TRẠNG THÁI TÁNH GIÁC TRỰC TIẾP THẤU SUỐT - NHỮNG CHỮ VÀNG: THIỀN TỐI THƯỢNG THỪA CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG - GARAB DORJE VỚI BÌNH GIẢNG CỦA DZA PATRUL RINPOCHE

TRẠNG THÁI TÁNH GIÁC TRỰC TIẾP THẤU SUỐT

NHỮNG CHỮ VÀNG: THIỀN TỐI THƯỢNG THỪA CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

GARAB DORJE VỚI BÌNH GIẢNG CỦA DZA PATRUL RINPOCHE

-------o0o-------

Mục tiêu trong Dzogchen không chỉ khai triển Rigpa giới hạn trong những thời thiền định, mà rồi trong thời gian giữa những thời thiền định, trở lại với những trạng thái phóng dật và mê lầm bình thường của thức.
TRẠNG THÁI TÁNH GIÁC TRỰC TIẾP THẤU SUỐT - NHỮNG CHỮ VÀNG: THIỀN TỐI THƯỢNG THỪA CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG - GARAB DORJE VỚI BÌNH GIẢNG CỦA DZA PATRUL RINPOCHE

Trong thiền định, bất kể cái gì xảy ra về mặt kinh nghiệm, chúng ta phải nương dựa vào điểm thiết yếu này, là tiếp tục trong một tánh Giác không thể diễn tả, trực tiếp thấu suốt mà không để cho bị phóng dật. Từ ngữ zang-thal nghĩa nghĩa là “trực tiếp thấu suốt” theo kiểu không bị ngăn ngại, chẳng hạn khi một Thành Tựu giả cắm con dao phurba xuyên qua đá rắn không cần nỗ lực, không gặp sự chống lại, hay như ánh sáng đi thấu qua chất pha lê trong suốt.

Thứ nhất, chúng ta phải thiết lập tham thiền bằng thực hành Shamatha như diễn tả ở trước, để khám phá Rigpa – hay cái hiện diện tức thời – trong trạng thái bình lặng trong mỗi thời thực hành. Bấy giờ cũng vẫn tánh Giác tức thời này được chuyển thành những chuyển động của tư tưởng. Cuối cùng, nảy sanh sự không khác biệt giữa trạng thái tĩnh lặng và chuyển động của những tư tưởng, bởi vì hiện diện một trạng thái đơn nhất và duy nhất của tánh Giác tức thời. Đó là Rigpa. Nhưng là những hành giả chúng ta không dừng ở đó. Mục tiêu trong Dzogchen không chỉ khai triển Rigpa giới hạn trong những thời thiền định, mà rồi trong thời gian giữa những thời thiền định, trở lại với những trạng thái phóng dật và mê lầm bình thường của thức. Hơn nữa, mục tiêu là khai triển một tánh Giác tức thời trực tiếp thấu suốt nơi bất kỳ cái gì chúng ta đang làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đích đến là lấy Rigpa từ những thời thiền định và đem nó vào mọi hoạt động của đời sống hàng ngày. Đã khám phá Rigpa trong trạng thái tĩnh lặng và trong chuyển động của tư tưởng, bây giờ chúng ta đem nó vào những chuyển động vật lý của thân thể, bắt đầu bằng những cử động rất đơn giản, như chuyển động đầu, tay... mà không mất sự hiện diện tức thời này. Về sau chúng ta đưa nó vào những cử động phức tạp hơn, như đi hay khiêu vũ, và tuy nhiên chúng ta vẫn ở trong trạng thái tham thiền suốt thời gian đó. (Một Thành Tựu giả hay người thành thạo có thể nói và nghĩ một cách hợp lý nhưng vẫn ở trong trạng thái tham thiền [samadhi] không bị xao lãng.) Dần dần mọi rào cản bị sụp đổ; tánh tỉnh giác tức thời này được đưa vào mọi hoạt động của thân, ngữ, tâm thức. Lần đầu tiên, chúng ta hoàn toàn thức tỉnh, thay vì là một kẻ mộng du. Đây là sự việc cực kỳ căn bản. Bây giờ chúng ta sống trong tấm gương và không sống trong những bóng dáng phản chiếu nữa. Bây giờ không có khác biệt nào giữa trạng thái tham thiền bằng phẳng (mnyam-bzhag, Skt. samahita) trong thời thiền định và tình trạng đi vào lại cái thức bình thường và cuộc sống hàng ngày khi thời thiền định đã xong, cái sau được biết là hậu thiền định hay sự thể nghiệm sau đó (rjes thob, Skt. prsthalabdha). Khi tham thiền được trải rộng vào mọi phạm trù của đời sống, nó được biết là tham thiền toàn thể hay Đại-định, Maha-samadhi.

 

Bài viết liên quan