XIN KHAI THỊ CÁCH CỞI MỞ NÚT - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

XIN KHAI THỊ CÁCH CỞI MỞ NÚT

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Tự tâm bám giữ tự tâm là cái Minh, cái Giác vốn toàn nguyên, vốn là một, nhưng một khi vô minh tham bám khởi lên, bèn phân là hai, năng minh năng giác và sở minh sở giác.
XIN KHAI THỊ CÁCH CỞI MỞ NÚT - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Như Lai từng nói nghĩa quyết định thứ hai, nhưng nay con xem những người mở nút trong thế gian, nếu không biết gốc nút ở đâu thì con tin người ấy rốt cuộc không thể mở được.

Bạch Thế Tôn, con và hàng Thanh Văn hữu học trong hội cũng giống như vậy. Từ vô thủy đến nay chúng con cùng với các thứ vô minh cùng sanh cùng diệt. Tuy được thiện căn đa văn như vậy, tiếng là người xuất gia mà cũng như người sốt rét cách nhật.

Cúi mong Thế Tôn đại từ thương xót kẻ chìm đắm mà chỉ bày cho, giờ đây nơi thân tâm thế nào là nút, từ đâu mà cởi? Cũng khiến cho chúng sanh khổ nạn đời sau được khỏi luân hồi, không rớt vào ba cõi.

Nói lời ấy rồi, tất cả đại chúng năm vóc gieo xuống đất, khóc lóc thành khẩn, mong chờ sự khai thị vô thượng của Như Lai.

 

Cùng với các thứ vô minh cùng sanh cùng diệt, để cho phiền não chướng và sở tri chướng kết thành ràng buộc thắt nút bên trong và bây giờ làm sao cởi mở kết thắt ấy, bắt đầu từ chỗ nào?

Nghĩa quyết định thứ nhất là tánh giác vốn sẳn có đang tỏa chiếu qua suốt thân tâm. Đi từ nghĩa này là phá thấu từ trong ra ngoài.

Nghĩa quyết định thứ hai là phiền não kết tập nơi sáu căn. Phiền não kết tập hội hợp các thứ sanh diệt mà thành, nên có thể phá tan. Đi từ nghĩa này là đánh phá từ ngoài vào trong.

 

SÁU CĂN LÀ MỐI NÚT CỦA SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN

 

Bấy giờ, Thế Tôn thương xót A Nan và đại chúng các hàng hữu học trong hội, cũng vì tất cả chúng sanh đời vị lai mà hiển bày cái nhân xuất thế và làm đạo nhãn cho tương lai. Ngài dùng tay sắc vàng sáng ngời xoa đỉnh đầu A Nan. Tức thời khắp các thế giới chư Phật mười phương rung động sáu cách. Các Như Lai nhiều như vi trần trụ các thế giới ấy, mỗi ngài đều có ánh sáng báu từ đảnh đầu phóng ra. Các ánh sáng đó cùng lúc từ các cõi kia phóng đến rừng Kỳ Đà chiếu soi đỉnh đầu Như Lai. Tất cả đại chúng được sự chưa từng có.

Lúc đó A Nan và cả đại chúng đều nghe mười phương các đức Như Lai nhiều như vi trần, khác miệng đồng lời, dạy A Nan rằng: Lành thay, A Nan! Ông muốn biết cái câu sanh vô minh, gốc thắt nút sanh tử khiến ông lưu chuyển, đó chính là sáu căn của ông chứ chẳng phải vật gì khác. Ông lại muốn biết Giác ngộ vô thượng, khiến cho chóng chứng tánh diệu thường, giải thoát, tịch tịnh, an lạc thì cũng là sáu căn của ông chứ chẳng phải vật gì khác.

 

Cùng một rung động sáu cách, cùng một ánh sáng, cùng lời khác miệng, cho thấy sự đồng nhất của chư Phật. Năng lực của một đức Phật là năng lực của tất cả chư Phật. Ánh sáng của một đức Phật là ánh sáng của tất cả chư Phật. Lời của một đức Phật là lời của tất cả chư Phật.

Qua đây có thể thấy Phật, Pháp, Tăng là thống nhất và thường trụ khắp cả pháp giới.

Câu sanh vô minh, vô minh cùng sanh, gốc thắt nút sanh tử, chính là sáu căn của ông chứ chẳng phải vật gì khác. Chứng Giác ngộ vô thượng cũng là sáu căn của ông chứ chẳng phải vật gì khác. “Chứ chẳng phải vật gì khác”, lập lại để nhấn mạnh sanh tử bất hạnh hay Niết bàn an lạc chính là cái này, ở đây, bây giờ chứ không phải nơi nào khác, lúc nào khác.

Sanh tử hay Giác ngộ đều nằm ngay nơi sáu căn. Sống mà không thắt nút nơi sáu căn thì đây là giải thoát, giác ngộ.

 

A Nan tuy nghe được pháp âm như thế, tâm còn chưa rõ, cúi đầu bạch Phật: Tại sao cái khiến cho con sanh tử luân hồi hay diệu thường an lạc cũng chính là sáu căn, chứ chẳng phải vật gì khác?          
Phật bảo A Nan: Căn, trần đồng nguồn; buộc mở không hai. Tánh thức hư vọng, giống như không hoa.

A Nan, do trần mà phát ra cái biết của căn, nhân căn mà có tướng của trần, tướng và cái thấy không có tự tánh, giống như lau gác nhau.

 

Căn và trần đồng nguồn, cùng trên một nền tảng Như Lai tạng diệu chân như tánh. Căn, trần đồng nguồn, vì thật ra, căn trần là sự ánh hiện của ánh sáng thường trụ hiện tiền.

Buộc và mở (thoát) không hai, cũng trên một nền tảng tánh Không vô tự tánh. Buộc mở không hai, vì trong hư không chưa từng có một thắt nút nào cả. Làm sao lấy hư không thắt nút được hư không?

Căn, trần, nương nhau mà có rồi sanh ra thức. Cả ba và con người, thế giới đang thấy được đều không có tự tánh giống như các nhánh lau gác nhau. Thấy được nền tảng vô tự tánh này, thì thắt nút sanh tử liền mở thoát, vì các căn thật có thắt nút bao giờ đâu.

‘‘Căn trần đồng nguồn, buộc mở không hai’’, hãy tham thiền về hai câu này, bất kể thời gian bao lâu, cho tới lúc thấy biết trực tiếp cái ‘‘đồng nguồn’’ này là thế nào, cái ‘‘không hai’’ là cái gì.

Thế nên ngay giờ đây chính nơi ông, thấy biết mà lập ra thấy biết, đó là cội gốc vô minh. Thấy biết mà không có thấy biết, đây là Niết bàn chân tịnh vô lậu. Làm sao trong này lại còn có vật gì khác?        
 

“Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn. Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn”. Ngay nơi thấy biết mà lập ra một chủ thể biết và một đối tượng được biết, đó gọi là gốc vô minh. Ngay nơi thấy biết mà không có chủ thể thấy và đối tượng được thấy, đây tức là Niết bàn vô ngã vô pháp.

Ngay nơi thấy biết bình thường mà không lập ra một tướng thấy biết dư thừa nào thêm nữa, không tướng ngã nhân chúng sanh thọ giả, không tướng sanh tử hay Niết bàn, bấy giờ cái thấy biết trở lại cội nguồn của nó, bao la không cùng, sâu thẳm không đáy. Cái thấy biết bấy giờ là cái thấy biết của cội nguồn, từ cội nguồn, không bị tướng nào làm chướng ngại, méo mó, là sự “chiếu hiện” thuần túy không có tướng. Đây là tánh thấy, tánh biết.

Xưa nay vẫn chỉ là “thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới”, “làm sao trong này lại có vật gì khác?”, đây là chánh định, chánh quán hay tánh định tánh quán của Như Lai tạng diệu chân như tánh.

Cho nên sống mà ‘‘tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn’’ thì luôn luôn sống trong Niết bàn.

 

Bấy giờ Thế Tôn muốn nói lại nghĩa này nên nói kệ rằng:

(Trong) chân tánh, hữu vi (là) Không

Duyên sanh nên như huyễn

Vô vi, không (có) khởi diệt

Chẳng thật, như không hoa.
 

Trong chân tánh các pháp hữu vi do duyên sanh nên vô tự tánh, và vì vô tự tánh nên là tánh Không. Tánh Không là Niết bàn. Vô vi, là không được làm ra, không tạo tác; đây cũng là từ dùng để dịch chữ Niết bàn.

Các pháp hữu vi là tánh Không, vô vi, vốn không tạo tác nên không khởi không diệt. Chúng ở trong chân tánh, mà chân tánh thì không sanh không diệt, nên chúng không sanh không diệt, vô vi, vô sanh như chính Niết bàn tánh Không.

Nếu thấy chúng có sanh thì cái thấy ấy như huyễn, nếu thấy chúng có diệt thì cái thấy ấy như thấy hoa giữa hư không.

“Thấy biết mà không có tướng thấy” nghĩa là thấy biết cái không có tướng sanh diệt, đây là thấy biết vô sanh.

Cái thấy biết vô sanh này chính là tánh thấy biết. Tánh thấy biết thì nhìn đâu cũng là giải thoát, Niết bàn, bởi vì nhìn đâu cũng thấy vô sanh.

Thấy các pháp hữu vi là duyên sanh nên như huyễn, vô vi, không khởi diệt, vốn tự giải thoát, thấy như thế là đang ở trong Niết bàn.

 

Nói vọng để hiển chân

Vọng, chân đều là vọng

Còn không (phải) chân, phi chân

Lấy đâu kiến, sở kiến?
 

Nói như huyễn, nói không hoa là nói vọng để hiển chân, hiển cái “chẳng phải huyễn”, cái như hư không thường trụ. Nhưng phân chia vọng với chân thì sự phân chia ấy cũng là hư vọng. Cái như huyễn có bao giờ lìa cái chẳng phải huyễn mà có? Cái không hoa có bao giờ lìa hư không mà có? Và cái huyễn, cái không hoa chưa bao giờ từng có. Vọng, chân đều là tưởng phân biệt nên đều là vọng.

Khi chân, vọng (hay chẳng phải chân) không được phân chia theo giả danh, khi tất cả đều là chân (tức là) hay khi tất cả đều là vọng (chẳng phải) thì lấy đâu ra để phân chia cái thấy hay người thấy và cái được thấy?

Không có cái thấy và cái được thấy, như hư không không thể phân chia, thì đây là tánh thấy hay Niết bàn “giải thoát, tịch tịnh, an lạc”.

 

Ở giữa không thật tánh

Nên như lau gác nhau

Thắt cởi đồng chỗ nhân

Thánh phàm không hai lối.

Xem giữa tánh giao nhau

Có, không đều chẳng phải

Mê lầm là vô minh

Phát minh liền giải thoát.
 

Ở giữa là giữa cái thấy và cái được thấy, giữa cội nguồn tánh thấy và các tướng hữu vi tưởng là bên ngoài. Tất cả những cái ở giữa, cái trung gian ấy không có tự tánh, giống như những cây lau gác nhau. Khi tất cả những cái ở giữa, những căn trần thức đều được thấy rõ ràng là vô tự tánh không còn gì chướng ngại, thì cái thấy và cái được thấy là một, tánh thấy và tướng được thấy là một, một “cội nguồn sáng suốt rực rỡ”.

Thắt buộc thành nút và cởi mở nó đồng chỗ nhân, nghĩa là cởi hay buộc đều ở nơi nền tảng tánh Không như hư không. Thắt buộc hư không tưởng rằng nó thành nút kết đó là mê lầm, là vô minh. Còn đã lở thắt nút mà muốn cởi thoát thì chỉ nhìn ngay nút thắt ở nơi chỗ nhân hư không của nó. Tánh giao nhau, nút thắt giữa hư không thì có, không đều chẳng phải vì vô tự tánh. Nút thắt là vô tự tánh, hãy quán chiếu vô tự tánh cho đến ngày cái tưởng nút thắt ấy vở tung ra, nút thắt tan biến như chưa hề có.

Phát minh là phát minh sự vô tự tánh, sự không có thật của nút thắt và của “giữa tánh giao nhau”. Thấy được nút thắt chưa hề có, chưa hề có sự giao nhau của cái gì với cái gì, đó là “liền giải thoát”.

 

Mở nút nhân thứ lớp

Sáu mở, một cũng tiêu

Nơi căn chọn viên thông

Vào dòng, thành Chánh giác.

 

Mở nút nhân thứ lớp, mở nút là công phu tu hành, nhanh hay chậm là tùy theo đức tin, trí huệ, thiện căn, công đức, thệ nguyện, lòng bi đối với chúng sanh…. Tùy theo mở nút được đến đâu, sự thanh tịnh bổn nguyên hiện ra đến đó. Những thứ lớp thanh tịnh này là những cấp bậc của con đường Bồ tát.

Khi sáu căn đã mở thoát, thì cái một, cái được xem là nguồn gốc, nền tảng của sáu căn cũng tiêu mất, không còn. Như khi mở thoát được hoa đốm thì tất cả là hư không, không trung tâm, không xứ sở. Hư không vô biên, làm sao có thể gọi là một hay nhiều? Khi năm thức giác quan, thức thứ sáu ý thức, thức thứ bảy chấp ngã đã được mở thoát thì thức chứa bảy thức trước là Tạng thức hay A Lại Da thức hay A Đà Na thức cũng được mở thoát, vô biên, vô hạn. Ngược lại, thức thứ tám thanh tịnh tới đâu thì bảy thức trước cũng thanh tịnh tới đó, vì tám thức là đồng khởi và đồng diệt.

Vào dòng, dòng ở đây là Pháp tánh, Pháp thân, tự tánh Niết bàn. Vào được Pháp thân thì giải thoát, giác ngộ là tất yếu, chỉ có điều nhanh hay chậm là tùy người, tùy các thiện căn, các ba la mật, trí huệ, đức tin và nỗ lực…

Vấn đề là ngay giờ đây chúng ta có thấy được chỗ “sáu mở một cũng tiêu” hay không. Thấy được tức là thấy nhân địa tu hành để an tâm đi tiếp.

 

Thức Đà Na vi tế

Tập khí thành dòng xiết

E lầm chân, phi chân

Ta thường chẳng khai diễn.
 

Thức A Đà Na tức là thức thứ tám A Lại Da. Nó chảy thành dòng mà nước là những tập khí, những chủng tử.

Chân, bởi vì nó vốn là Am ma la thức hay Bạch tịnh thức mà bị ô nhiễm thành thức thứ tám. Phi chân, bởi vì cũng là một thức ấy nhưng khi đã bị ô nhiễm thì chẳng phải là chân nữa.

Sự lầm lẫn vi tế là chưa hoàn toàn thanh tịnh (phi chân) nhưng cho là thanh tịnh (chân) mà không biết tập khí còn chảy bên dưới bèn sớm dừng công phu. Thế nên khi đã ngộ được Pháp thân, ngài A Nan vẫn cầu xin Phật xét trừ cho lầm vi tế.

 

Tự tâm bám (giữ) tự tâm

Chẳng huyễn, thành pháp huyễn

Không bám, không (có) chẳng huyễn

Chẳng huyễn còn chẳng sanh

Pháp huyễn làm sao lập?

 

Tự tâm bám giữ tự tâm là cái Minh, cái Giác vốn toàn nguyên, vốn là một, nhưng một khi vô minh tham bám khởi lên, bèn phân là hai, năng minh năng giác và sở minh sở giác. Chính sự bám giữ liên tục này tạo thành sức mạnh cho dòng chảy các tập khí của thức A Đà Na.

Sự bám giữ cái chính là mình này đã phân chia thực tại thành năng và sở, ngay khi một niệm bất giác ấy, cái chân, cái chẳng phải huyễn trở thành pháp huyễn. Tự tâm bám giữ tự tâm, Bạch tịnh thức chẳng phải huyễn thành ra A Lại Da thức như huyễn vì có nhiễm ô.

Nếu không có bám giữ thì ngay cả Bạch tịnh thức chẳng huyễn này cũng không có, vì không cần phải lập thành danh tướng đối đãi. Bạch tịnh thức hay Như Lai tạng thanh tịnh này còn chẳng sanh, vốn là Vô sanh thì có cái gì, có tướng nào để lập ra cái gọi là pháp huyễn, và rồi, pháp chẳng huyễn?

Thành thử, như câu kệ ở trên: “Nói vọng (A Lại Da) để hiển chân (Bạch tịnh thức); vọng, chân đều là vọng; còn không chân, phi chân; lấy đâu kiến, sở kiến?”

Tự tâm không bám tự tâm, đó là cái gì mà sờ sờ trướcmắt?

 

Đó là diệu liên hoa

Bảo giác kim cương vương

Như huyễn Tam ma đề

Khảy ngón (tay) vượt (hàng) Vô học.

Đây là pháp vô thượng

Một đường đến Niết bàn

Của mười phương chư Phật.

 

Như huyễn tam muội là quán huyễn đối với những bám giữ tạo thành những che chướng giữa năng minh và sở minh, giữa năng giác và sở giác. Khi hết các bám giữ vàonhững tướng che chướng ấy, năng minh hợp nhất với sở minh để chỉ còn một tánh giác bất khả phân. Như Luận Đại Thừa Khởi Tín nói Thủy giác hợp nhất với Bản giác vậy.

Bám giữ chính là vô minh căn bản, từ đó tạo thành sự chia cắt giữa năng minh và sở minh và vô số tướng ngăn che giữa tâm cội nguồn và cảnh cành lá. Những ngăn che này gọi chung là phiền não chướng và sở tri chướng tạo thành thân phận chúng sanh. Quán như huyễn là vô hiệu hóa mọi ngăn che này để ánh sáng cội nguồn thông suốt đến cảnh và gọi là tâm cảnh nhất như. Đây gọi là chuyển tám thức bám giữ thành Bốn trí giải thoát: Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí, Thành sở tác trí.

Quán như huyễn phá tan các chướng ngại bám giữ theo tiến trình “Chẳng phải” trong đoạn Đức Phật chỉ Như Lai tạng đều “chẳng phải” tất cả và đều “tức là” tất cả, để cuối cùng vượt khỏi các nghĩa “tức” và “phi” và cũng là “tức” là “phi”.

Như vậy quán như huyễn thấy “chẳng phải” đến đâu thì cái chân thật “tức là” hiện ra đến đó. Để cuối cùng chỉ một Như Lai tạng diệu chân như tánh vượt khỏi “chẳng phải” và “tức là”. Văn Thù nguyên là Văn Thù, không có Văn Thù nào “tức là” Văn Thù hay “chẳng phải” Văn Thù, không có một khe hở phân biệt nào để có thể nói chỗ ấy hiện tiền là Văn Thù hay chẳng phải Văn Thù.

“Như huyễn Tam ma đề, khảy ngón tay vượt hàng Vô học” là điều mà Kinh Viên Giác nói trong chương Bồ tát Phổ Hiền thứ 2: “Biết huyễn tức lìa, chẳng khởi phương tiện. Lìa huyễn là giác, cũng không thứ lớp”.

---oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan