VIÊN THÔNG CÁC ĐẠI (2) - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

VIÊN THÔNG CÁC ĐẠI (2)

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Con đường tu viên thông là sự xoay trở lại Nền tảng vốn viên thông có sẳn ở nơi mình. Xoay lại, tức thì con đường giải thoát mở ra. Càng xoay lại thì các tập khí, các lậu càng tiêu tan, cho đến Vô sanh pháp nhẫn, tức là Vô lậu
VIÊN THÔNG CÁC ĐẠI (2) - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

VIÊN THÔNG VỀ KHÔNG ĐẠI

 

Bồ tát Hư Không Tạng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con cùng Như Lai đến chỗ Phật Định Quang, chứng được thân vô biên. Khi ấy tay con cầm bốn bảo châu lớn soi sáng mười phương cõi Phật như số vi trần đều hóa thành hư không. Lại ở tự tâm hiện ra trí đại viên cảnh, trong ấy phóng ra mười thứ ánh sáng vi diệu quý báu soi khắp mười phương cùng tột hư không. Các cõi Phật đều vào trong gương Đại Viên Cảnh ấy, nhập vào thân con. Thân đồng hư không, chẳng có gì ngăn ngại. Thân lại khéo vào các cõi nước như vi trần rộng làm Phật sự, được đại tùy thuận.

Đại thần lực này là do con quán kỹ bốn đại không chỗ nương, vọng tưởng sanh diệt và hư không không hai, cõi Phật vốn đồng. Do phát minh được tánh đồng, được Vô sanh pháp nhẫn.

Phật hỏi về viên thông, do con quán sát hư không vô biên, vào tam ma địa, diệu lực tròn sáng, đó là thứ nhất.

 

Bồ tát ngày trước cùng đi với đức Thích Ca lúc còn là Bồ tát đến chỗ Phật Định Quang, tức là Phật Nhiên Đăng. Tại đó ngài chứng được Thân vô biên, tay cầm bốn bảo châu khiến bốn đại thành thanh tịnh, trong suốt, “sắc tức là Không, Không tức là sắc”, các cõi Phật đều hóa thành hư không. Còn mười thứ ánh sáng vi diệu quý báu soi khắp mười phương thì con số mười này có thể hiểu theo Kinh Hoa Nghiêm, mười thân, mười lực…. Khi ấy tâm hết bị các trần tướng che đậy trở thành Trí như gương tròn lớn (Đại viên cảnh). Tâm thành Trí Đại viên cảnh, tức là Hư Không Tạng, đây là Pháp thân. Tánh nhiếp tất cả tướng, tất cả tướng đều là tánh. Thân cũng theo đó mà “đồng hư không, chẳng có gì ngăn ngại”, đây là Báo thân và Hóa thân, có thể khéo vào các cõi nước như vi trần rộng làm Phật sự.

Đại thần lực này là do quán bốn đại không chỗ nương, vọng tưởng sanh diệt đồng như hư không, nghĩa là đưa thân tâm về với tánh giác như hư không. Chỉ một câu “vọng tưởng sanh diệt và hư không không hai” cũng đủ tu suốt đời, vì thật chứng được điều đó là đã đến chỗ “không tu nữa”, “vô học”, “vô công dụng đạo”.

Sống được trong Hư Không Tạng, trong cái vô sanh, là sống trong vĩnh cửu.

Một điều cần lưu ý là ngài đi cùng đạo sĩ Sumedha mà sau này thành Phật Thích Ca. Theo Đại Phật sử của Phật giáo Theravada, ngày hôm đó vị đạo sĩ này từ chối quả vị A La Hán và phát nguyện thành bậc Chánh đẳng Chánh giác và được Phật Nhiên Đăng thọ ký sẽ thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.

Điều này cũng hợp với quan điểm Đại thừa, nói rằng một vị chỉ được chư Phật thọ ký thành Phật khi đắc được Vô sanh pháp nhẫn, tức Bồ tát địa thứ tám, tương đương với một vị A La Hán.

 

VIÊN THÔNG VỀ THỨC ĐẠI

 

Bồ tát Di Lặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con nhớ vi trần kiếp về trước, có Phật ra đời hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Con được theo đức Phật ấy xuất gia, nhưng còn trọng danh đời, ưa giao du với người quyền quý. Lúc ấy Thế Tôn dạy con tu tập định Duy thức tâm, để vào tam ma địa. Trải nhiều kiếp đến nay, do tam muội ấy phụng sự hằng sa chư Phật. Tâm cầu danh lợi diệt hết không còn.

Đến khi Phật Nhiên Đăng ra đời con mới thành tựu được tam muội Vô thượng diệu viên thức tâm. Cho đến tận hư không các cõi nước Phật, sạch dơ, có không, đều là sự biến hóa mà hiện ra của tâm con.

Bạch Thế Tôn, con thấu rõ duy tâm thức như thế, nên tánh thức lưu xuất vô thượng Như Lai, nay được thọ ký, kế tiếp làm Phật.

Phật hỏi về viên thông, con do quán kỹ mười phương đều duy thức, thức tâm tròn sáng, nhập tánh Viên thành thật, xa lìa Y tha khởi tánh và Biến kế sở chấp tánh, được Vô sanh pháp nhẫn, đó là thứ nhất.

 

Các tướng có là do thức phân biệt. Sự phân biệt làm cho tánh Viên thành thật bị ô nhiễm thành ra tướng sanh tử khổ đau. Chữa bệnh là chữa sự phân biệt mê lầm của thức, bằng cách biết tất cả mọi tướng có ra do phân biệt mê lầm chỉ là sự biến hiện của thức, nên là như huyễn, không thật.

Thấy tướng là duy thức thì tướng trở lại nguồn tánh vô sai biệt, lúc đó tất cả tướng là trí, thức tâm tròn sáng, đây là tánh Viên thành thật.

Thấy tất cả thế giới sạch dơ, có không đều là sự biến hóa mà hiện ra của tâm thức, thì tất cả nhiễm ô phân biệt tiêu mất, chỉ còn một vị thanh tịnh Viên thành thật. Như khi thấy bóng trong gương sanh diệt, đến đi, tăng giảm, dơ sạch là hư vọng, như huyễn bèn thấy tấm gương. Bởi vì tấm gương muôn đời sáng sạch (Đại viên cảnh trí) nên tất cả các bóng cũng đều sáng sạch như gương.

Chuyển thức thành trí, chuyển tướng sanh tử thành tánh Niết bàn là chuyển tất cả mọi cái thấy nghe hay biết thành duy thức, và vì duy thức, nên như huyễn, như mộng, đồng thời là tánh Viên thành thật. Ngài Di Lặc trải qua nhiều kiếp mới thành tựu quán duy thức tâm này. Điều ấy cho chúng ta thấy phải có thầy như thế nào, phải tu như thế nào, miên mật như thế nào để đắc Vô sanh nhẫn.        
 

VIÊN THÔNG VỀ KIẾN ĐẠI

 

Pháp vương tử Đại Thế Chí cùng với năm mươi hai Bồ tát cùng tu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con nhớ hằng sa kiếp trước có Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang. Thuở ấy mười hai Như Lai kế nhau ra đời trong một kiếp. Đức Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Đức Phật ấy dạy cho con niệm Phật tam muội.

Ví như có hai người, một đàng chuyên nhớ, một đàng chuyên quên, thì hai người ấy dầu có gặp cũng là không gặp, dù thấy cũng là không thấy. Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ nghĩ (ức niệm) in sâu, như thế từ đời này sang đời khác, như in hình với bóng, chẳng bao giờ xa cách nhau.

Mười phương Như Lai thương tưởng chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn tránh thì tuy nhớ cũng chẳng giúp được gì. Nếu con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con thì đời đời mẹ con không hề xa cách. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện giờ hoặc mai sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa thì không cần phương tiện, tâm tự được khai ngộ, như người ướp hương, thân thể có mùi thơm. Đây gọi là hương quang trang nghiêm.

Nhân địa căn bản của con là dùng tâm niệm Phật, vào Vô sanh nhẫn. Nay ở cõi này nhiếp hộ người niệm Phật về nơi Tịnh độ. Phật hỏi về viên thông, con không riêng lựa chọn mà nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tương tục, được vào tam ma địa, đó là thứ nhất.

 

Chư Phật đồng một Pháp thân, cho nên tu một pháp môn nào theo đức Phật nào thì cũng đạt đến Pháp thân chung của tất cả chư Phật.

Niệm Phật tam muội đặt trên lòng sùng mộ, sùng tín đối với Phật Vô Lượng Quang tức Phật A Di Đà. Phật nhớ nghĩ đến chúng sanh, chúng ta cũng nhớ nghĩ đến ngài liên tục thì đời đời không hề xa cách, và hiện giờ hay mai sau nhất định thấy Phật, vào Niệm Phật tam muội, đắc Vô sanh nhẫn.

Ngài Đại Thế Chí không chọn riêng một căn, mà nhiếp tất cả sáu căn vào lòng sùng tín hướng về Phật A Di Đà như một dòng sông mải miết chảy về biển. Chẳng nhờ phương tiện, nghĩa là chỉ một bề nhớ nghĩ, như người ướp hương lâu dần toàn thân tâm có mùi thơm. Khi đã thành tựu pháp môn niệm Phật, đắc Vô sanh nhẫn, ngài đủ thần lực để “ở cõi này nhiếp hộ người niệm Phật về nơi tịnh độ”.

Qua hai mươi bốn vị thánh, chúng ta có đủ những bài học về nhân địa căn bản (Nền tảng) phương pháp tu hành (Con đường) và chứng đắc Quả (Vô sanh nhẫn). Con đường tu viên thông là sự xoay trở lại Nền tảng vốn viên thông có sẳn ở nơi mình. Xoay lại, tức thì con đường giải thoát mở ra. Càng xoay lại thì các tập khí, các lậu càng tiêu tan, cho đến Vô sanh pháp nhẫn, tức là Vô lậu.

Nền tảng khi đã sạch các lậu thì đó là Quả, chứ không có Quả nào khác ngoài Nền tảng, hay là cái căn bản chẳng sanh chẳng diệt đã nói ở trước. Như vậy thật tu là tu ngay trên Quả vốn đang hiện tiền. Nơi mỗi vị chúng ta đều có thể học hỏi và áp dụng nhiều điều cho sự tu hành của mình. Có lẽ không có Kinh nào của Phật giáo có đầy đủ những pháp môn và hành trạng của những vị A La Hán và Bồ tát bằng Kinh Lăng Nghiêm. Thật là một tài liệu quý báu cho chúng ta những người hậu học.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan