THẬP HẠNH - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

THẬP HẠNH

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Chỉ cần một hạnh trong mười hạnh mà đi cho đến tận cùng thì thành Phật. Vì một hạnh bao trùm tất cả các hạnh, vì một hạnh khai triển tận cùng thì đó chính là tánh bổn nhiên. Hạnh nào cũng được thực hành trên tánh bổn nhiên nên một hạnh bao gồm tất cả các hạnh khác.
THẬP HẠNH - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

  1. A Nan, người thiện nam đó đã thành Phật tử rồi, đầy đủ vô lượng diệu đức của Như Lai và tùy thuận mười phương, gọi là Hoan hỷ hạnh.

Địa đầu tiên trong Thập Địa là Hoan hỷ địa, cấp bậc đầu tiên trong Thập Hạnh là Hoan hỷ hạnh.

Khi đã thành Phật tử, nghĩa là đã thấy biết và an trụ được nơi cái chân thật là Phật tánh, dù chưa trực tiếp, bèn hoan hỷ vì có đầy đủ diệu đức của Phật. Từ Phật tánh này lưu xuất các hạnh, mà hạnh đầu tiên là tùy thuận mười phương. Một trong những diệu đức của Phật tánh là tánh Không vô tự tánh, vì vô tự tánh nên có thể tùy thuận mười phương thế giới chúng sanh.

 

  1. Khéo hay lợi ích cho tất cả chúng sanh, gọi là Nhiêu ích hạnh.

Thành Phật tử là trí sáng, bi trùm, nên có thể làm lợi ích cho chúng sanh. Con đường Bồ tát cho đến thành Phật là khai mở, tỏa rộng Trí và Bi để làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh.

 

  1. Tự giác, giác tha, được không chống trái, gọi là Vô sân hận hạnh.

Tự giác thì không thấy có mình. Giác tha thì không thấy có người. Đây gọi là ‘‘ngược dòng toàn nhất’’. Không có mình không có người thì được không chống trái. Không chống trái thì không có sân hận. Ở trong tánh, nghĩa là trong Trí Bi, thì không có ngã và pháp, bèn không có chống trái. Hạnh giác tha mà không có sân hận khiến hành giả tự mình tiêu trừ chướng ngại ngã chấp và pháp chấp, do đó gắn liền giác tha với tự giác.

 

  1. Theo loài mà xuất sanh, tột mé vị lai, ba đời bình đẳng, mười phương đều thông suốt, gọi là Vô tận hạnh.

Xuất sanh là hoặc sanh trong loài đó, hoặc xuất hiện trong loài đó. Trụ được trong tánh thì có được hạnh như tánh. Tánh thì tột mé vị lai, ba đời bình đẳng, mười phương đều thông suốt nên hạnh y vào tánh thì cũng như thế. Tánh thì vô tận nên hạnh là vô tận.        
 

  1. Tất cả hợp về đồng, thảy thảy pháp môn được không sai lầm, gọi là Ly si loạn hạnh.         

Tất cả tướng hợp thành một tướng, một tướng ấy là ‘‘vậy các pháp là Không tướng, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm’’. Nhờ biết cái Không tướng là nội dung của thảy thảy pháp môn mà được không sai lầm nơi các pháp môn.

Hãy mở mắt ra để thấy cái tất cả hợp về đồng Không tướng ấy, đó cũng là Ly si loạn hạnh.

 

  1. Ở ngay trong cái đồng mà hiện ra cái khác. Nơi mỗi mỗi tướng khác đều mỗi mỗi thấy là đồng, gọi là Thiện hiện hạnh.

Ở trong tánh thì đồng, nhưng khi làm việc thì hiện ra các cái khác, có ta có người, có sự vật này khác với sự vật khác…Nhưng tuy biểu hiện ra các tướng khác vẫn thấy chúng cùng đồng một tánh. Thấy chúng là đồng tức là đang ở trong tánh. Làm việc với các tướng khác nhau mà vẫn thấy là đồng, đây là tánh tướng không hai, lý sự không hai. Tự tại trong cái không hai này, gọi là khéo hiện (thiện hiện).

 

  1. Như vậy cho đến mười phương hư không đầy khắp vi trần, trong mỗi mỗi vi trần hiện mười phương thế giới. Hiện vi trần, hiện thế giới không ngăn ngại nhau, gọi là Vô trước hạnh.

Trong mỗi vi trần hiện mười phương thế giới, trong cái nhỏ nhất có cái lớn nhất. Đây là cực độ của người chứng tánh Không, như huyễn. Nếu Thiện hiện hạnh ở trên là cảnh giới lý sự vô ngại, thì Vô trước hạnh ở đây là cảnh giới sự sự vô ngại.

Vô trước ở đây là tánh Không rốt ráo, như huyễn toàn triệt, viên thông toàn khắp.

 

  1. Mỗi mỗi trước mắt đều là Đệ nhất ba la mật đa, gọi là Tôn trọng hạnh.

Mỗi mỗi vi trần, mỗi mỗi thế giới trước mắt (hiện tiền) đều là giải thoát đệ nhất, là tánh viên thông, là trí huệ. Kinh Kim Cương nói, ‘‘tất cả pháp đều là Phật pháp’’. Kinh Viên Giác nói, ‘‘tất cả đều là Giác’’.

Tất cả xưa nay vốn là vàng và mỗi thứ bằng vàng đó viên thông, vô ngại với nhau, thấy được sự quý báu đệ nhất này, là hạnh tôn trọng.

 

  1. Viên dung như thế, có thể thành tựu quy tắc của mười phương chư Phật, gọi là Thiện pháp hạnh.

Viên dung như thế là ở trong tánh mà hành hạnh, vì chỉ có tánh mới viên dung. Quy tắc của mười phương chư Phật là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Tự giác cũng là Phật tánh, Giác tha cũng là Phật tánh, giác hạnh cũng là Phật tánh, như vậy mới có thể có ngày viên mãn, đó là thiện pháp.

 

  1. Mỗi mỗi đều là Nhất Chân vô vi, thanh tịnh vô lậu, vì đều là tánh bổn nhiên, gọi là Chân thật hạnh.

Mỗi mỗi là Niết bàn, mỗi mỗi là Phật, mỗi mỗi là nhất chân vô vi thanh tịnh, vì mỗi mỗi xưa nay đều là Phật tánh bổn nhiên.

Chỉ cần một hạnh trong mười hạnh mà đi cho đến tận cùng thì thành Phật. Vì một hạnh bao trùm tất cả các hạnh, vì một hạnh khai triển tận cùng thì đó chính là tánh bổn nhiên. Hạnh nào cũng được thực hành trên tánh bổn nhiên nên một hạnh bao gồm tất cả các hạnh khác.

Người nào biết làm một hạnh tức là làm tất cả các hạnh người ấy sẽ nhanh chóng đắc tánh bổn nhiên.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan