THIỀN VỀ TÌNH THƯƠNG YÊU THA NHÂN - MATTHIEU RICARD - THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH

THIỀN VỀ TÌNH THƯƠNG YÊU THA NHÂN

MATTHIEU RICARD

THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH

 

---o0o---

Tình yêu thương tha nhân là trực cảm thấy mình gắn kết với tất cả mọi người. Bạn cảm thấy điều gì thì tôi cũng cảm thấy điều ấy
THIỀN VỀ TÌNH THƯƠNG YÊU THA NHÂN - MATTHIEU RICARD - THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH

Ở những mức độ khác nhau, ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về tình thương yêu tha nhân, về lòng nhân từ rộng lớn và về sự cảm hàn mãnh liệt đối với những người đang chịu khổ đau. Một số người, về bản chất, có lòng vị tha hơn những người khác, đôi khi tới mức trở thành những tấm gương cao cả. Một số khác sống thu mình lại, khó có thể coi hạnh phúc của người khác là mục đích cơ bản của đời mình và càng không thể đặt nó lên trên quyền lợi cá nhân của mình. Tuy nhiên, vun bồi tính vị tha là điều cốt lõi, bởi lẽ không những nó giúp người khác được lợi lạc, mà còn là sự thể hiện một cách mãn nguyện nhất bản thân mình. Coi trọng thái quá “cái tôi”, trên thực tế, chỉ làm nảy sinh ra khổ đau.

 

Nhìn chung, ngay cả nếu những ý nghĩ vị tha khởi lên trong tâm thức chúng ta, chúng cũng nhanh chóng bị thay thế bởi những ý nghĩ khác không thanh cao bằng, như tính nóng giận hoặc lòng ghen tỵ chẳng hạn. Chính vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải dành thời gian để nuôi dưỡng lòng vị tha, nếu chúng ta muốn nó ngự trị trong tâm thức mình, bởi vì ở đây cũng vậy, chỉ mong muốn thôi thì chưa đủ.

 

Như chúng ta đã thấy, thiền tức là làm quen với một cách sống mới. Vậy chúng ta sẽ thiền về lòng vị tha như thế nào? Trước hết, cần ý thức được rằng trong thâm tâm, ai cũng khiếp sợ khổ đau và đều khát khao hạnh phúc. Một khi đã nhận ra khát vọng này, cần tiếp tục ý thức rằng ai cũng đồng tình như vậy. Và quyền không phải chịu khổ đau – rất hay bị vi phạm – chắc chắn là quyền cơ bản nhất của các chúng sinh. Cuối cùng, cần ý thức được rằng có một phương thuốc chữa được sự đau khổ đó. Có thể cảm nhận một cách lạc quan những đau đớn về thể xác – ai trong chúng ta cũng tất yếu gặp phải - sao cho những đau đớn kia gây ít khổ hơn về tinh thần. Những đau khổ tinh thần rồi cũng dần dân bị loại trừ.

Đáng tiếc là khi lựa chọn cách thức để xây dựng hạnh phúc và phòng tránh khổ đau, dù không bị lạc lối hoàn toàn, người ta thường hay mắc phải sai sót. Một số người chìm đắm trong những hành vi lệch lạc và mù quáng, tìm hạnh phúc của mình trên đau khổ của những người khác bằng mọi giá. Thật phi lý khi từ chỗ hiểu sai về lòng vị tha, người ta lại mong cho một kẻ độc tài khát máu thành đạt trong những hành vi vô nhân đạo. Ngược lại, chắc chắn chúng ta có thể mong muốn rằng kẻ độc tài kia được giải thoát khỏi trạng thái thù hận đã kích động hắn làm hại người khác, và do đó, làm cho chính hắn trở nên bất hạnh. Làm như thế mới là một lòng vị tha được hiểu đúng đắn, bởi vì ước muốn trên thực sự nhằm đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Hãy chân thành thể hiện mong muốn sao cho mọi chúng sinh đều thoát khỏi những nguyên nhân gây ra đau khổ. Vì mục đích ấy, các kinh sách Phật giáo khuyên người ta nên vun bồi bốn ý niệm và làm cho chúng tăng trưởng không ngừng. Đó là Từ, Bi, Hỉ và Xả (Tứ vô lượng tâm): tình thương, lòng cảm thông, niềm vui khi người khác hạnh phúc và tính không thiên vị (vô tư).

 

Thiền

Tình yêu thương đồng loại (Từ)

 

Hãy tưởng tượng một em bé đang tiến lại gần chúng ta và nhìn chúng ta với ánh mắt vui tươi, tin cậy và trong sáng. Chúng ta vuốt ve tóc em và âu yếm nhìn em, rồi ôm em trong vòng tay, cảm nhận trào lên trong lòng một tình thương yêu thánh thiện không điều kiện. Hãy để chất liệu yêu thương đó ngấm hoàn toàn vào tâm mình và chỉ muốn cho em bé này được hạnh phúc.

Hãy trụ tâm một lát trong ý thức trọn vẹn về tình thương, yêu ấy mà không khởi một niệm nào khác.

Chúng ta cũng có thể chọn bất kỳ một người nào khác mà mình rất quý yêu và biết ơn sâu nặng, như người mẹ của mình chẳng hạn. Hãy ước mong sao cho mẹ mình tìm thấy hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc, rồi mở rộng suy nghĩ này tới tất cả những người thân của mình, sau đó tới những người ít quen biết hơn, rồi dần dần, tới tất cả các chúng sinh. Cuối cùng, cầu mong hạnh phúc tới với những kẻ thù của chính mình và của nhân loại. Điều đó không có nghĩa là chúng ta mong muốn chúng thành công trong những âm mưu đen tối của chúng. Chúng ta chỉ đơn giản ước vọng cháy bỏng rằng chúng buông bỏ hận thù, tham lam, độc ác hay lãnh đạm, mong rằng lòng nhân ái và sự quan tâm tới hạnh phúc của người khác sẽ nảy nở trong tâm thức chúng. Bệnh càng nặng thì con bệnh càng cần tới lòng nhân từ, càng cần được chăm sóc, quan tâm. Hãy ôm lấy tất cả đồng loại trong tình thương yêu vô hạn như vậy.

Lòng cảm thông (Bi)

Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng một người thân của chúng ta đang là nạn nhân của một tai nạn khủng khiếp trong đêm, ở trên một con đường. Người đó nằm trong vũng máu ở bên vệ đường, đang đau đớn quằn quại. Lực lượng cứu nạn vẫn chưa tới và chúng ta không biết xử lý ra sao.

Chúng ta cảm thấy một cách mãnh liệt nỗi đau đớn của người thân như nỗi đau mình đang phải chịu, xen lẫn cảm giác lo âu và bất lực ngày một tăng. Nỗi đau đó ngấm sâu vào tận đáy lòng chúng ta, đến mức nó trở thành gần như không thể chịu đựng nổi. Làm gì bây giờ?

Lúc này, hãy thương yêu người ấy hết lòng! Hãy nhẹ nhàng ôm người đó trong vòng tay của chúng ta. Tưởng tượng rằng những đợt sóng yêu thương tỏa ra từ chúng ta tới vỗ về người đó. Mường tượng rằng mỗi nguyên tử khổ đau giờ đây được thay thế bằng một nguyên tử yêu thương. Mong ước hết lòng rằng người thân của chúng ta sẽ qua được cơn hoạn nạn, sẽ khỏi bệnh và hết khổ đau.

Lòng cảm thông tới từ cùng một suối nguồn với tình yêu thương tha nhân. Lòng cảm thông chính là tình yêu thương được áp dụng để chống lại đau khổ.

Sau cùng, trải rộng lòng cảm thông này tới tất cả những người thân khác, rồi dần dần, tới tất cả các chúng sinh, đồng thời ước thầm trong lòng: “Cầu cho tất cả các chúng sinh đều được giải thoát khỏi khổ đau và những nguyên nhân gây ra nỗi khổ đau của họ.”

 

Vui mừng khi thấy người khác hạnh phúc (Hỉ)

Trong thế gian này, có những người mang trong mình vô vàn phẩm chất tốt đẹp, có những người đem lại cho nhân loại biết bao nhiêu điều tốt lành thông qua việc thực hiện thành công những dự án đầy lợi ích. Cũng có những người thực hiện được khát vọng của mình nhờ những nỗ lực to lớn và tính kiên trì bền bỉ và những người khác có biết bao tài năng.

Chúng ta thành thực vui mừng trước những thành công của họ và hãy cầu mong cho những phẩm chất của họ không bị sa sút đi, mà ngược lại, luôn được duy trì và phát triển. Biết mừng vui trước thành công, may mắn của người khác là thuốc đối trị hay nhất cho sự nản chí và cách nhìn u tối và thất vọng về thế giới và con người. Đó cũng là phương thuốc trị bệnh thèm muốn và ghen tỵ, những loại bệnh khiến chúng ta không có khả năng mừng vui khi thấy người khác hạnh phúc.

Vô tư, không thiên vị (Xả)

Không thiên vị là một bộ phận cấu thành chủ yếu của ba loại thiền trước, bởi vì mong cho mọi chúng sinh thoát khỏi khổ đau và những nguyên nhân gây ra khổ phải là chung nhất và không phụ thuộc vào những bám chấp cá nhân, cũng không lệ thuộc vào cách đối xử của người khác đối với mình. Hãy theo nhân sinh quan của người thầy thuốc, vui mừng khi mọi người khỏe mạnh và lo lắng chữa chạy cho những người bệnh, bất kể họ là ai.

Hãy ý thức rằng tất cả các chúng sinh không trừ một ai, dù thân hay lạ hoặc là kẻ thù, đều mong ước tránh được khổ đau. Hãy biết rằng tính phụ thuộc lẫn nhau là cốt tủy của mọi hiện tượng trong vũ trụ và của mọi chúng sinh tồn tại trong vũ trụ đó. Phụ thuộc lẫn nhau chính là nền tảng của lòng vị tha. Giống như hình ảnh vầng thái dương rọi đều xuống người tốt cũng như người xấu, xuống một phong cảnh đẹp cũng như xuống một đống rác, hãy làm tốt nhất để trải tình thương yêu tha nhân tới tất cả các chúng sinh, không phân biệt, trải lòng cảm thông và niềm hoan hỷ mà chúng ta đã vun trồng trong ba loại thiềntrước đó.

Một lần nữa, hãy nhớ rằng đối với kẻ kình địch của mình hay đối với kẻ thù của toàn nhân loại, không phải ta động viên hay khoan hồng thụ động cho thái độ và hành động gây hại của chúng, mà coi chúng như những kẻ lâm bệnh nặng, hoặc như những kẻ điên khùng. Và với thiện tâm mà chúng ta dành cho những người thân của mình, hãy cầu mong cho vô minh và những cảm xúc có hại thống trị tâm trí chúng bị nhổ tận gốc ra khỏi tâm thức của chúng.

Làm cách nào để kết hợp cả bốn loại thiền trên

Hãy bắt đầu bằng lòng thương yêu đồng loại (Từ), bằng ước mong mãnh liệt rằng các chúng sinh đều tìm được hạnh phúc và tìm ra những nguyên nhân đưa tới hạnh phúc. Nếu một lúc sau, lòng thương yêu này chuyển thành sự bám chấp vào “cái tôi” thì hãy chuyển sang thiền về sự không thiên vị (xả) để có thể trải rộng tình yêu thương và thông cảm của chúng ta tới tất cả mọi người – người thân, xa lạ hoặc kẻ thù – một cách bình đẳng.

Nếu sự không thiên vị của chúng ta xoay qua trạng thái lãnh đạm, thờ ơ thì đó chính là lúc chúng ta nghĩ tới tất cả những ai đang đau khổ, làm nảy sinh ra một lòng có thông mãnh liệt (Bi), và cầu mong cho tất cả những con người đó bớt khổ đau. Tuy nhiên, cũng có thể do liên tục suy ngẫm về những đau khổ của tha nhân, chúng ta sẽ bị chìm đắm trong một cảm giác bất lực và rã rời, thậm chí thất vọng, đến mức cảm thấy ngợp vì nhiệm vụ quá lớn và mất đi lòng can đảm.

Lúc này, hãy thiền về niềm vui trước hạnh phúc của người khác bằng cách nghĩ tới tất cả những người có nhân cách vĩ đại, tới những người đã nếm trải được sự mãn nguyện sâu xa của cuộc đời và mừng vui trọn vẹn cho họ.

Nếu như niềm vui này biến thành niềm hân hoan mù quáng và phân tán, hãy quay trở lại với tình thương yêu tha nhân, và sau đó cứ như vậy. Theo cách này, hãy phát triển lần lượt cả bốn loại tâm Từ-Bi-Hỷ-Xả và tránh rơi vào những biến thiên có thể xảy ra khi thiên về loại tâm này hay loại tâm khác.

Cuối buổi thiên, hãy quán chiếu một lát sự phụ thuộc lẫn nhau của vạn vật. Hãy hiểu rằng chúng ta phải đồng thời phát triển cả trí tuệ lẫn tình thương, hệt như loài chim cần có hai cánh để bay vậy. Ở đây, trí tuệ chính là sự hiểu biết đúng nhất về thực tại và tình thương là lòng mong cầu cho mọi chúng sinh đều thoát khỏi những nguyên nhân gây ra khổ đau.

 

Nguồn cảm hứng

“Tình yêu thương tha nhân là trực cảm thấy mình gắn kết với tất cả mọi người. Bạn cảm thấy điều gì thì tôi cũng cảm thấy điều ấy. Điều tôi cảm nhận cũng là điều bạn cảm nhận. Không có gì khác biệt giữa chúng ta [...] Khi bắt đầu hành thiền về lòng cảm thông, tôi đã quan sát thấy cảm giác lẻ loi bắt đầu mờ nhạt dần, nhường chỗ cho cảm nhận về sức mạnh lớn dần. Trước đây, ở những vấn đề mà tôi toàn thấy khó khăn thì giờ đây, tôi chỉ thấy đó những giải pháp. Trong khi coi hạnh phúc của mình quan trọng hơn hạnh phúc của những người khác, tôi bắt đầu nhận ra rằng sự no đủ của người khác cũng chính là nền tảng của tấm thái bình yên trong tôi ” bình yên trong tôi.”

Yongey Mingyour Rinpoché

 

“Tôi không ngừng trải nghiệm trong nội tâm điều này: không có mối quan hệ nhân quả nào giữa cách hành xử của con người với tình thương yêu mà ta dành cho họ. Tình yêu thương đồng loại giống như một lời cầu nguyện nền tảng nâng đỡ bạn trong cuộc sống.”

Etty Hillesum

Cầu mong cho tôi được là người che chở

Cho những ai không người nương tựa.

Được là người đưa đường cho những khách hành hương,

Là chiếc thuyền, là con tàu, hay nhịp cầu

Đưa chân những ai muốn tới bên kia bờ bến!

Ước sao tôi là hòn đảo cho những ai đang tìm đảo,

Là ngọn đèn cho người muốn đèn soi,

Là nơi trú cho kẻ cần chốn ở,

Là đầy tớ cho những ai đang muốn có người hầu!

Đối với tất cả mọi người, cầu cho tôi được

Là viên báu thần thông, là bình nước nhiệm màu,

Là phương trình khoa học; cho bách bệnh, tôi là thần dược,

Là cội cây đơm hoa trái xum xuê,

Là bò mẹ sữa không bao giờ cạn!

Như địa cầu và những tinh cầu khác,

Mong cho tôi mãi mãi như suối nguồn dào dạt,

Ở tầm vũ trụ, đáp ứng mọi nhu cầu

Của vô lượng chúng hữu tình!

Cầu cho tôi có thể cứ như vậy giúp chúng sinh,

Cho tới tận cùng vũ trụ,

Ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào,

Cho tới khi tất cả đều lên được bờ giải thoát!

Shantidéva 12

Chừng nào còn vũ trụ,

Chừng nào còn chúng sinh

Xin cho tôi còn ở lại,

Để làm tan biến hết,

Khổ đau của thế gian.

Shantidéva

--o0o--

Trích: “Thực Hành Thiền Định”

Matthieu Ricard

Dịch: Lê Việt Liên

Nhà Xuất Bản Hà Nội – Thaihabook

Ảnh:Intenet

Bài viết liên quan