VIÊN THÔNG CÁC ĐẠI (1) - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

VIÊN THÔNG CÁC ĐẠI (1)

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Cuộc đời sanh tử là do chúng sanh chúng ta quán thấy. Sự quán thấy ấy là do vô minh, nghiệp lực nên là vọng thấy của biệt nghiệp và đồng phận. Thế giới vốn đồng một tánh chân không, không hai không khác...
VIÊN THÔNG CÁC ĐẠI (1) - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

VIÊN THÔNG CÁC ĐẠI (1)

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

 

VIÊN THÔNG VỀ HỎA ĐẠI

 

Ngài Ô Sô Sắt Ma, ở trước Như Lai, chấp tay đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con thường nhớ trước kia trong kiếp xa xôi tánh khí nhiều tham dục. Lúc ấy Phật ra đời, hiệu là Không Vương, bảo người nhiều dâm thành như đống lửa hồng và dạy con quán khắp các khí nóng lạnh nơi trăm vóc tứ chi. Do con quán như thế mà thần quang bên trong lặng đứng, chuyển hóa tâm đa dâm thành lửa trí huệ. Từ đó chư Phật đều gọi con tên là Hỏa Đầu, con dùng lực Hỏa quang tam muội mà thành A La Hán. Tâm phát đại nguyện khi các Đức Phật thành đạo, con làm lực sĩ gần gũi bên Phật hàng phục tà ma quấy phá.

Phật hỏi viên thông, con quán sát hơi ấm nơi thân tâm, lưu thông không ngại. Các lậu đã tiêu, sanh ra ngọn lửa đại trí quý báu, lên Vô thượng giác, đó là thứ nhất.

 

Làm người ai cũng có tánh khí dâm dục, vì đã từ việc dâm dục mà sanh ra. Thật ra khí dục cũng từ nguồn năng lượng của nguồn tánh mà ra, nhưng được sử dụng theo thói quen, tức là nghiệp, dâm dục để thành một loại lửa nặng đục nhiều khói.

Với người tiến hóa, họ sử dụng năng lượng ấy cho văn hóa, văn minh, những sáng tạo, khám phá trong mọi lĩnh vực để đưa loài người tiến hóa. Thay vì dành cho dâm dục để kéo con người xuống, năng lượng ấy được dùng cho trí thế gian và tạo thành những con người hàng đầu xã hội.

Với người muốn tiến hóa cao hơn nữa, vượt khỏi con người thế gian bình thường, họ sử dụng năng lượng ấy cho trí xuất thế gian, trí giải thoát, trí giác ngộ. Trí này là sự chuyển hóa năng lực nơi thân tâm mà thành.

Với người bình thường, sự suy nghĩ sáng tạo trong công việc hằng ngày sẽ đưa năng lượng này lên phần cao của thân, lên óc, lên tim. Ngồi thiền là một cách để đưa năng lực này lên cao, thay vì cứ luẩn quẩn ở phần dưới, ăn uống, tình dục.

Bởi vì rốt cuộc con người sanh ra đời là để thấy và sống được cái thật của mình, ai cũng mơ ước ánh sáng (Minh) và sự bao la tự do (Không). Và cái ấy vốn có sẳn nơi mỗi người, biểu lộ ngay trong từng cử chỉ nhỏ nhặt của đời sống hằng ngày.

Ngài Ô Sô Sắt Ma chuyển hóa được lửa dâm dục thành Hỏa quang tam muội để thành Vô thượng giác là nhờ sự chỉ dạy của Phật Không Vương. Muốn khỏi uổng phí năng lượng của đời người, chúng ta nên có những vị thầy chỉ cho làm việc chuyển hóa này.

 

VIÊN THÔNG VỀ ĐỊA ĐẠI

 

Bồ tát Trì Địa liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con nhớ thuở xưa, Phổ Quang Như Lai xuất hiện thế gian, con là tỳ kheo, thường ở nơi tất cả đường trọng yếu, bến đò, đất đai hiểm trở eo hẹp không đúng tiêu chuẩn, có thể làm hư hại ngựa xe, con đều đắp bằng. Hoặc làm cầu cống, hoặc gánh đất cát, siêng năng khó nhọc như vậy trải qua vô lượng Phật xuất hiện ra đời. Hoặc có chúng sanh ở nơi chợ búa, cần người mang đồ vật con liền mang giùm đến nơi, để đồ xuống là đi ngay, không lấy tiền thù lao.

Khi Phật Tỳ Xá Phù ra đời, thế gian phần nhiều đói kém, con cõng giúp người không kể xa gần, chỉ lấy một đồng tiền. Hoặc có xe bò bị lún sình lầy, con dùng thần lực đẩy xe, gỡ khỏi khổ não. Vị vua trong vùng thời ấy thiết trai thỉnh Phật, con liền sửa sang đường đất bằng phẳng (bình địa) chỗ Phật đi qua. Như Lai Tỳ Xá Phù xoa đảnh đầu con, nói rằng: Hãy bình tâm địa thì tất cả đất đai trong thế giới đều bình. Tâm liền khai ngộ, thấy vi trần trong thân và mọi vi trần tạo thành thế giới đều bình đẳng không sai biệt. Tự tánh của vi trần không xúc phạm nhau, cho đến các thứ đao binh cũng không chỗ nào đụng chạm. Con nơi pháp tánh ngộ vô sanh pháp nhẫn, thành A La Hán. Xoay tâm vào Đại thừa nay ở trong Bồ tát vị. Khi nghe các đức Như Lai tuyên nói chỗ tri kiến Diệu Liên Hoa của Phật thì con chứng ngộ rõ suốt trước tiên mà làm thượng thủ.

Phật hỏi về viên thông, con do quán thấu suốt hai thứ vi trần nơi thân và thế giới là bình đẳng không sai biệt, vốn là Như Lai tạng mà hư vọng phát ra trần tướng. Trần tiêu trí viên, thành vô thượng đạo, đó là thứ nhất.

 

Bồ tát Trì Địa từ xưa đã tích tập phước đức và trí huệ. Phước đức làm đường, cầu, gánh đất cát….giúp đỡ cho chúng sanh. Chính phước đức do lòng từ bi này khiến dần dần tiếp cận trí huệ soi thấy pháp tánh mình người bình đẳng, vi trần trong thân và vi trần của thế giới bình đẳng.

Đến khi gặp Phật Tỳ Xá Phù được xoa đảnh (quán đảnh) dạy tâm địa bình thì thế giới bình, vì đồng pháp tánh. Ngay đó ngài chứng ngộ pháp tánh đến mức Địa thứ Tám Vô sanh pháp nhẫn, tương đương sự giải thoát hoàn toàn của một vị A La Hán. Nhưng ngài không chứng quả A La Hán là Vô dư Niết bàn mà tiếp tục con đường Bồ tát. Khi nghe dạy cái thấy biết của Phật trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì chứng ngộ trước tiên mà làm thượng thủ.

Vi trần nơi thân và vi trần nơi thế giới là bình đẳng vì đồng một pháp tánh Như Lai tạng. Đây là tri kiến Phật.

Tâm bình thì thế giới bình, đây là Bình đẳng tánh trí.

Qua cuộc đời một vị A La Hán hoặc Bồ tát, những người học Phật chúng ta khi chọn lựa một căn viên thông hợp với những thiện căn có được từ những đời trước, sẽ học được những phương pháp, những cấp độ chi tiết hơn nữa, mà ở đây không thể nói hết được, để tiến bộ trên con đường giải thoát và giác ngộ.

 

VIÊN THÔNG VỀ THỦY ĐẠI

 

Đồng tử Nguyệt Quang liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con nhớ hằng sa kiếp về trước, có Phật ra đời hiệu là Thủy Thiên, dạy hàng Bồ tát tu tập quán nước để vào tam ma địa. Quán ở trong thân tánh nước không ngăn ngại nhau. Ban đầu từ nước mắt, nước bọt cho đến các thứ tân dịch, tinh huyết, đại tiểu tiện, xoay vần trong thân, đồng một tánh nước. Thấy nước trong thân cùng nước các biển hương thủy của các cõi Phật ở ngoài thế giới đều bình đẳng không khác biệt.

Khi ấy con mới đầu thành tựu được pháp quán này, chỉ mới thấy nước mà chưa được không có thân. Lúc ấy đang là Tỳ kheo, ngồi thiền trong phòng, con có một đệ tử lén nhòm cửa sổ thấy trong phòng chỉ toàn nước trong. Nó nhỏ dại không biết, lấy một miếng ngói ném vào trong nước, chạm vào nước phát ra tiếng, ngó quanh rồi bỏ đi.

Sau con xuất định liền cảm thấy đau tim, cũng như ngài Xá Lợi Phất bị quỷ Vi Hại đánh. Con tự suy nghĩ, nay đã đắc đạo A La Hán, duyên sanh bệnh đã lìa từ lâu, vì sao hôm nay lại sanh đau tim, chẳng lẽ lại bị lui sụt. Khi ấy đồng tử đi đến, nói cho con nghe sự việc trước. Con bảo nó khi nào lại thấy nước thì hãy mở cửa vào phòng lấy miếng ngói ấy ra. Đồng tử vâng lời. Con lại nhập định, đồng tử lại thấy nước và miếng ngói rõ ràng bèn mở cửa lấy ra. Sau khi xuất định thân thể lại như cũ.

Con đã gặp vô lượng Phật, như thế cho đến Sơn Hải Tự Tại Thông Vương Như Lai mới được mất sạch thân, cùng các biển hương thủy của mười phương thế giới đồng một tánh chân không, không hai không khác. Nay ở Như Lai con được đặt tên là Đồng Chân, dự vào hội Bồ tát.

Phật hỏi về viên thông, con do quán thấy tánh nước một vị suốt thông, được Vô sanh pháp nhẫn, viên mãn đạo Giác ngộ, đó là thứ nhất.

 

Cuộc đời sanh tử là do chúng sanh chúng ta quán thấy. Sự quán thấy ấy là do vô minh, nghiệp lực nên là vọng thấy của biệt nghiệp và đồng phận. Thế giới vốn đồng một tánh chân không, không hai không khác, thế mà vọng quán thấy khác nhau loạn xạ, như vọng quán thấy hoa đốm giữa hư không.

Để làm tiêu tan cái vọng quán thấy này, phải quán thấy như thực, là quán thấy chân không thuần khiết một tánh, một vị. Đây là lý do có những pháp quán trong Phật giáo.
 

Chúng ta thấy Đồng tử Nguyệt Quang quán tưởng nước thì bèn có nước. Nước ấy thành ra ‘khách quan’ với chú đệ tử nhỏ và cả với người quán, qua việc ném vào và lấy ra miếng ngói. Sức mạnh của quán, của tâm thật là ghê gớm, vậy thì cái quán biệt nghiệp và đồng phận ắt tạo ra thế giới đang sống như là có thật. “Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức” là như vậy.

Khi quán được nước ở trong thân và nước ở ngoài thân đều bình đẳng đồng một tánh, cho đến cái thân khiến chướng ngại chia cắt trong ngoài đều mất sạch, mười phương thế giới đồng một tánh chân không, đắc Vô sanh pháp nhẫn.

Qua kinh nghiệm tu hành của ngài Nguyệt Quang, chúng ta có thể dùng ba pháp Chỉ, Quán, Thiền để xoay ngược thế giới sanh tử như huyễn như mộng này về nguồn tánh Không_Minh để giải thoát.

 

VIÊN THÔNG VỀ PHONG ĐẠI

 

Pháp vương tử Lưu Ly Quang liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con nhớ hằng sa kiếp về trước có Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Thanh, khai thị tánh bản giác diệu minh cho hàng Bồ tát, và dạy quán thế giới cùng thân chúng sanh này đều là do sức gió của vọng duyên chuyển biến ra. Bấy giờ con quán sự an lập của không gian, quán sự trôi chuyển của thời gian, quán cái ngừng động của thân, quán cái động niệm của tâm thức, tất cả các hành động đều không hai, bình đẳng không sai biệt.

Khi ấy con rõ biết tánh của các động này đến không từ đâu, đi không tới đâu. Tất cả chúng sanh điên đảo nhiều như số vi trần trong mười phương đều đồng một hư vọng. Như thế cho đến tất cả chúng sanh trong một tam thiên đại thiên thế giới giống như hàng trăm loài muỗi mòng nhốt trong một đồ chứa, vo ve lêu loạn, ồn ào rốt rít trong khoảng gang tấc.

Con gặp Phật chưa bao lâu thì được Vô sanh pháp nhẫn. Khi ấy tâm khai mở, thấy được cõi Phật Bất Động ở phương Đông, làm Pháp vương tử, thừa sự mười phương chư Phật, thân tâm phát sáng, rỗng suốt không ngại.

Phật hỏi về viên thông, con do quán sát sức gió không chỗ nương, ngộ Bồ Đề tâm, vào Tam ma địa, hợp nhất với Một Diệu Tâm của mười phương chư Phật được truyền dạy, đó là thứ nhất.

 

Trong bốn đại đất, nước, lửa, gió thì gió là sự chuyển động và tượng trưng cho chuyển động. Trong thân thì có sự chuyển động của hơi thở, khí chạy trong các kinh mạch; nơi tâm thì có sự chuyển động của ý tưởng. Bên ngoài thì có sự chuyển động của thế giới. Tất cả những chuyển động đều là sức của vọng duyên chuyển biến ra.

Ban đầu thì thấy được tánh của chuyển động là không đến, không đi, là bất động. Sau thấy chính những chuyển động là hư vọng, nghĩa là các tướng cũng không đến không đi, cũng bất động. Do đó mà đắc Vô sanh pháp nhẫn, thấy được cõi Phật Bất Động.

Muốn ngộ nhập Bản Giác diệu minh, Một Diệu Tâm của mười phương chư Phật thì đưa tất cả chuyển động về nguồn tánh vốn bất động. Muốn tiêu trừ sanh tử hư vọng thì ban đầu quán tánh của sanh tử cũng là bất động. Cho đến quán thấy các tướng chuyển động của sanh tử cũng là bất động. Không có tướng chuyển động thì không có sanh tử.

“Tất cả chúng sanh điên đảo nhiều như số vi trần trong mười phương đều đồng một hư vọng, như hàng trăm loài muỗi mòng nhốt trong một đồ chứa vo ve kêu loạn, rối rít ồn ào trong khoảng gang tấc”. Đây là cái thấy bao la của đại trí và đại bi. Quán về gió được viên thông thì tâm trùm khắp các thế giới bằng trí và bi. 

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan