THIỀN ĐỊNH HÒA HỢP LÒNG BIẾT ƠN VÀ TÌNH YÊU

Phép tu hành cao đẹp đó chính là bắt đầu ngay lúc này đây. Hãy thử dừng lại mọi việc. Rồi hãy thử bắt đầu ngay lập tức. “Cảm ơn” khi hít vào, “yêu thương” khi thở ra.
THIỀN ĐỊNH HÒA HỢP LÒNG BIẾT ƠN VÀ TÌNH YÊU

THIỀN ĐỊNH HÒA HỢP LÒNG BIẾT ƠN VÀ TÌNH YÊU

---@---

Thiền định hòa hợp lòng biết ơn và tình yêu Tất cả mọi việc trên đời này đều có sự kết nối với nhau. Là sự kết nối rất đơn giản nhưng không phải rời rạc, mà là trong mối quan hệ ấy mọi vật hỗ trợ lẫn nhau bởi sự khoan ái ấm áp và chia sẻ yêu thương. Đến ngay cả một bông hoa nở cũng chẳng bao giờ nở một mình khi xuân về, mọi tồn tại trên vũ trụ này đều tương hỗ lẫn nhau. Đến cả từng hạt gạo mà ta ăn bên trong đó cũng chứa vô số các vật chất khác mà nếu như chúng không tương hỗ với nhau thì cũng không thể tạo thành được.

Phật giáo gọi đây là “duyên khởi”. Nghĩa là mọi tồn tại trên đời này đều có tính tương quan tương hỗ, kết nối chặt chẽ với nhau. Mọi vật được kết nối với nhau, không thể tự nhiên xuất hiện mà là kết quả của sự hòa hợp của rất nhiều mối nhân duyên, đó chính là quy tắc của thế giới này. Nếu một sự việc nào đó xảy ra thì đó là kết quả của rất nhiều những thay đổi trong vũ trụ này.

Tình yêu và lòng nhân từ là nền tảng cho sự liên kết bền chặt này. Hai từ “tình yêu” và “lòng nhân từ” không đơn giản chỉ là từ ngữ mang tính giáo điều. Hai từ đó tự thể nó đã là “chân thực” và “chân lí”. Nền móng của mọi tồn tại trên đời chính là lòng nhân từ, và cốt lõi nguồn gốc của mọi tồn tại, điểm cuối cùng mà tất cả hội tụ lại được với nhau chính là “tình yêu”.

Và sao nữa? Ta phải làm gì với sự giúp đỡ vô hạn từ vũ trụ tạo hóa? Đến bây giờ chẳng phải ta vẫn đang sống và nghĩ mọi sự giúp đỡ lớn nhỏ của tạo hóa này đều là hiển nhiên hay sao? Chẳng những không biết cám ơn cuộc sống với đầy tình yêu thương và nhân ái, ngược lại ta còn thù ghét hay oán giận nếu như không nhận dược sự giúp đỡ như mong đợi hay sao?

Có một từ khóa then chốt quan trọng của cuộc sống mà ta nhất định phải nắm được. Bằng tình yêu và lòng nhân từ vô hạn, vũ trụ nuôi sống ta, nếu điều đó là chân lí thì sức mạnh căn bản để giác ngộ toàn chân lí của vũ trụ này và hợp nhất hòa quyện mọi điều làm một chính là lòng biết ơn.

Hãy giải phóng nguồn năng lượng của lòng biết ơn về những gì cuộc đời này ban phát cho ta, về sự tồn tại của ta, về cả những điều kiện và hoàn cảnh mà ta có. Đó là cách báo đáp lại sự giúp đỡ của vũ trụ này đối với mình. Cám ơn có nghĩa là đón nhận trọn vẹn sự giúp đỡ của pháp giới vũ trụ này đối với mình, mở rộng tấm lòng để sự giúp đỡ của vũ trụ này chạm được vào ta.

Cảm ơn là một phẩm hạnh quan trọng. Khi ta cảm ơn, ta hiện diện rõ nhất “ở đây, vào lúc này”. So với việc mãn nguyện và biết ơn từng giây phút cuộc đời, ta lại đi chăm chút vì một tương lai tươi sáng hơn. Ta lúc nào cũng chăm chăm hướng đến những mục tiêu đã được định sẵn, làm dậy lên trong mình tham vọng và tạo nên một hiện tại đầy đau khổ. Thế nhưng khoảnh khắc mà ta biết nói “cám ơn” là ta đã biết nghỉ ngơi và tìm lại được đúng vị trí khởi nguyên “ở đây, giây phút này”. Cám ơn là câu nói đón nhận trọn vẹn khoảnh khắc này và thể hiện sự mãn nguyện rõ nhất. Khi ta cám ơn, những giác ngộ về hiện tại, những giác ngộ mang tính cốt lõi “ở đây, giây phút này” của phép tu hành và thiền định đều có thể được đánh thức.

Cách làm hết sức đơn giản. Hãy cảm ơn tất cả mọi điều. Hãy tập biết ơn về mọi vật, mọi người, mọi tình huống mà ta gặp. Nếu khó, hãy thử hét to câu “cám ơn”, hét to lời “yêu thương”. Hay khiến cho những phút giây vốn hết sức bình thường trong cuộc sống trở thành những phút giây ấm áp nhờ lòng biết ơn.

Như một chân ngôn sống, mỗi ngày hãy nói một trăm lần, một ngàn lần câu “cám ơn”. Hãy hét to câu “cám ơn” ở mọi hoàn cảnh, trong từng phút giây mà ta có thể nói. Câu nói ngắn gọn và giản đơn này có thể thay đổi cuộc sống của ta kì diệu đến mức nào, ngay lúc này đây, hãy làm thử một lần.

Giây phút mỗi sáng tỉnh giấc trên giường, hãy nói câu “cám ơn”. Hãy “cám ơn ở mọi hoàn cảnh, “cám ơn” khi gặp bất cứ người nào, thậm chí “cám ơn” với cả những người chỉ trích và nhục mạ ta. Dù có rơi vào hoàn cảnh éo le thế nào cũng đừng tính toán hay chì chiết mà hãy thử nói “cám ơn”.

Thậm chí dù ở trong những tình huống không bao giờ ta nói “cám ơn”, dù với cả kẻ thù mà ta căm ghét, cũng hãy thử nói hai từ “cám ơn” ấy.

Vì sao lúc nào cũng phải cám ơn?Bởi vì cám ơn là nền tảng của tình yêu và lòng nhân từ. Tất cả các tư tưởng, tôn giáo hay lời dạy của bậc hiền triết, hiền tài cũng luôn lấy tình yêu và lòng nhân từ là cội nguồn đạo lí. Nguồn năng lượng được hình thành từ nền tảng và nguồn gốc của vũ trụ này trôi chảy không ngừng khuếch tán tình yêu và lòng nhân từ. Nếu ta muốn giác ngộ chân lí của vũ trụ, hài hòa cuộc sống của mình thì ta phải yêu thương và nhân từ.

Trong Phật giáo, siêu thoát thông qua con đường tu hành là những việc làm với mục đích hướng đến sự giác ngộ, vậy lí do phải giác ngộ là bởi phải cứu tế nhân loại chúng sinh bằng tình yêu và lòng nhân từ. Không phải chỉ là giác ngộ mà đầu tiên cái cần có là lòng từ bi cứu độ chúng sinh.

Trong kinh Kim Cương, câu trả lời cho câu hỏi của Tu Bồ Đề, “Phải sống như thế nào mới có thể xoa dịu được nỗi lòng ta?”, là “Nếu muốn làm cho mọi chúng sinh đạt được đến niết bàn thì phải biết mở lòng”. Đưa mọi chúng sinh đến cõi niết bàn chính là việc ta tu hành, là cách để xoa dịu nỗi lòng. Chung quy Phật là hiện thân của từ bi, thần thánh là hiện thân của tình yêu. Nếu muốn thành Phật, nếu muốn đến gần hơn với thần linh thì việc duy nhất ta có thể làm là chia sẻ yêu thương và lòng nhân ái. Bồi đắp yêu thương và lòng nhân từ chính là chân lí cơ bản quan trọng trong cuộc sống này.

Trong bộ kinh Sutta Nipata, việc thấu hiểu tầm quan trọng của lòng nhân từ và tu hành để bồi đắp lòng nhân từ ấy gọi là Từ Bi quán.

“Những người tu hành phải kêu gọi định hướng thế gian. Tất cả sự vật đang sống hãy hạnh phúc, bình an, an lạc. Tất cả mọi sinh vật dù là mạnh hay yếu, xa hay gần, đã sinh ra hay sẽ sinh ra đều hãy hạnh phúc, bình an, an lạc. Thậm chí giống như người mẹ liều cả mạng sống để bảo vệ đứa con, hãy ban phát lòng nhân từ vô hạn đến tất cả mọi vật. Hãy để thế giới này nằm trong sự từ bi vô hạn”.

Đây chính là phương pháp để bồi đắp tình yêu và lòng nhân từ. Hãy kêu gọi để mọi tồn tại trên thế gian này hạnh phúc, an lạc, bình an. Hãy hướng nhân gian đến lòng từ bi và không ngừng bồi dắp đức hạnh ấy.

Phương pháp để bồi dưỡng và hun đúc Từ Bi quán hết sức đơn giản, chỉ cần hét thật to lời yêu thương. Hãy thử hét to lời yêu thương với tất cả mọi sự sống.

Hãy hét to câu yêu thương hướng đến vũ trụ này với tình yêu như của người mẹ dành cho đứa con.

Lời yêu thương cũng giống như lời cám ơn vậy. Hãy truyền tải câu “yêu thương”, lời “cám ơn” đến mọi hoàn cảnh, mọi con người, mọi sự sống. Hai lời ấy chính là chân ngôn mang theo năng lượng đặc biệt để đưa mọi chân lí cuộc sống đến với ta.

Những lời nói mang trong mình nguồn năng lượng đặc biệt ấy, nếu mỗi phút giây đều được thốt ra lặp lại nhiều như khi người ta tụng kinh thì cuộc sống của ta sẽ bắt đầu thay đổi. Nếu trong ta tràn đầy lòng biết ơn thì thế gian này sẽ tràn ngập niềm hạnh phúc.

Một quy tắc quan trọng của vũ trụ này chính là ta sẽ nhận được đúng những gì ta cho đi. Ở nó chính là luật hấp dẫn. Tương tự như vậy, nếu gửi trong Secret, lời cám ơn thì những việc biết ơn sẽ tràn đầy, nếu trao yêu thương thì việc nhân ái sẽ đầy ắp. Hãy thử tưởng tượng một cuộc sống hướng ta đến lòng biết ơn và tình yêu vô bờ bến. Cuộc sống ấy chẳng phải là tịnh thổ, là thiên đường, là vùng đất Phật hay sao.

Có một cách cao đẹp có thể dễ dàng kết nối phép thiền định và chân ngôn “cảm ơn”, “yêu thương”, những từ mang trong mình năng lượng cốt lõi của vũ trụ. Đó chính là niệm hơi thở. Không chỉ trong Phật giáo mà cả các phép tu hành truyền thống từ Đông Tây kim cổ cũng công nhận việc kết hợp hơi thở và những lời nói cám ơn, yêu thương.

Niệm hơi thở là phương pháp thiền trong đó tập trung chánh niệm dựa trên hơi thở vào và hơi thở ra. Bằng việc hiểu rõ và thực hành đúng việc hít vào thở ra mà ta xóa bỏ được những mong tưởng và phiền não, tiêu trừ “tham, sân, si” và thức tỉnh ở giây phút hiện tại. Thở là công việc của “giây phút này, tại đây” chứ không phải là việc của quá khứ hay tương lai. Niệm thở xoa dịu nỗi khắc khoải quá khứ và hồi hộp cho tương lai, chỉ kết nối duy nhất với hiện tại.

Niệm thở luôn luôn là sự kết nối tự nhiên. Còn sống là còn thở, ngừng thở có nghĩa là rời bỏ thế gian. Ta thở như nhận thức được rằng đó là nguyên lí của sự sinh tồn tự nhiên kết nối ta với sự sống. Phép tu hành kết nối chân ngôn “cám ơn” và “yêu thương” với phép niệm thở truyền thống có từ trăm nghìn năm trước chính là “thiền định hơi thở của biết ơn và yêu thương”.

Phương pháp ấy rất đơn giản. Khi ta hít thở, hãy tự nhủ “cám ơn” khi thở vào và tự nhủ “yêu thương” khi thở ra. Hoặc có thể nói nhanh “cám ơn” khi thở vào, nói nhanh “yêu thương” khi thở ra. Nếu làm như vậy thì hiện tại ta đang tập trung chánh niệm vào hơi thở. Lúc mà ta tập trung được vào hơi thở, ta tồn tại một cách trọn vẹn “tại đây, ngay lúc này”. Thoát khỏi quá khứ, tương lai, suy nghĩ, mộng tưởng, ta nhận thức được rằng hơi thở của mình kết nối với giây phút hiện tại.

Nghỉ chân ở nơi thiền định hư không là “tại đây, giây phút này” thông qua khoảnh khắc hiện tại kết nối với vũ trụ, ta gửi vào vū trụ lòng biết ơn và tình yêu thương. Sự tồn tại của ta lúc nào cũng gắn liền với toàn thể vũ trụ. Thế nhưng ta vẫn thường loay hoay hay lạc mất mắt xích liên kết bản thân với vũ trụ. Chỉ có thể thông qua con đường duy nhất mang tên là hiện tại, “tại đây, ngay lúc này”, để đối thoại với vũ trụ, kết nối lại vũ trụ và ta. Ta phải lập tức nhận thức hiện tại một cách nhanh nhạy. Điều rõ ràng hiển nhiên nhất phản ánh hiện tại chính là hơi thở. Thông qua hơi thở mà ta bắt đầu đối thoại ôn hòa và tạo nên mắt xích kết nối “tại đây, ngay lúc này”.

Trút bỏ nỗi lòng, tĩnh tại trong hơi thở ở thực tại, hãy gửi vào vũ trụ chân ngôn cám ơn và yêu thương. Nếu vậy ta sẽ nhận lại được gì? Đó là nguồn năng lượng sáng tạo của lòng biết ơn và tình yêu thương vô hạn từ nơi sâu thẳm cội nguồn của pháp giới vũ trụ. Thông qua phép niệm thở, ta kết nối với nơi thiền định “hiện tại” và hơn thế kết nối với điều đẹp để của vũ trụ này, cùng lòng biết ơn và tình yêu thương.

Đây chính là phương pháp thiền thỏa mãn đồng thời chân lí bản chất và chân lí cách thức. Phép tu hành để đạt đến chân lí bản chất là phép hội tụ “hiện tượng giới” và “bổn thể giới” được tạo nên từ năng lượng trù phú của lòng biết ơn và tình yêu thương.

Một điều quan trọng nữa là không phải chỉ có riêng hơi thở mới được ta đón nhận bằng lòng biết ơn và yêu thương mà bất cứ điều gì đến với ta hay rời khỏi ta cũng đều như vậy. Vật chất, lời nói, hành động, suy nghĩ, tất cả đều được đón nhận bằng lòng biết ơn, và được ta gửi ra thế giới bên ngoài bằng tình thương mến. Mỗi bát cơm, ngụm nước ta uống không phải chỉ là ăn uống thông thường mà là ăn với lòng biết ơn, dựa vào sức mạnh và năng lượng sản sinh ra ấy mà làm những việc nhân ái giàu tình thương với cuộc đời này.

Ý nghĩa “hơi thở vào của lòng biết ơn” có nghĩa là tiếp nhận mọi thứ đến với ta bằng lòng cảm kích, “hơi của tình yêu thương” có nghĩa là mọi thứ đi ra từ ta đều chứa đựng tình thương yêu.

Hãy tập thiền hơi thở của lòng biết ơn và tình yêu thương trong mọi hoàn cảnh. Giây phút tỉnh dậy trên giường, hãy biết cám ơn khi hít vào, yêu thương khi thở ra. Khi đang lái xe, đi tàu điện ngầm hay làm việc, dù chỉ một phút thôi hãy hít thở, cám ơn và yêu thương. Khi đợi xe buýt, đợi đèn tín hiệu giao thông, uống cà phê, run sợ trước một bài phát biểu quan trọng, bị chen lấn, bị ai đó xúc phạm, tất cả những giây phút trong ngày ấy đều có thể trở thành phút giây giác ngộ của cuộc sống, của thiền định và tu hành.

Niệm hơi thở của lòng biết ơn và tình yêu thương sẽ phát huy sức mạnh vốn có trong ta, thứ được liên kết sẵn với cội nguồn của vũ trụ làm cho vũ trụ phải giúp đỡ ta. Không chỉ tất cả những tế bào ở bên trong ta mà bầu không khí xung quanh, dòng chảy của sự việc quanh ta cũng sẽ bắt đầu thay đổi để vũ trụ này ra sức giúp đỡ ta.

Hãy tập những phép thiền diệu kì nhưng cũng hết sức đơn giản mỗi ngày. Lí do mà ta không thể bắt đầu ngay là gì? Không phải là đến chùa hay nhà thờ mỗi ngày, không phải là ngồi đúng tư thế thiền trong suốt mấy tiếng, không phải là cứ vài giờ là lại làm lễ trong phòng thiền. Chẳng có gì phải chuẩn bị cả, không có điều kiện cũng không hạn chế gì về thời gian và địa điểm.

Phép tu hành cao đẹp đó chính là bắt đầu ngay lúc này đây. Hãy thử dừng lại mọi việc. Rồi hãy thử bắt đầu ngay lập tức. “Cảm ơn” khi hít vào, “yêu thương” khi thở ra.

---@---

Trích: “Ngày Hôm Nay Mang Tên Hạnh Phúc”

Anh Vũ dịch;

Công ty Cổ phẩn Sách Thái Hà; NXB. Lao Động-Hà Nội. 2019

Bài viết liên quan