VIÊN THÔNG SÁU THỨC - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO


 

VIÊN THÔNG SÁU THỨC

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Căn cơ Bồ tát là tuy vẫn tu hành tánh Không để giải thoát như các vị A La Hán, nhưng còn có lời nguyện cứu độ chúng sanh do lòng đại bi nên vừa tu tánh Không vừa độ chúng sanh.
VIÊN THÔNG SÁU THỨC - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

VIÊN THÔNG NHÃN THỨC

 

Ngài Xá Lợi Phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con từ nhiều kiếp đến nay cái thấy của tâm được thanh tịnh, như thế mà thọ sanh nhiều đời như số cát sông Hằng. Các pháp thế gian và xuất thế gian thảy thảy biến hóa, trong một cái thấy liền thông suốt không chướng ngại.

Con ở giữa đường gặp Ca Diếp Ba, huynh đệ cùng đi, nói pháp nhân duyên, ngộ được cái tâm không bờ mé. Con theo Phật xuất gia, tánh giác hằng thấy tròn đầy sáng ngời, được đại vô úy, thành A La Hán, làm trưởng tử của Phật, do miệng Phật mà sanh, do pháp mà hóa sanh.

Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thì cái thấy của tâm phát sáng, sáng tột cái thấy biết, đó là thứ nhất.

 

Cái thấy của tâm ngài Xá Lợi Phất đã được thanh tịnh từ nhiều đời. Đến khi gặp A La Hán Mã Thắng được nói cho nghe bài kệ của Đức Phật, “Các pháp theo duyên sanh, các pháp theo duyên diệt, Thầy ta, Đại Sa môn, thường chỉ dạy như vậy”, liền đắc sơ quả Tu Đà Hoàn. Sự đắc này là đắc lại, vì “cái thấy của tâm đã được thanh tịnh từ nhiều kiếp đến nay”.

Với cái thấy của tâm đã trong sáng, chỉ nghe một bài kệ nhân duyên liền chứng ngộ tánh Không ở mức Sơ quả Tu Đà Hoàn. Nửa tháng sau khi gặp Đức Phật, ngài đắc quả A La Hán. Đó là khi cái thấy của tâm sáng tột tức là cái thấy biết viên mãn, gọi là do miệng Phật mà sanh, do Pháp mà hóa sanh. Đây là sự sanh lại trong tánh Không, sanh trong giải thoát.     
 

VIÊN THÔNG VỀ NHĨ THỨC

 

Bồ tát Phổ Hiền liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con từng làm Pháp vương tử của các Như Lai nhiều như số cát sông Hằng. Mười phương Như Lai dạy các đệ tử có căn cơ Bồ tát tu hạnh Phổ Hiền, là do con mà đặt tên.

Bạch Thế Tôn, con dùng cái nghe của tâm mà phân biệt những thấy biết của chúng sanh. Nếu ở phương khác cách ngoài hằng sa thế giới, có một chúng sanh nào trong tâm phát sáng hạnh Phổ Hiền, thì liền ngay khi ấy, con phân thân trăm ngàn, cỡi voi sáu ngà đến chỗ người ấy. Dầu người ấy nghiệp chướng sâu dày, con cũng âm thầm xoa đầu, ủng hộ an ủi, khiến họ được thành tựu.

Phật hỏi về viên thông, con nói chỗ bản nhân của con do cái nghe của tâm phát sáng, phân biệt tự tại, đó là thứ nhất.

 

Ngài Phổ Hiền tu tánh Không_Minh của cái nghe của tâm.

Căn cơ Bồ tát là tuy vẫn tu hành tánh Không để giải thoát như các vị A La Hán, nhưng còn có lời nguyện cứu độ chúng sanh do lòng đại bi nên vừa tu tánh Không vừa độ chúng sanh. Nhờ có phương tiện thiện xảo là hợp nhất sự cứu độ với tánh Không nên độ mà vẫn giải thoát.       

Tu hành tánh Không là đạt được Pháp thân, cứu độ chúng sanh thì có thêm được Báo thân và Hóa thân, do đó mà “phân thân trăm ngàn”. Hóa thân và Báo thân là diệu dụng của Pháp thân có được qua nguyện, hạnh vậy.
 

VIÊN THÔNG VỀ TỶ THỨC

 

Ngài Tôn Đà La Nan Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Khi con mới xuất gia theo Phật vào đạo, tuy đầy đủ giới luật, mà với tam ma địa tâm thường tán động, chưa được vô lậu. Thế Tôn dạy con và Câu Hy La quán tướng trắng chót mũi. Lúc bắt đầu tu quán ấy, trải qua hai mươi mốt ngày, thấy hơi thở trong mũi ra vào như khói. Thân tâm bên trong sáng rỡ, thế giới rỗng suốt, khắp hết thành rỗng không thanh tịnh, như ngọc lưu ly. Tướng khói dần dần tiêu mất, hơi thở thành trắng. Đến khi tâm khai ngộ, các lậu sạch hết thì các hơi thở ra vào hóa thành ánh sáng, soi khắp mười phương thế giới, đắc A La Hán. Thế Tôn thọ ký con sẽ đắc Giác ngộ.

Phật hỏi về viên thông, con dùng chánh niệm nơi hơi thở, yên lặng lâu ngày thì phát ra sáng suốt, ánh sáng viên mãn, diệt các hết lậu, đó là thứ nhất.

 

Chỉ là tập trung vào đầu chót mũi. Quán là quan sát hơi thở ở đó. Nhờ chỉ quán mà tâm dần dần thanh tịnh, do đó thấy hơi thở thành như khói, rồi hóa thành trắng, thân tâm bên trong sáng rỡ, thế giới rỗng suốt, khắp hết thành rỗng không thanh tịnh, hơi thở thành ánh sáng soi khắp mười phương thế giới. Hơi thở (gió), và các đại đất, nước, lửa có bản tánh là ánh sáng, nên khi đã trở lại bản tánh thì “hơi thở hóa thành ánh sáng”.

Chỉ Quán bắt đầu nơi hơi thở và chót mũi, nhưng lần lần tương ưng với chỉ quán vốn sẳn của tánh giác, do đó thân tâm và thế giới thành rỗng không sáng rỡ, khi ánh sáng viên mãn thì các lậu diệt hết, thành A La Hán.    
 

VIÊN THÔNG VỀ THIỆT THỨC

 

Ngài Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con từ nhiều kiếp đến nay biện tài vô ngại, tuyên thuyết Khổ, Không, đạt sâu thật tướng. Như thế cho đến các pháp môn bí mật của hằng sa Như Lai, con đều trong chúng khéo léo khai thị, được vô sở úy. Thế Tôn biết con có đại biện tài nên dạy con tuyên dương chánh pháp bằng âm thanh. Con ở trước Phật giúp Phật chuyển pháp luân, nhân âm thanh oai lực như tiếng rống sư tử mà thành A La Hán. Thế Tôn ấn chứng cho con thuyết pháp hơn hết.

Phật hỏi viên thông, con dùng pháp âm hàng phục tà đạo, tiêu diệt các lậu, đó là thứ nhất.

 

Ở trước nói: “Căn lưỡi hay diễn nói cùng tột các trí thế gian và xuất thế gian, lời nói có chừng hạn nhưng nghĩa lý thì không cùng tận. Do đó căn lưỡi có đủ một ngàn hai trăm công đức”.         

Hoạt động của lưỡi là để thuyết pháp. Nói pháp thì tương ưng với pháp, càng nói pháp thì càng đi sâu vào pháp hay thật tướng, do đó kinh nói “đạt sâu thật tướng”.

Càng thuyết pháp thì ánh sáng hiện tiền của pháp càng tiêu diệt các lậu. Nói pháp là một cách để trở về nguồn viên thông.

 

VIÊN THÔNG VỀ THÂN THỨC

 

Ngài Ưu Ba Ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Con đích thân theo Phật vượt thành xuất gia, chứng kiến Như Lai sáu năm khổ hạnh, hàng phục các ma, chế ngự ngoại đạo, giải thoát các lậu tham dục trong thế gian. Con được Phật dạy cho giới, như vậy cho đến ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, các tánh nghiệp giá nghiệp đều thanh tịnh, thân tâm tịch diệt, thành A La Hán. Con là mẫu mực trong chúng của Như Lai, Phật ấn chứng cho con giữ giới tu thân hơn cả trong chúng.

Phật hỏi về viên thông, con do giữ gìn nơi thân mà thân được tự tại, kế đến giữ gìn nơi tâm mà tâm được thông đạt, rồi sau tất cả thân tâm đều thông suốt, đó là thứ nhất.

 

Giữ giới là để thân tâm dần dần thanh tịnh bèn tương ưng với Phật tánh xưa nay thanh tịnh tịch diệt. Giới là đưa thân tâm trở lại nguồn gốc của nó là tánh Không. Thân tâm tịch diệt, đây là tánh Không hiện tiền.      

Thế nên, trong Phật giáo Trung Hoa, Luật tông là một trong mười tông, và những vị thánh chứng đắc trong Luật tông cũng nhiều chẳng kém các tông khác. Và chẳng có tông nào không có giới.

Đạo Phật có bốn vạn tám ngàn pháp môn, cho đến tận cùng thì sẽ đi đến cội nguồn, hay là nền tảng viên thông của tất cả mọi pháp môn.

 

VIÊN THÔNG VỀ Ý THỨC

 

Ngài Đại Mục Kiền Liên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Trước kia con giữa đường đi khất thực thì gặp ba anh em Ca Diếp Ba là Ưu Lâu Tần Loa, Già Gia và Na Đề tuyên nói thâm nghĩa nhân duyên của Như Lai, tâm con liền phát mở, được rất thông đạt. Như Lai ban cho con áo cà sa đắp thân, râu tóc tự rụng.

Con đi khắp mười phương, được không ngăn ngại, thần thông phát sáng, được chúng cho là hơn hết, thành A La Hán. Không chỉ Thế Tôn mà mười phương Như Lai đều khen thần lực của con tròn sáng thanh tịnh, tự tại không sợ hãi.

Phật hỏi viên thông, con do xoay ý niệm về tánh trong lặng, ánh sáng tâm phát mở, như lóng nước đục lâu thành trong sáng, đó là thứ nhất.

 

Ngài Mục Kiền Liên được ngài Xá Lợi Phất nói lại cho bốn câu kệ đã nghe từ vị A La Hán Mã Thắng, bèn đắc Sơ quả. Và chỉ một tuần sau khi gặp Đức Phật, ngài đã đắc quả A La Hán.

Tâm liền phát mở, được rất thông đạt, đây là phát mở, thông đạt với nguồn tánh. Rồi xoay ý niệm về nguồn tánh trong lặng ấy, như lóng nước đục lâu ngày thành trong sáng mà thần lực là diệu dụng của nguồn tánh hiển phát.

Đây là thần thông do chứng đắc nguồn tánh thanh tịnh mà thành, chứ chẳng phải do gò ép rèn luyện. Cho nên thần thông diệu dụng trong ba cõi sanh tử mà vẫn giải thoát, giải thoát mà vẫn hiển lộ thần thông nơi ba cõi.

Nguồn tánh không phải là một cái gì rỗng không, đứng lặng như chết, mà nguồn tánh là nguồn năng lực. Bởi thế nơi đoạn viên thông của ngài Xá Lợi Phất có nói “các pháp thế gian và xuất thế gian, thảy thảy biến hóa”, thì sự biến hóa này là một phần của năng lực nền tảng nơi nguồn tánh. Chữ “thần lực” không để chỉ cho riêng một vị thánh nào, mà như Kinh Hoa Nghiêm nói “thần lực của chư Phật”, nghĩa là năng lực lưu xuất từ nền tảng Pháp thân.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan