VÒNG HOA PHA LÊ CỦA THỰC HÀNH HÀNG NGÀY - Padmasambhava

Những tri giác của tâm, tất cả mọi chuyển động của tư tưởng, đều tự sanh khởi và tự tan biến bởi vì chúng sanh khởi từ trong tâm và tiêu tan trở lại trong tâm. Nhưng, không thấu hiểu nó là tự sanh khởi và tự tan biến, những tư tưởng sản sanh một chuỗi không ngừng những đối tượng và tạo thành vô số những sắc tướng của tâm thức.
VÒNG HOA PHA LÊ CỦA THỰC HÀNH HÀNG NGÀY - Padmasambhava

VÒNG HOA PHA LÊ CỦA THỰC HÀNH HÀNG NGÀY

Padmasambhava

-----o0o-----

Lời khuyên về thực hành hàng ngày phối hợp nghĩa với những so sánh từ “tráp bí mật của kho tàng tâm quý báu thuộc về tính bao la không biên giới”, liên hệ với đại ấn của giai đoạn thành tựu trong vòng pháp lama gongdü

NAMO GURU DHEVA DAKINI HUNG.

Đảnh lễ cái bao la không biên giới, sự viên mãn bổn nguyên của ba thân.

Khi tu hành yoga Đại Ấn Con đường như là một thực hành hàng ngày không dứt, trọng yếu là có được những giáo huấn hòa trộn nghĩa với những so sánh tương tự. Bởi vì tinh túy Sugata (thiện thệ) – sự đồng nhất của ba thân – vốn ở trong dòng hiện sinh của con, lời dạy này cũng bao gồm ba phần:

  • Giáo huấn làm lắng dịu khi không lắng dịu, như còng một tội phạm.
  • Giáo huấn làm an định khi lắng dịu, như một người mệt mỏi nghỉ ngơi.
  • Giáo huấn làm hoàn thiện sự an định, như một người du hành trở về nhà.

Hơn nữa, hóa thân là khi vô số tư tưởng được tịnh trừ; báo thân là không lìa khỏi trạng thái ấy và nhận biết những trí huệ là trọn vẹn; pháp thân là sự thanh tịnh không có mọi loại tạo tác của tư tưởng.

So sánh tương tự sự kiện ba thân này hiện diện tự nhiên trong một chúng sanh là một hoàng tử đi bộ lạc đường. So sánh nhận biết và kinh nghiệm ba thân qua giáo huấn phi thường của một đạo sư là nhận biết rằng hoàng tử là dòng dõi hoàng gia. So sánh thức tỉnh với giác ngộ bằng cách xác nhận nền tảng bổn nguyên và chứng ngộ sự đồng nhất của ba thân vốn hiện diện này nhờ tu hành chúng là việc hoàng tử đòi lại vương vị.

Nói chung, chúng sanh, bị trói buộc trong đủ loại ràng buộc, xoay vòng trong ba cõi sáu nẻo và chịu nhiều kinh nghiệm khổ đau không dứt. Tất cả đều do họ đi vào trong 84.000 cảm xúc tiêu cực, chúng bắt rễ từ niềm tin vào một tự ngã. Dù 84.000 pháp môn được dạy như những phương pháp để thoát khỏi quỷ dữ niềm tin tự ngã này, những điểm then chốt được chứa đựng trong một lời khuyên căn bản và sâu xa của một đạo sư.

Để giải thích, tâm thanh tịnh bổn nguyên chứa gốc rễ của tất cả hiện tượng, và tâm này gồm ba phương diện: tinh túy, bản tánh và những tri giác.

Tinh túy của tâm là pháp thân, một sự thanh tịnh rốt ráo và bổn nguyên, thoát khỏi bất kỳ dựng lập cơ cấu nào. Nhưng, không biết cái này là gì, sự không biết này tạo thành căn cứ cho xoay vòng mù quáng trong sanh tử.

Bản tánh của tâm là một cái biết sáng ngời, không bị che ám – rạng rỡ như mặt trời. Nhưng không nhận biết cái này là biểu hiện tự nhiên của tỉnh thức rõ biết – nó vừa biết vừa trống không – thì sự không nhận biết này tạo ra mê lầm, giống như một trẻ nhỏ tin rằng bóng phản chiếu của nó trong nước là một xuất hiện lạ lùng của ai khác.

Những tri giác của tâm, tất cả mọi chuyển động của tư tưởng, đều tự sanh khởi và tự tan biến bởi vì chúng sanh khởi từ trong tâm và tiêu tan trở lại trong tâm. Nhưng, không thấu hiểu nó là tự sanh khởi và tự tan biến, những tư tưởng sản sanh một chuỗi không ngừng những đối tượng và tạo thành vô số những sắc tướng của tâm thức.

Trong cách này, nền tảng căn cứ không có mê lầm, nhưng mê lầm xảy đến vì không biết cái đối trị trong ba trường hợp xảy ra. Nền tảng cơ sở không thể nhiễm ô, nhưng niềm tin nhất thời vào một tự ngã làm che tối. Trạng thái không sáng suốt và méo mó này bấy giờ rơi vào giới hạn của niết bàn (thụ động), và mặc dù niết bàn (chân thật) – trạng thái tỉnh thức rõ biết của một vị Phật – có thể hiện diện trong chính mình, nhưng không nhận biết nó thì không hiệu quả.

Để nhận biết nó, con cần những giáo huấn của một vị thầy cùng với những phương tiện thiện xảo khác nhau. Những tính cách của một vị thầy cần được biết qua bốn nhánh và ngài cần dạy nhờ vào sáu bộ cái thấy và thiền định.

Thứ nhất, với bốn nhánh, vị thầy cần làm như sau:

  • Thấu hiểu trạng thái hiện thể của mỗi người là nhánh giải thoát cho người ấy.
  • Thấu hiểu và tri giác nhiều loại trí năng như là nhánh nhận giáo huấn.
  • Áp dụng mà không mâu thuẫn với hệ thống Pháp tổng quát như là nhánh tin cậy và không mệt mỏi.
  • Bổ sung với những lời dạy từ nhiều vị thầy khác như là nhánh nâng cao.

Về sáu bộ cái thấy và thiền định, thứ nhất là sáu cái thấy và thiền định méo mó cần tránh:

  • Một cái thấy thiếu xác tín thì như một lông chim bay trong gió.
  • Một sự tu hành thiền định mà thiếu phương pháp thì như một chim kên kên gãy cánh.
  • Một áp dụng thiếu thực hành thì giống như một người dẫn đường lầm lẫn.
  • Kinh nghiệm thiếu những dấu hiệu tiến bộ thì giống như vụ mùa thu bị tàn phá bởi băng giá.
  • Hạnh nào thiếu vững chắc thì như một người mù lạc trên những bình nguyên phía bắc.
  • Một quả thiếu nhận biết thì giống như một trẻ nhỏ được cho một hộp đầy vàng.

Đây là sáu bộ cái thấy và thiền định với xác tín đến với trí huệ:

  • Một cái thấy có xác tín trạng thái tự nhiên thì giống như một chim kên kên vút qua những bầu trời.
  • Một tu hành thiền định có phương tiện thiện xảo và những điểm trọng yếu thì giống như keo mạnh dính ruồi muỗi.
  • Có những phương thuốc từ kinh nghiệm thì giống như một bác sĩ khám bệnh.
  • Kinh nghiệm có những dấu hiệu tiến bộ thì giống như một thiếu nữ nếm lạc thú.
  • Hạnh có sự vững chắc thì giống như một đinh thúc ngựa với một con ngựa mạnh, nhanh.
  • Một quả thoát khỏi hy vọng và lo sợ thì giống như một người du lịch trở về nhà.

-----o0o-----

Trích “Những Kho Tàng Từ Đỉnh Cây Tùng Xù -Padmasambhava” 

Dịch: Erik Pema Kunsang Và Marcia Binder Schmidt    

Ban Dịch Thuật: Thiện Tri Thức, 2017

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan