TÌNH YÊU ĐỐI VỚI CHÍNH SỰ VẬT - KRISHNAMURTI – BÚT HOA

Có một con chim màu xám lốm đốm, lớn gần bằng con quạ ; không hề nhút nhát, nó để mặc ta nhìn ngắm một cách thoải mái ; nó ăn quả mọng thòng xuống từng chùm xanh và có ánh bạc, lựa chọn kỹ lưỡng. Hai con chim khác, cũng lớn gần bằng nó, bay đến bấu vào chùm mọng khác.
TÌNH YÊU ĐỐI VỚI CHÍNH SỰ VẬT - KRISHNAMURTI – BÚT HOA

TÌNH YÊU ĐỐI VỚI CHÍNH SỰ VẬT

KRISHNAMURTI – BÚT HOA

---o0o---

Ngày 6.

Có một con chim màu xám lốm đốm, lớn gần bằng con quạ ; không hề nhút nhát, nó để mặc ta nhìn ngắm một cách thoải mái ; nó ăn quả mọng thòng xuống từng chùm xanh và có ánh bạc, lựa chọn kỹ lưỡng. Hai con chim khác, cũng lớn gần bằng nó, bay đến bấu vào chùm mọng khác. Đó là những chim cu ngày hôm qua, nhưng lần này chúng không hót êm nhẹ vì tất cả đang bận ăn. Chim cu thường nhút nhát, nhưng những con này có vẻ như không phiền hà về sự có mặt của một người đang nhìn chúng thật gần, chỉ cách có vài bước. Khi sóc vằn đến hội với chúng, cả ba đều bay lên và sóc ở lại đấy tha hồ ngấu nghiến. Bỗng bay đến một con quạ đang kêu, và sóc chuồn đi, đã quá đủ với nó. Quạ không ăn trái mọng, nhưng chắc là nó không muốn những con khác được vui sướng. Một buổi sáng tươi mát, mặt trời mọc lên từ từ sau hàng cây rậm rạp; bóng cây đổ dài và ngọn cỏ còn đẫm sương nhẹ; trong ao mọc lên hai bông súng màu xanh ở giữa vàng nhạt; màu xanh này là màu xanh của trời xuân, và trên một chiếc lá súng tròn màu lục thật đậm, một con ếch nhỏ đang ngồi bất động, nhìn chăm chú. Hai bông súng là nguồn vui của khu vườn, chúng thanh nhã, dịu dàng và yên lặng trong ao, ngay cả cây cổ thụ nghiêng xuống cũng thế, không một cái bóng. Nhìn chúng, mọi phản ứng đều dừng lại, tư tưởng, cảm thức im bặt, và còn ở đó riêng có những đóa hoa trong chơn mỹ, trong tịch lặng, mãnh liệt như mọi sinh vật, ngoại trừ con người luôn bận rộn về chính mình. Nhìn những hoa súng, thế giới có biến chuyển, không phải trật tự xã hội được cải thiện, ít độc tài hơn, nhiều tự do hơn, hay loại bỏ được nghèo đói, mà không có đau khổ, không có phiền não, không có lo âu từng lúc hay gánh nặng của ưu phiền ; mọi sự đều thay đổi với sự có mặt của hai đóa hoa màu xanh nhụy vàng. Đó là phép lạ của chơn mỹ.

Con đường này thân thuộc với chúng tôi, với người dân làng, đoàn dài gồm mười lăm hay hai mươi chiếc xe bò, mỗi xe có một người dẫn đi kèm bên cạnh, với lũ chó, đàn dê và những thửa ruộng lúa chín, chiều nay con đường vui cười, mở rộng, và bầu trời rất gần gũi. Trời tối và con đường lấp lánh dưới ánh sáng trời đêm khép lại. Thiền định không phải là con đường của nỗ lực; nỗ lực là ngược lại, đối kháng; nỗ lực và lựa chọn luôn luôn đưa đến xung đột, và lúc đó thiền định chỉ trở thành một sự trốn chạy trước sự kiện thực tế, trước cái đang là. Nhưng trên con đường này thiền định nhường chỗ cho “bờ bên kia”, trí óc, đã yên lặng, đi vào tịch tĩnh tuyệt đối ; trí óc chỉ là một lối đi, một đoạn đường của cái vô cùng này; giống như một dòng sông sâu thẳm ở giữa hai vách đá dựng đứng, "bờ bên kia” lạ lùng chuyển động không phương hướng, ngoài thời gian.

Ngày 7.

Qua khung cửa sổ, ta thấy một cây cọ trẻ và một cội cây thật xanh phủ đầy hoa màu hồng có cánh to lớn. Những lá cọ vụng về đang đong đưa nặng nề khắp mọi hướng, nhưng hoa đứng im. Biển còn xa, ta nghe biển réo cả đêm, tiếng biển sâu, mạnh. Tiếng động này ngầm, và nhịp nhàng ì ầm, nhói buốt, ta cảm nhận mối đe dọa, sức mạnh thô bạo không dừng nghỉ. Tiếng gầm của biển cả biến mất với bình minh, nhường chỗ cho những tiếng ồn khác, tiếng chim chóc, tiếng xe cộ và tiếng đập trống. Thiền định là gì? lửa đốt hết mọi thời gian và mọi khoảng cách, mọi thành tựu và mọi kinh nghiệm. Chỉ còn khoảng không, mênh mang, không bờ bến, nhưng trong đó có chuyển động, có sáng tạo. Tư tưởng thì không thể sáng tạo; tư tưởng có thể tập hợp những yếu tố thành bảng vẽ, thành từ ngữ, giữ chúng cố định trong đá hay làm thành một hỏa tiển tuyệt vời ; tư tưởng dù tinh ba đến đâu, vi tế đến đâu, đều bị giam hãm trong biên cương của thời gian; tư tưởng chỉ có thể bao trùm không gian, lại không có khả năng vượt khỏi chính mình. Nó không thể tự thanh lọc, cũng chẳng tự theo đuổi; nó chỉ có phát triển nếu không đứng im, rồi chết đi. Mọi cảm thức đều là cảm giác, và kinh nghiệm từ đó xuất xứ, cảm thức liên minh với tư tưởng dựng nên biên giới của thời gian.

Ngày 9.

Từ xa ta nghe tiếng biển gầm thét không ngớt, đợt sóng này đến đợt sóng kia , sóng thì vô hại, nhưng nguy hiểm, giận dữ, tàn nhẫn. Biển có vẻ im lặng, mơ mộng và kiên nhẫn, nhưng những đợt sóng này thì khổng lồ, to cao, đáng sợ. Người ta bị cuốn đi, chết chìm, và có một luồng nước mạnh. Sóng biển thì không bao giờ êm dịu, đường cong vĩ đại của chúng nhìn từ xa rất ngoạn mục, lại chứa đầy sức mạnh thô bạo, hung ác. Những chiếc thuyền quá mỏng manh lèo lái bởi những con người gầy ốm làn da sạm, đang băng sóng, lãnh đạm, vô tư lự, không một ý nghĩa sợ sệt; họ đi xa về phía chân trời và chắc là sẽ trở về tối, với mẻ lưới nặng trĩu. Chiều nay, sóng giận dữ một cách đặc biệt, nhô cao và nóng nảy, chúng vỡ tan ồn ào điếc tai; bờ biển trải dài từ bắc chí nam toàn bằng cát sạch, ngả sang màu vàng và nắng làm nóng bỏng.

Và ánh nắng cũng chẳng một chút êm dịu, luôn luôn nóng rát và cháy da, mặt trời chỉ dễ chịu khi vừa lên, ló khỏi mặt biển, hay chìm trong đám mây. Biển cả nổi giận và mặt trời nóng bỏng hành hạ trái đất và con người thì nghèo, ốm và lúc nào cũng đói khát ; nghèo đói đang ở đây, có mặt khắp nơi, và cái chết rất dễ dàng, dễ hơn là sanh đẻ, đưa đến thờ ơ và sa sút. Người giàu cũng thờ ơ, trừ phi để kiếm tiền, tìm cầu quyền hành, hay còn xây dựng cầu; họ rất có khả năng về việc làm đó, lúc nào cũng có thêm, thêm kiến thức và biết cách làm ăn, nhưng luôn luôn mất mát và cuối cùng dồn đến cái chết. Chết thì quả là cuối cùng, không thể nào thất bại, không một luận cứ nào, dù tinh tế và khôn lanh đến đâu, có thể né tránh được nó; cái chết luôn luôn ở đó. Ta không thể dựng lên bức tường để chống lại nó, nhưng ta lại có thể dựng tường để chống lại sự sống; ta có thể trốn chạy cái chết, lừa dối nó, đi đến đền chùa, tin vào đấng cứu rỗi, lên cung trăng; ta có thể làm hết mọi sự về sự sống, chết và khổ luôn luôn ở đó. Ta có thể che giấu đau khổ, nhưng đối với cái chết thì không thể được.

Ngay ở khoảng cách này, tiếng sóng gầm thét vẫn nghe thấy và hàng cọ mọc thẳng lên nền trời đỏ rực ban chiều. Hồ  nước và con kinh chiếu sáng dưới nắng chiều.

Đủ thứ động cơ lôi kéo chúng ta, mỗi hành vi đều có động cơ, và như thế ta không có tình yêu. Ta cũng không yêu thích nỗi việc chúng ta làm. Ta nghĩ rằng ta không làm gì được, hiện hữu hay sống không ý nghĩa, và biến đời ta thành buồn tẻ và tầm thường. Ta ỷ lại vào hoàn cảnh của mình để sở đắc một địa vị; hoàn cảnh không phải là phương tiện để có được một cái gì. Tình yêu đối với chính sự vật thì không có, từ đó mọi sự đều không lợi lạc và tương giao là một việc làm đáng ngại. Trói buộc chỉ là một phương tiện che giấu tính phiến diện của chúng ta, nỗi cô độc, sự yếu kém của ta; long ham muốn chỉ đưa đến hận thù. Tình yêu thì không có động cơ, và vì tình yêu vắng bóng nên đủ thứ động cơ len lỏi vào. Sống không động cơ, mục đích quả là khó; điều này đòi hỏi tính toàn vẹn chớ không phải sự tùy hợp với ý tưởng, đức tin. Sống toàn vẹn tức là tự biết mình mà không phải chỉ cốt làm thỏa ý, biết cái ta đang là từng sát-na.

---o0o---

Trích: “Bút Hoa”

Tác giả: Krishnamurti

Người dịch: Ẩn Hạc

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan