VIÊN THÔNG CÁC CĂN - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

VIÊN THÔNG CÁC CĂN

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Người tu hành không những cần phải tinh tấn, mà còn phải có càng nhiều càng tốt những động lực của giải thoát: đức tin, sợ hãi sanh tử vô thường, mỗi ngày được làm người là quý báu vì có thể thực hành, các phước đức do bố thí, giữ giới, những tấm gương của những người đi trước, các vị thầy và đồng bạn.
VIÊN THÔNG CÁC CĂN - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

VIÊN THÔNG VỀ NHÃN CĂN

 

Ngài A Na Luật Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Khi con mới xuất gia thường thích ngủ nghỉ nên Như Lai la con là loài súc sanh. Nghe Phật quở, con khóc lóc tự trách, suốt bảy ngày mà không ngủ, hư cả hai mắt.

Thế Tôn dạy con Nhạo Kiến Chiếu Minh Kim Cương tam muội. Con chẳng do con mắt mà thấy khắp cả mười phương rỗng suốt rõ ràng như xem trái cây trong lòng bàn tay. Như Lai ấn chứng cho con thành A La Hán.

Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thì xoay cái thấy trở về bản tánh, đó là thứ nhất.

 

“Nhạo kiến chiếu minh” là xoay cái thấy lại bản tánh chiếu minh, cho đến lúc cái thấy và bản tánh thấy không hai thì đạt đến bản tánh chiếu minh vốn thường định như kim cương, gọi là Kim cương tam muội.

Những chướng ngại cho việc xoay cái thấy trở lại với tánh chiếu sáng này là những tướng tiền trần. Như tấm gương vốn sáng, những chướng ngại cho việc thấy tấm gương là những hình bóng trong gương. Chỉ thấy chúng thì tấm gương tuy trước mặt mà ẩn mất. Kinh Kim Cương nói: “Thấy các tướng chẳng phải tướng, đó là thấy Như Lai”.

Chiếu minh Kim cương tam muội hay tấm gương sáng luôn luôn ở trước mắt mỗi người. Vấn đề là có chịu thấu thoát qua những bóng để thấy tấm gương thường trụ hay không.
 

VIÊN THÔNG VỀ TỶ CĂN

 

Ngài Châu Lợi Bàn Đặc Ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con thiếu trì tụng, không có tánh đa văn. Ban đầu được gặp Phật, nghe pháp xuất gia, con cố nhớ một câu kệ của Như Lai, song trong một trăm ngày thì nhớ trước quên sau, nhớ sau quên trước. Phật thương xót con ngu muội, dạy con an cư điều hòa hơi thở ra vào. Khi con quán hơi thở đến vi tế cùng tận, các hành sanh trụ dị diệt trong từng sát na, thì tâm thông suốt được đại vô ngại, cho đến các lậu đều sạch hết, thành A La Hán. Ở dưới pháp tòa của Phật, được ấn chứng thành quả Vô học.

Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thì xoay hơi thở trở về tánh Không là thứ nhất.

 

Quán hơi thở là một pháp tu Chỉ Quán để đạt đến Vô sanh. Hơi thở đến mức vi tế cùng tận thì thấy các hành, gồm cả các niệm, sanh trụ dị diệt trong từng sát na. Một sát na có ít nhất là 60 lần sanh diệt. Thật sự thấy sanh diệt vi tế như vậy thì hết bám chấp, loại bỏ được hai chướng, tức thời thấy được thật tướng các hành, các niệm là Vô sanh. Đây là thấu đạt tánh Không (đại vô ngại), các lậu đều sạch, đắc quả Vô học, hoàn toàn rõ suốt vô sanh.

Người tu hành không những cần phải tinh tấn, mà còn phải có càng nhiều càng tốt những động lực của giải thoát: đức tin, sợ hãi sanh tử vô thường, mỗi ngày được làm người là quý báu vì có thể thực hành, các phước đức do bố thí, giữ giới, những tấm gương của những người đi trước, các vị thầy và đồng bạn.
 

VIÊN THÔNG VỀ THIỆT CĂN

 

Ngài Kiều Phạm Ba Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con mắc khẩu nghiệp, trong kiếp quá khứ coi thường chế giễu các Sa môn nên đời đời kiếp kiếp mắc tật như miệng trâu. Như Lai chỉ dạy con pháp môn Tâm địa nhất vị thanh tịnh, con đắc tâm tịch diệt, vào Tam ma địa, quán cái biết vị chẳng phải thân thể, chẳng phải ngoại vật, ngay đó vượt thoát các lậu của thế gian, bên trong thoát khỏi thân tâm, bên ngoài tiêu tan thế giới. Xa lìa ba cõi như chim ra khỏi lồng, lìa hết dơ nhiễm, tiêu mất trần tướng, pháp nhãn thanh tịnh, thành A La Hán. Như Lai ấn chứng cho con bên bậc Vô học.

Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thì xoay cái biết các vị về gốc tánh, đây là thứ nhất.

 

Tâm địa nhất vị thanh tịnh là tâm tánh thì một vị thanh tịnh. Xoay cái biết các vị về tâm địa hay gốc tánh vốn một vị bèn đắc tam ma địa, tức là cái thường định một vị của tánh giác.

Tâm địa hay tâm tánh là Niết bàn tự tâm. Khi xoay được tâm trở về nền tảng (địa) hay bản tánh của nó bèn đắc Niết bàn, thân tâm, thế giới, các lậu tiêu tan. Pháp nhãn thanh tịnh thì thấy pháp giới tánh tướng đều thanh tịnh, đây là Niết bàn.

Để xoay trở lại về gốc tánh vốn một vị thì Chỉ là sức mạnh của nỗ lực trở về, và Quán nhổ bật các tướng thế gian ngăn che đường về. Pháp nhãn thanh tịnh là thấy được tấm gương tâm Đại viên cảnh trí.

 

VIÊN THÔNG VỀ THÂN CĂN

 

Ngài Tất Lăng Già Bà Ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con khi mới phát tâm theo Phật vào đạo, thường nghe Như Lai dạy về những việc không thể vui trong thế gian. Đang khi khất thực trong thành, tâm suy nghĩ pháp môn Phật dạy, giữa đường bất ngờ bị gai độc đâm vào chân, toàn thân đau nhức. Con chánh niệm: con có cái biết, biết được cái đau nhức ấy, tuy biết cái biết đau nhức, nhưng cũng biết cái tâm thanh tịnh không có cái đau và cái biết đau. Con lại tư duy một thân như thế đâu thể có hai cái biết. Nhiếp niệm chưa bao lâu thân tâm bỗng nhiên rỗng không, trong hai mươi mốt ngày các lậu đều tiêu hết, thành A La Hán, được Phật ấn chứng là bậc Vô học.

Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con thì thuần một cái biết, rời lìa nơi thân, đó là thứ nhất.

 

Đề mục khác, mà chứng ngộ ở chỗ khác, bởi vì tu theo đề mục nào cũng làm tiêu hao hai chướng và khi chướng đã mỏng thì ngộ hay cái thấy biết trực tiếp thực tại xảy ra. Thế mới biết chỗ nào cũng là cửa vào, lúc nào cũng là cơ hội đối với người đã đủ chín, đã sẵn sàng.

Bị gai đâm đau là một cơ hội để vỡ tan thân kiến và ngộ. Cái chứng ngộ “thân tâm bỗng nhiên rỗng không” mà kéo dài ra và đi sâu cho tới tận cùng thì “các lậu đều tiêu tan, thành bậc Vô học A La Hán”.

Bị gai đâm đau thì có cái biết đau, đồng thời với người tu, có chánh niệm tỉnh giác, thì biết có cả cái tâm thanh tịnh không có cái đau và cái biết đau. Ở người thường chỉ biết cái tâm toàn bộ là đau; còn ở người tu, đã có sự xa lìa, nên trong tâm vừa có cái biết đau vừa chứng nghiệm cái tâm thanh tịnh không biết đau.

Nhưng chẳng lẽ một thân lại có hai cái biết, cái nào là thật, cái nào là giả? Nhiếp niệm, tập trung vào chỗ ấy là Chỉ Quán, nhờ đó cái tâm thanh tịnh không có cái đau lần lần ‘lớn ra’, cái tâm biết đau dần dần ‘nhỏ lại’. Cho đến lúc cái tâm thanh tịnh thực sự hiện tiền, đẩy lùi được cái tâm biết đau, “thân tâm bỗng nhiên rỗng không”. Đây là chỗ Kinh Hoa Nghiêm nói “an trụ như vậy gọi là trụ bậc Sơ Hoan hỷ địa, vì đã tương ưng với Chân Như bất động”.

Đây là Ngộ, giữ được và đi sâu vào gọi là Nhập. Với ngài Tất Lăng Già Bà Ta, giữ được và đi sâu vào suốt hai mươi mốt ngày trong ánh sáng trí huệ thì lậu tận, giải thoát hoàn toàn.

 

VIÊN THÔNG VỀ Ý CĂN

 

Ngài Tu Bồ Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con từ lâu xa kiếp đến nay, tâm được vô ngại, tự nhớ thọ sanh nhiều đời như số cát sông Hằng. Lúc còn trong thai mẹ đã biết tánh Không Tịch, như thế cho đến mười phương đều rỗng không và cũng khiến chúng sanh chứng đắc tánh Không. Nhờ Như Lai chỉ dạy khiến phát minh được tánh giác Chân Không, tánh Không tròn sáng, đắc A La Hán, đốn nhập biển Không quý báu sáng ngời của Như Lai, đồng tri kiến Phật, được ấn chứng thành bậc Vô học. Tánh Không giải thoát, con là trên hết.

Phật hỏi viên thông, như chỗ chứng của con, các tướng đều nhập vào phi tướng, năng phi sở phi đều hết, xoay các pháp về không chỗ có, đó là thứ nhất.

 

Ngài Tu Bồ Đề từ kiếp lâu xa đã tu chứng tánh Không, tâm được vô ngại với các tướng, năng lực tu chứng tánh Không ảnh hưởng đến người chung quanh ngay từ trong bụng mẹ.

Khi gặp Đức Phật được chỉ dạy tánh giác chân không, chứng được viên mãn, tức thời nhập vào biển Không quý báu sáng ngời, tức là nhập vào biển Pháp thân của tất cả chư Phật.

Tu chứng của ngài Tu Bồ Đề là xoay tất cả tướng trở về bản tánh của chúng là tánh Không (“các tướng đều nhập vào phi tướng, xoay các pháp về không chỗ có, vô sở hữu”), người quán sự xoay về tánh Không này (“năng phi”) và các tướng được xoay về tánh Không (“sở phi”) đều hết, đây là tánh Không viên mãn.

Kinh Đại Bát Nhã phần lớn do ngài Tu Bồ Đề nương vào thần lực của Đức Phật mà thuyết, cho chúng ta sự diễn đạt bề rộng và bề sâu của tánh Không.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan