THẬP TRỤ - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

THẬP TRỤ

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Còn dùng phương tiện, nghĩa là chưa y trên tánh mà tu, cái này sẽ là sự tu của hàng Thập địa, một khi đã trực biết thấy tánh tức thấy Pháp thân. Phát mười cái tâm ấy, cái tâm có phát thì chỉ là tâm tương tự, giác tương tự.
THẬP TRỤ - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

  1. A Nan, người thiện nam đó dùng phương tiện chân chánh phát mười cái tâm ấy, tâm tinh phát sáng, mười cái dụng ấy xen lẫn với nhau viên thành một tâm, gọi là Phát tâm trụ.

 

Còn dùng phương tiện, nghĩa là chưa y trên tánh mà tu, cái này sẽ là sự tu của hàng Thập địa, một khi đã trực biết thấy tánh tức thấy Pháp thân. Phát mười cái tâm ấy, cái tâm có phát thì chỉ là tâm tương tự, giác tương tự. Sự viên thành một tâm này do vậy chưa phải là Một Tâm Pháp thân của Phật và chúng sanh, của phàm thánh trời người. Ở hàng Thập địa thì mười cái tâm ấy có sẳn trong Pháp thân, và Một Tâm Pháp thân ấy có sẳn, không phải tập hợp lại rồi viên thành.

Xác định cho rõ như vậy để thấy cần phải tăng tiến hơn mà bước vào Thập địa Pháp thân, chứ không phải để bỏ qua không tu Tam Hiền, là Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng.

 

  1. Trong tâm phát sáng như ngọc lưu ly thanh tịnh, ở trong hiện ra sắc vàng ròng. Dùng cái diệu tâm ở trước sửa sang thành địa, gọi là Trị địa trụ.

Trụ nơi tâm phát sáng thanh tịnh mà sửa sang, đối trị để tâm thành tâm địa an trụ vững vàng.

 

  1. Tâm địa thông biết, đều được tỏ rõ, dạo đi mười phương được không ngăn ngại, gọi là Tu hành trụ.

Khi tâm địa đã sáng bèn có thể dạo đi mười phương, mắt đã sáng nên chốn chốn đều thấy được, đều học được, nên gọi là tu hành.

 

  1. Hạnh đồng với Phật, nhận khí phần của Phật, như thân trung ấm tự tìm cha mẹ, âm thầm thông vào dòng giống Như Lai, gọi là Sanh quý trụ.

Tu hành là tu hạnh Phật nên hạnh ấy đồng với Phật mà nhận khí phần của Phật. Thân trung ấm là thần thức, thầm thông vào dòng giống Phật là thông qua khí phần, chưa phải thông qua pháp thân. Sanh vào Pháp thân thì được gọi là ‘‘sanh vào nhà Như Lai’’, hay nói theo ngài Tu Bồ Đề trong Kinh Đại Bát Nhã: ‘‘Con từ miệng Phật sanh, từ Pháp hóa sanh’’.

 

  1. Đã vào đạo thai, chính mình được nối dõi dòng Giác, như thai đã thành, tướng người không thiếu khuyết, gọi là Phương tiện cụ túc trụ.

Như thai đã thành tướng người không thiếu khuyết, được nối dõi dòng giống giác ngộ, đầy đủ phương tiện để có thể ‘thành tựu’ Pháp thân.

 

  1. Dung mạo như Phật, tâm tướng cũng đồng, gọi là Chánh tâm trụ.

Dung mạo như Phật, sự biểu lộ nơi thế gian là sự hiện hành của trí huệ và từ bi. Tâm tướng là trí huệ và từ bi. Chánh tâm là tâm chân chánh do tu mà có, chưa phải là tâm Như Lai tạng diệu chân như tánh vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên.

Ở Thập trụ thì mới ‘‘giống như’’ nhưng chưa phải ‘‘thật là’’.

 

  1. Thân tâm hợp thành, mỗi ngày càng tăng trưởng, gọi là Bất thối trụ.

Thân tâm hợp nhất, thân như thế nào thì tâm như vậy, tâm như thế nào thì thân như vậy. Thân tâm ấy giống như Phật, mỗi ngày càng tăng trưởng.

 

  1. Linh tướng của mười thân cùng lúc đầy đủ, gọi là Đồng chân trụ.

Mười thân Phật theo Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37, là:

1/ Thân vô biên ở khắp như hư không.

2/ Thân quang minh chiếu khắp mà không nhiễm trước.

3/ Thân làm lợi ích khắp.

4/ Thân bình đẳng ứng cơ.

5/ Thân công đức quang minh làm thiện căn chúng sanh được đầy đủ.

6/ Thân như mặt trăng hiện bóng khắp 7/ Thân một nhiều vô ngại.

8/ Thân không có động niệm mà thành tựu Phật sự.

9/ Pháp thân quang minh ai thấy thì đắc pháp nhãn tịnh.

10/ Thân vô ngại như hư không cho chúng sanh tùy ý mãn nguyện.

Mười thân này là cái dụng viên mãn của Ba thân Phật, Pháp thân, Báo thân và Hóa thân.

 

Ở đây nói là mười thân cùng lúc đầy đủ, nhưng cũng chỉ là đầy đủ ở trong thai. Vào Sơ địa mới thực sự được sanh ra như đứa trẻ, rồi lớn lên, trưởng thành, thành người lớn (Phật) thì mới làm những việc lớn lao được.

Cấp thứ tám của Thập Trụ là Đồng chân trụ, cấp thứ tám của Thập Địa còn được gọi là Đồng chân địa. Cấp thứ mười của Thập Trụ là Quán đảnh trụ, cấp thứ mười của Thập Địa là Pháp vân địa cũng trải qua quán đảnh. Như vậy chúng ta thấy mười bậc ở dưới cũng tương tự như mười bậc ở trên cùng, có khác nhau là một bên thì tương tự vì chưa được vào tánh Giác Pháp thân, và một bên thì thật sự vì đã có nền tảng là tánh Giác Pháp thân.

 

  1. Hình thể đã thành, ra khỏi bào thai, chính mình là Phật tử, gọi là Pháp vương tử trụ.

Từ Phát tâm trụ cho đến Sanh quý trụ là nhập thánh thai, từ Phương tiện cụ túc trụ cho đến Đồng chân trụ là trưởng dưỡng thánh thai. Đến đây đã đầy đủ mới ra khỏi bào thai, được sanh ra làm Phật tử.

Địa thứ tám của Thập địa còn có tên là Sanh địa, cho thấy sự giống nhau giữa Thập trụ và Thập địa. Nhưng sự khác biệt là về chất: ở Thập Địa thì gọi là Pháp vương tử, còn ở Thập trụ thì gọi là Pháp vương trụ. Sự khác biệt ấy là một bên có nền tảng là Pháp thân, còn bên kia thì chưa có nền tảng ấy.
 

  1. Cốt cách đã thành người lớn, như khi quốc vương đem các việc nước giao phó cho thái tử lúc thái tử trưởng thành, bày ra lễ quán đảnh, gọi là Quán đảnh trụ.

Quán đảnh để thái tử sẽ lên làm vua. Quán đảnh của Phật giáo để làm Phật tử (ở cấp Thập Trụ) và để chuẩn bị thành Phật, làm việc Phật (ở cấp Thập Địa).

 

Chúng ta thấy tổng quát bốn mươi cấp bậc là như vầy:

 

  • Thập Tín là nhờ tin mà tiếp xúc sơ bộ với Phật tánh vốn viên thông sáng khắp: ‘‘Giữ gìn cái giác sáng tỏ, có thể dùng diệu lực xoay từ quang của Phật lại nơi mình, hướng về Phật mà an trụ’’. Đây là tri kiến Phật, cái thấy biết của Phật, dù chỉ mới là lúc ban đầu.
  • Thập Trụ là an trụ vào cái thấy biết sơ bộ ấy để hình thành và nuôi lớn: ‘‘Dung mạo giống như Phật, tâm tướng cũng đồng’’. Nhưng hàng Thập trụ chưa thấy rõ Phật tánh. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: “Bậc Thập trụ biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng thấy chẳng rõ ràng như trong đêm tối thấy vật chẳng rõ” (Phẩm Phạm hạnh). “Bồ tát Thập trụ còn thấy Phật tánh một phần ít, huống là người chẳng tu mà được thấy ư!” (Phẩm Sư tử hống Bồ tát).
  • Thập Hạnh là hành động giống như Phật, nhờ hạnh này mà cái thấy biết Phật trở thành rõ ràng cụ thể.
  • Thập Hồi hướng là xoay Trí Bi hồi hướng về chúng sanh để Trí Bi phổ khắp pháp giới.     
     

Đây là một trình tự hợp lý nói lên sự trưởng thành của tâm thức hành giả. Nhưng trình tự ấy luôn luôn xảy ra trên nền tảng Như Lai tạng diệu chân như tánh, thành thử bất cứ cấp bậc nào cũng hoàn toàn thông suốt với Như Lai tạng diệu chân như tánh. Bốn mươi địa vị đều nằm trên đất Phật, Phật địa, còn sự chứng ngộ nhanh hay chậm thì tùy nơi hành giả.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan