VẬY TÁNH KHÔNG LÀ GÌ? - BUDDHADASA BHIKKHU - CỐT LÕI CỦA CỘI BỒ ĐỀ

VẬY TÁNH KHÔNG LÀ GÌ?

BUDDHADASA BHIKKHU - CỐT LÕI CỦA CỘI BỒ ĐỀ

-------o0o-------

Tâm thức sẽ trở thành chính tánh không và sẽ nhận thấy tất cả chỉ toàn là trống không, từ một hạt bụi cho đến niết-bàn. Khi nào thực hiện được một cách hoàn hảo sự thực đó thì các vật thể vật chất, con người, thú vật, thời gian, không gian, tức là mọi thể loại dhamma, tất cả đều sẽ tan vào tánh không. Đấy là ý nghĩa của chữ "trống không".
VẬY TÁNH KHÔNG LÀ GÌ? - BUDDHADASA BHIKKHU - CỐT LÕI CỦA CỘI BỒ ĐỀ

Chữ "trống không" hay chữ "tánh không" thật sự là để chỉ định hai thứ khác nhau, hay đúng hơn là hai đặc tính khác nhau.

Trước hết nó chỉ định đặc tính của tất cả mọi hiện tượng (xin nhắc lại đây cũng là cách hiểu chủ yếu về chữ tánh không theo các học phái Đại Thừa). Tôi xin quý vị hãy nhớ rằng tất cả mọi hiện tượng đều là tánh không. Ngoài ra cũng nên ghi nhớ thêm là mỗi khi tôi nói đến "tất cả mọi hiện tượng" thì đấy có nghĩa là bao gồm tất cả các vật thể vật chất cũng như tâm thần; hoàn toàn tất cả, từ một hạt bụi cho đến nibbanâ (khi nói đến tất cả mọi hiện tượng thì phản ứng đầu tiên của chúng ta là nghĩ đến những gì xảy ra chung quanh chúng ta, đấy chẳng qua bởi vì cảm tính về "cái tôi" chi phối chúng ta quá mạnh - có đúng thế hay không? Nếu sự kiềm tỏa của "cái tôi" được nới lỏng bớt đi thì chúng ta cũng sẽ có thể phản ứng tự nhiên hơn và dễ dàng hơn để hiểu rằng chính mình và những gì hiển hiện ra trong tâm thức mình cũng chỉ là các hiện tượng, và cũng không khác gì như các hiện tượng "vô nghĩa" và "trống không" khác trong vũ trụ). Phải ý thức thật rõ là một hạt bụi cũng hàm chứa tánh không hay là sự vắng mặt của cái ngã, tức là sự vắng mặt của một thực thể trường tồn và độc lập. Vàng, bạc, kim cương cũng đều hàm chứa chung một đặc tính về sự vắng mặt ấy của một thực thể bất biến. Các vật thể tâm thần - như tư duy, giác cảm, xúc cảm - đều mang đặc tính của tánh không, tức vắng mặt một thực thể trường tồn và độc lập (độc lập ở đây có nghĩa là tự nó không hiện hữu được, đấy chỉ là hậu quả của sự tương tác và tương kết giữa nhiều hiện tượng khác tạo ra nguyên nhân đưa đến sự hiện hữu của nó, và sự hiện hữu tạm thời đó của nó cũng chỉ là một hiện tượng được sinh ra và nó sẽ tương tác và nối kết với các hiện tượng khác để trở thành một nguyên nhân khác làm phát sinh ra các hiện tượng khác). Việc nghiên cứu và luyện tập Dhamma (Đạo Pháp) cũng mang cùng một đặc tính như thế tức là sự vắng mặt của một thực thể trường tồn và độc lập. Đối với việc thực hiện được Con Đường, quả của Con Đường và niết-bàn, thì tất cả cũng mang cùng một đặc tính ấy - chỉ vì chúng ta không quán thấy được mà thôi. Một con chim sẻ bay ngang trên đầu chúng ta cũng mang đặc tính của tánh không, thế nhưng chỉ vì chúng ta không nhìn thấy cái tánh không ấy của nó mà thôi. Tôi mong rằng quý vị hãy luôn suy nghĩ đến điều này để chiêm nghiệm, quán xét, suy tư, cho đến khi nào có thể nhận thấy được là tất cả đều hàm chứa cái đặc tính ấy của tánh không và để hiểu rằng trước đây chúng ta hoàn toàn mù tịt về sự kiện ấy. Tóm lại thì ai là những người đáng bị chê trách? Có phải là chính chúng ta hay không? Chẳng hạn như câu đố - còn gọi là công án - rất quen thuộc của thiền học Zen như sau: "Một cội thông già cũng tự bảo rằng mình là Đạo Pháp". Cái cội thông ấy biểu lộ cái tánh không của nó, cái tánh không mà nó chia sẻ với tất cả mọi thứ khác, thế nhưng mọi người lại không nhận ra được sự biểu lộ đó, không hiểu được những lời giáo huấn của Dhamma (Đạo Pháp) về sự kiện đó, cũng không nghe thấy những lời tuyên bố đó của tánh không. Đấy là ý nghĩa tiên khởi nhất của chữ "trống không" liên hệ đến tất cả mọi hiện tượng.

Ý nghĩa thứ hai của chữ "trống không" liên quan đến các đặc tính của tâm thức khi tâm thức đã loại bỏ được mọi sự nắm bắt và bám víu. Quý vị nên ghi nhớ điều này: tâm thức trong trạng thái bình thường luôn trống không về "cái tôi", thế nhưng sở dĩ nó không ý thức được là nó trống không chẳng qua là vì nó thường xuyên bị bấn loạn và bị bao phủ bởi các ý nghĩ mang tính cách khái niệm (pensée conceptuelle / conceptual thought) sinh ra và được nuôi dưỡng bởi những sự tiếp xúc giác cảm. Tóm lại là tri thức không ý thức được tánh không của chính nó và cả tánh không của tất cả mọi hiện tượng. Thế nhưng mỗi khi tâm thức trút bỏ hoàn toàn được những gì bao phủ nó - tức là sự u mê và các thứ nắm bắt và bám víu vào các ý nghĩ sai lầm - và tránh xa được hẳn những thứ ấy, thì nhờ vào sự không-bám-víu ấy mà nó sẽ trở thành tánh không.

Do đó có hai thứ tánh không tương quan với nhau: "tánh không của tâm thức không bám-víu" và "tánh không của tất cả mọi hiện tượng" (tánh không của "nội tâm" và tánh không "bên ngoài"). Vì sự kiện tất cả mọi hiện tượng thật sự đều mang đặc tính về sự vắng mặt của "cái tôi", tức là một thực thể trường tồn và độc lập hầu có thể nắm bắt hay bám víu vào đấy, nên chúng ta cũng nhờ đó mà có thể nhìn thấy được sự thật về tánh không. Thật vậy, nếu chúng không trống không về cái ngã của chúng thì không thể nào có thể nhận ra được cái tánh tánh không của chúng (một sự suy luận vô cùng lô-gic). Tuy thế, dù cho tất cả mọi hiện tượng đều trống không thế nhưng chúng ta lại nhìn thấy chúng không-trống-không. Tâm thức bị che khuất bởi một màn bao phủ kín mít làm cho nó bị u mê nên khiến nó cứ thế mà nắm bắt tất cả và bám víu vào tất cả để rồi xem đấy là cái ngã. Một hạt bụi cũng không tha! Một hạt bụi dù bé tí xíu cũng vẫn cứ được xem là một thực thể độc lập, và vì thế nên một "người khác" là một "một người khác" nhất định không phải là "tôi". Chúng ta dán vào trán của "người ấy" một nhãn hiệu nào đó, và dán luôn các nhãn hiệu khác cho các thứ chung quanh chúng ta và cả bên trong chúng ta - đây là cái này, đó là cái kia - và cứ thế chúng ta nhìn mọi sự vật đều hàm chứa một thực thể trường tồn và độc lập (cách "suy nghĩ" và "quán thấy" của chúng ta là cách phá vỡ hiện thực ra từng mảnh vụn để xác định và đặt tên cho từng "mảnh một" để xem đấy là "từng thứ" một, mang một "thực thể" riêng biệt).

Chính vì lý do đó nên thật hết sức quan trọng phải thấu triệt một cách đúng đắn chữ "trống không" là gì. Một cách vắn tắt thì trước hết đấy có nghĩa là hiểu được rằng tánh không chỉ là một đặc tính của tâm thức khi nó không bám víu vào bất cứ thứ gì (đặc tính của một tâm thức thực hiện được tánh không). Khía cạnh thứ nhất ấy của tánh không là một đối tượng của sự hiểu biết mà nó tự thực hiện được cho chính nó. Đối với khía cạnh tánh không thứ hai thì đó là đặc tính của chính tâm thức khi nó trống không và đã thực hiện được sự thật của tánh không (tâm thức đã trở thành chính tánh không). Vì thế khi tâm thức nhìn thấy tánh không của tất cả mọi sự vật thì tâm thức tự nó sẽ tan biến hết và chỉ còn lưu lại tánh không (khi mọi hiện tượng trở thành trống không trong tâm thức thì tâm thức cũng là một hiện tượng nên nó cũng sẽ trở thành trống không như sự trống không của những hiện tượng khác mà nó quán nhận được, những gì còn lại là một sự trống không toàn diện và tuyệt đối). Tâm thức sẽ trở thành chính tánh không và sẽ nhận thấy tất cả chỉ toàn là trống không, từ một hạt bụi cho đến niết-bàn. Khi nào thực hiện được một cách hoàn hảo sự thực đó thì các vật thể vật chất, con người, thú vật, thời gian, không gian, tức là mọi thể loại dhamma, tất cả đều sẽ tan vào tánh không. Đấy là ý nghĩa của chữ "trống không".

-------o0o-------

Trích: “Cốt Lõi Của Cội Bồ Đề”

Tác giả: Buddhadasa Bhikkhu

Người dịch: Hoang Phong

Nhà xuất bản Phương Đông, 2012

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan