HỌC TRÒ: Làm thế nào để kết hợp sự thực hành với đời sống hàng ngày?
RINPOCHE: Trong hệ thống Phật giáo nói chung, thường có sự khác biệt giữa trạng thái thiền định và trạng thái hậu thiền định. Trong bối cảnh của hệ thống Kinh thừa, trạng thái thiền định giống như không gian, trong khi trạng thái hậu thiền định giống như huyễn thuật. Trạng thái thiền định được coi là một thời khoá còn trạng thái kia là thời gian nghỉ giữa hai thời khoá. Trong một thời khoá, người ta thực hành; trong thời gian nghỉ giữa hai thời khoá, người ta đi lại, nói chuyện, ăn uống và ngủ nghỉ.
Theo cách này, trạng thái thiền định trong suốt thời khoá là thoát khỏi các cấu trúc tinh thần, như không gian. Hậu thiền định được ví như tám ví dụ về ảo giác. Chúng bắt đầu bằng ví dụ về một nhà ảo thuật có thể triệu hồi những điều không có thật bằng minh chú và chất ma thuật. Ông ta tạo ra con người, sinh vật và các tòa nhà dường như thực sự tồn tại. Mặc dù chúng không có bất kỳ sự tồn tại cụ thể nào, nhưng khán giả vẫn trải nghiệm chúng và những người xem tin rằng những bóng ma này là có thật. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng không gì khác ngoài một sáng tạo phép thuật. Mọi thứ - tất cả thực tại hàng ngày của chúng ta - đều giống như vậy. Các ví dụ khác về ảo giác bao gồm một tiếng vọng, một ảo tưởng, một ảnh chiếu, một cõi trời của các Càn Thát Bà Gandharva, một giấc mơ, một cầu vồng và một mặt trăng trong nước. Tất cả những ảo giác này đều là ví dụ về cách chúng sinh vô tình tin rằng các hiện tượng là có thật.
Theo hệ thống Kinh thừa, trong thời gian hậu thiền định, người ta nên đặt để ý tưởng huyễn thuật lên bất cứ cái gì được trải nghiệm trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày bằng cách nhắc nhở bản thân: “Đây không gì khác ngoài một giấc mơ; tất cả đều không có bản chất, vô tự tánh”. Người ta tu tập để xem mọi trải nghiệm đều hàm chứa cảm giác không có thật này. Sự tu tập trong các thời thiền là không nắm giữ bất cứ cái gì trong tâm thức. Do đó, người ta dạy rằng trạng thái thiền định là không có cấu trúc, như không gian; trong khi trạng thái hậu thiền định giống như huyễn thuật.
Trong bối cảnh cái thấy của Đại Ấn Mahamudra, Đại Toàn Thiện Dzogchen và Trung Đạo Great Middle Way, bạn không phân biệt cốt yếu nào giữa các thời thiền và giờ nghỉ. Bạn không cần phải phân chia việc thực hành, thiết lập một cái cho trạng thái thiền định và một cái khác cho hậu thiền định. Ở đây, trạng thái thiền định kéo dài cho đến khi bạn bị xao lãng khỏi tánh giác, và sau đó chuyển sang hậu thiền định. Trên thực tế, việc tu tập hoàn toàn giống nhau, bất kể bạn đang nằm ngồi, đi lại, ăn uống, nói năng hay dịch chuyển. Khoảnh khắc bạn nhớ để nhận biết thì bạn thấy ngay tinh tuý tâm như thế nào. Bạn thấy tánh Không. Ngay lúc đó, bản thân điều đó là cái thấy. Không có sự khác biệt nào dù là bạn nhận biết khi bạn đang đứng hay nằm ngồi, hay khi bạn đang ăn uống, nói chuyện hoặc dịch chuyển. Không xao lãng là thời thiền; xao lãng là giờ nghỉ.
Đừng tạo ra bất kỳ sự phân chia nào giữa việc nhận biết tinh tuý tâm trong buổi thiền và giờ nghỉ. Hãy duy trì cái thấy tánh giác rigpa một cách không xao lãng, mọi lúc, trong mọi hoạt động. Sự thực hành, như thầy đã nhắc đi nhắc lại, là những khoảnh khắc ngắn được lặp đi lặp lại nhiều lần. Điều có thể kéo dài trong một thời gian dài ngay bây giờ là việc tạo ra trạng thái thiền giống như không gian. Đừng tạo ra bất cứ cái gì; hãy duy trì trong tánh tự nhiên. Trong sự tu tập này, không cần thiết phải nắm giữ bất kỳ khái niệm nào về nó. Đó là sự tu tập về trạng thái thiền tự nhiên, cái chỉ đơn giản là trạng thái ban sơ của sự biết trống không không giới hạn. Cái thấy nguyên thủy là trống không và rõ biết; đó là sự bất khả phân của hai điều này. Nguyên thủy, phẩm tính trống không là pháp thân dharmakaya; phẩm tính rõ biết là báo thân sambhogakaya, và sự hợp nhất này được gọi là hoá thân nirmanakaya. Hãy luôn làm quen với điều này.
Trạng thái ban sơ này không phải do chúng ta tạo ra. Ghi nhận điều này là cái thấy hoàn hảo.
Thầy không nói rằng cái thấy này là tốt trong khi cái thấy của các thừa thấp hơn là xấu; nhưng có một sự khác biệt trong mức độ pha tạp giữa cái thấy và khái niệm. Người ta có thể tự thuyết phục mình rằng: “Đây là trạng thái thiền định! Đây có lẽ là tính Không”. Đó là chồng chất tính Không lên trải nghiệm của một người. Nói cách khác, nó không phải là trạng thái tự nhiên như nó là. Tương tự như vậy, việc tự nhắc nhở mình rằng “Tất cả chỉ là huyễn thuật” trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày vẫn là một khái niệm.
Bám víu vào một khái niệm cụ thể giống như một con chim vỗ cánh và cố gắng bay nhưng không thể, vì nó bị trói buộc bởi một sợi xích. Sự tu tập về cái thấy chân thật không phải là sự tu tập để nắm giữ các khái niệm, ngay cả các loại vi tế. Đó là vấn đề nhận biết những gì đã vốn có, tự nó. Bản tánh tâm của chúng ta vốn trống không và rõ biết; nó không phải do chúng ta tạo ra. Không cần phải nắm giữ một khái niệm về nó. Nói cách khác, khi bạn nhớ để nhận biết, bạn thấy ngay rằng không có gì để thấy. Chỉ có vậy thôi. Vào những lúc khác, người ta đã quên, và nó bị mất.
Trước tiên, chúng ta cần nhận biết sự tỉnh biết tánh giác (wakefulness) vốn sẵn. Từ từ, từ từ, chúng ta cần lặp lại những khoảnh khắc tự nhiên không giả tạo, phát triển sức mạnh của việc nhận biết. Khi chúng ta đạt đến sự an trú vững vàng, sẽ không có sự xao lãng, ngày cũng như đêm; không gian và tính giác đã hòa tan vào nhau. Tâm chúng ta đã chịu sức mạnh của sự nắm bắt và cố chấp phân biệt nhị nguyên quá lâu đến nỗi chúng ta đã coi tính bất nhị là một sự phân biệt nhị nguyên. Do đó, rất khó để ngay lập tức quen với trạng thái giác ngộ (awakened state). Chúng ta đã tu tập quá lâu trong sự đối lập với việc nhận biết tinh tuý tâm, chính xác là những gì luân hồi đã từng là trong tất cả các kiếp trước của chúng ta, cho đến khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta có thói quen không lành mạnh và ăn sâu này. Bây giờ chúng ta phải thay đổi thói quen này thành thói quen nhận biết tinh tuý tâm. Vì đối với người mới bắt đầu, khoảnh khắc nhận biết chỉ kéo dài trong một thời gian rất ngắn, chúng ta phải lặp lại nhiều lần. Để lặp lại sự nhận biết tinh tuý tâm, bạn không nhất thiết phải ngồi xuống. Đừng phân biệt giữa việc tu tập khi ngồi và việc tu tập khi di chuyển trong các tình huống cuộc sống hàng ngày - đi lại, nói năng, ăn uống và nằm nghỉ. Đừng giới hạn việc thực hành trong các thời thiền. Cái thấy là tánh giác rigpa, sự tu tập thiền định là tánh giác rigpa, và hành động là tánh giác rigpa. Đây là cách để quen thuộc với trạng thái giác ngộ.
Chúng ta cần phải trở nên quen thuộc với tánh giác rigpa. Chúng ta cần phải tu tập về cái thật. Khoảng thời gian thấy tinh tuý tâm không thể kéo dài ngay lúc này bởi vì chúng ta là những người mới trong việc nhận biết sự tỉnh biết vốn sẵn này. Bất kỳ thành công nào trong việc duy trì trạng thái thiền định kéo dài không thể là gì khác hơn là một sự bắt chước, một sự tạo tác, đây chính là cái chúng ta không cần phải tu tập. Thay vào đó, hãy lặp đi lặp lại khoảnh khắc ngắn ngủi của sự tỉnh biết chân thật. Bạn đã biết từ khi mới đi học rằng bạn học bởi vì bạn đặt tâm vào đó. Lúc đầu thì khó, sau đó trở nên dễ dàng hơn. Mọi sự tu tập đều như vậy. Chúng ta, giống như tất cả chúng sinh, đã quen với những thói quen xấu, mặc dù chúng ta có bản tánh của Phật Phổ Hiền Samantabhadra. Vì chúng ta không biết điều này, nên chúng ta bị chi phối bởi những khuynh hướng thói quen, giống như ví dụ về những trải nghiệm trong giấc mơ hoặc lang thang trong trung ấm bardo. Những khuynh hướng thói quen giống như những tấm màn che; chúng có thể được gỡ bỏ.
Nếu bạn muốn kết hợp thực hành này với cuộc sống hằng ngày, đừng phân biệt giữa các thời thiền và giờ nghỉ. Giờ nghỉ hoặc hậu thiền định có nghĩa là bị xao lãng, bị cuốn đi khỏi trạng thái tự nhiên bởi sức mạnh của sự xao lãng, giống như tám ví dụ về ảo giác. Tám ví dụ tương tự này không có thực tánh và theo đuổi chúng là vô nghĩa, toàn bộ sinh tử luân hồi cũng là như vậy. Đặc điểm chính của sinh tử luân hồi là sự xao lãng.
Người ta luôn dạy rằng cái thấy vượt ra ngoài các khái niệm, rằng tánh giác tự nhiên là không cấu trúc. Cái thấy của Bát Nhã Ba La Mật Prajnaparamita, Trung Đạo Great Middle Way, Đại Ấn Mahamudra và Đại Toàn Thiện Dzogchen đều là những cái thấy không có khái niệm. Chúng không bao giờ là cái thấy khái niệm của một người bình thường, cái là sự sáng tạo không ngừng của tư tưởng, ngày cũng như đêm. Người ta nói rằng: “Không có sự giác ngộ thông qua tạo tác”. Tâm của chính bạn trói buộc bạn; tâm khái niệm gắn các khái niệm vào bất cứ cái gì được nhận thức. Nhưng bản thân cái thấy thanh tịnh cần phải được giải thoát khỏi các khái niệm đã lưu chứa trong tâm. Sự tỉnh biết hiện tiền này vượt thoát khỏi khái niệm.
Bạn cần nhận biết sự tỉnh biết hiện tiền này trong đó quá khứ đã chấm dứt và tương lai thì chưa đến. Chớ che đậy sự tỉnh biết hiện tiền này bằng một tư tưởng khác. Chúng sinh liên tục làm như vậy, một tư tưởng mới được theo sau bởi tư tưởng tiếp theo, rồi đến tư tưởng thứ ba, liên tục như vậy. Chớ kết nối bất cứ cái gì với sự tỉnh biết hiện tiền. Đừng chấp nhận hay chối bỏ. Chớ khẳng định hay phủ định. Đừng chạy theo hay tránh né. Hãy an trụ mà không nắm giữ bất cứ cái gì - đó được gọi là tinh tuý của tâm. Bạn có thể gọi đó là rangjung yeshe, sự tỉnh biết vốn sẵn, hoặc cái thấy của Mahamudra. Trung đạo gọi đó là chân đế, chân lý tối thượng. Trong khi thế đế, chân lý thông thường, có nghĩa là khuôn khổ khái niệm của tâm, chân lý tối thượng có nghĩa là thực tại của nghĩa chân thật. Nó cũng được gọi là trí huệ Bát Nhã siêu vượt, Prajnaparamita. Trong Đại Toàn Thiện Dzogchen, nó được gọi là ‘pháp thân dharmakaya vô nhiễm của tánh giác trống không’. Nếu Pháp không sử dụng từ ngữ và tên gọi, thì sẽ không có gì để nói, đúng không? Ý nghĩa được biểu lộ thông qua từ ngữ và tên gọi. Nếu bạn chỉ ngồi đó và ra dấu bằng những cử chỉ không lời như một người câm, chúng ta sẽ không hiểu được vấn đề!
Như Saraha đã nói: “Bỏ qua người tư tưởng và những gì được nghĩ đến, hãy trải nghiệm như một đứa trẻ không có tư tưởng”. Một đứa trẻ nhỏ không có nhiều khái niệm, mặc dù nó không thấy bản tánh của chính nó, hoặc nếu có, nó không tự tin vào điều đó. Gốc rễ của việc hình thành các khái niệm là việc giữ lại trong tâm những gì được nhận thức. Giống như “Đây là một chiếc cốc. Có một cái nắp. Có rất nhiều thiết kế trên đó. Còn lại một ít trà trong cốc”. Dòng tư tưởng này được gọi là bám trụ vào những gì được nhận thức thông qua suy nghĩ, thông qua chuyển động của tâm. Mặt khác, một yogi, trong khoảnh khắc nhìn thấy một chiếc cốc, nhận biết tinh tuý tâm, cái nhìn thấy chiếc cốc. Sự sản sinh ra các khái niệm sau đó chấm dứt, và trong tâm của người ấy không còn nắm giữ bất cứ cái gì. Khi các khái niệm về cả chủ thể và đối tượng tan rã, sinh tử luân hồi chấm dứt. Trực tiếp trải nghiệm điều này được gọi là cái thấy xác quyết. Khoảnh khắc bạn không nắm giữ khái niệm về chủ thể hoặc đối tượng, thế là đủ.
Giống như một đứa trẻ một tuổi, mới chập chững tập đi, chúng ta vẫn chưa quen với điều này; chúng ta chỉ hơi hơi quen. Đứa trẻ tự đứng dậy bằng đôi chân của mình, rồi ngã nhào; rồi nó lại đứng dậy, và lại ngã nhào. Đây là cách thực hành của chúng ta hiện tại, bởi vì sự vững vàng bẩm sinh vẫn chưa được hiện thực hóa. Khi bạn hai tuổi, bạn vững vàng hơn, và khi ba tuổi, thậm chí còn vững vàng hơn nữa. Khi bạn mười tám tuổi, bạn đã đạt được sự vững vàng; bạn là một người trưởng thành trẻ tuổi. Bạn có khả năng chạy nhảy, hoặc làm bất cứ cái gì bạn muốn làm. Sự trưởng thành này trong quá trình tu tập được gọi là ‘đã đảm nhận sự vững vàng tự nhiên của tánh giác rigpa’.
Khi không còn sự xao lãng nào trong suốt cả ngày lẫn đêm, bạn đã rất gần với ngai vàng pháp thân dharmakaya của sự không thiền định. Bạn có thể ngồi cùng với Phật Phổ Hiền trong cung điện pháp thân dharmakaya của Akanishtha không gì cao hơn. Lợi ích cho chúng sinh xuất hiện từ trạng thái này là tự phát và tự động. Bạn không cần phải nói: “Bây giờ ta muốn mang lại lợi ích cho chúng sinh”. Không cần phải có tư tưởng đó. Giống như khi mặt trời chiếu sáng: bạn không cần phải làm gì để cho mặt trời ấm áp và sáng chói, phải không? Nó tự nhiên như vậy khi nó chiếu sáng. Khi đạt được sự vững vàng, bạn thực sự có thể mang lại lợi ích cho vô số chúng sinh. Khi bạn đã chứng ngộ bản tánh của pháp thân dharmakaya, nó giống như mặt trời không có mây. Sự sáng chói, sự ấm áp, ánh sáng của nó, tỏa sáng một cách tự nhiên khắp mọi nơi, trên khắp thế giới. Khi chứng ngộ pháp thân dharmakaya vì lợi ích của bản thân, lợi ích cho người khác là không cần nỗ lực. Sự chứng ngộ này thường được mô tả là sự rạng rỡ, trong tiếng Phạn là shri, trong tiếng Tây Tạng là palden. Vinh quang cho bản thân là nhận biết pháp thân dharmakaya. Việc biểu hiện sắc thân rupakaya, là vinh quang cho người khác. Đó là lý do tại sao chư Phật được gọi là ‘chư Phật vinh quang’.
Trong khi đó, bạn sẽ bị xao lãng khi bạn làm những công việc hàng ngày của mình - không có cách nào khác. Dharmakaya ở trong bản thân chúng ta, nhưng vì chúng ta chưa vững vàng trong sự nhận biết về nó nên chúng ta bị cuốn vào những tư tưởng. Tuy nhiên, tinh tuý của những tư tưởng, khi được ghi nhận, là dharmakaya. Một tư tưởng chỉ đơn giản là biểu hiện hướng ngoại của cái biết, của tánh giác. Vào khoảnh khắc nhận biết bản tánh của cái đang suy nghĩ, không có cách nào để sự biểu hiện này, tư tưởng này, duy trì. Tinh tuý trần trụi của bạn khi đó hiển bày. Trong kinh nghiệm này, không có cách nào để duy trì một tư tưởng, giống như một giọt nước không thể duy trì giữa không trung. Khi bạn đã quen với cách xử lý tư tưởng này, bạn không cần phải kìm nén việc suy nghĩ. Bạn không cần phải chỉnh sửa nó. Bạn không cần bất kỳ hy vọng nào để đạt được hoặc sợ mất trạng thái giác ngộ. Đó là lý do tại sao người ta nói rằng ‘sự xác quyết của cái thấy không có hy vọng và sợ hãi’. Bạn không cần phải hy vọng được tự do hoặc sợ hãi vì có những tư tưởng, bởi vì vào khoảnh khắc thấy tinh tuý, tư tưởng đã tan biến. Bạn có hiểu điều này không? Có rõ ràng không?
Đừng bao giờ mong đợi rằng sẽ có bất cứ điều gì ngoạn mục được trải nghiệm. Thành thật mà nói, không có gì tuyệt vời hơn sự nhận biết tánh giác rigpa này mà trong đó, không có tư tưởng nào có thể duy trì. Năm độc và các khuynh hướng nghiệp, thói quen mất đi sức mạnh trong tánh giác rigpa. Nếu chúng ta không biết điều này, chúng ta sẽ bị cuốn vào tư tưởng. Hầu hết chúng sinh đều không biết cách nhận biết; họ bị cuốn theo những tư tưởng. Vào khoảnh khắc bạn nhắc nhở bản thân nhận biết tinh tuý tâm, bạn đã thấy được tinh tuý. “Không một vật để thấy là cái thấy siêu việt”. Điều này gần gũi đến mức khó tin. Nó không phải là một hành động tưởng tượng. Đó là vì nó quá dễ dàng đến mức khó tin! Thậm chí không có một chút gì để tu tập bằng cách thiền định. Nhưng chúng ta cần phải quen thuộc với nó; chúng ta cần phải quen thuộc với việc nhận biết bản tánh tỏ biết trống không này.
Hãy tu tập như thế này trong suốt quãng đời còn lại, và bạn sẽ không còn sợ chết nữa. Một yogi chân chính là người vui vẻ khi bệnh và vui mừng khi chết. Tại sao bạn lại vui vẻ khi bệnh? Bởi vì khi bạn chết, bạn sẽ giác ngộ. Mọi người thường không chết nếu không bị bệnh trước, và nếu không chết, cơ thể vật chất này sẽ không mất đi. Thông qua thực hành này, vào lúc chết, sự tỉnh biết nguyên sơ không có tâm phân biệt nhị nguyên sẽ giống như một bạn đại bàng garuda bay vút lên đầy tự do. Tâm của bạn, như sự tỉnh biết nguyên sơ, hòa nhập với pháp thân dharmakaya. Bạn đến ngai vàng của dharmakaya; bạn đã đoạt được vương quốc dharmakaya.
Ngay lúc này đây, chúng sinh hữu tình đã đoạt được vương quốc của sự ngu muội! Một khi sự không tỉnh thức siểm khúc, quanh co này được làm sáng tỏ, thì không còn gì khác ngoài vương quốc của sự tỉnh biết nguyên sơ. Cho đến khi điều đó xảy ra, Vua Vô minh - Tâm Vương có năm vị cận thần là năm độc. Những người thừa hành của năm độc này là hai mươi mốt căn bản phiền não và tám mươi trạng thái tư tưởng bên trong. Các chủ thể là tám mươi bốn ngàn cảm xúc phiền não. Kẻ bạo chúa này cai trị vương quốc sinh tử luân hồi vô tận. Tất cả chúng ta đều sống trong cõi của hắn, và nghĩ rằng nó thật tuyệt vời!
Tuy nhiên, khi chết, chúng ta hoàn toàn mất kiểm soát. Bất cứ thứ gì chúng ta sở hữu đều mất đi; bất cứ thứ gì chúng ta làm đều lãng phí và không thể giúp chúng ta theo bất kỳ cách nào. Ngay khi chúng ta chết, tâm vẫn tiếp tục tiếp diễn hoàn toàn đơn độc, giống như một sợi tóc bị kéo ra khỏi bơ. Nó cứ trôi đi mà không có bất kỳ sự tự do nào trong việc lựa chọn nơi ở, nơi đến. Vương quốc của sự ngu muội thực sự vô vọng. Tuy nhiên, mặc dù nó vô dụng, chúng ta vẫn bám vào nó. Không thể nào thực sự hạnh phúc; chúng ta không có bất kỳ sự làm chủ số phận nào. Nếu chúng ta có sự kiểm soát, chúng ta có thể an trụ như chúng ta là trong cung điện rộng lớn của sự ngu ngốc. Nhưng vì nó hoàn toàn không có chút tự do nào, nên vương quốc rộng lớn của sự ngu muội không giúp ích gì. Nếu vô minh này không được làm rõ, thì không có gì có ích cả - không có gì mang lại bất kỳ lợi ích nào. Tất nhiên, có một số lợi ích tạm thời khi thực hiện các hành động tốt có đức hạnh, nhưng “trừ khi bạn biết được điểm then chốt bí mật của tâm, bất cứ điều gì bạn làm đều đảo lộn”. Điểm then chốt của tâm là không có những tư tưởng về ba thời - duy trì trạng thái tỉnh biết hiện tiền, không sắp đặt, rộng mở. Nếu bạn không biết điều đó, bất cứ điều gì bạn làm đều sẽ bị đảo lộn. Có một câu tục ngữ của người Kham: “Chắp tay thành kính trong khi bạn đang ngã ngửa người ra thì chẳng ích gì”. Nói cách khác, nếu vô minh không được làm rõ trong nền tảng cơ bản của chúng ta, chúng ta luôn quay trở lại trong sinh tử luân hồi.
Có một điều chúng ta luôn cần, đó là người canh gác có tên là chánh niệm, người canh gác luôn trông chừng khi chúng ta bị cuốn đi trong sự mất chánh niệm. Như bạn biết đấy: “Trên con đường của sự xao lãng, kẻ cướp Mara đang phục kích”. Chúng ta có thể nghĩ rằng có những linh hồn ma quỷ đang rình rập để bắt chúng ta, nhưng Mara thực sự chính là tâm đang xao lãng này. Giống như câu nói nổi tiếng: “Những chướng ngại chính là những tư tưởng của bạn; những chướng ngại phát sinh từ chính tâm bạn”. Một khi bạn không bị xao lãng suốt cả ngày lẫn đêm, không một thế lực chướng ngại nào có thể đe doạ hay ảnh hưởng đến bạn.
Tóm lại, để có thể hòa nhập nhận biết về tinh tuý của tâm với cuộc sống hàng ngày hoàn toàn là kết quả của quá trình tu tập, không gì khác. Không có quá trình tu tập, nhận biết về tinh tuý của tâm chỉ là một cái thấy thoáng qua rồi biến mất ngay lập tức. Chúng ta có thể tái nhận biết, nhưng rồi nó lại luôn trôi đi. Chúng ta luôn quên; chúng ta luôn bị xao lãng. Thói quen cố hữu không nhận biết tinh tuý của tâm, đã được củng cố trong suốt các kiếp sống trước, đơn giản là quá mạnh mẽ. Cuối cùng, không có giải pháp nào khác ngoài việc tu tập theo cách mà thầy liên tục nhắc nhớ: những khoảnh khắc ngắn ngủi lặp lại nhiều lần. Dù nằm ngồi hay đi đứng, việc tu tập về cơ bản vẫn giống nhau: những khoảnh khắc ngắn ngủi lặp lại nhiều lần. Nếu chúng ta không lặp lại nhiều lần, chúng ta sẽ không bao giờ quen thuộc được với nó. Điều quan trọng nhất là phải nhận biết, lại nhận biết và lại nhận biết. Khi bạn ngày càng quen thuộc với việc nhận biết tinh tuý của tâm, và do đó ngày càng ổn định hơn, thì những khoảnh khắc này tự nhiên sẽ kéo dài lâu hơn và lâu hơn nữa. Những khoảng thời gian không nhận biết sẽ ngày càng ngắn lại, ngày càng ít đi. Do đó, việc tu tập nhằm nhắc nhở bản thân là rất quan trọng, cho đến khi cuối cùng có một sự kéo dài liên tục, không gián đoạn của trạng thái tỉnh biết nguyên sơ được gọi là trạng thái giác ngộ trọn vẹn. Cho đến khi điều đó xảy ra, bạn cần phải tu tập nhiều lần.
Cách để tu tập bây giờ là ghi nhớ trong các hoạt động hàng ngày. Chánh niệm hay ‘tái chánh niệm’ này chính là cốt lõi của thực hành Pháp. Khi bạn ngày càng vững vàng hơn trong chánh niệm, và trong việc nhận biết tinh tuý tâm trong các hoạt động hàng ngày, khi đi lại, ăn uống, nằm ngủ vào ban đêm, v.v., bạn sẽ có thể nhận biết hết lần này đến lần khác, lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, nếu không nhắc nhở bản thân nhận biết, thì sẽ không bao giờ có bất kỳ sự nhận biết nào. Nếu không có bất kỳ sự nhận biết nào, bạn hoàn toàn không biết bản tánh Phật của mình thực sự là gì. Sống trong sự lãng quên như vậy giống như một xác chết, một thây ma vô cảm. Nếu không có những phẩm tính giác ngộ hoàn thiện đầy đủ, chúng ta có thể trông giống như con người, sống động và tỉnh táo, nhưng chừng nào chúng ta còn không biết về bản tánh của chính mình, thì thực ra chúng ta chỉ là những thây ma mà thôi. Thầy rất tiếc khi phải nói điều này, nhưng tất cả chúng sinh đều giống như những xác chết biết đi. (Rinpoche cười).