THỰC HÀNH - MỘT CON ĐƯỜNG THÊNH THANG ĐẾN TỰ DO - KARMA CHANGME

THỰC HÀNH

MỘT CON ĐƯỜNG THÊNH THANG ĐẾN TỰ DO – KARMA CHANGME

Việt dịch: Hoàng Lan.

NXB Thiện Tri Thức, 2020

Thọ nhận Pháp giống như là một con ong uống mật, cẩn thận không làm hỏng bông hoa, nguồn tạo mật. Con người học Pháp thường dễ trở nên mệt mỏi và thất vọng, điều này chỉ cho thấy rằng họ chưa chán ghét sanh tử.
THỰC HÀNH - MỘT CON ĐƯỜNG THÊNH THANG ĐẾN TỰ DO - KARMA CHANGME

Không thiền định về bất kỳ điều gì, hãy chỉ đơn giản là không phân tán, để [tánh giác của con] an ổn, toả sáng và cân bằng. Đầu tiên, hãy thực hành trong những khoảng ngắn, và khi con đã trở nên quen thuộc với nó, hãy thực hành trong thời gian dài hơn và dài hơn nữa. Khi con kết thúc thời khoá, đừng đứng lên đột ngột, mà hãy từ từ đứng dậy, không đánh mất cảm giác thiền định và hành động mà không đánh mất cảm giác về tánh giác, không dao động, không bám chấp. Khi con ăn, uống, nói chuyện và dấn thân vào tất cả mọi hành động, hãy làm như vậy mà không mất cảnh giác về chánh niệm không dao động. Nếu điều này diễn ra trong định tĩnh nhưng sau đó mất đi, bằng việc kết hợp nó với thực hành tâm linh của con và tất cả những hành động di chuyển, đi lại, nằm, ngồi, thì bất cứ điều gì con làm, sẽ sanh khởi như là thiền định.

 

Đầu tiên, hãy thực hành trong những thời khoá rất ngắn, nhưng càng nhiều càng tốt. Cách tiếp cận này giống như là những giọt nước rơi xuống từng giọt, từng giọt một tạo thành một lỗ trên một mái nhà dột. Khi bạn trở nên quen thuộc hơn với thực hành, từ từ kéo dài thời gian của mỗi thời khóa và giảm số lượng thời khoá trong ngày xuống. Nếu bạn có thể duy trì tánh giác không tạo tác trong khoảng thời gian hậu thiền định, đây là một điều tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu bạn không thể duy chánh niệm tươi mới, không xao lãng, đừng bỏ cuộc. Chỉ cố gắng để thấm đẫm tánh giác hậu thiền định trong chánh niệm và quán sát nội tại. Giữa những thời khóa, nhiều tư tưởng sẽ sanh khởi, do đó, bạn phải củng cố thực hành của mình bằng sự quán sát bản tánh của chúng. Hãy kết hợp thực hành Pháp càng nhiều càng tốt, bao gồm trì tụng minh chú, thiền suy luận, và vân vân - trong suốt ngày, để từ đó, những trạng thái tâm của bạn sanh khởi như là thiền định.

Ví dụ, sau một thời khóa thực hành giai đoạn sanh khởi, hãy chú tâm vào bản tánh bình đẳng, nền tảng của những hiện tượng bằng cách nhận biết tất cả những hình tướng như là thân tướng của Đức Phật, tất cả âm thanh như là lời của Đức Phật, và tất cả suy nghĩ như là những hiện tướng của trí huệ bổn nguyên. Bằng cách thực hành như vậy, trải nghiệm hậu thiền định của bạn sẽ được củng cố bằng cái thấy thấu suốt gom góp được từ những thời khóa chính thống.

 

Được giới thiệu vào nền tảng của tánh giác là thường được so sánh với khái niệm của việc ở trong bụng mẹ. Một khi bạn nhận biết rằng một đứa trẻ đã được hình thành, bạn nuôi dưỡng nó trong bào thai. Tương tự như vậy, sau khi được giới thiệu vào bản tánh của tánh giác, bạn trưởng dưỡng tánh giác bằng cách duy trì chứng ngộ của bạn về bản tánh của nó. Sự ra đời thực sự của đứa trẻ giống như là dấn thân vào thực hành. Một khi đứa trẻ đã ra đời, cha mẹ làm tất cả những gì họ có thể để nuôi dưỡng và bảo vệ nó, cho tới khi nó có khả năng tự chăm sóc bản thân. Tương tự, sau khi chúng ta được giới thiệu và bắt đầu sự chứng ngộ về bản tánh của tánh giác - giống như là cha mẹ nuôi dưỡng đứa con của họ trong phôi thai, khi còn nhỏ và lúc thiếu niên - chúng ta phải bảo vệ sự thực hành của mình để chứng ngộ của chúng ta không bị chôn vùi bởi những chướng ngại sanh khởi bên trong và bên ngoài.

 

Chúng ta nên thực hành Pháp như thế nào? Nếu bạn đang chờ thực thi án tử hình của mình, chỉ có một tư tưởng có thể liên tục xuất hiện trong tâm bạn ngày và đêm: “làm sao tôi có thể thoát ra khỏi đây?” Cùng một cách như vậy, nếu bạn nhận biết tính chất đầy đau khổ của sanh tử luân hồi, bạn sẽ tự nhiên muốn chạy trốn khỏi tất cả những đau khổ ấy và những nguồn gốc của chúng. Con đường để chạy thoát là thông qua cửa ngõ của Pháp.

Để đi vào cửa ngõ này, trước tiên bạn phải thọ nhận Pháp để bạn có thể thực hành. Thọ nhận Pháp giống như là một con ong uống mật, cẩn thận không làm hỏng bông hoa, nguồn tạo mật. Con người học Pháp thường dễ trở nên mệt mỏi và thất vọng, điều này chỉ cho thấy rằng họ chưa chán ghét sanh tử. Điều này là do chưa có một hiểu biết sâu sắc về Bốn Thánh Đế và Bốn Chuyển Tâm. Do đó, họ không có một hiểu biết rõ ràng về tại sao họ lại đang nghiên cứu và thực hành Pháp. Những người hành thiền với cam kết chân thật dành cho Pháp và một nguyện ước thành khẩn để đạt giác ngộ toàn hảo là rất hiếm. Phần lớn là do lòng kiêu mạn về những phẩm chất, tư tưởng, quan điểm của họ đã che chắn sự hiểu biết của họ khỏi việc lắng nghe, tư duy và thiền định về Pháp. Một khi bạn đã đi qua cửa ngõ này của Pháp, bạn đã cam kết sẽ tôn trọng những giới luật đạo đức. Nếu bạn thất bại trong việc duy trì những giới luật đạo đức, thực hành của bạn chỉ là giả tạo. Một người như vậy giống như là một con ong làm tổn thương bông hoa mà nó lấy mật.

 

Nếu bạn tìm kiếm giải thoát, bạn phải có nhiều hơn là một kiến thức về đau khổ, những nguyên nhân của nó, và những giải pháp; bạn phải thực hành cho tới khi kiến thức này chín muồi. Cũng giống như là một chú nai, bị một thợ săn bắn, ẩn sâu vào trong cô tịnh để tự chữa lành, cũng tương tự như vậy, bạn nên rút lui khỏi tất cả những hoạt động không cần thiết. Hay ít nhất, thỉnh thoảng rút lui vào cô tịch để thực hành. Kết quả là, bạn có thể chứng ngộ một vị của thực tại và cắt xuyên qua những sự chia cắt được tạo nên bởi mê lầm, tham lam, và sân hận. Một khi bạn đã đạt chứng ngộ ngày, bạn sẽ trở nên không sợ hãi và mạnh mẽ như là một con sư tử tuyết. Bạn, sau đó, đã đạt tới trạng thái tự tin. Vào lúc này, lợi ích của cá nhân bạn được thoả mãn vì bạn quan sát tất cả những hiện tượng như là những hiện tướng của tánh giác. Đã hoàn hảo sự chuyển hóa nội tại của chính mình với mục đích làm lợi lạc cho người khác, giờ đây, bạn có khả năng phục vụ những mong cầu của người khác. Đây là con đường của một người thiền định về Pháp thực thụ.

 

Các Tantra những Bí mật Tổng hợp của Đức Quán Thế Âm viết:

Với một cấp độ cân bằng giữa căng thẳng và thư giãn, hãy thiền định về trạng thái trống không thoát khỏi những sự tạo thành khái niệm.

- Trong quá trình thiền định, mức độ căng thẳng có thể quá mạnh mẽ, trong trường hợp này chúng ta có xu hướng cảm thấy căng thẳng hoặc áp lực. Khi quá nới lỏng, tâm trở nên lộn xộn. Qua kinh nghiệm của chính mình, chúng ta phải tìm cách cân bằng để không rơi vào một trong những thái cực ấy. Sau đó, trong trạng thái cân bằng này, thiền định về tình trạng trống không khỏi những sự hình thành khái niệm. Không có gì để thiền định về nó cả; thay vào đó, hãy cho phép tâm trí của bạn nghỉ ngơi mà không có một sự tập trung cụ thể nào. –

 

Và:

Đầu tiên, giống như cách đặt một vòng dây thừng trên mặt nước, hãy giữ tư thế và nhận thức của con ở một mức độ vững vàng phù hợp, và trong trạng thái đó, hãy nhẹ nhàng thư giãn. Ngay sau đó, nghỉ ngơi trong sự cởi mở tươi mới, ổn định, hiện diện, và sáng tỏ. Sự vững vàng ấy khiến tánh sáng tỏ phát sanh, và sự thư giãn khiến sự vững chắc và một cấp độ của niềm vui sanh khởi. Việc nghỉ ngơi trong trạng thái tươi mới khiến tánh Không sanh khởi và một sự vắng mặt vốn có của tập trung cũng sanh khởi. Việc thể nhập vào trạng thái này trong một thời khóa đơn lẻ và với chỉ một ánh nhìn được cho là loại thiền định không sai lầm mà Đức Phật nhắc tới.

Hãy thiền định như vậy trong một thời gian dài. Nếu sự khởi tưởng sanh sôi nảy nở, hãy tập trung. Nếu tánh sáng tỏ giảm sút, hãy thư giãn. Quan trọng nhất là nghỉ ngơi một cách tự nhiên khi không có vấn đề. Tại thời điểm đó, về mặt tánh giác, tinh tuý là tánh sáng suốt trống không, bản tánh là tánh tỏa rạng không thiền định và sự phô diễn là mở ra mọi hướng. An trụ trong trạng thái duy nhất của tánh tỏa rạng, tánh giác, và tánh Không là Đại Ấn không lỗi lầm, do đó, những tantra viết, "Thiền định trong tình trạng trống không thoát khỏi sự tạo thành khái niệm."

 

Điều quan trọng nhất là bạn tìm thấy một sự cân bằng thích hợp cho tư thế thân của bạn cũng như cho phẩm chất của tánh giác, do đó nó phải là không quá căng thẳng hoặc quá lỏng lẻo. Nếu bạn tìm thấy một sự cân bằng có những đặc tánh của sự tươi mới, ổn định, và vân vân, thì đó là lúc người ta nói rằng tất cả những phẩm chất tuyệt vời hoàn thiện. Bạn cần phải kiên trì trong thực hành để tăng cường sự quen thuộc. Điều này tạo ra khuôn mẫu thói quen, do đó, tiến trình có thể đạt được trên con đường. Nếu tâm trở nên tràn đầy những tư tưởng, hãy cúi xuống một chút. Nếu tánh sáng tỏ giảm, hãy thư giãn. Nếu không có vấn đề phát sanh, đừng áp dụng bất kỳ một phương pháp đối trị nào. Hãy an trụ trong trạng thái duy nhất của quang minh, tánh giác, và tánh Không chính là cốt lõi nhất của Đại Ấn. 

 

Songtsen Gampo nói:

Bản thân thực tại của Đức Quán Thế Âm hòa hợp với Đại Ấn, và thiền định được trình bày theo những tương tự với những điểm tham chiếu của chúng.

Thứ nhất, quang minh vô niệm giống như một ngọn đèn bơ không lay động bởi gió: trong một đèn bơ không động đậy bởi gió, nền tảng của bấc đèn bùng cháy, ánh sáng của bấc đèn chói sáng, và ngọn bấc đèn sắc nét. Tương tự như vậy, khi tâm được để yên không sửa đổi, nó tươi mới, trong trẻo tự nhiên và thoải mái.

Thứ hai, nhận biết những ký ức và suy nghĩ là trống không giống như nhận biết một tên trộm: do nhận biết tên trộm, nên hắn không thể ăn cắp. Tương tự như vậy, bất cứ kinh nghiệm nào của sự lười biếng, hôn trầm và kích động phát sanh, bằng cách nhận biết bản tánh của chúng như là trống không, con an trụ trong Đại Ấn chỉ thông qua chánh niệm.

Lối sống hay hạnh được trình bày như là những ví dụ cùng với những tham chiếu của chúng. Cuộc tiếp xúc với tánh bất nhị cũng giống như cuộc gặp gỡ của một người mẹ và con trai: một khi hai mẹ con nhận ra nhau, không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Tương tự như vậy, bất cứ hiện tướng nào sanh khởi và bất cứ điều gì được nhắc lại trong tâm, người ta nhận biết chúng là Đại Ấn.

 

Trong bối cảnh tương tự, Songtsen Gampo nói:

Pháp này của Đức Quán Thế Âm được dạy phù hợp với Đại Toàn Thiện. Tiếp xúc với thực tại giống như là như gặp gỡ một ai đó mà con đã biết trước. Cái đó chứ không phải cái gì khác là bản thân thực tại. Điều kiện của việc an trụ mà không nhận biết bản tánh của tự tâm con là phải được hiểu như thế này: khi con gặp một người mà con đã biết trước đó, con nhận ra người ấy một cách rõ ràng. Tương tự như vậy, con nhận ra tự tâm của mình như bản thân thực tại, chỉ đơn giản bằng việc vị thầy tâm linh chỉ ra cho con.

 

Thực tại của sự khởi tưởng sanh khởi như trí huệ bổn nguyên cũng giống như ngọn lửa lan rộng trong một khu rừng. Trong sự khởi tưởng không ngừng nghỉ ở hiện tại, không có gì để nắm bắt. Ví dụ như, nếu một ngọn lửa được thắp sáng trong một khu rừng rậm rạp, tất cả các cây bụi và cây cao đều hỗ trợ ngọn lửa này. Tương tự như vậy, tất cả các tư tưởng thô và tế của ba thời đều từ khởi thuỷ không có nguồn gốc và trống không; ở giai đoạn giữa, chúng không có nơi trụ và trống không và cuối cùng, chúng không có hoại diệt và trống không. Vì vậy, chúng chỉ sanh khởi như trí huệ bổn nguyên trống không.

Ý nghĩa của tánh tự giải thoát của các tướng giống như nước hòa vào nước. Tất cả những hiện tượng xuất hiện như là những hình tướng thực sự đó, không có gì khác là bản thân thực tại. Ví dụ, một khi những bong bóng nước đã sanh ra, chúng hòa tan trở lại với nước. Tương tự như vậy, tất cả các hiện tượng sanh khởi từ bản thân thực tại, sau đó tất cả những hiện tượng được giải thoát trong trạng thái của chính chúng.

 

Một khi bạn đã nhận ra bản tánh thực của sự khởi tưởng, thì khi những tư tưởng nảy sanh, chúng thực sự làm mạnh thêm sự xuất hiện của trí tuệ nguyên sơ. Sự khởi tưởng giống như là đánh lửa mồi kích động ngọn lửa của trí tuệ nguyên sơ. Khái niệm "Trong sự khởi tưởng không ngừng nghỉ của hiện tại, không có gì để nắm bắt" đề cập đến giai đoạn thực hành cụ thể trong đó tâm trí của bạn đang bị choáng ngợp bởi những tầng lớp tư tưởng. Có quá nhiều tư tưởng đến nỗi mà bạn không thể nào nhận biết tất cả chúng. Nhưng từng bước từng bước một, thông qua việc dấn thân vào thực hành, bạn làm cho tánh giác của mình trở nên sắc bén sao cho thời điểm những tư tưởng sanh khởi, bạn nhận ra chúng và đồng thời nhìn thấy bản tánh của chúng. Hơn nữa, bạn có được nội quán sâu sắc hơn về sự vắng mặt của sanh, trụ, và diệt của chúng. Nói cách khác, bạn hiểu chúng trống không hoàn toàn trong bản tánh. Để làm được điều đó, trước tiên, bạn phải nhận ra chúng, nhưng trước khi điều này có thể xảy ra, có thể là bạn sẽ bị chúng làm cho choáng ngợp. Toàn bộ quá trình này biến đổi sự khởi tưởng thành một hỗ trợ cho sự trưởng thành tâm linh. Những cấu trúc khái niệm tự giải phóng, mà không cần bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài.

 

 

Bài viết liên quan