TRỞ VỀ NGUỒN TÂM – VƯỢT THOÁT SANH-TỬ - BẠCH ẨN HUỆ HẠC NGỮ LỤC - Thiền sư Amakuki Sessan giảng

TRỞ VỀ NGUỒN TÂM – VƯỢT THOÁT SANH-TỬ

BẠCH ẨN HUỆ HẠC NGỮ LỤC

Thiền sư Amakuki Sessan giảng

-------o0o-------

Tôn giáo không chỉ là then chốt mà đồng thời còn là nguồn gốc của đời sống tâm linh. Trên tinh thần chơn chánh, tôn giáo không chỉ là một nơi trú ẩn và nương tựa, mà còn là gốc rễ để nuôi dưỡng.
TRỞ VỀ NGUỒN TÂM – VƯỢT THOÁT SANH-TỬ - BẠCH ẨN HUỆ HẠC NGỮ LỤC - Thiền sư Amakuki Sessan giảng
  • Bạch Ẩn Huệ Hạc Ngữ Lục

Nhân khiến ta luân hồi trong lục đạo,

Vì lạc vào nẻo tối vô minh.

Nẻo tối này tiếp nẻo tối kia,

Biết bao giờ thoát khỏi tử sanh.

  • Thiền sư Amakuki Sessan giảng

Những dòng này nêu lên sự tất yếu của tư tưởng giải thoát. Chúng ta không nên bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại, sống rồi chết, sanh rồi diệt. Con đường giải thoát, con đường hướng thượng phải được tìm ra. Theo vũ trụ quan Phật giáo, có mười cõi giới. Lục đạo trong bài Thiền Định thuộc trung và hạ giới, là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, người và trời. Cõi A-tu-la được biết nhiều trong chuyện cổ tích nhân gian, là nơi mà sự tranh đấu không bao giờ dứt. Bốn thượng giới là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. Cõi Phật là tột đỉnh của sự giác ngộ, và cứu cánh của chúng ta cũng là đạt đến cõi Phật. Như vậy thế giới của tất cả chúng sanh trong vũ trụ được chia thành mười cõi, gọi là thập giới.

Như một vòng tròn, đúng hơn là một bánh xe quay không dứt, chúng ta trôi lăn trong vòng luân hồi, sanh rồi tử, rồi tái sanh. “Vô minh” là một thuật ngữ, tiếng Phạn là Avidya, tiếng Nhật là Mumyo, và là một trong mười hai nhân duyên. Nguyên nhân khiến ta sanh tử được Phật giáo chia thành mười hai nhân duyên trong bánh xe luân hồi. Nhân duyên căn để là vô minh, là nhân đầu tiên của mười hai nhân duyên này.

Ở đây chúng ta chỉ mới chạm đến vòng ngoài của Phật pháp. Chúng ta hãy tiến sâu thêm chút nữa. Về cơ bản, lục đạo không hiện hữu độc lập mà tất cả được kiến tạo trong tự tâm của mỗi người. Xưa nay, chúng ta vốn sẵn có Phật tánh, hoặc ít ra cũng sẽ đạt đến Phật quả trong tương lai. Nhưng khi vần mây đen tối của vô minh xuất hiện trong tâm, lập tức chúng ta sinh vào loài A-tu-la, địa ngục hoặc ngạ quỷ. Thiện và ác được gọi là “hương khói của tâm”, nghĩa là tạo cho ta một tập khí nào đó. Cả hai địa ngục và thiên đường, cho dù ta không thấy được vì cách xa thế giới hiện tại, vẫn hiện hữu.

Tâm là một thực thể và lục đạo là bóng dáng của tâm. Khi chúng ta thấu hiểu sự thật này và thoát khỏi nghiệp chướng của tham dục thì Tịnh độ hiện tiền; và thân này chính là Phật thân. Đó là nguyên lý đầu tiên mà Bồ đề Đạt-ma đã dạy: “Trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật”.

Chỉ nhận ra những điều này trên lý luận hoặc lý thuyết, không đánh tan được vầng mây u ám trong tâm. Chúng ta phải thể nghiệm bằng hết cả sự sống. Đức Phật đã ban cho ta nhiều pháp môn dựa trên nguyên tắc tùy bệnh cho thuốc, chỉ dạy tùy theo căn cơ của người nghe. Thiền có phương pháp đặc biệt để nhận ra tâm và điều phục tâm, nhiều lối và nhiều cách sống động… Thiền sư Bạch Ẩn thường đưa một bàn tay lên trước mặt các đệ tử đang tụ tập quanh Ngài và nói: “Hãy lắng nghe tiếng vỗ của một bàn tay!” hay “Cái gì là tiếng vỗ của một bàn tay?” Với công án đó Ngài thường định được tâm của các đệ tử. Ai cũng có thể nghe được tiếng vỗ của hai bàn tay. Nhưng với một bàn tay, âm thanh thầm lặng lớn lao của một bàn tay, Ngài cố làm cho các đệ tử phải thao thức, trăn trở.

Tướng thấy được, tướng của hữu tướng, mọi người đều có thể thấy, nhưng chúng ta phải đạt được con mắt có thể thấy được tướng của vô tướng. Con mắt mà đôi khi được gọi là con mắt chân thật, con mắt của tâm, khác xa và vượt hẳn con mắt vật chất. Con mắt của tâm phải mở ra để có thể thấy sự thật của trời đất, ý nghĩa đích thực của đời sống con người. Đôi khi Bạch Ẩn nói: “Hãy nhìn bản lai diện mục”. Ta có thể thấy mặt mình trong tấm gương, dù không được hoàn hảo. Những đệ tử của Ngài phải nỗ lực để thấy khuôn mặt thật này; khuôn mặt đã có trước khi cha mẹ sanh ra, trước khi trời đất phân hai. Và trong cuộc chiến đấu này, có thể họ phải đổ máu và nước mắt nhưng họ không bao giờ bỏ cuộc. Không ai dễ dàng bỏ cuộc một việc như thế.

 

  • Bạch Ẩn Huệ Hạc Ngữ Lục

Có lẽ vào thời đó, có một câu trở nên quen thuộc, gây tiếng vang là:

Thay vì nghe tiếng vỗ của một bàn tay của Bạch Ẩn.

Tại sao không vỗ hai bàn tay.

Và làm việc đi!

  • Thiền sư Amakuki Sessan giảng

Ngoài đường phố những người buôn bán dạo thường vỗ tay cho người ta chú ý hàng hóa của mình để dễ bán. Nhưng giống như Thiền có trực giác thiền, vậy không có công việc với trực giác công việc sao? Trực giác đó là một thứ gì sinh động. Cửa hàng hay tài sản có thể dễ dàng chuyển giao cho cả trẻ con, nhưng âm thanh thầm lặng, năng khiếu nghề nghiệp - điều này không thể giải thích cho chúng. Bí quyết này không thể trao truyền và nếu vỗ tay suông hay chỉ có rêu rao mà thiếu nó thì việc làm ăn, buôn bán khó thịnh vượng. Ta hãy bổ sung câu trên: “Nếu bạn có thể làm ăn chỉ bằng vỗ hai tay, thì bạn chẳng cần lắng nghe tiếng vỗ tay của một bàn tay!”

Một khi nghe được âm thanh của một bàn tay, một khi chúng ta có thể thấy suốt bản lai diện mục thì bí ẩn của vũ trụ được giải đáp ngay lập tức.

 

  • Bạch Ẩn Huệ Hạc Ngữ Lục

Tọa chủ Nhất Hưu viết lời ca rằng:

Người nào hằng mang khuôn mặt xưa nay,

Ai thoáng gặp sẽ được yêu thương mãi mãi.

  • Bạch Ẩn đã viết ba câu kỳ bí:

Trong đêm tối, khi anh nghe âm thanh của con chim đen không hót.

Một người cha yêu dấu trước khi anh sinh ra!

Trong thâm sơn, xa hơn cả Yoshino, ngôi nhà bí mật của âm thanh một bàn tay.

Ước gì tôi có thể làm cho người ta nghe được!

Trên ngôi đền cổ trong rừng Shinoda, tiếng tuyết rơi giữa đêm khuya.

 

  • Thiền sư Amakuki Sessan giảng

Điểm đặc biệt trong nhà thiền là có những đạo sư từ bi như Bạch Ẩn đã diễn tả đạo lý tuyệt diệu và vi tế ấy, con đường dẫn đến an bình và giải thoát miên viễn. Giải thoát tử sanh nghe có vẻ xa vời, và sự nhận thức thâm cùng không thể đến với chúng ta nhanh chóng được. Nhưng sự thật, thoát khỏi sanh tử, giải quyết bài toán trọng đại này, là cứu cánh của cuộc sống nhân loại.

Trong Thiền gọi là sanh tử sự đại, thúc bách hơn tất cả mọi sự. Tự chúng ta cam chịu một cuộc sống tùy thuộc vào nhịp tim và hơi thở, gìn giữ hơi ấm cho cơ thể và không còn gì khác hơn. Đó là một đời sống thú tính, và không một người nào biết suy tư có thể hài lòng như thế. Tùy theo tâm tánh và trình độ giáo dục mà nỗi băn khoăn, nghi ngại trọng đại này sẽ phát sinh dưới nhiều hình thức: Từ đâu ta sinh vào đời, chết rồi ta đi về đâu? Sống là gì? Chết là gì? Rốt cuộc ý nghĩa của cuộc sống là gì? Những câu hỏi như thế sẽ xuất hiện dưới một hình thức nào đó trong mỗi chúng ta. Không giải quyết được, chúng ta không thể sống bình an, không thể ngủ yên lành, cuộc sống sẽ trở nên rối rắm và tai hại. Hầu hết những cơn sốt, nỗi thống khổ và cô đơn của cuộc sống hiện đại đều phát xuất từ nguyên nhân kể trên. Đau khổ vô nghĩa, lo âu vô lý, sống say chết ngủ. Điều quan yếu là giải quyết vấn đề sanh tử bằng sống đích thực và chết đích thực. Người nào thực sự sống và thực sự chết thì sanh tử sẽ không còn nữa. Cuộc sống không sanh tử là cuộc sống bất diệt.

  • Cổ nhân nói:

Đã quyết định chọn “đó” như là chỗ trói buộc cuối cùng,

Tôi vui sướng để sống mãi trong tấm thân này.

Nhưng thay vì thế, người ta lại cảm thấy:

Ôi thế gian này! Mất và được, khóc và cười,

Làm điều này. Làm điều khác và cuối cùng tất cả đều rối mù.

  • Tọa chủ Nhất Hưu đã nhại lại với một nụ cười:

Ôi cuộc đời này!

Ăn uống và bài tiết, ngủ và thức,

Và cuối cùng, chỉ là chết!

Muốn vượt qua sống và chết để bước vào sự bình an, điều cần thiết đầu tiên là trở về nguồn tâm.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo đệ tử Ngài là A-nan: “Ông đánh mất cái nhìn của bản tâm, và chỉ thấy tâm vọng tưởng, tâm phân biệt, xem đó như là tự ngã. Nhưng đó không phải là tâm chân thật của ông”. Anan nghi hoặc nói: “Bởi tâm này khiến chúng con luân hồi trong sáu cõi, nhưng cũng bởi tâm này chúng con đạt đến Phật đạo. Nếu nó không phải là tâm con, thì làm sao con đạt được Phật đạo? Ngoài tâm này ra thì người ta có khác gì đất, gỗ và đá?” Đức Phật nói: “Vấn đề không phải là ép buộc phủ nhận tâm đó. Bây giờ, ông nghĩ đó là tâm ông, nếu hiện hữu nó phải có một vị trí. Vậy nó ở đâu?” A-nan lúc đầu bảo tâm ở trong thân, nhưng Đức Phật nói không phải, và cũng không đúng khi ông nói nó ở ngoài thân. Hỏi dồn tới nữa, A-nan đưa ra giả thiết bảy vị trí khác, nhưng đều không được chấp nhận. Và cuối cùng không có một chỗ nào khác để chọn. Rồi Phật bảo: “Nguyên nhân khiến chúng sanh trôi lăn từ vô thủy trong vòng luân hồi sanh tử là vì đã đánh mất bản tâm, và nhận tâm vọng tưởng, tâm phân biệt làm tự ngã. Ngay dù có thực hành thiền định, mà đặt trên nền tảng sai lầm, thì sẽ sai lầm vì chỉ đưa đến trí tuệ thấp kém hơn hay đi đến thế giới đen tối hơn. Nền tảng chơn chánh là từ bản giác, thánh thiện, sáng suốt và luôn luôn thanh tịnh. Nhưng chúng sanh bị mất cái thấy này, cội nguồn chơn thật. Nền tảng sai lầm là nguyên nhân của sanh tử từ vô thủy. Vì là chúng sanh, ông đã sống tất cả với tâm dính mắc trì trệ này và cho nó là chân tánh của mình. Nói cách khác, ông tin tâm vọng tưởng và tâm phân biệt là tự thể. Nhưng nếu ông hành trì theo nó, ông chỉ tạo thêm nghiệp và không thể đạt đến bản nguyện chân thật, chẳng khác nào nấu cát muốn thành cơm, chỉ hoài công”.

Chúng ta đánh mất cái nhìn của bản tâm, và cho tâm vọng tưởng, tâm phân biệt là chân tâm; sai lầm chồng chất đưa đến luân hồi trong sáu cõi. Nếu bản tâm, bản giác không được hiển lộ thì bất cứ sự hành trì nào với tâm phân biệt và vọng tưởng đều phí công vô ích. Vấn đề là loại trừ tâm vọng tưởng, phân biệt và đặt nền tảng, một lần nữa, trên bản tâm giác ngộ. Để trở về bản tâm giác ngộ, Thiền cho những biện pháp gần và nhanh chóng nhất.

Con người hiện đại nói huyên thuyên về sự tái lập thế giới và cải cách xã hội. Nhưng xây dựng lại thế giới chỉ có thể thực hiện bởi những con người đã sửa đổi chính mình. Và việc đầu tiên để cải cách xã hội, là mỗi người phải thức tỉnh để trở về với chơn ngã. Làm sao để thức tỉnh chơn ngã? Làm sao cải tạo chính mình? Con người hiện đại không quan tâm đến “tôn giáo”. Tuy nhiên, tin tưởng vào một lý tưởng nào đó cũng là một loại tín ngưỡng, và đời sống theo chủ nghĩa lý tưởng có thể gọi là đời sống tôn giáo. Tôn giáo là đi đến một thế giới chân thật - vượt lên thế giới của cảm giác - để tìm về nguồn cội của nhân loại, để hiểu sự vật từ nhãn quan siêu việt, và để sống một cuộc đời bình thường lấy tôn giáo làm nền tảng. Rồi lần đầu tiên trên cương vị làm người, chúng ta có thể tiến đến một trạng thái mà thú vật không thể đến được. Nếu điều trên không thực hiện được, dù tiến tới hay rút lui, chúng ta không bao giờ thoát khỏi mê vọng.

Một cuộc sống mê vọng và sai lầm là một đời sống của ma quỷ. Giáo chủ tông Thiên Thai nói rằng: “Chúng ta cần mắt để có thể thật thấy, và chân để có thể thật đi. Ngoài ra, nếu chúng ta còn thêm một trái tim với niềm tin kiên dũng.” Như vậy ngày nay chúng ta có ba điều cần yếu: mắt để thấy sự vật, chân để bám vững mặt đất và một trái tim đầy niềm tin. Người nào không có ba điều này là một thứ ma quỷ. Với sự giáo dục dựa vào học thức, chúng ta tăng trưởng trình độ kiến thức, nhưng đầu óc chúng ta bị nhồi nhét ngày càng phình ra, chân chúng ta bị teo lại đến nỗi không sử dụng được. Chúng ta không biết đến tôn giáo, do đó chúng ta không có tín tâm và không được bình an. Ít nhất, trên đây cũng là xu hướng của thời thế. Con người ngày nay không tin vào ma quỷ, nhưng không phải chính họ là ma quỷ sao? “Tôi bắt được tên trộm và nhận ra chính là đứa con của mình”. Ma quỷ là gì? Đó là một con người không có mắt để thấy, không có chân để đi, không có niềm tin trong lòng. Hãy nhìn ma quỷ! Mắt chúng không thấy sự vật như thật nhưng lại nhìn chòng chọc vào đấy. Chân chúng không bao giờ bám chặt mặt đất và chúng không bao giờ đi đâu được cả. Chúng không có niềm tin nên bị lạc lõng.

  • Đây là những dấu hiệu để biết về chúng:

Chúng sống không mục đích, bối rối không biết đi về đâu?

Lạc lõng, không bám vững mặt đất, chúng vất vưởng trong thế gian.

Với tâm ác, chúng kêu la, hận thù người khác và ngay chính mình.

Không phải đây là hình ảnh của con người thời đại sao?

Tôn giáo không chỉ là then chốt mà đồng thời còn là nguồn gốc của đời sống tâm linh. Trên tinh thần chơn chánh, tôn giáo không chỉ là một nơi trú ẩn và nương tựa, mà còn là gốc rễ để nuôi dưỡng. Chính qua công năng trên của tôn giáo, như là một nguồn cảm hứng cho tâm hồn mà nền văn minh của chúng ta, trên địa hạt chính trị, kinh tế, đạo đức, giáo dục và phần còn lại, đã tiến đến giai đoạn hiện tại. Tôn giáo là động cơ chính của tất cả, vượt lên trên những địa hạt ấy và là căn nguyên của mọi sự thăng tiến. Tôn giáo chân chính là tột đỉnh của văn hóa nhân loại. Một nền văn hóa không có tôn giáo chỉ là một cái vỏ ốc khô chết. Con người thời đại không quan tâm đến tôn giáo vì họ không thấu hiểu tôn giáo là gì, nhưng hậu quả là đời sống của họ bì bào mòn thoái hóa thành cá biệt. Tôn giáo không hiện hữu vì mục đích riêng tư, mà ban ánh sáng và ý nghĩa cho cuộc sống, soi sáng những chỗ tối tăm, vượt ra vòng sanh tử, và mang đến sự bất diệt.

Sự khai sáng này, sự sống vượt trên tử sanh, ban bố tình thương cho những kẻ còn vô minh và đau khổ trong vòng lục đạo. Mộng Song Sơ Thạch nói: “Khi chúng ta nhìn con người hôm nay, ngày đêm họ chất chồng vọng tưởng, và bên ngoài chỉ có làm điều ác. Rồi họ cầu xin một cách tự nhiên thần thánh và chư Phật cho họ may mắn, và yêu cầu được kéo dài đời sống hiện tại. Khi cầu xin trong tinh thần như thế thì họ được đáp ứng ra sao? Ngày và đêm không vâng theo Trời Phật, và rồi họ lại oán giận vì những lời cầu xin không được chấp nhận”.

  • Cổ thi có câu:

Khi lòng cầu xin không thành thật,

Thì người cầu xin chẳng nhận được một trả lời nào.

Điên đảo và dính mắc sinh ra từ ngu si là nguyên nhân luân hồi trong các cõi: từ si sinh tham, từ tham sinh sân - vì ba độc này mà chúng ta phiền não. Khi một tham vọng được thỏa mãn thì sinh khởi cái thứ hai, cái thứ ba, cái thứ tư, thứ năm… Ồ rồi đến sáu cõi khổ nạn.

Theo Phật giáo có tứ khổ, một sự phân loại khác gồm bát khổ. Tứ khổ là sinh, lão, bệnh, tử. Ngoài ra, còn thêm tứ khổ khác là oán tắng hội, cầu bất đắc, ái biệt ly, ngũ ấm xí thạnh. Chúng ta có thể hiểu khổ do già, bệnh và chết, nhưng khó chấp nhận rằng sinh cũng được kể là một cái khổ. Tuy nhiên, vì từ sinh mà có ba thứ kia nên sinh cũng được xem là khổ, vì khổ còn là do sự hưng thịnh của thân và tâm. Như vậy thì hầu hết cái khổ của đời sống thường nhật đều chứa đựng trong phần này.

Thế giới này được coi là nơi của khổ đau. Nhưng thật ra không loài nào khổ bằng con người, và trong loài người ai vọng tưởng nhiều và phân biệt nhiều thì đau khổ nhiều. Ví dụ như có một căn nhà giả sử rằng có ma, dù kinh hoàng cách mấy, chó và mèo, trẻ con và người ngu khờ không thể hiểu được thì không thấy sợ sệt. Đương nhiên, chư Phật và Bồ tát cũng không. Chính con người ở vị trí trung gian thì lại sợ hãi bởi sự tạo tác vọng động của tâm. Tuy nhiên, năng lực khiến ta lầm lẫn, đau khổ, cũng chính là năng lực làm cho ta tỉnh giác, an lạc. Mặt đất để cho cỏ mọc được thì cũng có thể nuôi dưỡng lúa thóc. Trong sa mạc cỏ không mọc được, điều đó chứng tỏ lúa thóc cũng không thể trồng trọt được. Như vậy có thể nói rằng mê lầm và đau khổ là đặc quyền của con người. Vậy chúng ta phải chụp lấy cơ hội khi xảy đến, để thay đổi tâm linh hầu đập nát vỏ cứng làm chướng ngại cho sự giác ngộ. Bạch Ẩn cảnh tỉnh chúng ta trong bài Thiền Định để khiến chúng ta biết sử dụng cơ hội này. Nếu chúng ta có thể tháo đinh, gỡ chốt đã ngăn cản sự chuyển hóa của tâm thì bốn đạo kiến sẽ tức khắc biến thành bốn đức hạnh của Niết-bàn, phiền não tức Bồ-đề. Luân hồi không còn là đau khổ của chúng ta và hơn thế nữa, ta có thể làm sinh động vòng luân hồi, và thế giới quanh ta sẽ biến đổi.

-------o0o-------

Trích dẫn: Bạch Ẩn Huệ Hạc Ngữ Lục

Biên dịch: Hạnh Huệ và Thuần Bạch

Nhà Xuất Bản Hồng Đức

Ảnh: nguồn internet

 

Bài viết liên quan