THU SÁU NHẬP VỀ NHƯ LAI TẠNG

THU SÁU NHẬP VỀ NHƯ LAI TẠNG

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Nếu từ căn ý mà ra thì hai tướng thức và ngủ theo thân có khi khép khi mở, lìa hai tướng ấy thì cái hiểu biết này đồng như hoa đốm giữa hư không, rốt ráo vô tự tánh. Nếu từ hư không sanh ra thì hư không tự biết, liên quan gì đến ý nhập của ông ?
THU SÁU NHẬP VỀ NHƯ LAI TẠNG

1. Thu nhãn nhập

Lại nữa, A Nan, thế nào là sáu nhập vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh ?

A Nan, tức nơi con mắt kia nhìn sững sanh ra mỏi lòa. Cả con mắt và sự mỏi lòa đồng là Bồ đề (giác ngộ) do nhìn chăm chăm mà phát sanh tướng mỏi lòa.

Nhân nơi hai tướng vọng trần sáng và tối phát sanh cái thấy ở trong, thu nạp các trần cảnh gọi là cái thấy. Cái thấy này rời ngoài hai trần sáng tối, rốt ráo không có tự thể.

Thật vậy, A Nan, phải biết cái thấy ấy chẳng từ nơi sáng, nơi tối mà đến, chẳng phải từ căn mắt mà ra, chẳng từ hư không mà sanh. Vì sao thế ? Nếu từ cái sáng đến thì khi tối đã theo cái sáng mà diệt, lẽ ra không thấy được cái tối. Nếu từ cái tối đến thì khi sáng đã theo cái tối mà diệt, lẽ ra không thấy được cái sáng. Nếu từ con mắt sanh, hẳn không có cái sáng cái tối. Như vậy cái thấy vốn vô tự tánh.

Nếu từ hư không ra thì khi nhìn ở trước thấy trần cảnh, quay về phải thấy con mắt. Lại nữa, hư không tự thấy thì có liên quan gì đến nhãn nhập của ông ?

Thế nên phải biết, nhãn nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Trước khi mắt nhìn sững thì chỉ một vị ‘‘đồng là Bồ đề’’. Sau khi nhìn sững thì có mỏi lòa, nhưng sự mỏi lòa này và con mắt đều chỉ là một vị ‘‘đồng là Bồ đề’’, không có gì khác với Bồ đề. Hãy tham thiền về ‘‘đồng là Bồ đề’’ này để thấy sự thu nhãn nhập về Như Lai tạng là thế nào.

Ở trước sắc ấm là vô tự tánh, hư vọng. Ở đây nhãn nhập, hay nhãn căn và cái thấy của nó cũng là vô tự tánh, hư vọng.

Không từ đâu sanh, không từ trần cảnh, không từ con mắt, không từ hư không, không từ đâu cả, nên là vô sở hữu, bất khả đắc, là tánh Không.

Cái thấy hư vọng của con mắt là do sự mỏi lòa. Sự mỏi lòa, tức vô minh phân biệt, và con mắt đồng là Bồ đề hay giác ngộ. Thế thì vô minh cũng không thật có, chưa từng có: ‘‘không có vô minh cũng không có hết vô minh’’ (Bát Nhã Tâm Kinh). Thế thì hư vọng cũng nguyên là hư vọng, muốn trừ diệt cái gì?

Ngay đây thấy được từ xưa nay chưa từng lìa khỏi Bồ đề, xưa nay vẫn ở trên bờ bên kia, chưa từng dời một chút.

2. Thu nhĩ nhập

A Nan, ví như có người lấy hai ngón tay bịt chặt lỗ tai, do căn tai mỏi, trong đầu hóa ra có tiếng. Cả lỗ tai và cái mỏi mệt đồng là Bồ đề, do lặng chăm mà phát sanh tướng ù mỏi.

Nhân nơi hai thứ vọng trần động và tĩnh phát ra cái nghe ở trong, thu nạp trần tượng ấy mà gọi là cái nghe. Cái nghe ấy rời hai trần động tĩnh rốt ráo không có tự thể.

Thật vậy, A Nan, phải biết cái nghe ấy chẳng từ nơi động, nơi tĩnh mà đến, chẳng phải từ căn tai mà ra, chẳng phải từ hư không mà sanh. Vì sao thế ? Nếu từ cái tĩnh đến thì khi động phải theo cái tĩnh mà diệt, lẽ ra không nghe được cái động. Nếu từ cái động đến thì khi tĩnh sẽ theo cái động mà diệt, lẽ ra không nghe được cái tĩnh. Nếu từ căn tai sanh hẳn không có động tĩnh thì cái nghe như vậy vốn vô tự tánh. Nếu từ hư không ra thì hư không đã có tánh nghe, bèn chẳng phải là hư không nữa. Lại nữa, hư không tự nghe thì có liên quan gì đến nhĩ nhập của ông ?

Thế nên phải biết, nhĩ nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Căn tai phải nương vọng trần động tĩnh, động tĩnh lại nương hư không, nhưng căn tai không từ riêng cái nào mà có. Tìm suốt cả trần gian này cũng chẳng có một căn tai nào đứng riêng độc lập một mình. Chỗ nào tạm hội đủ nhân duyên thì có nghe, thế thôi.

Nó vô tự tánh, nghĩa là chỗ nào cũng không có nó mà chỗ nào cũng có nó. Nên nó là sự lặng chăm sanh tướng ù mỏi của Bồ đề. Rộng ra, sanh tử chỉ là tướng mệt mỏi của Bồ đề. Chỉ cần tu một đề mục vô tự tánh này, người ta có thể đi qua hết tất cả cấp độ trí huệ của Bồ tát.

3. Thu tỷ nhập

A Nan, ví như có người bịt gấp hai lỗ mũi, bịt lâu thành ra mỏi mệt, thì ở trong mũi cảm xúc thấy lạnh. Nhân những cảm xúc như vậy mà phân biệt được là thông, là bít, là rỗng, là đặc cho đến các mùi thơm, thối. Cả lỗ mũi và cái mỏi mệt đồng là Bồ đề, do lặng chăm mà phát sanh tướng mỏi mệt.

Nhân hai thứ vọng trần thông và bít phát ra cái ngửi ở trong, thu nạp các trần tượng mà gọi là cái ngửi. Cái ngửi ấy lìa hai trần thông bít rốt ráo không có tự thể. Thế nên phải biết cái ngửi ấy chẳng phải từ thông, bít mà đến, chẳng phải từ căn mũi mà ra, chẳng từ hư không mà phát sanh. Vì sao thế ? Nếu từ cái thông đến thì khi bít, cái ngửi đã mất rồi, làm sao biết được cái bít ? Nếu nhân cái bít mà có thì khi thông, không còn cái ngửi, làm sao biết được các mùi thơm thối ? Nếu từ lỗ mũi sanh ra hẳn là không có cái thông, cái bít thì cái ngửi như vậy vốn không có tự tánh. Nếu do hư không sanh ra thì cái ngửi ấy phải xoay lại ngửi được lỗ mũi của ông. Hư không tự ngửi được thì có liên quan đến tỷ nhập của ông.

Thế nên phải biết, tỷ nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Cái ngửi và căn mũi không từ đâu sanh, chúng là vô sanh. Vì vô sanh nên dù mỏi mệt hay không mỏi mệt, chúng vẫn là Bồ đề, Như Lai tạng diệu chân như tánh.

4. Thu thiệt nhập

A Nan, ví như có người lấy lưỡi liếm môi, liếm mãi sanh ra mỏi mệt. Nếu người ấy đang bệnh thì thấy có vị đắng, còn người không bệnh thì có chút vị ngọt. Do vị ngọt đắng mà hiển hiện căn lưỡi, khi không động thì thường có tính nhạt. Cả cái nếm và cái mỏi mệt đồng là Bồ đề, do kéo dài phát sanh tướng mỏi mệt.

Nhân hai thứ vọng trần ngọt đắng và nhạt phát ra cái nếm ở bên trong, thu nạp các trần tượng ấy mà gọi là sự biết vị. Cái biết vị này ngoài hai vọng trần nhạt và ngọt đắng kia, rốt ráo không có tự thể.

Thật vậy, A Nan, phải biết rằng cái nếm biết vị đắng, nhạt kia chẳng phải từ ngọt đắng mà đến, chẳng phải nhân lạt mà có, lại chẳng phải từ căn lưỡi mà ra, cũng chẳng từ hư không mà sanh. Vì sao thế ? Nếu từ các vị ngọt, đắng mà đến thì khi vị nhạt, cái nếm biết vị đã mất, làm sao biết được vị nhạt ? Nếu từ vị nhạt mà ra, thì khi ngọt, cái nếm biết vị kia đã mất rồi làm sao biết được vị ngọt đắng.

Nếu từ cái lưỡi sanh ra, hẳn không có những vị ngọt, đắng và nhạt, thì cái căn biết mùi vị đó vốn không có tự tánh. Nếu từ hư không mà sanh thì hư không tự nếm biết, chẳng phải lưỡi của ông biết. Hơn nữa, hư không mà tự biết vị thì có liên quan gì đến thiệt nhập của ông ?

Thế nên phải biết, thiệt nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Tìm khắp thế gian sanh tử này cho ra được căn lưỡi và sự biết nếm các vị của nó thì không thể nào có. Cứ tìm bằng Chỉ, Quán, Thiền hết tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác, không ngừng nghỉ thì đến một lúc biết chúng quả thật là vô tự tánh. Đây là lần đầu tiên trực tiếp biết tánh Không. Từ đây mới có gia tài hay kho tàng không gì phá hoại được ở khắp nơi khắp chốn, vì có cái gì không phải là tánh Không ?

5. Thu thân nhập

A Nan, ví có người dùng một bàn tay lạnh rờ bàn tay nóng. Nếu bên lạnh nhiều hơn thì bên nóng lạnh theo. Nếu bàn tay nóng nhiều hơn thì bên lạnh thành nóng lên. Như vậy, do cái xúc chạm nhận biết trong lúc hợp lại mà có sự nhận biết trong lúc rời ra. Thế chênh lệch giữa nóng và lạnh này thành là do mỏi mệt mà có ra cảm xúc. Cả thân và cái mỏi mệt đồng là Bồ đề, do chăm chú mà phát sanh tướng mỏi mệt.

Nhân nơi hai thứ vọng trần lìa và hợp phát ra cái hay biết ở trong, thu nạp các trần tướng ấy mà gọi là cái biết do xúc chạm. Cái biết ấy lìa khỏi hai trần lìa và hợp, trái và thuận, rốt ráo không có tự thể.

Thật vậy A Nan, phải biết rằng cái biết do xúc chạm ấy chẳng phải từ lìa hợp mà đến, chẳng phải từ trái thuận mà có, chẳng phải từ nơi thân căn mà ra, cũng chẳng phải từ hư không sanh. Vì sao thế ? Nếu từ hợp mà đến thì khi lìa, cái biết đã mất rồi, làm sao biết được cái lìa. Đối với hai tướng trái thuận thì cũng như thế. Nếu từ thân căn mà có ra, hẳn không có các tướng lìa, hợp, trái, thuận, thì cái biết của thân vốn không có tự tánh. Nếu từ hư không sanh thì hư không tự biết, nào có liên quan gì đến thân nhập của ông ?

Thế nên phải biết, thân nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Cái biết của thân và cái biết thân đều do xúc chạm với vật gì khác gọi là trần mà có. Thiếu một nhân duyên thì thân không thể tự biết nó và biết cái khác. Không có sự xúc chạm thì cũng không có thân.

Quan sát cho kỹ, thấu đáo thì thân căn không có tự thể, vô tự tánh, hư vọng. Với sự quan sát của trí huệ Bát nhã lâu ngày, cái chấp có thân (thân kiến) sụp đổ, và thân giải thoát là thân như hư không, bao la, vô ngại, vô nhiễm.

Thân là một đề mục, một tài liệu dữ kiện nghiên cứu để tìm ra giải thoát. Cho nên những tài liệu dữ kiện của sanh tử này thật là quý báu, chớ xem thường, chớ bỏ qua, để tìm thấy tánh Không vốn giải thoát và giác ngộ.

6. Thu ý nhập

A Nan, ví như có người mỏi mệt thì ngủ, ngủ đủ thì thức dậy, khi xem trần cảnh thì nhớ, hết nhớ thì quên. Các thứ sanh trụ dị diệt điên đảo này hấp thu kết tập ở trong, lần lượt liên tục, gọi là ý căn hiểu biết. Cả ý căn và mỏi mệt đồng là Bồ đề, do chăm chú mà phát sanh tướng mỏi mệt.

Nhân hai thứ vọng trần sanh và diệt kết tập hiểu biết ở trong, thu nhóm thấy nghe thành nội trần chảy ngược vào trong mà không có đáy nền, gọi là cái ý hay biết. Cái ý hay biết này rời lìa hai trần thức và ngủ, rốt ráo không có tự thể.

Thật vậy, A Nan, phải biết căn hay biết ấy chẳng phải từ thức, ngủ mà đến, chẳng phải từ sanh, diệt mà có, chẳng phải từ ý căn mà ra, cũng chẳng phải từ hư không sanh. Vì sao thế ? Nếu từ nơi thức mà đến, thì khi ngủ đã theo sự thức diệt mất, lấy gì để thành sự ngủ ? Nếu khi sanh mới có, thì lúc diệt đã không, lấy cái gì mà biết sự diệt ? Nếu từ diệt mà có thì khi sanh không có cái diệt nữa, lấy cái gì để biết cái sanh.

Nếu từ căn ý mà ra thì hai tướng thức và ngủ theo thân có khi khép khi mở, lìa hai tướng ấy thì cái hiểu biết này đồng như hoa đốm giữa hư không, rốt ráo vô tự tánh. Nếu từ hư không sanh ra thì hư không tự biết, liên quan gì đến ý nhập của ông ?

Thế nên phải biết, ý nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Ý nhập là những thứ thấy nghe hay biết đi ngược vào trong kết tập thành bóng dáng nội trần nhưng không có đáy nền để an trụ. Không có đáy nền nên đi ngược vào trong kết tập bao nhiêu cũng không đầy.

Ý không có nền tảng để an trụ, vẫn vơ như bụi trong khoảng không, như mây giữa bầu trời. Trong sanh nó không có tự tánh, trong trụ nó không có tự tánh, trong dị nó không có tự tánh, trong diệt nó không có tự tánh. Nó là tánh Không, vô sở hữu, bất khả đắc.

Nghiên cứu ý để đi vào tánh Không, chủ yếu nhờ Chỉ và Quán. Nhưng tánh Không cũng là tánh Như, nhờ Thiền mà chúng ta đi vào tánh Như của ý. Khi tương ưng được tánh Như, thì mọi tướng cũng đều là tánh Như, kể cả tướng ý. Bởi thế, trong thật tướng, ý nhập là Như Lai tạng diệu chân như tánh. Như thế giới này làm bằng tánh vàng thì tất cả mọi thứ được làm ra hay đã mất đi đều là vàng.

Thực hành là đưa năm ấm, sáu nhập hay sáu căn về bản tánh của chúng là tánh Không, tánh Như.

Ở đây nói sáu căn vốn đồng là Bồ đề, chỉ vì mệt mỏi mà phát sanh các vọng trần, nhưng các căn, sự mỏi mệt làm phát sanh các vọng trần đồng là Bồ đề. Tịch tĩnh là Bồ đề, mà vọng động cũng là Bồ đề. Như các sóng vốn là nước của đại dương, sóng không có tự tánh, và như thế sóng đồng là đại dương. Không có cái gì ngoài Bồ đề, đây là sự gồm thu rốt ráo về Như Lai tạng.

Tùy theo mức độ chứng ngộ tánh Không tánh Như đến đâu mà hành giả thâm nhập đại bi đến đó. Bởi vì khi nhìn thấy chúng sanh khổ đau vì lầm lạc, vọng tưởng điên đảo, khổ đau vì những thứ không thật, vô tự tánh mà không biết Như Lai tạng diệu chân như tánh của mình, thì tự nhiên lòng bi tuôn vọt ra, như trong những đoạn kinh trên, Đức Phật thường nói, ‘‘thật đáng thương xót’’.

Đại Trí luôn luôn đi với Đại Bi là như vậy.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan