TÌNH YÊU KHÔNG PHẢI LÀ ĐEO ĐUỔI CẢM GIÁC THỎA MÃN MÀ LÀ TƯƠNG ƯNG VỚI CÁI TỐI THƯỢNG - J.KRISHNAMURTI – NÓI VỀ TỰ DO - Từ Hóa Hoàng Lan biên soạn

Chúng ta nói về tình yêu, chúng ta nói về trách nhiệm và bổn phận, nhưng thực sự lại không có tình yêu và chỉ có mối liên hệ dựa trên cảm giác thỏa mãn, chúng ta có thể thấy được sức ảnh hưởng của nó trong nền văn minh hiện nay. Cách chúng ta đối xử với vợ con, bạn bè, hàng xóm của mình là dấu hiệu cho thấy rằng trong mối liên hệ của chúng ta thực sự chẳng có chút yêu thương...
TÌNH YÊU KHÔNG PHẢI LÀ ĐEO ĐUỔI CẢM GIÁC THỎA MÃN MÀ LÀ TƯƠNG ƯNG VỚI CÁI TỐI THƯỢNG - J.KRISHNAMURTI – NÓI VỀ TỰ DO - Từ Hóa Hoàng Lan biên soạn

TÌNH YÊU KHÔNG PHẢI LÀ ĐEO ĐUỔI CẢM GIÁC THỎA MÃN MÀ LÀ TƯƠNG ƯNG VỚI CÁI TỐI THƯỢNG

J.KRISHNAMURTI – NÓI VỀ TỰ DO

Từ Hóa Hoàng Lan biên soạn

 

     Câu hỏi: Ngài thường nói đến mối liên hệ. Nó có ý nghĩa như thế nào đối với ngài?

     Krishnamurti: Đầu tiên, không có gì là độc lập cả. Không có sự hiện hữu độc lập. Sống nghĩa là có liên hệ và không có mối liên hệ thì không có sự hiện hữu. Bấy giờ, mối liên hệ nghĩa là gì? Nó là một thử thách và phản ứng được liên kết giữa hai người, giữa bạn và tôi, thử thách mà bạn đặt ra và tôi chấp nhận hoặc tôi phản ứng lại; và cũng là thử thách mà tôi đặt ra cho bạn. Như vậy, mối liên hệ giữa hai người tạo ra xã hội; xã hội không độc lập khỏi bạn và tôi; đám đông không phải là một thực thể độc lập tự thân, nhưng bạn và tôi trong mối liên hệ với nhau tạo nên đám đông, tạo nên nhóm, tạo nên xã hội.

     Như vậy, mối liên hệ là sự rõ biết, tỉnh giác giữa hai người và mối liên hệ như vậy thường đặt nền móng trên cái gì? Phải chăng nó đặt nền móng trên cái được gọi là sự tương thuộc lẫn nhau, sự hỗ trợ qua lại? Ít nhất, chúng ta gọi nó là sự tương hỗ, sự giúp đỡ qua lại và vân vân ..., nhưng, thực tế là, tách biệt khỏi ngôn từ, tách biệt khỏi tấm màn cảm xúc mà chúng ta giương lên với nhau, thì nó được xây dựng trên cái gì? Có phải là trên cảm giác hài lòng chung không? Nếu tôi không làm bạn hài lòng, bạn sẽ bỏ tôi, nếu tôi làm bạn hài lòng, bạn sẽ chấp nhận tôi như là vợ bạn, hoặc láng giềng hoặc bạn của bạn. Đó là sự kiện thật.

     Do đó, mối liên hệ được tìm kiếm ở nơi có cảm giác thỏa mãn, hài lòng về nhau. Khi không tìm thấy thỏa mãn nữa bạn sẽ thay đổi mối liên hệ. Bạn ly hôn, hoặc vẫn sống với nhau nhưng lại tìm kiếm cảm giác thỏa mãn ở nơi khác, hoặc bạn chạy từ mối quan hệ này sang một mối quan hệ khác cho tới khi tìm thấy điều mình tìm kiếm, tức là cảm giác hài lòng, thỏa mãn, bản ngã được bảo vệ và an ủi. Suy cho cùng, đó là cách chúng ta quan hệ trong đời sống, và do đó nó là thực tại. Mối liên hệ được tìm kiếm ở nơi có thể có cảm giác an toàn, nơi bạn, với tư cách một cá nhân, có thể sống trong tâm trạng an ổn, thỏa mãn, + dốt. Tất cả điều này luôn luôn tạo ra mâu thuẫn, không phải vậy sao?

     Nếu bạn không làm tôi thỏa mãn và tôi đi tìm sự thỏa mãn, thì tự nhiên phải có mâu thuẫn, bởi vì cả hai chúng ta đều đang tìm kiếm cảm giác an toàn ở đối phương. Khi cảm giác an toàn đó trở nên bất bệnh, bạn sẽ trở nên ghen tuông, hung bạo, chiếm hữu, vân vân... Như vậy, dù là theo nhiều cách khác nhau nhưng liên hệ lúc nào cũng dẫn tới chiếm hữu, chỉ trích, những nhu cầu khẳng định bản thân để có cảm giác an toàn, thoải mái và thỏa mãn. Và tất nhiên là trong một mối quan hệ như vậy không có tình yêu.

     Chúng ta nói về tình yêu, chúng ta nói về trách nhiệm và bổn phận, nhưng thực sự lại không có tình yêu và chỉ có mối liên hệ dựa trên cảm giác thỏa mãn, chúng ta có thể thấy được sức ảnh hưởng của nó trong nền văn minh hiện nay. Cách chúng ta đối xử với vợ con, bạn bè, hàng xóm của mình là dấu hiệu cho thấy rằng trong mối liên hệ của chúng ta thực sự chẳng có chút yêu thương nào cả. Nó đơn thuần chỉ là tìm kiếm sự làm vừa lòng lẫn nhau.

     Nếu như vậy thì lúc đó, mục đích của mối liên hệ là gì? Ý nghĩa sau cùng của nó là gì? Nếu quan sát chính mình trong mối liên hệ với những người khác, bạn không nhận thấy rằng liên hệ là một tiến trình bộc lộ bản thân sao? Chẳng phải sự tiếp xúc của tôi với bạn bộc lộ tâm trạng của tôi nếu như tôi nhận thức được, nếu như tôi đủ tỉnh táo để ý thức về phản ứng của chính mình trong mối liên hệ sao?

Liên hệ thật ra là có một tiến trình bộc lộ bản thân tức là tiến trình tự biết mình, trong sự bộc lộ đó có nhiều thứ không vui vẻ, những tư tưởng, những hoạt động đầy bất an, không thoải mái. Vì không thích điều mình khám phá được, nên tôi trốn chạy khỏi một mối quan hệ không vui vẻ để sang một mối quan hệ khác dễ chịu hơn. Do đó, mối quan hệ chẳng có ý nghĩa gì khi chúng ta chỉ tìm kiếm cảm giác thỏa mãn ở nhau, nhưng lại trở nên cực kỳ có ý nghĩa khi là phương tiện để tự bộc lộ và tự biết mình.

Rốt cuộc, không có mối liên hệ nào trong tình yêu, phải vậy không? Chỉ khi bạn yêu cái gì đó và mong mỏi sự đền đáp lại tình cảm của mình thì mới có một mối liên hệ. Khi bạn yêu thương, tức là khi bạn trao tặng chính mình cho một đối tượng một cách trọn vẹn, toàn diện, thì không có mối liên hệ nào cả. Có phải mối liên hệ là một sự thoả mãn qua lại hoặc là một tiến trình bộc lộ bản thân không Không có sự thoả mãn trong tình yêu, không có sự

bộc lộ bản ngã trong tình yêu, bạn chỉ yêu thôi. Thì cái gì xảy ra?

     Nếu bạn thật sự yêu thương, nếu có một tình + chân thật thì đó quả là một điều kỳ diệu. Trong tình yêu đó, không có va chạm, không có người này và người kia, mà chỉ có sự hợp nhất trọn vẹn. Đó là trạng thái hòa nhập, một hiện hữu trọn vẹn. Có những khoảnh khắc như vậy, những giây phút vui vẻ, hạnh phúc, hiếm hoi như vậy, khi yêu thương trọn vẹn, hoà hợp trọn vẹn. Nhưng điều thường xảy ra là tình yêu đó không quan trọng, mà chính đối phương, tức là đối tượng trong tình yêu đó mới là quan trọng. Người được yêu thương trở nên quan trọng chứ không phải bản thân tình yêu. Sau đấy, người đó, đối tượng của tình yêu, vì những lý do khác nhau như sinh lý, ngôn từ, hoặc việc khao khát được thỏa mãn, thoải mái, vân vân ... - trở nên quan trọng và tình yêu sụt giảm. Sau đó, thái độ chiếm hữu, ghen tuông và đòi hỏi gây ra mâu thuẫn và yêu thương sụt giảm hơn nữa và hơn nữa. Tình yêu càng sụt giảm, thì vấn đề liên hệ càng mất đi tầm quan trọng, giá trị và ý nghĩa của nó. Như vậy, tình yêu là một trong những điều khó thông suốt nhất. Nó không thể đến từ sự thúc ép mang tính tri thức, nó không thể được sản xuất ra bằng những phương pháp, phương tiện và kỷ luật khác nhau.

     Tình yêu là một trạng thái hiện hữu khi những hoạt động của bản ngã chấm dứt, nhưng chúng sẽ không chấm dứt nếu bạn chỉ đơn giản là kìm nén, tránh né hoặc áp đặt kỷ luật lên chúng. Bạn phải thấu hiểu những hoạt động của bản ngã trong tất cả các tầng ý thức khác nhau. Chúng ta có những khoảnh khắc yêu thương, khi không có tư tưởng, không có động lực, nhưng những khoảnh khắc này rất hiếm hoi. Bởi vì chúng hiếm hoi nên chúng ta cứ bám víu vào chúng trong ký ức, và do đó tạo nên một hàng rào ngăn cách giữa thực tại sống động với hành động hàng ngày.

Như vậy, để thấu hiểu được sự liên hệ, trước tiên là phải thấu hiểu Cái Đang Là, cái thực sự đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta dưới tất cả hình thức tinh vi khác nhau, và cũng thấu hiểu liên hệ thực ra là gì. Liên hệ là bộc lộ bản thân. Chính vì chúng ta không muốn bộc lộ bản thân nên chúng ta mới lẩn trốn trong cảm giác thoải mái, và lúc đó liên hệ mất đi chiều sâu, ý nghĩa và vẻ đẹp phi thường của nó. Mối liên hệ đích thực chỉ có thể tồn tại khi có tình yêu, nhưng tình yêu không phải là đi tìm cảm giác thỏa mãn. Tình yêu chỉ có mặt khi có sự quên đi bản thân, khi có sự tương ưng trọn vẹn, không phải giữa một hoặc hai người, mà là sự tương ưng với Cái Tối Thượng. Điều này chỉ có thể xảy ra khi bản ngã đã bị lãng quên.

Trích: J.Krishnamurti – Nói Về Tự Do

Tác giả: J.Krishnamurti

Từ Hóa Hoàng Lan biên soạn

NXB: Thiện Tri Thức

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan