THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM - SUỐI NGUỒN TÂM LINH – AJAHN CHAH

THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM

SUỐI NGUỒN TÂM LINH – AJAHN CHAH

–––––o0o–––––

Trong cuộc đời tu hành của tôi, tôi không cố gắng tinh thông quá nhiều thứ. Chỉ một thôi. Tôi tinh luyện cái tâm này.
THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM - SUỐI NGUỒN TÂM LINH – AJAHN CHAH

Trong cuộc đời tu hành của tôi, tôi không cố gắng tinh thông quá nhiều thứ. Chỉ một thôi. Tôi tinh luyện cái tâm này. Chẳng hạn, chúng ta nhìn vào một thân thể. Nếu chúng ta thấy mình ưa thích một thân thể nào đó, hãy phân tích nó. Hãy quan sát kỹ: tóc, lông, móng tay, răng, và da. Đức Phật dạy chúng ta quán chiếu những phần này trên cơ thể một cách toàn diện và lặp đi lặp lại. Hãy hình dung chúng riêng rẽ, tách chúng ra, đốt chúng cháy, và lột lớp da bên ngoài. Bạn quán chiếu như thế đó. Hãy kiên trì hành thiền cho đến khi định lực vững vàng. Hãy nhìn mọi người như nhau. Chẳng hạn, buổi sáng khi các tỳ kheo và sa di đi vào làng hóa duyên, dầu là thấy ai - một dân làng hay một tỳ kheo khác - họ đều hình dung anh ta hay cô ta như một cái xác chết, một cái xác chết đang đi loạng choạng trên đường phía trước họ. Cứ nhận thức như thế mãi. Đây là cách để phấn đấu. Nó dẫn tới sự điềm tĩnh và tiến bộ. Khi nhìn thấy một phụ nữ quyến rũ, hãy hình dung cô ấy như một xác chết biết đi, thân thể cô thối rữa và bốc mùi nồng nặc. Hãy nhìn mọi người như thế. Đừng để họ đến quá gần! Đừng để sự say đắm lưu lại trong tâm bạn. Nếu bạn nhìn thấy những người khác mục rữa và hôi thối, tôi dám chắc là bạn sẽ không say đắm quá lâu. Hãy quán chiếu cho đến khi bạn cảm thấy những gì mình nhìn thấy thật sự là như vậy, cho đến khi nó rõ ràng, cho đến khi bạn thông thạo. Bất kể bạn đi đến đâu, bạn cũng sẽ không lạc lối. Đặt hết tâm trí của bạn vào đó. Nhìn thấy ai, bạn cũng thấy như đang nhìn một cái xác chết. Bất kể là nam hay nữ, cứ xem đó như một xác chết. Và đừng quên nhìn vào chính mình như một xác chết! Cuối cùng, đây sẽ là tất cả những gì còn lại. Hãy cố phát triển cách nhìn này cho đến chỗ hoàn mỹ. Huấn luyện với nó cho đến khi nó trở thành một phần trong tâm bạn. Tin tôi đi, điều này rất thú vị - nếu bạn thật sự làm thế. Nhưng nếu bạn bận rộn đọc nó từ sách vở, bạn sẽ bị trở ngại. Bạn phải thực hiện nó, và với tất cả sự tinh cần. Làm thế cho đến khi sự quán chiếu này trở thành một phần của bạn. Hãy lấy sự chứng ngộ chân lý làm mục tiêu. Nếu bạn được thúc đẩy bởi ước muốn thoát khổ, đó là bạn đang đi đúng đường.

Thời nay, có nhiều người giảng dạy thiền minh sát (vipassana) và nhiều pháp thiền khác nhau. Nhưng sự thật thì thiền minh sát không phải dễ. Chúng ta không thể nhảy ngay vào đó. Pháp thiền này sẽ không có kết quả nếu nó không xuất phát từ một tiêu chuẩn đức hạnh cao. Hãy tự biết mình. Đức hạnh và giới luật rất cần thiết, bởi nếu thân, khẩu, ý của chúng ta không thanh tịnh, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đứng vững trên hai chân của mình. Thiền định mà không có đức hạnh là bỏ đi phần quan trọng trong Đạo.

Cùng thế ấy, đôi lúc bạn nghe người ta nói, “Bạn không cần đạt đến trạng thái tĩnh lặng. Cứ đi thẳng vào thiền minh sát”. Những người cẩu thả ưa đi ngang về tắt mới nói như thế. Họ nói rằng bạn không cần bận tâm với giới luật. Nghiêm trì và tịnh hóa phẩm hạnh là một công việc đầy thử thách, không phải chuyện đùa. Nếu chúng ta có thể bỏ qua phần giáo lý về đạo đức, thì dễ hơn nhiều, phải không? Mỗi khi có vấn đề, chúng ta chỉ việc tránh nó bằng cách bỏ qua. Dĩ nhiên, chúng ta ai cũng thích bỏ qua những vấn đề khó khăn.

Có một lần, một tỳ kheo đến gặp tôi và nói rằng anh ta là một thiền giả thứ thiệt. Anh xin phép ở lại tu viện với tôi và hỏi thăm về thời khóa biểu sinh hoạt và tiêu chuẩn tu hành tại đây. Tôi giải thích với anh rằng trong tu viện này, chúng ta sống dựa vào luật tạng, đó là giới luật của người xuất gia do Đức Phật đề ra, và nếu anh muốn đến tu với tôi, anh cũng phải từ bỏ tiền bạc cùng với những áo tu trước và thuốc men của anh. Anh bảo với tôi rằng đường lối tu hành của anh là, “không dính mắc vào mọi quy ước”. Tôi nói với anh là tôi không hiểu anh ta đang nói gì. “Cứ để tôi ở lại đây,” anh ta yêu cầu, “và để tôi giữ tất cả tiền bạc của tôi nhưng không dính mắc vào đó. Tiền bạc chỉ là một quy ước thôi”. Tôi nói, “Dĩ nhiên là được. Nếu anh có thể ăn muối mà không thấy mặn, thì anh có thể sử dụng tiền mà không bị dính mắc vào đó”. Đúng là nói chuyện viển vông. Thật ra, anh ta lười biếng không muốn chấp hành những chi tiết trong giới luật. Không dễ đâu. Tôi nói, “Nếu anh có thể ăn muối và đoan chắc với tôi rằng nó mặn, tôi sẽ tin anh. Nhưng nếu anh nói rằng nó không mặn, hãy để tôi cho anh một bịch muối để ăn. Cứ thử đi. Nó không mặn thật sao? Không dính mắc vào các quy ước không chỉ là nói miệng mà thôi. Nếu anh nói chuyện kiểu này, anh không thể ở lại đây với tôi”. Thế là anh ta bỏ đi.

Khi bắt đầu phát triển sự tĩnh lặng của thiền chỉ, đừng thử một hai lần rồi thôi vì thấy tâm không bình an. Như vậy là sai. Bạn phải hành thiền một thời gian dài. Tại sao phải cần một thời gian dài? Thử nghĩ xem. Chúng ta cho phép tâm mình đi lạc đã bao nhiêu năm rồi? Mỗi khi tâm ra lệnh cho chúng ta đi hướng nào, chúng ta chạy theo hướng đó. Để an định một cái tâm lăng xăng, để làm cho nó dừng lại, làm cho nó tĩnh lặng, một vài tháng tu thiền không đủ đâu. Có đúng không? Khi chúng ta khởi sự huấn luyện tâm để nó bình thản trong mọi hoàn cảnh, hãy hiểu rằng vào lúc đầu, khi một cảm thọ uế trược phát sinh, tâm sẽ không bình an. Nó sẽ xao lãng và rối loạn. Tại sao? Bởi vì có sự ham muốn. Chúng ta không muốn tâm suy nghĩ. Chúng ta không muốn bất cứ điều gì khiến tâm chạy ra ngoài. Cái không muốn này là một thứ ham muốn. Chúng ta càng muốn không kinh nghiệm một điều gì, chúng ta càng mời gọi và đẩy nó vào. “Tôi không muốn những thứ này, tại sao chúng cứ quay trở lại mãi?”.

Là thế đó! Chúng ta muốn sự việc tồn tại theo một cách nào đó, bởi chúng ta không hiểu tâm của mình. Có thể phải lâu lắm chúng ta mới nhận ra rằng đùa chơi với những thứ này là một sự nhầm lẫn. Cuối cùng, chúng ta cũng sẽ nhận ra, “Ồ, những thứ này đến bởi vì mình mời gọi chúng”.

Muốn không có một điều gì, muốn được bình an, muốn không bị xao lãng và hiếu động - đều là sự ham muốn. Chúng là những cục sắt nóng đỏ. Nhưng đừng lo. Cứ tiếp tục tu hành. Mỗi khi chúng ta kinh nghiệm một cảm thọ, hãy quán xét nó, quán xét tính vô thường, khổ và vô ngã của nó. Và rồi phản ảnh và khảo sát: Những cảm thọ uế trược này gần như luôn luôn đi kèm với sự suy nghĩ quá nhiều, Cảm thọ đi tới đâu, sự suy nghĩ lẽo đẽo theo tới đó. Sự suy nghĩ và trí tuệ là hai thư hoàn toàn khác nhau. Sự suy nghĩ chỉ phản ứng và chạy theo những cảm thọ của chúng ta và nó tiếp diễn không ngừng. Nhưng nếu trí tuệ làm việc, nó sẽ mang tâm vào sự tĩnh lặng. Tâm dừng lại và không đi đâu nữa. Chỉ có cái biết và sự nhận biết về những gì đang được kinh nghiệm; khi cảm thọ này phát sinh, tâm là như thế này; khi cảm thọ đó phát sinh, tâm là như thế kia. Chúng ta giữ vững “cái biết”. Cuối cùng thì tâm nhận ra. “Thì ra tất cả những sự suy nghĩ này, những sự huyền thiên này, những sự lo âu và phán xét này - đều là những thứ vô nghĩa, không có thực chất. Tất cả đều vô thường, khổ, và không phải là tôi hay của tôi. Hãy ném nó vào một trong ba phân loại này, và dập tắt cuộc nổi loạn. Dập tắt nó ngay tại nơi nó phát sinh. Sau này, khi chúng ta ngồi thiền trở lại, nó sẽ xuất hiện nữa. Cứ canh gác nó. Theo dõi nó.

Giống như việc chăn trâu. Bạn có người tá điền, một ít lúa, và con trâu. Con trâu muốn ăn những cây lúa này. Trâu thích ăn lúa, phải không? Tâm của bạn cũng giống như con trâu. Những cảm thọ uế trước là những cây lúa. Cái biết là người tá điền. Tu hành cũng giống như vậy. Không khác. Hãy tự mình so sánh thì biết. Khi chăn trâu, bạn làm gì? Bạn cho phép nó đi tự do, nhưng bạn trông chừng nó. Nếu nó đi quá gần đến những cây lúa, bạn la lên. Khi con trâu nghe la, nó lùi lại. Nhưng đừng lơ là. Nếu bạn gặp phải một con trâu cứng đầu, không quan tâm đến sự cảnh cáo của bạn, hãy lấy một cái que và đánh mạnh vào mông đít của nó. Rồi nó sẽ không dám đến gần mấy cây lúa. Nhưng đừng vội mừng. Nếu bạn nằm xuống và ngủ quên, những cây lúa đó sẽ hoá kiếp hết. Tu hành cũng vậy: bạn canh gác tâm của mình; cái biết trông chừng tâm.

“Những người canh chừng tâm của mình sẽ thoát khỏi cái bẫy của Ma vương”. Tuy nhiên, cái biết này cũng chính là tâm, cho nên ai là cái quan sát tâm đây? Điều này có thể khiến cho bạn bối rối. Tâm là một thứ, cái biết là một thứ khác, nhưng có biết bắt nguồn từ chính cái tâm này. Thế nào là biết tâm? Như thế nào là kinh nghiệm những tâm thái và cảm thọ? Như thế nào là tâm không có một cảm thọ uế trước nào? Cái nhận biết những điều này là “cái biết”. Cái biết theo dõi tâm, và từ cái biết này mà trí huệ phát sinh. Tâm là cái suy nghĩ và bị vướng trong những cảm thọ, hết cảm thọ này đến cảm thọ khác - y hệt như con trâu của chúng ta vậy. Bất kể nó đi về hướng nào, canh chừng nó cẩn thận. Làm sao nó có thể chạy thoát được? Nếu nó nhẩn nha đến gần mấy cây lúa, la lớn lên. Nếu nó không nghe, đánh vào đít nó. “Bét!” Đây là cách bạn vô hiệu hóa sự ham muốn của nó.

Huấn luyện tâm cũng vậy. Khi tâm kinh nghiệm một cảm thọ và nắm giữ nó, công việc của cái biết là dạy cho nó. Phân tích xem cái cảm thọ này là tốt hay xấu. Giải thích với tâm cách làm việc của nhân quả. Và khi nó nắm bắt một thứ gì đó mà nó nghĩ là dễ thương, cái biết lại phải dạy dỗ tâm, lại phải giải thích về luật nhân quả, cho đến khi tâm có thể vất bỏ điều đó qua một bên. Điều này dẫn đến sự bình an nội tâm. Sau khi nhận ra rằng bất cứ thứ gì nó nắm bắt đều vốn chẳng đáng ưa, tâm sẽ dừng lại. Nó sẽ không còn bị những thứ đó quấy nhiễu nữa, bởi vì nó bị khiển trách không ngừng. Hãy quyết tâm ngăn trở sự ham muốn của tâm. Thách thức nó đến cùng, cho đến khi sự giảng dạy thâm nhập vào tâm. Đó là cách bạn huấn luyện tâm.

Kể từ ngày tôi vào rừng để hành thiền, tôi tu hành như thế đó. Khi tôi huấn luyện các đệ tử của mình, tôi huấn luyện họ tu hành theo cách đó. Bởi vì tôi muốn họ nhìn thấy chân lý, thay vì chỉ đọc nó từ kinh điển. Tôi muốn họ biết rõ là tâm của họ đã thoát khỏi những định kiến chưa. Khi sự giải thoát xảy ra, bạn biết, và khi sự giải thoát chưa xảy ra, hãy quán chiếu tiến trình nhân quả của mọi việc. Quán chiếu cho đến khi bạn hiểu biết hoàn toàn. Một khi tiến trình nhân quả được thấu suốt, nó sẽ tự động rời bỏ chúng ta. Khi có điều gì đó xảy đến với bạn và không chịu rời khỏi, hãy khảo sát nó. Đừng bỏ cuộc cho đến khi nó thả bạn ra. Khảo sát không ngừng ngay tại đây. Đây là cách tối huấn luyện mình, bởi Đức Phật dạy rằng bạn phải hiểu biết chính mình. Các bậc minh triết từ xưa đến nay đều tự họ nhận biết chân lý. Bạn phải khám phá nó ngay trong tâm của bạn. Hãy biết chính mình.

Nếu bạn tin tưởng vào những gì mình biết và có tự tin, bạn sẽ bình thản đối với sự khen chê của thế gian. Bất kể người khác nói gì, bạn đều bình thản. Tại sao? Bởi vì bạn biết chính mình. Nếu có người nịnh hót bạn với lời khen tặng, nhưng bạn không thật sự xứng đáng với điều đó, bạn có tin họ không? Dĩ nhiên là không. Bạn vẫn tiếp tục tu hành. Khi một người không tự tin được người khác tán thành, họ tưởng họ là vậy và nó làm thiên lệch cái nhìn của họ. Cùng thế ấy, khi có người chỉ trích bạn, hãy nhìn lại chính mình. “Không, điều họ nói là không đúng. Họ buộc tội mình, nhưng mình thật sự không phải là vậy. Sự buộc tội của họ không có giá trị”. Nếu là vậy, thì chuyện gì bạn phải tức giận họ? Khi bạn có thể nghĩ được như thế, đời sống sẽ dễ chịu và không có vấn đề. Và rồi không có gì xảy ra là sai lầm cả. Mọi thứ đều là Pháp. Đó là cách tôi tu hành.

–––––o0o–––––

Trích “Suối Nguồn Tâm Linh”.

Tác giả: Ajahn Chah.

Người dịch: Minh Vi.

NXB Lao Động – 2011.

Ảnh nguồn Internet.

Bài viết liên quan