, hạnh và quả sau cùng” là tự-giải thoát. Điều này phải trong mọi trường hợp sanh khởi qua sự hiện diện của tánh giác, đặc biệt nhất là về phương diện hạnh, cư xử. Trừ phi chúng ta áp dụng chính xác nguyên lý tự giải thoát trong cư xử của đời sống chúng ta, không có cách gì bắc cầu qua cái hồ giữa thời ngồi thiền và hoạt động hàng ngày.

Khi chúng ta nói đến nguyên lý “tự giải thoát của hạnh” như là tinh túy của tất cả tantra, lung và “giáo huấn bí mật” trong những giáo lý Dzogchen, người trẻ ngày nay hình như đáp ứng rất tán thành. Tuy nhiên một số người không nắm được rằng nền tảng của tự giải thoát này là hiện diện chân thật của tánh giác; còn những người khác, mặc dầu có đủ cái hiểu trí thức và lý thuyết để suy nghĩ và bàn luận nó, tuy nhiên chịu hậu quả là không thực sự áp dụng nó. Điều này khiến nhớ lại trường hợp một người bệnh biết mọi thứ đặc tính và hiệu quả của một thứ thuốc và thậm chí giỏi giải nghĩa về nó, nhưng không tự dùng; rõ ràng y sẽ có rất ít lợi lạc của sự chữa lành. Chúng ta đều khổ sở từ lâu bởi một hoàn cảnh trầm trọng, tức là căn bệnh tâm thức nhị nguyên, phương thuốc duy nhất là biết trực tiếp Trạng thái của tự giải thoát, vượt khỏi mọi giới hạn và bộ phái.

Khi chúng ta ở trong thiền định, trong sự liên tục của Trạng thái của hiện diện bất nhị thanh tịnh, không cần có chú ý đặc biệt đến phương diện hạnh. Nhưng với một người mới thực hành không có cách để vào nghĩa thực của thực hành khác hơn việc xen kẻ những thời thiền định với những hoạt động hàng ngày. Đó là bởi vì, căn cứ vào những thói quen suy nghĩ lý trí và quan niệm “chấp thực” của chúng ta, chúng ta có bám chấp rất mạnh vào những đối tượng của tri giác giác quan, và nhất là, vào thân thể bằng thịt và máu của chúng ta. Khi chúng ta thiền định về “không có tôi”, loại bỏ một cách tâm thức đầu và tay chân lần lượt từng cái, chúng ta dễ dàng xác minh rằng không có “tôi”. Tuy nhiên cái “không tôi” này chỉ là một khái niệm kết quả của phân tích trí thức của chúng ta, và không phải là hiểu biết thực về trạng thái “không có tôi”. Nếu khi đang nói “không có tôi” một cái gai đâm vào chân, tức thời chúng ta kêu lên, “ối”. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta còn lệ thuộc vào thể trạng nhị nguyên và cái “không có tôi” mà chúng ta nói đến cách rất thông thái đã không trở thành một trạng thái thực sự sống. Bởi thế cần thiết phải chăm sóc sự hiện diện của tánh giác, nó là nền tảng của tự giải thoát của hạnh trong mọi hoạt động hàng ngày.

Bởi vì có những cách khác nhau chú trọng đến phương diện hạnh, nhiều loại luật lệ được thiết lập căn cứ trên hoàn cảnh bên ngoài, như những điều luật tôn giáo và hệ thống pháp luật. Nhưng về cách tuân thủ chúng, trong nguyên lý, có một khác biệt lớn giữa tuân theo luật qua tỉnh giác và làm như vậy qua bắt buộc. Nói chung, vì mỗi người bị điều kiện hóa bởi nghiệp, những phiền não và nhị nguyên, rất ít người tôn trọng luật trên cơ sở tỉnh giác. Đó là tại sao, dù không ai muốn, mọi người phải chịu quyền lực của nhiều loại luật lệ khác nhau.

Chúng ta đã bị điều kiện hóa bởi nghiệp, bởi phiền não và nhị nguyên, đến độ nếu chúng ta thêm cho sự điều kiện hóa này những giới hạn từ sự tuân thủ luật lệ, thì không chỉ làm cho gánh nặng của chúng ta nặng hơn, mà còn lìa xa khỏi nguyên lý căn bản của “cái thấy” và “hạnh”. Điều này giúp chúng ta thấy sự cấp thiết đối với người đã kinh nghiệm hiểu biết thực sự bên trong của thực hành để sự hiện diện của tánh giác sanh khởi trong chính mình – chìa khóa cho sự tự giải thoát của hạnh.

Tự giải thoát của hạnh không nên hiểu là có thể làm bất cứ điều gì mình thích: đó hoàn toàn chẳng phải là nguyên lý của nó. Hiểu theo cách ấy chứng tỏ người ta không hiểu nghĩa của tánh giác.

Ở căn bản, chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa nguyên lý của luật lệ và của tánh giác. Những luật lệ được thiết lập theo những hoàn cảnh của thời gian và nơi chốn, và chúng điều kiện hóa cá nhân từ bên ngoài, trong khi tánh giác sanh khởi từ hiểu biết nó vốn là sở hữu của cá nhân. Đó là tại sao đôi khi luật lệ tương ứng với tánh giác và đôi khi không. Tuy nhiên, nếu người ta có tánh giác người ta có thể vượt qua thái độ phải tuân thủ luật lệ bắt buộc. Hơn nữa, một người có tánh giác và đã vững chắc trong hiện diện của nó sẽ có thể sống không bối rối dưới bất kỳ luật lệ nào của thế giới, không bị điều kiện hóa bởi nó. Nhiều đạo sư quan trọng đã nói,

Hãy thôi thúc con ngựa của tánh giác

Với ngọn roi của hiện diện!

Nếu tánh giác không khởi nhờ hiện diện thì nó không thể vận hành. Đây là một thí dụ về cái có nghĩa là “tánh giác”.

Một người lớn, trong một điều kiện bình thường, có một chén đầy thuốc độc trước mặt và biết điều đó. Bởi vì anh biết thuốc độc nguy hiểm như thế nào, anh không cần giải thích về nó. Anh cảnh báo cho những người không biết sự nguy hiểm, “Có thuốc độc trong chén này – nếu uống bạn sẽ chết”. Cái biết trong cách này có cơ hội sanh khởi trong những người khác, khiến họ có thể tránh nguy hiểm.

Bây giờ giả sử rằng người ta tiếp xúc với người biết về sự nguy hiểm của thuốc độc nhưng không xem nó là quan trọng, hay còn nghi ngờ, hay thực sự không có tỉnh giác này, bấy giờ chỉ nói “Đây là thuốc độc!” thì không đủ. Sẽ cần thêm, “Cấm uống cái này, nếu ai không vâng lời sẽ bị luật lệ phạt!” Đây là ý nghĩa đời sống được bảo vệ qua sự đe dọa của luật. Luật lệ thực ra được căn cứ trên nguyên lý này, và dù rất khác với nguyên lý của tánh giác, nó cần thiết để giúp đỡ những người thiếu trách nhiệm – người thiếu tỉnh giác.

Mở rộng thí dụ trên, chúng ta có thể đi xa hơn để hiểu nghĩa “hiện diện”. Giả sử một người với một chén đầy thuốc trước mặt và biết rõ hậu quả của việc uống nó, nhưng anh thiếu hiện diện liên tục và do đó để cho sự chú ý đi lạc, kết quả không may là anh có thể bất ngờ uống thuốc độc. Điểm then chốt là nếu tỉnh giác không đi kèm với hiện diện được duy trì, thì khó sanh ra những kết quả đúng đắn.

Nguyên lý mà những hành giả Đại thừa thường nói, xem như là một khẩu hiệu, là “sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi”. Nhưng nếu không có tánh giác bất khả phân với hiện diện, lòng bi đích thực không thể sanh khởi. Vô ích khi tự nhận là bi mẫn nếu chúng ta không thực sự cảm thấy bi mẫn đối với những người khác. Như tục ngữ Tây Tạng nói,

Chúng ta có đôi mắt để nhìn lẫn nhau,

Nhưng chúng ta cần một tấm gương thấy chính mình.  

Để sanh khởi lòng bi chân thật trong chúng ta, chúng ta phải quan sát những thiếu sót của chính mình và rõ biết về chúng, và để khám phá thể trạng thật là gì, chúng ta phải đặt mình vào chỗ của người khác. Đây là điều chỉ sự hiện diện đích thực có thể hoàn thành. Nếu khác thì đối với tất cả sự phô diễn có lòng bi của chúng ta, sớm hay muộn một tình huống sanh khởi sẽ cho chúng ta biết rằng nó chưa bao giờ thực sự sanh trong chúng ta.

Cho đến khi nào lòng bi thanh tịnh sanh khởi, không có cách gì vượt qua những giới hạn và bộ phái. Tuy nhiên có những hành giả đạt đến một điểm tự xem mình giống như những bổn tôn và đối xử với những người khác như đang chống với những hồn linh xấu, do đó củng cố thêm những giới hạn và nhấn mạnh thêm bám luyến và ghét bỏ. Dù họ nói nhiều về Đại Ấn (Mahamudra) và Dzogchen, ở cấp độ ứng xử họ chỉ trở nên lão luyện và tinh tế thêm trong hành động hợp theo “tám mối quan tâm thế gian”. Đây là một dấu hiện cụ thể rằng lòng bi chân thực đã không sanh khởi và rằng, ở cấp độ căn bản nhất, gốc rễ duy nhất của lòng bi, sự hiện diện của tánh giác, đã không được sanh ra.

Chúng ta thích tránh những người chỉ huyên thiên về thực hành hay người thỏa mãn với một bề ngoài lịch thiệp nào đó. Bởi thế, bằng cách đưa vào tâm nhu cầu sâu xa là làm sanh khởi hiện diện hiện thực của tánh giác trong chúng ta, chúng ta có thể đưa nó vào hành động trong cách trực tiếp và cụ thể nhất. Đây là thực hành trọng yếu của những giáo lý Dzogchen.

 

Vào dịp năm mới 1978, trong một nhập thất ở làng Lu Cumitoni vùng Sardinia, lúc ấy tôi cho những giải thích về Kulaya raja và những giáo lý khác với hơn một trăm người, gồm các hành giả nam nữ, tôi thấy lời khuyên này cần được viết ra để chuyển đến những người thuộc Cộng Đồng Dzogchen. Mong muốn của tôi là nó đem đến lợi lạc!

Dzogchenpa Namkhai Norbu.

 

Trích: Tấm Gương - Lời Khuyên Về Sự Hiện Diện Của Tánh Giác

Tác giả: Chogyal Namkhai Norbu

Việt dịch: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

NXB Thiện Tri Thức – 2020

Ảnh nguồn Internet

Bài viết liên quan