VŨ TRỤ TRONG MỘT NGUYÊN TỬ - DALAI LAMA

VŨ TRỤ TRONG MỘT NGUYÊN TỬ

- Dalai Lama

-----o0o-----

VŨ TRỤ TRONG MỘT NGUYÊN TỬ- Dalai Lama-----o0o-----Tôi được biết rằng một số nhà vũ trụ học tán thành ý tưởng cho rằng vũ trụ của chúng ta đã hình thành dưới dạng một dao động thay đổi bất thường từ những gì được gọi là chân không lượng tử. Với tôi, ý tưởng này khiến tôi nhớ lại học thuyết Kalachakra về các phần tử không gian.Từ quan điểm của vũ trụ học hiện đại, việc...
VŨ TRỤ TRONG MỘT NGUYÊN TỬ - DALAI LAMA

VŨ TRỤ TRONG MỘT NGUYÊN TỬ

- Dalai Lama

-----o0o-----

Tôi được biết rằng một số nhà vũ trụ học tán thành ý tưởng cho rằng vũ trụ của chúng ta đã hình thành dưới dạng một dao động thay đổi bất thường từ những gì được gọi là chân không lượng tử. Với tôi, ý tưởng này khiến tôi nhớ lại học thuyết Kalachakra về các phần tử không gian.

Từ quan điểm của vũ trụ học hiện đại, việc tìm hiểu căn nguyên hình thành nên vũ trụ ngay tại những khoảnh khắc đầu tiên là một thử thách hầu như không thể vượt qua được. Vấn đề ở đây là bốn nhân tố của thiên nhiên - trọng lượng và hiện tượng điện tử, năng lượng hạt nhân mạnh và yếu - không hề tồn tại ngay ở những khoảnh khắc đầu tiên của quá trình hình thành nên vũ trụ. Chúng xuất hiện sau, khi tỷ trọng và nhiệt độ của giai đoạn đầu đã gia tăng đột biến nên các phân tử vật chất khác, chẳng hạn như hyđrô và heli, bắt đầu hình thành. Sự xuất hiện chính xác của big bang là những gì các nhà khoa học gọi là “sự phi thường”. Ở đây, tất cả mọi phương trình toán học và các nguyên tắc vật lý đều sụp đổ. Các con số thường được xác định, chẳng hạn như tỷ trọng và nhiệt độ, trở nên mơ hồ ngay tại khoảnh khắc đó.

Vì quá trình nghiên cứu khoa học về căn nguyên hình thành vũ trụ đòi hỏi sự ứng dụng các phương trình toán học và các quy luật vật lý xác đáng, nên dường như là, nếu các phương trình và các quy luật này không đúng, thì chúng ta buộc hỏi rằng liệu chúng ta trong vai trò là nhân loại có thể nào có được sự hiểu biết hoàn toàn về những khoảnh khắc đầu tiên của vụ nổ big bang này hay không. Những nhà khoa học bạn bè của tôi đã nói với tôi rằng một số các chuyên gia vật lý hàng đầu đã bắt tay vào việc nghiên cứu tìm hiểu câu truyện về những giai đoạn đầu tiên hình thành nên vũ trụ này. Tôi được biết rằng có một số nhà khoa học tin rằng giải pháp cho vấn đề này ắt hẳn phải là một học thuyết trung hòa, học thuyết này giúp chúng ta kết hợp được tất cả mọi quy luật vật lý đã được biết đến. Có lẽ nó có thể kết hợp hai mô hình của vật lý hiện đại dường như mâu thuẫn với nhau - thuyết tương đối và cơ học lượng tử. Tôi được biết rằng những kết luận rõ ràng của hai học thuyết này mãi cho đến nay vẫn cho thấy là không thể hợp nhất được. Học thuyết tương đối cho rằng chúng ta có thể thực hiện các tính toán chính xác về điều kiện của vũ trụ tại bất kỳ thời điểm nào nếu chúng ta có đủ các thông tin cần thiết. Cơ học lượng tử, ngược lại, khẳng định rằng chúng ta chỉ nên hiểu thế giới của những phân tử (hạt) qua lăng kính hiển vi ở góc độ xác suất tự nhiên, bởi vì thành phần cơ bản của thế giới vật chất là các định lượng của vật chất (thế nên gọi là khoa học lượng tử), học thuyết này luôn phản bác những nguyên lý mơ hồ không xác đáng. Các học thuyết khác chẳng hạn như học thuyết siêu chuỗi hoặc học thuyết M đều được xem là những học thuyết không xác đáng.

Lại có một khó khăn khác nữa trong việc tìm hiểu căn nguyên hình thành nên vũ trụ của chúng ta. Xét ở mức độ cơ bản, cơ học lượng tử cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể dự đoán chính xác về việc các phân tử vận hành như thế nào trong một điều kiện nào đó. Vì thế, chúng ta chỉ có thể dự đoán về lối vận hành của các phân tử dựa vào những khả năng có thể xảy ra (xác suất ngẫu nhiên). Nếu thế thì, bất kể kiến thức về toán học của chúng ta về giai đoạn sơ khai của mọi sự vật hiện tượng lúc nào cũng bị thiếu khuyết, nên chúng ta không thể hoàn toàn hiểu được toàn bộ câu truyện về sự hình thành vũ trụ này.Trong hoàn cảnh tốt nhất, chúng ta chỉ có thể đưa ra những phỏng đoán ước đoán gần đúng, nhưng chúng ta không bao giờ có thể có được bảng mô tả hoàn toàn đầy đủ thậm chí về toàn bộ vũ trụ này.

Trong thế giới Phật giáo có nói đến khả năng thực tiễn trong việc đạt được sự hiểu biết hoàn toàn về căn nguyên khởi nguồn của vũ trụ. Một đoạn kinh của phái Đại thừa có tên gọi là Tinh hoa có nói về những thảo luận dài dòng về một hệ thống các thế giới vô lượng (vô bờ bến) và những giới hạn trong hiểu biết của con người. Một đoạn kinh được gọi là “Vô lượng” nói về một chuỗi các kết quả tính toán với các con số cực kỳ lớn, và mức độ cao nhất là “vô lượng”, “không thể đếm suể”, “không giới hạn”, “vô song”. Con số cao nhất là “vô kể bình phương”, con số này được định nghĩa là con số vô hạn đem nhân với chính nó! Một người bạn đã nói với tôi rằng con số này có thể được viết tương đương là 1059 . Đoạn kinh Tinh hoa này tiếp tục áp dụng những con số phi thường này vào các hệ thống vũ trụ; đoạn kinh này cho rằng nếu thế giới “vô hạn” này được thu nhỏ thành những nguyên tử và mỗi nguyên tử chứa đựng những thế giới “vô hạn”, thì số lượng các hệ thống thế giới là vô cùng.

Tương tự, trong các đoạn kinh thơ có nói về mối quan hệ tương hỗ phụ thuộc sâu sắc ở mức độ vô cùng phức tạp của thế giới này với rất nhiều những viên đá quý được gọi là “mạng lưới những viên ngọc của Indra”, mạng lưới này là một không gian vô hạn. Tại mỗi điểm gút của mạng lưới này là một viên đá quý, viên đá quý này được nối kết với tất cả những viên đá quý còn lại và phản ánh rõ về tất cả những viên đá còn lại. Trên một mạng lưới như thế, không có viên đá nào nằm ở trung tâm mạng lưới và cũng chẳng có viên đá nào nằm ở rìa của mạng lưới; nói đúng hơn, nó vừa nằm ở trung tâm vừa nằm ở rìa. Nó nằm ở trung tâm mạng lưới này bởi vì nó phản ánh được tất cả những viên đá còn lại, đồng thời nó cũng nằm ở rìa của mạng lưới này bởi vì nó được phản ánh qua tất cả những viên đá còn lại. Qua mối quan hệ liên kết sâu sắc của mọi đối tượng trên thế giới như thế, chúng ta không thể nào có được hiểu biết hoàn toàn thậm chí ngay cả hiểu biết hoàn toàn về một nguyên tử đơn, trừ khi chúng ta là người toàn trí toàn thức (thông suốt mọi sự). Thậm chí ngay cả việc tìm hiểu hoàn toàn về một nguyên tử đơn cũng đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết được toàn bộ các mối liên hệ giữa nguyên tử đơn đó với tất cả mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ vô hạn này.

Các đoạn kinh Kalachakra cho rằng, trước khi được hình thành, bất kỳ một vũ trụ nào cũng đang còn ở trạng thái trống rỗng, trong trạng thái đó thì tất cả mọi yếu tố vật chất của nó đều tồn tại dưới hình thức là “các phân tử không gian”. Tại một điểm nào đó, khi các nghiệp chướng của các sinh linh tăng cao đến một mức độ cần thiết nào đó tại một vũ trụ nào đó thì “các phân tử khí” bắt đầu kết hợp lại cùng nhau, tạo ra ngọn gió vũ trụ. Sau đó “các phân tử lửa” tập hợp lại theo cùng một cách, tạo ra “nhiệt lượng” vận hành trong không khí. Sau quá trình này, “các phân tử nước” kết hợp lại để hình thành các “cơn mưa” xối xả cùng với sấm sét. Cuối cùng, “các phân tử đất” kết hợp lại và, cùng với các nhân tố khác, bắt đầu hình thành trạng thái vững chắc của nền tảng. Nhân tố thứ năm, “không gian”, được xem là nhân tố tỏa khắp bốn nhân tố còn lại với tên gọi là lực lượng nội tại và vì thế nó không sở hữu bất kỳ một đặc tính tồn tại riêng biệt độc lập nào. Qua một khoảng thời gian dài, năm nhân tố này phát triển mở rộng để hình thành nên vũ trụ vật chất như chúng ta đã biết và đang sống trong nó.

Mãi cho đến nay chúng ta đã và đang nói về căn nguyên hình thành vũ trụ như thể nó chỉ gồm có một sự kết hợp giữa vật chất vô tri vô giác và năng lượng mà thôi - chúng ta xem đây là sự khai sinh ra các dải ngân hà, các hố đen vũ trụ, các vì sao, các hành tinh, và các thành phần hạ nguyên tử. Tuy nhiên, theo quan điểm Phật giáo, ngoài ra còn có vấn đề quan trọng về vai trò của hữu thức. Ví dụ, cả hai học thuyết vũ trụ Kalachakra và Abhidharma đều cho rằng sự hình thành nên một hệ thống vũ trụ nào đó có quan hệ mật thiết với những xu hướng nghiệp của các sinh linh. Nói cho dễ hiểu theo ngôn ngữ hiện nay, hai học thuyết vũ trụ Phật giáo này muốn nói rằng hành tinh của chúng ta đã tiến hóa nhằm hỗ trợ sự sinh tồn của vô số những sinh linh đang tồn tại trên trái đất này ngày nay.

Qua việc dẫn chứng về nghiệp, tôi không có ý muốn nói rằng theo như quan điểm Phật giáo thì tất cả mọi đối tượng đều được hình thành bởi luật nhân quả đâu nhé! Chúng ta phải phân biệt giữa quan hệ nhân quả tự nhiên, một điều kiện nào đó sẽ đem lại một số kết quả nào đó, và quy luật về nghiệp thì một hành vi cố ý nào đó sẽ đem lại một kết quả nào đó. Vì thế, ví dụ, nếu một đống lửa bị bỏ lại trong một khu rừng và cháy lan vào những đám cỏ, dẫn đến việc cháy rừng, thì một khi những thân cây bị cháy, chúng sẽ bốc lửa, bốc khói, tạo ra than, đây là một quá trình vận hành của tự nhiên trong quan hệ nhân quả. Trong trường hợp này hoàn toàn không có gì liên quan đến “nghiệp” cả. Nhưng một người quyết định đốt một đống lửa và quên dập tắt nó - điều này sẽ tạo thành một chuỗi những sự kiện gắn liền với nhau - trường hợp này là một ví dụ về quy luật nghiệp.

Quan điểm của tôi là, toàn bộ quá trình tìm hiểu căn nguyên của vũ trụ là một vấn đề có liên hệ mật thiết với quy luật nhân quả của tự nhiên. Tôi mường tượng rằng trong trường hợp này thì quy luật về nghiệp xuất hiện ở hai điểm. Khi vũ trụ đã phát triển tới một giai đoạn mà có thể hỗ trợ cho sự sống của mọi sinh linh, thì số mệnh của nó có liên hệ đến nghiệp của những sinh linh đang tồn tại trên nó. Ngoài ra còn có sự can thiệp của quy luật về nghiệp ở mức độ tinh vi hơn, nghiệp chướng của các sinh linh tồn tại trên vũ trụ sẽ tác động trực tiếp đến nghiệp của vũ trụ này.

Khả năng phân biệt được đâu là quan hệ nhân quả và đâu là nghiệp, theo truyền thống Phật giáo, được cho là chỉ có ở bậc toàn trí toàn thức. Vấn đề ở đây là, làm thế nào để hòa hợp hai lối giải thích - một là, bất kỳ một hệ thống vũ trụ nào và bất kỳ một sinh linh nào tồn tại trên vũ trụ đó cũng đều xuất nguồn từ nghiệp, và hai là, có một mối quan hệ nhân quả của tự nhiên trong sự xuất hiện của các đối tượng đó. Các bài kinh Phật giáo xa xưa cho rằng vật chất và ý thức là hai mặt của mọi vấn đề, chúng có mối quan hệ lẫn nhau tùy thuộc vào toàn bộ quá trình quan hệ nhân quả giữa chúng.

Triết học Phật giáo cho rằng có bốn quy luật chính chi phối toàn bộ vũ trụ - quy luật về tự nhiên, quy luật về sự phụ thuộc, quy luật về sự vận hành hoạt động, và quy luật về tính hiển hiện. Vậy thì câu hỏi đặt ra là, bốn quy luật này (bốn quy luật cấu thành mọi quy luật của tự nhiên theo như triết học Phật giáo) có tồn tại độc lập với quy luật nghiệp chướng của những sinh linh tồn tại trên vũ trụ mà chúng đang vận hành? Vấn đề này cũng giống như vấn đề được đặt ra trong mối quan hệ giữa các quy luật vật lý hoàn toàn khác ở một vũ trụ khác không, hay các quy luật vật lý mà chúng ta đã biết luôn luôn đúng ở tất cả mọi vũ trụ? Nếu câu trả lời là, một tập hợp các quy luật vật lý khác có thể vận hành ở một vũ trụ hoàn toàn khác, nếu thế thì điều này cho thấy (theo khía cạnh triết lý Phật giáo) rằng thậm chí ngay cả các quy luật vật lý cũng có liên hệ với nghiệp của các sinh linh xuất hiện trong vũ trụ hoàn toàn khác đó.

Thậm chí ngay cả khi tôi đã được lĩnh hội tất cả những học thuyết khoa học tinh vi về căn nguyên của vũ trụ, thì tôi vẫn băn khoăn bởi những câu hỏi lớn này: Cái gì đã tồn tại trước vụ nổ big bang? Vụ nổ big bang xuất nguồn từ đâu? Cái gì đã gây nên vụ nổ này? Tại sao hành tinh của chúng ta lại có thể là nơi tồn tại sự sống?

Đâu là mối quan hệ giữa vũ trụ và những sinh linh gắn liền với nó?

Các nhà khoa học có thể lướt qua các câu hỏi này và xem chúng là những câu hỏi vô nghĩa, hoặc họ có thể thừa nhận tầm quan trọng của chúng nhưng vẫn phủ nhận rằng chúng thuộc về phạm vi giải quyết của khoa học. Tuy nhiên, cả hai lối phản ứng này đều cho thấy rằng kiến thức khoa học của chúng ta về căn nguyên của vũ trụ vẫn còn đang bị giới hạn rất nhiều. Tôi không phản đối quan điểm duy vật của mọi người. Và trong Phật giáo thì, vũ trụ này được xem là vô hạn, vô chung vô thủy, vì thế tôi rất vui khi được tham gia tìm hiểu về những gì vượt xa hơn vụ nổ big bang đó và tìm hiểu về những gì đã xuất hiện trước cả vụ nổ big bang này.

-----o0o-----

Trích: Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử

Tác giả: Dalai Lama 14th

Dịch: Lê Tuyên

NXB: Hồng Đức – 2016

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan